Ông
Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn.
Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế. (Mt 17, 12)
Trong cuộc
sống, mỗi người thường ấp ủ một cho mình một ước mơ. Có người mơ ước một cuộc sống
hạnh phúc tận hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất. Người khác lại mưu cầu đạt đến sự
hiểu biết về lẽ khôn ngoan. Với người Do Thái, khát vọng lớn nhất của họ là được
xem thấy Đấng Cứu Thế, Người sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ đế quốc
Rôma. Vốn là những người am hiểu Kinh Thánh, các kinh sư luật sĩ vẫn luôn tra vấn
về những câu hỏi: khi nào Đấng Cứu Thế đến, và Đấng ấy sẽ đến như thế nào. Ngay
cả các môn đệ của Đức Giêsu cũng có chung một thắc mắc ấy nên các ông cũng đặt
câu hỏi với Thầy Giêsu “Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?”
Hiểu được những thắc mắc của các môn đệ, Đức Giêsu đã khẳng định cho các ông hiểu
rõ về sự xuất hiện của các ngôn sứ đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Đoạn Tin
Mừng hôm nay đề cập đến ba nhân vật: Ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu.
Cả ba danh xưng đều được nhắc đến như nhân vật quan trọng, đó là “Đấng Phải Đến”.
Cả ba đều đã đến với chung một số phận, đó là đều bị dân chúng từ chối, thậm
chí còn bị họ sát hại. Trước hết, vào thời Cựu ước, ngôn sứ Êlia đã được sai đến
để chỉnh đốn mọi sự, để nói cho dân biết ý định của Thiên Chúa. Êlia là ngôn sứ
lớn nhất trong các ngôn sứ, ông xuất hiện vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa
Giêsu. Thiên Chúa đã gửi ngôn sứ Êlia đến để chỉnh đốn lối sống sai lầm của
Akháp (x. 1V, 17-17). Êlia cho biết sẽ có nạn đói kém và hạn hán kéo dài vì “trời
sẽ không đổ mưa xuống đất nước Israel”. Lời cảnh báo của Êlia đã không được đón
nhận và ông còn bị sát hại, Êlia đã phải trốn chạy vào sa mạc. Nơi đây, Thiên
Chúa sai thiên sứ mang bánh và nước tới cho Êlia và ông có đủ sức tiếp tục đi
40 đêm ngày tới núi Khôrép gặp gỡ Thiên Chúa và thi hành theo ý Người muốn. Tiếp
theo là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, ông cũng đến để chuẩn bị lòng dân, dọn sẵn một
con đường thuận tiện cho Đấng Cứu Thế đến. Gioan cũng đã bị bỏ tù và bị sát hại
vì ông lên tiếng tố cáo tội lỗi của vua Hêrôđê. Cuối cùng Đức Giêsu đến để hoàn
tất lời hứa cứu độ, và Người cũng đã bị các vị hữu trách tôn giáo loại trừ;
riêng với các môn đệ, hầu như các ông đã nhận biết Chúa là Đấng Mêsia của Lời Hứa,
nhưng các ông chưa thể hiểu được một Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ, chịu chết
và sống lại. Những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ là sự thật, một sự thật rất
thường tình mà cũng đầy phũ phàng. Thế nhưng không vì sự thật đó mà Con Thiên
Chúa từ chối đến với nhân loại. Người đã biết trước điều đó và Người đã đến để
thánh hóa, để yêu thương và cứu độ tất cả. Những gì là chống đối, là thù nghịch,
là chối bỏ, là sát hại đều được Đức Giêsu đón nhận với tất cả tình thương sâu
thẳm của một Vị Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta được cứu độ không phải vì công
kia việc nọ nhưng vì lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thế, lịch sử cứu độ là
lịch sử của lòng thương xót, của tha thứ và kiếm tìm. Dù loài người có phản bội
bất trung đến đâu, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ. Dù lòng người có
ích kỷ hạn hẹp, dù nhân loại có dối lừa đi hoang thì Thiên Chúa vẫn yêu thương
vẹn tròn, vẫn chờ đợi ngóng trông. Con người là đối tượng để Thiên Chúa yêu
thương cứu độ. Dù người yêu có quay bước lỗi hẹn, dù cha mẹ có bỏ rơi con cái,
thì Thiên Chúa vẫn không quên con người. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu,
Người không ngừng thể hiện bản chất ấy bằng những hành động cụ thể như yêu
thương và bênh vực người nghèo khổ, chữa lành mọi chứng bệnh trong dân.
Quả thế,
Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và đến với chúng ta hàng ngày qua các biến cố.
Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm để đến và ở lại với loài người chúng ta. Qua bí
tích Thánh Thể, hàng ngày chúng ta được thưởng nếm sự sống Thần Linh để sống dồi
dào sung mãn. Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta qua từng công việc bổn phận với
những biến cố vui buồn lớn nhỏ của bản thân, của gia đình và của thời cuộc. Ước
gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa để biết cải hóa con người mình
theo lời Chúa khuyên dạy. Đồng thời, như thánh Gioan Tẩy Giả, trong Mùa Vọng
chúng ta cũng được Chúa sai đi làm chứng cho Chúa, chia sẻ cho tha nhân tình
yêu cứu độ của Chúa mà mình đã cảm nghiệm. Tuy nhiên, làm chứng nhân cho Chúa
luôn gắn liền với thái độ sống hy sinh quên mình như cuộc đời của thánh Gioan Tẩy
Giả và của các Thánh. Điều này mời gọi mỗi người phải chuyên cần chiêm ngắm Đức
Giêsu trong Lời của Người và trong Bí tích Thánh Thể để biết sống yêu như Người
đã yêu, quan tâm phục vụ từng thành viên trong gia đình cũng như những người bé
nhỏ, bệnh tật, nghèo đói sống bên cạnh chúng ta.
TÓM LẠI: Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm
nay mời gọi chúng ta hãy xem lại, đã biết bao lần trong cuộc sống tôi phủ nhận
sự hiện diện của Thiên Chúa; tôi chối từ lời Chúa mời gọi ăn năn sám hối và sống
theo Tin mừng. Đã có nhiều lần Chúa gửi cho tôi những ‘Elia’ để cảnh tỉnh đời sống
gập ghềnh, quanh co, tội lỗi của tôi, nhưng tôi lại cười nhạo cho là quê mùa,
không thức thời, nhọc công…. Hoặc tôi tự nói với bản thân: Tại sao tôi phải sống
khác đi trong khi mọi người quanh tôi đều sống như vậy? Tại sao tôi không lén
lút lấy sản phẩm của công ty khi có nhiều người làm như thế; Tại sao ra khỏi cơ
quan tôi phải đi thẳng về nhà trong khi có rất nhiều bạn bè tôi ghé vào quán nhậu,
bia ôm, hay vui vẻ trong vũ trường; rồi còn nữa : tại sao tôi phải học hành thi
cử để lấy bằng lái xe trong khi người ta vẫn mua bằng; tại sao tôi phải tôn trọng
bảo vệ trật tự xã hội và môi trường xung quanh trong khi người ta vẫn chủ
trương “cha chung không ai khóc”, vẫn ‘xả rác’ làm ô nhiễm môi trường cách vô tội
vạ…. Và muôn muôn điều tại sao khác nữa.
*******
Lạy
Chúa! Trong Mùa Vọng này, để chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm mầu nhiệm
Chúa nhập thể, con xin Thần Khí Chúa ‘sửa lại mọi sự trong lòng con’: những uẩn
khúc quanh co trong tâm hồn, trong cuộc sống; những gập ghềnh của cái tôi đầy những
tự ái, tự phụ; những hố sâu của tham lam ích kỷ… xin Chúa sửa lại, để con sống
đức tin, tin vào sự hiện diện của Chúa qua mọi biến cố hằng ngày của cuộc sống,
tin rằng Chúa vẫn cùng đồng hành với con trên mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách cuộc
đời, nhất là con biết tin vào lời Chúa và trung thành thực thi những gì Chúa dạy.
Amen