Translate

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CĂN NHÀ LÝ TƯỞNG NHẤT

Có một người bận bịu phác họa cho mình một căn nhà, anh ta hy vọng cần phải làm ngôi nhà thật tinh xảo, vừa ấm áp vừa thoáng gió nhất trong nhân gian.

Có người nọ tìm đến anh ta và nhờ anh ta giúp đỡ, bởi vì thế giới xảy ra hỏa hoạn, nhưng anh ta chỉ có hứng thú với căn nhà mới trong tương lai của mình mà thôi.

Cuối cùng anh ta cũng phác họa xong căn nhà, nhưng lại phát hiện không có một hành tinh nào để có thể đặt căn nhà rất tinh xảo đẹp đẽ của anh ta.

Chia Sẻ:

Có những người trẻ hôm nay phác họa cuộc sống của mình phải như ông hoàng bà hậu, nên không từ chối mọi thủ đoạn nào, kể cả việc bán mình để sống đua đòi như ông hoàng bà hậu.

Có những minh tinh màn bạc phác họa mình phải trở thành người nổi tiếng trong trời đất, thế là chụp hình khỏa thân, cố ý làm những việc "xì căng đan" để được đăng báo lên truyền hình, thế là những người hâm mộ chân chính không còn là số nhiều nữa...

Có những người Ki-tô hữu phác họa cho mình một cuộc sống phù hợp với tinh thần Phúc Âm, nhưng trong thực tế thì cuộc sống của họ không có mấy người chấp nhận, vì họ sống như sống trên mây trên gió, quá lý tưởng và xa rời thực tế...

Có một vài linh mục trẻ khi còn học trong chủng viện thì phác họa cho đời mục tử của mình rất đẹp và rất lý tưởng, nhưng khi được làm cha sở thì bị giáo dân phàn nàn chê trách và không cộng tác, bởi vì những phác họa lý tưởng trước đây của ngài đang bị vật chất, kiêu ngạo và hưởng thụ dìm xuống trong vũng bùn thế gian...


Phác họa cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm mà không thực tế hoàn cảnh với cuộc sống của mình và mọi người, thì chẳng khác gì phác họa ngôi nhà rất đẹp rất lý tưởng mà không thể xây dựng được nơi hành tinh nào cả.

NGUỒN GỐC CỦA ĐÔI GIÀY

Hôn quân phàn nàn mặt đất sù sì làm cho bàn chân của ông ta bị thương, do đó mà ra lệnh cho toàn dân phải phủ da trâu trên mặt đất.

Tên làm hề nghe xong thì cười ha ha, nói:

- "Bệ hạ, đây thật là chuyện hoang đường ! Hà tất phải bỏ ra một số kinh phí lớn như thế chứ ? Cắt ra hai miếng da trâu thì có thể bảo hộ bàn chân của bệ hạ."

Nhà vua theo thế mà làm.

Con người ta có ý định mang giày cũng từ đó mà ra.
  
Chia Sẻ:

Thời nay con người ta mang giày không phải là hai miếng da trâu thô sơ, nhưng là những đôi giày nhiều kiểu rất đẹp và rất sang trọng, dù rằng nó chỉ là đôi giày dưới chân mà thôi. Đôi giày càng đẹp thì càng thăng thêm vẻ duyên dáng khi đi của các cô gái, và làm tăng thêm vẻ sang trọng của các chàng trai.

Đức khiêm tốn của người Ki-tô hữu giống như đôi giày dưới chân vậy, đôi giày càng chắc chắn thì cảm giày an toàn và tự tin càng cao, đức khiêm tốn càng thẳm sâu thì tâm hồn càng nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.

Đức khiêm tốn bảo vệ tâm hồn chúng ta được an toàn trong cuộc sống, là đôi giày bảo vệ tâm hồn khỏi những gai nhọn của cơn cám dỗ, bảo vệ tâm hồn trước những phong ba của cuộc đời.


Không ai mang giày đẹp mà đi xuống vũng bùn lầy, cũng vậy, không có ai đã mang đôi giày khiêm tốn rồi mà còn thích được tiếng khen ngợi của người khác...

ĐẠI SƯ VÀ BẦY SÓI

Mọi người phát hiện một bầy sói xuất hiện ở trong thôn làng, vị đại sư họ Thiệu tu hành gần đó sau khi được biết, thì mỗi buổi chiều lúc trời chạng vạng tối đều đi vào trong nghĩa địa của thôn làng để tĩnh tọa, bầy sói cũng không làm gì hại đến ông ta.

Người dân trong thôn làng rất là phấn khởi, mời đại sư truyền cho bí pháp để sau này tiện bề ứng phó.

Đại sư Thiệu nói:

- "Ta không dùng bí pháp gì cả, khi ta ngồi tĩnh tọa thì có mấy con sói vây quanh ta, chúng nó liếm đầu mũi của ta, nhưng vì ta giữ hơi thở đều đặn nên sói không cắn ta."

Chia Sẻ:

Bình tĩnh chính là vũ khí lợi hại nhất của con người, người luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề.

Dù bạn có võ công cao cường nhưng nếu không biết bình tĩnh thì cũng sẽ thành kẻ chiến bại; dù bạn có thông minh xuất chúng nhưng nếu không bình tĩnh thì cũng sẽ thất bại; nếu bạn luôn có tâm hồn hoang mang thì bạn sẽ nắm chắc phần thất bại và luôn thất vọng trong cuộc sống.

Đại sư cũng là con người, cũng biết sợ thú dữ, nhưng sự bình tĩnh đã làm cho đại sư thêm can đảm và tự tại giữa bầy sói.

Khiêm tốn làm cho người Ki-tô hữu bình tĩnh và mạnh mẽ hơn trong đời sống tâm linh của mình. 

SÓNG GIÓ HÃI HÙNG

Một vị quân vương Ấn Độ đang bơi thuyền trong biển gặp lúc trời đổ mưa to gió lớn, trên thuyền có một nô lệ vì là lần đầu tiên đi thuyền, cho nên sợ hãi khóc rống lên. Nó cứ khóc mãi nên những người trên thuyền không chịu được, quân vương cũng bày tỏ thái độ nên đuổi nó xuống khoang thuyền.

Cố vấn thứ nhất của quân vương là một người khôn ngoan, ông ta nói: "Không nên đuổi nó xuống, để tôi giải quyết, tôi nghĩ rằng tôi có thể làm cho nó im lặng," và lập tức ra lệnh cho các thủy thủ khiêng nó quăng xuống biển. Tội nghiệp cho thằng nhỏ vừa rơi vào trong biển thì càng khóc thét lên, tay chân vẫy loạn xạ, qua vài giây sau thì vị cố vấn ra lệnh cho thủy thủ vớt nó lên thuyền.

Khi được vớt lên thuyền, tên nô lệ tội nghiệp im lặng đứng trong góc thuyền không một tiếng nói, quân vương hỏi người cố vấn khôn ngoan tại sao như thế ? Người khôn ngoan trả lời:

- "Trước khi tình hình biến ra xấu, thì mọi người rất khó mà thể nghiệm được bản thân mình thật là may mắn."

Chia Sẻ: 

Con người ta khi giàu có sung sướng thì không nghĩ đến mình đang sung sướng hơn những người nghèo khổ, cho nên họ cứ than thở cho là mình khổ quá; có người giàu có tiền bạc tiêu xài một bữa ăn bằng người nghèo sống cả năm, nhưng vẫn cứ thở dài thở vắn oán trách trời bất công; có người cuộc sống không thiếu gì cả, nhưng vẫn cứ than thở với người này, đánh tiếng với người kia là mình sao mà khổ quá...

Cuộc sống vui sướng nghèo khó của con người thì như những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ, hết đợt này thì đến đợt khác không ngừng, cho nên người có đức tin thì luôn có tâm hồn chuẩn bị đón nhận: khi đón nhận niềm vui thì đồng thời cũng chuẩn bị đón những đau khổ đến, khi vui vẻ sống trong hạnh phúc thì đồng thời cũng chuẩn bị đón nhận những bất hạnh và những điều xấu đến cho mình.


Luôn tỉnh thức và cầu nguyện là phương pháp hay nhất để đón nhận những diễn biến tốt và xấu xảy đến cho mình.

KHẢNG KHÁI CỦA CON VOI

Con của gấu bị bệnh phải mổ lập tức, nên cần một món tiền bảo đảm, gấu vội vàng đi khắp nơi hỏi để vay mượn.

Nó cầu cứu sự giúp đỡ của con voi, voi khảng khái nói:

- "Không thành vấn đề, hai ngày sau, thì vừa đúng lúc tôi có tấm ngân phiếu đến kỳ, tôi nhất định giúp đỡ".

Qua hai ngày sau, con voi đem tiền đến biếu cho nhà gấu, nhưng gấu nói nó không cần nữa, bởi vì con nó đã chết, con voi lấy làm tiếc nói với tê giác:

- "Tôi đã nói rồi, tôi nhất định phải giúp họ".

Tê giác cảm khái thở dài:

- "Một đồng hôm nay, hơn hẳn trăm đồng ngày mai vậy".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Đem tiền gởi vào ngân hàng thì không mất mà lại còn được lời, một lời hai, hai lời ba...

Còn ân phúc thì làm sao cho có lời, mà lời gấp hai gấp ba ?

Thưa, đem ân phúc của chúng ta mà gởi cả cho người nghèo, người cần chúng ta giúp đỡ, bởi vì chính họ là những ngân hàng của chúng ta. Khi chúng ta giúp đỡ cho ai một ly nước lã mà thôi, thì cũng được Thiên Chúa trả lại gấp đôi, đạo lý này thì rất rõ ràng, nhưng mấy ai thích đem tiền của của mình gởi vào những ngân hàng ấy!

Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn đại khái như sau: có một con cọp bị thương, đang nằm rên la đau đớn, bác tiều phu nghèo khổ thấy vậy bèn cứu chữa cho nó, sau khi nó lành thì chạy vào rừng... ... bác tiều phu ngày ngày đi lấy củi trong rừng trở về, và ngày nào cũng đều thấy một miếng thịt rừng to tổ bố giữa nhà, đó chính là sự trả ơn của con cọp...

Thú dữ mà cũng biết trả ơn như thế, huống gì là Thiên Chúa lại không biết sao?


Xét cho cùng, người nghèo khó và người bất hạnh đều là những người làm ơn cho chúng ta, họ là những ngân hàng để chúng ta gởi công phúc vậy.

DẶN DÒ VÀ BA HOA

Lúc vịt con ra khỏi cửa, vịt mẹ ở sau lưng nói:

- "Đem theo cái ô, cục khí tượng nói chiều nay trời sẽ đổ mưa; lúc qua đường nhớ cẩn thận, nhìn rõ ràng trước sau không có xe mới đi qua; tối nhớ về cho sớm, cẩn thận..."

Vịt con không chịu nổi, cắt đứt lời của mẹ:

- "Từ sáng đến tối mẹ cứ ba hoa, có thôi không nào?"

Dần dần vịt con lớn lên, kết hôn, cũng làm vịt mẹ, mỗi ngày đàn con vây luẩn quẩn quanh mình.

- "Mẹ bảo con mặc thêm quần áo có nghe không nào?... Đợi một chút không thì lại cảm mạo đấy. Nhớ ăn cho hết rau ở trong cơm hộp, gầy như thế mà còn kén ăn, còn..."

Không đợi nó nói hết, lũ con la lên kháng nghị:

- "Má, má nói lôi thôi không à, ngày nào cũng ba hoa không à."

Nó muốn mở miệng chửi mắng, đột nhiên im lặng không nói, câu nói ấy thật quen thuộc, từa tựa như đã nghe qua ở đâu rồi thì phải ! Đúng rồi, chính là bản sao lại của nó hồi năm xưa.

Thật kỳ lạ, lời ba hoa của mẹ, hôm nay chợt nhớ lại từng câu từng câu, đều tràn đầy sự dặn dò quan tâm yêu mến.

Nó hỏi Đấng tạo hóa:

- "Rốt cuộc thì dặn dò và ba hoa có gì là khác biệt?"

Đấng tạo hóa nhẹ tiếng trả lời:

- "Khác biệt ở chỗ thân phận làm mẹ và làm con không giống nhau".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Hồi còn nhỏ tôi thường hay bị mẹ la mắng vì không chịu cẩn thận khi ra nắng, tôi lại thích đi lang thang giữa trời mưa, mà lại kiếm những chỗ có vũng nước mà lội, nên cứ bị nhắc nhở. Bây giờ già đầu rồi mà mỗi khi đi học ghé thăm mẹ, thì cũng "bị" nhắc nhở cẩn thận khi chạy xe, đừng để đầu trần mà ra nắng v.v...

Chắc các bạn cũng như tôi, không ít thì nhiều cũng bực mình khi nghe nhắc hoài những điều quá thường ấy!

Vậy mà bây giờ nhớ lại, thì quả thực lời mẹ nhắc nhở rất đúng, mẹ nhiều lời cũng vì tình thương của mẹ dành cho con cái thật tràn trề, sự tràn trề này được biểu hiện ra nơi sự nhắc nhở thường xuyên ấy.

Điều mà con cái coi thường, thì mẹ lại thường xuyên nhắc nhở, việc mà con cái không để ý, thì mẹ lại luôn quan tâm để ý.

Không ai tế nhị cho bằng mẹ.

Tình thương của mẹ dành cho con cái to lớn hơn con cái nghĩ đến.

Rồi chúng ta sẽ kết hôn, sẽ làm bố mẹ, rồi chúng ta cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở con cái những lời mà mẹ mình đã nói lúc trước: đừng ra nắng nghe con, đừng chơi bời với bạn bè xấu nghe con, nhớ mặc áo mưa khi ra mưa nghe con... nhớ... và nhớ... nghe con.

Mẹ Maria cũng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày:

- Hãy cầu nguyện.

- Hãy siêng năng lần hạt mân côi.

- Hãy cải thiện đời sống.


Có phải Mẹ ba hoa, hay là Mẹ yêu thương chúng ta?

SÔNG SUỐI VÀ ĐÁ NGẦM

Sông suối kể lể với đá ngầm:

- "Tại sao anh ngăn cản đường đi của tôi, để tôi phải vượt qua trên anh cho phí tổn sức khoẻ?"

Đá ngầm trả lời:

- "Lẽ nào anh không cảm thấy, chính là do tôi anh mới bắn lên những bọt nước đẹp đẽ của anh, để cuộc sống của anh trở nên tưng bừng phấn khởi và thật dịu dàng".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Có những vật tự nguyện mất đi để đời sáng sủa hơn: Ngọn nến.

Có những hạt muối tan biến đi để thức ăn thêm vị ngon.

Có những người vợ chấp nhận hy sinh để chồng và con cái đựơc sống.

Có những người bạn chịu thiệt thòi để bạn mình đựơc vinh hoa, phú quý.

Và không có ai chấp nhận hy sinh to lớn bằng bố mẹ mình, cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nghe hát bài "Uống nước nhớ nguồn": "Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... vì đâu anh nên người tài ba... ...". Bài hát lột tả tất cả tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái.

Nhưng gộp lại tất cả tình thương của cha mẹ, bạn bè, người yêu, thì cũng không thể so sánh bằng tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến chết, và là cái chết trên thập giá (Pl 2,8) để chúng ta được giải hoà với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, và được sống đời đời với Ngài trong vinh quang...

Nếu không có tảng đá cản đường, thì làm gì mà có những bọt sóng tung toé trắng xoá để ta thưởng thức!


Nếu Đức Ki-tô không hy sinh, không chết trên thập giá và sống lại, thì chúng ta làm sao được gọi Thiên Chúa là cha, và hy vọng hưởng phúc với Ngài trên thiên đàng.