Translate

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

THẾ NÀO LÀ CHO ĐI

“Kết bạn với Mammon bất công” là một trong những từ ngữ bí nhiệm mà Chúa Giêsu đã nói. Rất nhiều người không hiểu được lời này. “Mammon” là một tiếng gốc gác Syria có nghĩa là tiền bạc, và thường đi kèm trong thành ngữ “Mammon bất công” bởi vì loài người, như Chúa Giêsu nói, thường sử dụng tiền của để đeo đuổi những mục tiêu bất công và gian ác. Nếu như biết nói, hẳn tờ bạc ta đang bọc trong túi sẽ kể lại cho ta hay cuộc đời của nó, nào là người ta đã sử dụng nó ra sao, đã bán chác thế nào, đã dùng nó để gây nên những tội lỗi nào.v.v… Chúa dạy rằng người nào làm đầy tớ cho tiền bạc rồi sẽ có lúc thất bại. Thần chết nhắn với hết thảy người đời rằng: “Đã đến lúc ngươi không thể cúi lưng làm tôi đòi cho tiền tài được nữa, giờ chết của ngươi đã đến!” Và rõ ràng là tiền tài không thể mang theo qua thế giới bên kia được.

Vậy Chúa dạy ta sử dụng tiền bạc như thế nào? Hãy san sẻ tiền bạc cho kẻ túng thiếu, bởi lẽ hễ bạn cứu giúp họ qua cơn ngặt nghèo, ấy là bạn đã kết thân được với những người bạn sẵn lòng giúp bạn rỗi linh hồn. Dĩ nhiên người ta chẳng thể dùng tiền để mua được nước thiên đàng, nhưng tiền bạc có thể giúp ta tìm được bạn hữu nâng đỡ ta khi ta thất bại. “Những gì các ngươi làm cho người anh em bé mọn nhất, ấy là các ngươi đã làm cho Ta”. Những kẻ được Ta đoái lòng nhân từ thương xót hẳn sẽ cung xưng ra trước ngai phán xét rằng: “Thưa Chúa, đây chính là người chúng con đã nói đến. Người này thuở còn sinh thời vẫn ra tay giúp đỡ chúng con rất nhiều”.

Khi du lịch tới xứ nào, ta đều phải đổi tiền xứ ấy để dùng. Cũng vậy, ta phải đổi của cải đời này thành của cải thiêng liêng ở đời sau “không hề bị rỉ sét, mối mọt hay bị trộm cắp đi được”.

Thế những kẻ chẳng hề ra tay bố thí thì sao? Họ có tâm lý là cóp nhặt càng nhiều của cải càng tốt. Họ quý báu từng xu một. Nhưng câu trả lời cho họ là mọi người đều được tạo dựng để hướng tới Đấng Vô Biên là Thiên Chúa. Thế mà chỉ vì mù quáng bởi tội lỗi hoặc thiên kiến, lý trí họ đã thay Thiên Chúa bằng tiền của, mà họ cho là vô hạn. Họ càng lúc càng muốn có nhiều hơn, thay vì muốn được sống cuộc đời bên Chúa. Người ta có vô số tóc trên đỉnh đầu, nhưng nhổ đi một sợi cũng đủ gây đau đớn. Một người dù giàu có ức triệu mà mất đi một xu, y cũng xót ruột lắm. Y biết rằng “mình không thể đem theo tiền tài được” nên y chối nhận có đời sau.

Người Kitô hữu phải biết dùng tiền bạc để chuẩn bị cho đời sống ở thiên đàng. Có một phú hộ bảo người tớ gái hái hoa quả trong vườn đem biếu hàng xóm, để nhờ vậy mà kết thân với họ. Như thế, tiền tài (mà tiếng Anh là wealth) đã tỏ ra xứng hợp với nguyên ủy của nó, là sự an lạc (weal).

Có một câu chuyện về một phụ nữ giàu có sau khi chết bà được thánh Phêrô chỉ cho thấy ngôi dinh thự nguy nga của người tài xế của bà. Bà liền bảo “Ôi chao, nhà của y mà đồ sộ thế, chắc hẳn dinh cơ của con còn lộng lẫy ghê lắm!” Nhưng thánh Phêrô chỉ cho bà một cái chòi xơ xác hơn và nói với bà: “Đó là nhà của bà”. Bà thốt lên: “Nhà như thế làm sao con ở được?” Thánh Phêrô trả lời: “Thưa bà, với những vật liệu bà đã gửi lên cho ta, ta dựng được cái chòi như thế là khá lắm rồi đấy!”

Người ta dâng cúng rất nhiều tiền của, nhưng dùng tiền của để phục vụ linh hồn lại rất ít ỏi. Họ thường hiến tặng tiền của để tên tuổi mình được gắn trên biển vàng bệnh viện, đại học… Người ít học lại thường đỡ đầu tiền bạc cho các thư viện để làm ra vẻ ta đây là người có học hành. Chúa dạy “Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm”. Như thế ta biết thêm nguyên tắc thứ hai này: khi cho tặng, ta phải có ý tốt lành. Nếu nhân danh Đức Kitô ta cho kẻ khác chỉ một cốc nước lã thì cũng được Chúa thưởng cho gấp trăm lần.

Cách đây nhiều năm, nhân lễ Têrêxa, người ta mở cửa tu viện dòng kín cho công chúng vào xem, nhiều người tò mò đổ xô vào để xem các nữ tu hiến mình sống thinh lặng, chiêm niệm và đánh tội. Một người không hiểu gì về cuộc sống dòng kín đã gọi một nữ tu trẻ đẹp và chỉ cho một tòa nhà lộng lẫy bên kia đồi, và bảo rằng: “Này chị, nếu như có được tòa nhà sang trọng đó, và có được cuộc sống an lạc, xa hoa, liệu chị có bỏ mình để vào tu dòng kín không?” Chị đáp: “Thưa ông, dinh cơ đó trước kia là của tôi đấy!”


Người ta đã bố thí rất nhiều một cách vô ích vì họ không làm việc đó để phục vụ linh hồn. Thế gian cho rằng những gì cao cả nhất phải được sử dụng để được những gì hèn hạ nhất, ví dụ như dùng trí tuệ để tạo ra của cải dư dật. Người con của Chúa lại cho rằng những gì thấp hèn phải được sử dụng để phục vụ cho những gì cao cả, nghĩa là ta phải dùng tiền bạc để phục vụ Chân Lý, để an ủi kẻ hoạn nạn, cứu chữa người bệnh hoạn, để cứu vớt các linh hồn. Để trả lời cho câu nói: “Ngươi chẳng thể nào đem theo được”, ta có câu: “Được chứ, miễn là ngươi biết từ bỏ”. Như thế ngươi sẽ được thưởng công trong cuộc sống mai hậu.

SỐNG TINH THẦN PHỤC VỤ

Khát vọng được nổi bật là một trong các nguyên lý triệt để nhất trong tự nhiên. Dù ta cố sức đè nén chôn vùi đi, nó cũng tìm cơ hội để ngoi trồi lên. Nỗi đam mê này mãnh liệt nhất khi người ta bước vào tuổi trung niên. Tuổi thanh niên thì ham mê khoái lạc, còn tuổi già thì yêu thích lợi lộc. Ngược lại với tinh thần vị kỷ, tư lợi là lý tưởng sống hữu dụng và tinh thần phục vụ. Người có tâm hồn vĩ đại là kẻ tuôn tràn lòng nhân ái khắp cả thế gian. Người có tâm trí cao cả là kẻ đánh động toàn thế giới bằng những tư tưởng tinh tuyền. Chúa chúng ta đã chỉ cho ta hay biết về sự cao trọng khi Ngài bảo rằng Ngài đến không phải để được người khác phụ vụ, mà là để phục vụ người khác. Tinh thần phục vụ này phải xuất phát từ một dòng suối yêu thương vô hạn.

Yêu thương và phục vụ đi liền với nhau. Phục vụ là biết quên mình đi. Người ta phải có tâm hồn hết sức cao cả mới có thể giúp đỡ tha nhân ngày này qua ngày khác, dù có bị xỉ vả, chối bỏ vẫn ân cần giúp đỡ và không màng chi đến lời khen của anh em. Tinh thần phục vụ này không thể mua đi bán lại được.

Nếu không có tinh thần yêu thương thì khi ra tay phục vụ anh em, ta không thể lướt thắng được các khuynh hướng sai lạc do bản tính con người gây ra. Cách đây hơn 2000 năm, Aristote đã nhận xét rằng hết thảy các thiên hướng hèn kém gặp thấy nơi con người đều do tính khí và ước muốn của họ, nghĩa là tính khí xấu và ước muốn xấu. Không có loại này thì cũng có loại kia, đôi khi chúng xuất hiện vào những thời gian khác nhau trong suốt đời người. Và người ta chỉ sửa chữa được những thiên hướng này khi họ biết coi việc phục vụ là vâng phục thánh ý Chúa.

Tiên vàn, nó giúp ta sửa đổi được tính kiêu căng và tự cao. Kẻ nào tự nguyện phục vụ thì chẳng thể để cho mình có tính ích kỷ được. Họ vẫn ráng tìm cách phục vụ tử tế hơn. Còn kẻ tự cao là kẻ bao giờ cũng bắt kẻ dưới phải coi y là quan trọng và dần dà y sẽ trở nên độc tài. Trái lại, lòng ân cần làm cái tôi trở nên nhỏ đi để cho tha nhân lớn vượt lên.

Sự ân cần nhân ái cũng uốn nắn được những ước muốn ngông cuồng. Ước muốn được gọi là ngông cuồng khi cho rằng cái tôi phải là trung tâm của mọi sự, và là nguyên lý mà hết thảy mọi người phải tuân phục. Thói xấu này có thể chữa trị tận gốc bằng cách chọn Thiên Chúa làm đối tượng cho ước muốn đó. Bấy giờ ta sẽ hy sinh các khoái lạc, xa xỉ để giúp đỡ kẻ túng quẫn và bất hạnh. Nhờ vậy, ta làm cho nhân cách ta thăng tiến rất nhiều vì ta tránh được những thú vui xác thịt làm băng hoại nhân cách.


Trong thế giới vật chất Thiên Chúa cũng đã đóng dấu ấn định các qui luật phục vụ thuận hảo. Hãy nhìn mây bay trên trời: chúng “chết” đi để làm ra mưa móc. Dòng suối nhỏ bé chẳng hề nổi giận hoặc phàn nàn gì khi hòa vào đại dương bao la. Cả đến núi non cũng có tinh thần phục vụ. Chúng như những bàn tay vươn cao hứng lấy mưa móc rồi phân phối lại cho đất đai, cây cối bằng những giòng suối trong lành. Thế đấy, mỗi giọt nước, mỗi làn gió thoảng thảy đều biết phục vụ đấy chứ! Những gì Thiên Chúa đã bắt thiên nhiên tuân phục thì Ngài cũng muốn chúng ta phải tuân giữ, với ý chí tự do Ngài ban cho ta. Nước non, mây trời, sông núi cho tới đất đai đều biết quên mình để giúp hạt giống nẩy mầm đâm chồi – hẳn sẽ lên tiếng công kích con người nếu y không biết quên mình phục vụ anh em đồng loại. Khi ta làm lành, mọi vật trong hoàn vũ trở nên tốt lành. Phục vụ tha nhân là hình thức phục vụ bản thân cao cả nhất. Con người càng tiến đến chỗ ân cần hào hiệp, họ càng được nhiều ân phúc. Cối xay gió sẽ ngưng quay nếu nước thôi chảy. Đoàn tàu ngừng lại nếu không còn nhiên liệu đốt cháy nơi buồng máy. Lòng từ thiện trên thế giới này sẽ suy thoái thành những chương trình mang tính chuyên nghiệp hoặc thành những con số thống kê vô hồn nếu ta quên đi lời Đấng đã phán: “Không tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của kẻ chết cho người mình yêu”.

ĐỂ ĐƯỢC SỐNG HẠNH PHÚC

Văn sĩ nổi tiếng người Ai-len, ông Oscar Quaide qua đời năm 1900 có để lại một câu chuyện ngụ ngôn với nội dung như sau:

Tại một trung tâm thành phố nọ có một pho tượng rất nổi tiếng đó là pho tượng của ông Hoàng hạnh phúc. Toàn thân ông được dát bằng những lá vàng hảo hạng, đôi mắt ông làm bằng 2 viên ngọc bích trong veo và chuôi kiếm của ông có gắn một viên hồng ngọc lớn, khuôn mặt ông đẹp như thiên thần, tự nơi ông toát ra hạnh phúc, thanh bình, sung mãn.

Một đêm kia, có một chú chim én nhỏ bay về phương nam để tránh mùa đông giá rét, trong khi tìm chỗ nghỉ qua đêm, chú nhìn thấy pho tượng. Nhưng đang lúc chú rúc đầu vào cánh, một giọt nước bỗng rơi xuống mình chú, tưởng là mưa, chú én định bay đi tìm chỗ khác, nhưng ngước nhìn lên nó hết sức ngạc nhiên bởi vì đó không phải là những giọt nước mưa mà là nước mắt của chính ông Hoàng, ông Hoàng giải thích cho chú én nghe:

- Ngày xưa khi còn sống và mang trái tim con người, ta không hề biết nước mắt là gì, ban ngày ta vui chơi, tối đến ta khiêu vũ đến sáng, ta không màng đến những gì xảy ra bên ngoài. Khi ta chết người ta dựng lên pho tượng này. Từ trên cao nhìn xuống, giờ đây ta mới thấy bao nhiêu thống khổ của người khác. Vì thế, tuy trái tim ta bằng chì, ta cũng không thể nào cầm được nước mắt. Nói xong, ông Hoàng chỉ cho chim én thấy một cái nhà tiều tụy trong góc phố, nơi đó có một bà mẹ đang cố gắng thêu một chiếc áo dạ hội cho một nàng cung nữ nào đó để mua một ít cam cho đứa con trai nhỏ đang lên cơn sốt. Ông Hoàng nhờ chim én gỡ lấy viên hồng ngọc lớn từ chuôi thanh gươm đến cho người đàn bà.

Sau khi hoàn thành công tác, chú én trở lại pho tượng và thốt lên: Tự nhiên tôi thấy ấm áp mặc dù trời rất lạnh. Ông Hoàng mới giải thích: Ðó là vì chú đã làm được một việc thiện.

Ngày hôm sau, con én chuẩn bị lên đường bay sang Ai Cập nơi đàn én đang chờ đợi nó, nhưng ông Hoàng lại nài nỉ nó ở lại với ông một đêm nữa, rồi ông chỉ cho nó một căn gác nhỏ, đây là căn gác của một văn sĩ nghèo, ông ta đang cặm cụi viết cho xong vỡ kịch nhưng trời quá lạnh mà nhà thì không có lò sưởi, văn sĩ cứ loay hoay mà không sao hoàn thành được tác phẩm. Ông Hoàng bảo chú én gỡ lấy một viên ngọc trong đôi mắt của ông và tặng cho văn sĩ, ông ta sẽ bán viên ngọc, lấy tiền mua củi để sưởi.

Hôm sau ông Hoàng lại nài nỉ chú én ở lại thêm với ông một đêm nữa, ông nhờ nó mang một viên ngọc còn lại trong mắt ông đến biếu cho một cô bé bán diêm. Ông Hoàng trở nên mù lòa, ông không còn thấy gì nữa. Thấy thế, chú én không nở bay đi, nó muốn trở thành đôi mắt cho ông nên nó bay lượn qua các ngã phố và về thuật lại cho ông nghe tất cả những nỗi thống khổ của người dân trong thành. Nghe thế, ông Hoàng bảo nó lấy từng lá vàng được dát trên thân ông và mang tặng cho những người đói khổ.

Những ngày sau đó, người dân trong thành phố nhìn lên pho tượng thấy một con chim én chết dưới chân ông Hoàng, còn ông Hoàng thì trông thê thảm không khác gì một gã ăn mày. Ông thị trưởng thành phố liền ra lệnh cho hạ pho tượng xuống và nung lại để lấy kim loại đổ đúc một pho tượng khác, lạ lùng thay trái tim bằng chì của ông Hoàng nhất định không chịu chảy ra.

Tác giả kết thúc câu chuyện như sau:

- Thiên Chúa đã sai sứ thần của Ngài xuống trần gian tìm hai vật quí giá nhất trong thành phố nói trên và dĩ nhiên sứ thần đã mang về trái tim của ông Hoàng và xác của con chim én. Thiên Chúa liền phán với sứ thần: Ngươi đã chọn lựa đúng. Chú chim nhỏ này sẽ mãi mãi ca hát trong vườn thượng uyển trên thiên quốc và trong thành phố bằng vàng của ta, ông Hoàng hạnh phúc sẽ muôn đời ca tụng danh Ta.

Chia Sẻ:

Câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. Sống thọ bao nhiêu rồi cũng phải chết, danh vọng bao nhiêu rồi cũng sẽ qua đi, cái tồn tại mãi mãi hẳn không phải là một pho tượng hay một cái xác ướp. Cái tồn tại mãi mãi là chính bản thân của chúng ta. Chiếm trọn cả thế gian mà mất chính bản thân thì được ích gì. Chúa Giêsu đã không cảnh cáo chúng ta sao. Mục đích của cuộc sống do đó chính là không đánh mất bản thân, không làm cho mình ra hư mất và để đạt được mục đích ấy Chúa Giêsu lại bảo chúng ta: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm lại mạng sống ấy.

Có chết lạnh cóng như chú chim én trên đây vì phục vụ, có biết gỡ bỏ hết tất cả những phù phiếm trong pho tượng để trao cho những người khốn khổ như ông Hoàng trong câu chuyện trên đây con người mới thật sự tìm gặp lại bản thân trong cuộc sống trường sinh.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, giữa những lao đao vất vả vì cuộc sống hằng ngày.

Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh mất hướng đi của cuộc sống và nhất là đánh mất chính bản thân vì một chút lợi lộc hay danh vọng phù phiếm.


Xin cho chúng con chỉ biết có mỗi một hạnh phúc trong cuộc sống là tìm lại được bản thân trong sự hiến thân vô vị lợi cho tha nhân. Amen.

CHÚA LẬP NHÓM 12

“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” – Mc 3,14

Thành phần của Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi - rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.”

Nhóm Mười Hai, gồm những người không giống nhau từ đời sống, nghề nghiệp và quan niệm chính trị… Nhưng các ông đã được ở với Chúa, chính nhờ sống với Chúa mà các ông đã nên một trong cùng một sứ vụ. Nhìn vào Nhóm Mười Hai, chúng ta liên tưởng đến các cộng đoàn tu sĩ nam nữ. Họ cũng vậy. Chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện cho họ được tràn đầy ơn Chúa. Ngày càng thánh thiện, để đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi.

Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:

(1) Không có ai nổi bật: về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.

(2) Là những con người yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện con người không dễ.

(3) Tính khí rất khác nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Trong sự quan phòng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không dựng nên mọi sự hoàn hảo và tốt đẹp ngay từ đầu; nhưng một cách tiệm tiến, mọi sự dần dần trở nên hoàn thiện. Ngài muốn chúng ta đừng tiếc nuối và níu kéo quá khứ; nhưng biết dùng trí khôn và mở lòng để đón nhận những mặc khải mới, và cố gắng để càng ngày càng trở nên tốt hơn.

Sự ghen tị là lý do ngăn cản đà tiến của nhân loại, chúng ta đừng để nó làm mờ mắt đến nỗi chúng ta không nhận ra thánh ý của Thiên Chúa; nhất là làm chúng ta mù quáng đến độ muốn tiêu diệt sự thật và giết hại những người lành.

- Chúng ta hãy tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hoàn hảo. Ngài luôn yêu thương và lo lắng mọi sự cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được sống gần Chúa qua các phép Bí tích, và luôn nhớ cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ đang sống trong các cộng đoàn.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được sống gần Chúa qua các phép Bí tích, và luôn nhớ cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ đang sống trong các cộng đoàn.

Lạy Cha, nếu cần con cộng tác với Cha trong bất kỳ việc gì, thì đây con sẵn sàng, mặc dù con chẳng tài đức gì. Con chỉ muốn bắt chước các tông đồ xưa, nghe Đức Giêsu kêu gọi, là «lập tức» bỏ tất cả mà đi theo, không suy nghĩ, đắn đo, tính toán. Xin ban cho con tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Cha trong mọi sự. Amen.

XIN ƠN SỐNG NĂM MỚI

Một năm đã khép lại, một trang sử mới của cuộc đời đang mở ra. Cái gì mới cũng làm cho chúng ta cảm thấy hứng khởi, hệt như ánh bình minh đang khai mở sức sống cho hành trình tiếp theo. Lòng ta đang háo hức đón chào những tia nắng đầu tiên của năm mới, đang vui hưởng bầu không khí trong lành của năm mới. Tiếng chim ca réo rắc, tiếng gió lùa du dương, những cánh én la đà giữa trời xanh như cũng đang vui niềm vui ngày tết. Những cành liễu đu đưa, đóa hoa tươi thơm ngát, bao ong bướm chập chờn dường như cũng hòa cùng ta niềm vui trong những ngày này. Ngày Tết, gia đình sum họp, dù đi làm ăn xa khắp tứ phương, ai ai cũng cố gắng về nhà để đoàn viên cùng mẹ cha, anh chị em, người thân, hàng xóm. Ta gửi cho nhau những câu chúc thật ngọt ngào, ta hy vọng những gì tốt đẹp nhất sẽ đến trong đời ta và những người ta yêu mến. Để có thể có được điều đó, bên cạnh việc đi thăm viếng nhau, vui chơi ca hát với nhau, chúng ta không thể không dành giờ ngước mắt lên trời cao, nguyên xin ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên ta trong những ngày đầu năm này.

Trước hết, có lẽ chúng ta nên một lần nữa tạ ơn Chúa vì Người đã thương ban cho chúng ta một mùa xuân tươi thắm. Cảm ơn Người đã bỏ qua cho chúng ta những lầm lỗi ta đã phạm trong quá khứ. Cảm ơn Người vẫn luôn yêu thương ta, luôn làm mới lại con người ta và ban cho ta một sự khởi đầu mới để ta có thể hiên ngang bước tiếp hành trình của mình. Tạ ơn Chúa vì Người đã nâng chúng ta dậy, muốn ta không bao giờ dừng lại nhưng luôn bắt đầu, rồi lại tiếp tục bắt đầu. Cứ mỗi lần bắt đầu là mỗi lần ta lại được thêm sức, được bồi bổ để đối diện với những thách đố khác, lớn hơn, cam go hơn nhưng cũng giúp ta trưởng thành hơn. Tạ ơn Người vì sự gần gũi và những lời an ủi Ngài dành cho chúng ta. Có Ngài bước đi cùng với ta, ta chẳng còn phải lắng lo chi, hay sợ hãi gì.

Chúng ta cùng dâng lên Chúa ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân, cùng những bạn hữu xa gần, những người đã hiện diện trong cuộc đời ta và giúp cho cuộc sống của ta thêm phần ý nghĩa. Ta cũng dâng lên Chúa những dự phóng phía trước của ta trong năm nay. Dâng lên Ngài quyết tâm từ bỏ lối sống cũ, và lời hứa sẽ chịu khó rèn luyện con người mình hơn, để trở nên cứng cáp hơn, vững chí hơn. Dâng lên Chúa lời cam kết sẽ cố gắng cống hiến hết sức lực và khả năng của mình để xây dựng Giáo Hội, đất nước, xã hội, giáo xứ và gia đình mình. Ta cũng xin Chúa chúc lành cho những hoạch định công việc mà ta sẽ thực thi trong năm này. Các bạn đang có một chương trình gì đấy cho riêng mình trong năm nay không? Tôi sẽ tốt nghiệp, tôi sẽ phải tìm kiếm một công việc, tôi sẽ lập gia đình, tôi sẽ có em bé, tôi sẽ mua nhà mới, tôi sẽ thay đổi việc làm, tôi sẽ thay đổi chỗ ở, hay tôi sẽ làm gì..? Đây là lúc các bạn đem hết tất cả những dự phóng này đến trước Tôn Nhan Chúa và xin Người chúc phúc cho các bạn.

Trong năm mới này, chúng ta cũng hãy xin Chúa ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta can đảm đối diện với những thử thách trên đường đời. Những khó khăn vẫn còn đó trong cuộc sống của ta, và lắm khi chúng đưa ta đến những thất bại. Ta hãy xin ơn Chúa sao cho dù ta có thất bại trăm nghìn lần, ta vẫn luôn mạnh mẽ đứng dậy, học hỏi kinh nghiệm cũ và rồi lại tiếp tục thực thi hoài bão của ta. Xin Chúa cho chúng ta biết bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, thoái chí, nhưng luôn biết đứng hiên ngang giữa dòng đời lắm nỗi truân chuyên. Ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn đừng bao giờ hài lòng với những thành quả đạt được, đường bao giờ an phận thủ thường, nhưng luôn biết ra đi để tìm kiếm cái hơn nữa. Và khi đã đạt được điều ta mong muốn, sau bao ngày tháng giãi nắng dầm mưa, xin Chúa cho ta biết mở đôi bàn tay mình ra, nắm lấy những con người đang cần ta giúp đỡ.

Ta cũng xin dâng cho Chúa những rủi ro có thể sẽ xảy đến trong cuộc sống của ta trong những ngày tháng tới. Cuộc sống nơi trần thế này không bao giờ mang đến cho chúng ta một sự an toàn tuyệt đối. Nơi đâu, lúc nào, những điều xấu vẫn cứ rình rập để tấn công ta, làm ta nản chí và đánh mất đức tin. Xin Chúa giúp ta luôn ý thức về sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của ta, rằng dù ta có làm gì, có ra sao thì ta vẫn luôn nằm trong bàn tay sắp xếp quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc hành trình của chúng ta không bao giờ là một cuộc hành trình đơn chiếc, lẻ loi. Không phải lúc nào ta cũng có thể nếm trải những mật ngọt với hương hoa. Không phải lúc nào ta cũng sống trong an nhàn sung sướng. Nhưng ta tin, dù chân ta có dẫm phải gai góc vương vãi giữa con đường, dù tay ta có lấm lem bao vết nhơ tội lỗi, trong mắt Chúa, ta vẫn là người con thật đáng yêu của Ngài.


Chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa những tâm tình ấy, để Người chúc phúc cho chúng ta.