Translate

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

THIÊN CHÚA ĐANG ĐỢI CHÚNG TA

Ngày xửa ngày xưa, ở nông thôn xuất hiện một con rồng cực lớn, nó đi từ thôn này qua thôn nọ bất kể là chó, là trâu, là gà, là ngựa hoặc là trẻ con thì nó đều nuốt sống không chừa. Người trong thôn liên kết với nhau lại mời một thầy cúng đến giúp mọi người giải quyết nguy hiểm.

Thầy cúng nói: "Mặt dù tôi có pháp thuật, nhưng để đối phó với con rồng lớn này, tôi sẽ vì các người mà giới thiệu một người có năng lực này."

Sau đó ông ta lắc mình biến thành một con rồng lớn, trấn giữ bên trụ cầu. Người dân trong thôn hoàn toàn không biết đầu đuôi ngọn ngành, do đó mà mọi người sợ hãi không dám đi qua cây cầu ấy.

Một hôm, có một du khách đi qua cây cầu ấy, vì không biết chuyện gì nên đi qua nơi con rồng ấy và tiếp tục đi. Thầy pháp hiện lại hình người, kêu người khách ấy nói:

- "Này ông bạn, xin trở lại, tôi đứng đây đã mấy tuần rồi, người tôi đợi chính là anh đấy."

(Bài ca của loài ếch)

Chia Sẻ:

Chúa Giê-su trong nhà tạm cũng đang đợi chúng ta -những linh mục và tu sĩ- đã dám từ bỏ tất cả những quyến rũ của thế gian để làm môn đệ của Ngài.

Chúa Giê-su trong nhà tạm cũng đang đợi chúng ta -những người Ki-tô hữu- đã dám can đảm từ bỏ những giây phút hưởng thụ nhàn hạ, để tham dự thánh lễ và những sinh hoạt của giáo xứ.

Chúa Giê-su Thánh Thể trong nhà thờ đang chờ đợi chúng ta đến với Ngài, sự chờ đợi kiên trì và yêu thương ấy đã qua hơn hai ngàn năm rồi, và Ngài vẫn còn đợi mãi cho đến khi mặt trời tối tăm mặt trăng mất sáng, để ban ơn sức mạnh của Ngài để chúng ta tiếp tục sứ mạng rao truyền Phúc Âm cho mọi người, chính Ngài là nguyên nhân sức mạnh để chúng ta chống trả với con rồng tội lỗi và cám dỗ của ma quỷ.

Người thầy cúng chờ đợi một người can đảm để diệt trừ con rồng gian ác, nhưng chỉ gặp một người khách qua đường.


Chúa Giê-su chờ đợi chúng ta, những người Ki-tô hữu can đảm dám hy sinh cho Tin Mừng, chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa, để chính chúng ta qua cuộc sống của mình và nhờ ơn Chúa giúp, mà trở thành những sứ giả của Tin Mừng hôm nay.

ĐỪNG TỰ TÀN PHẾ

Chúng nhân đều chế giễu giun đất:

- "Mày không có mắt, không thể nhìn".

- "Mày không có tai, không thể nghe".-

- "Mày không có chân, không thể đi".

- "Mày không có cánh, không thể bay".

Giun đất khóc lớn nói với Đấng tạo hóa:

- "Tại sao Ngài đem cái hèn mọn thấp kém mà tạo nên con như thế này, không có một tí gì là tốt đẹp cả..."

- "Bé con, bản thân của sinh mệnh là không có phân biệt cao thấp, quý tiện."- Đấng tạo hóa buồn sầu nói tiếp: "Ta không coi nhẹ con, tại sao con lại coi nhẹ mình !"

- "Nhưng con vừa mù vừa điếc, vừa không biết bay, lại vừa không biết chạy, Ngài tạo nên con có gì là hay, có gì là lợi chứ ?"

- "Con tiêu hóa rác rưởi để bùn đất tơi xốp, đầy tràn sức sống, vạn vật cứ thế mà sinh dưỡng không ngơi, tại sao con nói là không tốt tí gì chứ?"

- "Nhưng... nhưng..."- Giun đất sụt sùi nói: "Chúng nó đều chế nhạo con..."

- "Có mắt chỉ nhìn thấy mình, có tai chỉ nghe được mình, có chân chỉ vì mình mà chạy vội chạy vàng, có cánh chỉ lượn nơi thế giới của mình..."- Đấng tạo hóa thở dài nói tiếp: "Không thì cũng giống như là vừa đui vừa điếc, vừa què vừa thọt; có và không có, thì có gì là khác biệt chứ?"

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Mặc cảm thường thấy mình thua thiệt mọi thứ rồi dẫn đến trạng thái thiếu tự tin vào mình, và rồi oán trách mọi người. Các bạn trẻ ở ngôi trường mù Nguyễn Đình Chiểu, khi sinh hoạt hát hò, đi lại, nếu không để ý, đố ai mà nhận ra được họ là những người khiếm thị, các bạn này vui chơi, đàn hát cứ như là những người sáng mắt vậy.

Tại Đài Loan, người ta vận động mọi người đến sinh hoạt với các trẻ em tật nguyền, dạy các em hát, dạy các em làm thủ công, dạy các em học vi tính. Nhìn những người tật nguyền thi lái xe lăn, thi khiêu vũ trên xe lăn, thì không ai nói họ là những con người rầu rỉ, chán đời. Họ rất nhộn nhịp thi đua...

Ở đời có những người sáng mắt nhưng lại cứ muốn mình đui, đi trên đường phố, thấy cụ già qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc: làm ngơ như không thấy; thấy một phụ nữ tay ẵm con, tay xách nặng nề đi cho kịp chuyến xe nơi bến xe thì phớt lờ như không thấy...

Cũng có những người lành lặn tay chân, nhưng hình như họ muốn làm người tàn phế. Đôi chân của họ thích đi đến nơi nhà chứa, chỗ hút xì ke, có phải là họ muốn cụt tay cụt chân không?

Có những người nhà của họ chỉ cách nhà thờ khoảng một trăm thước tây, nhưng cả năm đi không đến nơi, mà những chỗ vui chơi nổi tiếng bất kỳ ở chỗ nào cũng không vắng mặt họ, thì có chân cũng như cụt rồi vậy!


Vậy thì, mặc cảm, tự ti, buồn vì mình thua kém mọi người đều không quan trọng, quan trọng là tâm hồn của chúng ta có đui mù, có tật nguyền hay không mà thôi?

ĐỪNG LÀM TÔI HAI CHỦ

Có một người thầm cầu nguyện rằng:

 "Con thích sự an định và ấm áp trong gia đình, nhưng con cũng vọng hưởng sự thoải mái và không gò bó, lang thang ở chân trời; con muốn tìm một công việc được đãi ngộ chu đáo, nhưng lại sợ trách nhiệm quá nặng nề, chống không nổi, có cách gì để đẹp cả đôi đường không?"

Chia Sẻ:

Không ai được làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền bạc.

Nhưng lòng người thì luôn muốn "trọn vẹn cả đôi đường".

Chúng ta từ bỏ tất cả để theo làm môn đệ của Chúa, nhưng cũng có những lúc chúng ta cũng vơ vét lại những gì mà chúng ta đã bỏ, vơ lại chút tình yêu, vơ lại chút danh vọng, vơ lại chút của cải v.v...

Những cái vơ lại ấy không làm cho chúng ta hạnh phúc, cũng chẳng làm cho chúng ta bình an, nó chỉ làm cho chúng ta bối rối và bất an mà thôi.


Đừng làm tôi Thiên Chúa rồi lại làm đệ tử của ma quỷ.

HÃY SỐNG BÁC ÁI

Lạc đà bị bệnh té ở bên đường, đợi cứu viện.

- "Thật là áy náy, tôi phải đi nhanh để xây thánh điện, không có giờ rãnh để giúp anh", con voi đi qua đường, nhưng đi tất tất bật bật.

- "Tôi bận đi đầu tư gấp, đợi kiếm chút lời thì có thể dâng hiến Thiên Chúa một món tiền lớn"- hà mã áy náy nói với lạc đà xong, đi mà không ngoảnh đầu lại.

Đấng tạo hóa buồn nói:

- "Này các con, thánh điện càng đẹp hơn, tiền bạc có nhiều thêm nữa, thì cũng không quan trọng bằng một sinh mệnh".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", thật là một câu nói đầy tính triết lý sống.

Chúa Giê-su đã kể ra dụ ngôn người Samari nhân hậu, để chê những người thích coi trọng hình thức bên ngoài mà bỏ ngơ công việc bác ái: tới nhà thờ trễ một chút có chết thằng tây nào đâu, mà người anh em đang nằm đó sắp chết lại không cứu giúp! Đụng đến người ngoại đạo là ô uế, sợ lỗi luật, mà không cúi xuống đỡ người hoạn nạn lên, thì chẳng khác chi cầm gáo nước lạnh tạt vào mặt Chúa, bởi vì khi đã hành động như thế thì ô uế hơn là đụng vào xác chết.

Bác ái là không kể tốt xấu, ô uế, da đen da trắng, không kể quốc gia dân tộc, không kể có bà con thân thuộc hay không. Bác ái cũng không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, thông minh hay đần độn v.v...

Người công giáo cần sống bác ái.

Các tu sĩ lại cần sống bác ái gấp đôi.

Các linh mục càng sống bác ái cách tuyệt vời hơn.


Bác ái chính là diễn tả lại cuộc sống của Chúa Ki-tô, là rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất vậy.