Khát vọng được nổi bật là một trong các nguyên lý triệt để
nhất trong tự nhiên. Dù ta cố sức đè nén chôn vùi đi, nó cũng tìm cơ hội để
ngoi trồi lên. Nỗi đam mê này mãnh liệt nhất khi người ta bước vào tuổi trung
niên. Tuổi thanh niên thì ham mê khoái lạc, còn tuổi già thì yêu thích lợi lộc.
Ngược lại với tinh thần vị kỷ, tư lợi là lý tưởng sống hữu dụng và tinh thần
phục vụ. Người có tâm hồn vĩ đại là kẻ tuôn tràn lòng nhân ái khắp cả thế gian.
Người có tâm trí cao cả là kẻ đánh động toàn thế giới bằng những tư tưởng tinh
tuyền. Chúa chúng ta đã chỉ cho ta hay biết về sự cao trọng khi Ngài bảo rằng
Ngài đến không phải để được người khác phụ vụ, mà là để phục vụ người khác.
Tinh thần phục vụ này phải xuất phát từ một dòng suối yêu thương vô hạn.
Yêu thương và phục vụ đi liền với nhau. Phục vụ là biết quên
mình đi. Người ta phải có tâm hồn hết sức cao cả mới có thể giúp đỡ tha nhân
ngày này qua ngày khác, dù có bị xỉ vả, chối bỏ vẫn ân cần giúp đỡ và không
màng chi đến lời khen của anh em. Tinh thần phục vụ này không thể mua đi bán
lại được.
Nếu không có tinh thần yêu thương thì khi ra tay phục vụ anh
em, ta không thể lướt thắng được các khuynh hướng sai lạc do bản tính con người
gây ra. Cách đây hơn 2000 năm, Aristote đã nhận xét rằng hết thảy các thiên
hướng hèn kém gặp thấy nơi con người đều do tính khí và ước muốn của họ, nghĩa
là tính khí xấu và ước muốn xấu. Không có loại này thì cũng có loại kia, đôi
khi chúng xuất hiện vào những thời gian khác nhau trong suốt đời người. Và
người ta chỉ sửa chữa được những thiên hướng này khi họ biết coi việc phục vụ
là vâng phục thánh ý Chúa.
Tiên vàn, nó giúp ta sửa đổi được tính kiêu căng và tự cao.
Kẻ nào tự nguyện phục vụ thì chẳng thể để cho mình có tính ích kỷ được. Họ vẫn
ráng tìm cách phục vụ tử tế hơn. Còn kẻ tự cao là kẻ bao giờ cũng bắt kẻ dưới
phải coi y là quan trọng và dần dà y sẽ trở nên độc tài. Trái lại, lòng ân cần
làm cái tôi trở nên nhỏ đi để cho tha nhân lớn vượt lên.
Sự ân cần nhân ái cũng uốn nắn được những ước muốn ngông
cuồng. Ước muốn được gọi là ngông cuồng khi cho rằng cái tôi phải là trung tâm
của mọi sự, và là nguyên lý mà hết thảy mọi người phải tuân phục. Thói xấu này
có thể chữa trị tận gốc bằng cách chọn Thiên Chúa làm đối tượng cho ước muốn
đó. Bấy giờ ta sẽ hy sinh các khoái lạc, xa xỉ để giúp đỡ kẻ túng quẫn và bất
hạnh. Nhờ vậy, ta làm cho nhân cách ta thăng tiến rất nhiều vì ta tránh được
những thú vui xác thịt làm băng hoại nhân cách.
Trong thế giới vật chất Thiên Chúa cũng đã đóng dấu ấn định
các qui luật phục vụ thuận hảo. Hãy nhìn mây bay trên trời: chúng “chết” đi để
làm ra mưa móc. Dòng suối nhỏ bé chẳng hề nổi giận hoặc phàn nàn gì khi hòa vào
đại dương bao la. Cả đến núi non cũng có tinh thần phục vụ. Chúng như những bàn
tay vươn cao hứng lấy mưa móc rồi phân phối lại cho đất đai, cây cối bằng những
giòng suối trong lành. Thế đấy, mỗi giọt nước, mỗi làn gió thoảng thảy đều biết
phục vụ đấy chứ! Những gì Thiên Chúa đã bắt thiên nhiên tuân phục thì Ngài cũng
muốn chúng ta phải tuân giữ, với ý chí tự do Ngài ban cho ta. Nước non, mây
trời, sông núi cho tới đất đai đều biết quên mình để giúp hạt giống nẩy mầm đâm
chồi – hẳn sẽ lên tiếng công kích con người nếu y không biết quên mình phục vụ
anh em đồng loại. Khi ta làm lành, mọi vật trong hoàn vũ trở nên tốt lành. Phục
vụ tha nhân là hình thức phục vụ bản thân cao cả nhất. Con người càng tiến đến
chỗ ân cần hào hiệp, họ càng được nhiều ân phúc. Cối xay gió sẽ ngưng quay nếu
nước thôi chảy. Đoàn tàu ngừng lại nếu không còn nhiên liệu đốt cháy nơi buồng
máy. Lòng từ thiện trên thế giới này sẽ suy thoái thành những chương trình mang
tính chuyên nghiệp hoặc thành những con số thống kê vô hồn nếu ta quên đi lời
Đấng đã phán: “Không tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của kẻ chết cho người
mình yêu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét