Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống”. Cái
chết không loại trừ bất cứ ai. Từ đông sang tây không một ai hiện hữu mà không
một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexander
Đại đế. Tài giỏi, quyền uy, tất cả cũng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi
chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.
Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của đời người. Con
người từ khi sinh ra đã tập chia tay. Chia tay từng tuổi đời để tiến đến tuổi
trưởng thành hơn hay già đi và chết đi. Chia tay những con người đang sống với
chúng ta trong thời gian ngắn, dài hay vĩnh viễn. Và trong số họ cũng có không
ít người là thân nhân, là bạn bè của chúng ta.
Người Ki-tô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách
trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Sự sống lại của Chúa là lời
mạc khải về sự sống đời sau. Cái chết là hậu quả của tội lỗi con người như
thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vì một người
mà tội lỗi đã vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế, sự chết đã lan
tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Thế nhưng, sự
sống lại trường sinh lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái
chết của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.
Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa không tạo dựng con người để chết
mà là để sống, cho dù tội lỗi có phá hủy chương trình của Chúa thì Ngài cũng
tìm mọi cách để khôi phục lại sự sống đời đời cho con người. Đức Ky-tô khi
xuống thế làm người đã phục hồi lại những gì đã tan vỡ. Chính Ngài đã lãnh lấy
sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Qua sự phục
sinh của Ngài đã khai mở một mùa xuân hy vọng cho con người nếu cùng chịu chết
với Người thì cũng sẽ được sống lại với Người.
Sự phục sinh của Chúa Giê-su được Phúc Âm ghi lại qua những
lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục
sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống. Một nơi đã chôn cất xác
Chúa nhưng ngày thứ ba dù quân lính canh gác, dù tảng đá nặng trĩu vẫn không
còn xác Chúa. Nơi nấm mồ ấy không còn là dấu chỉ sự chết mà là dấu chỉ của sự
sống. Vì Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ.
Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy
vọng cho kiếp người chúng ta. Kiếp người chúng ta không có tận cùng. Kiếp người
chúng ta sẽ được sống mãi trong sự sung mãn của Chúa. Cái chết chỉ là một
chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô.
Cùng chết với Đức Ki-tô nghĩa là cùng chết đi con người cũ
với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con
người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi
mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa
được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc
lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua
tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét