Translate

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

Ngày kia, ông Mac-sa, một nhà văn người Nga, đi ngang qua một sân chơi, ông dừng lại quan sát một đám trẻ em trạc tuổi lên 6 lên 7 đang chơi đùa với nhau.

Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi:

- Này các cháu, các cháu đang chơi trò gì thế?

Ðám trẻ nhón nháo trả lời:

- Chúng cháu chơi trò đánh nhau.

Nghe thế ông Mac-sa hơi cau mày, rồi gọi các em đến, ông ôn tồn giải thích:

- Tại sao các cháu chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các cháu biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì là đẹp đâu. Các cháu hãy chơi trò hòa bình xem nào.

Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên:

- Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao.

Thế là cả bọn kéo nhau ra sân, chụm đầu vào nhau bàn tán. Thấy chúng chấp thuận ý kiến của mình, nhà văn hài lòng mỉm cười tiếp tục đi. Nhưng chưa được mấy bước ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông đã nghe giọng một em bé hỏi:

- Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết.

Chia Sẻ:

Làm sao trẻ em biết chơi trò chơi hòa bình, khi người lớn cứ chơi trò chiến tranh?

Làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình, khi trong nhà, cha mẹ, anh chị lớn bất hòa, cãi cọ... khi ngoài xóm ngõ người lớn chửi bới, đánh nhau...?

Làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình, khi chúng vẫn thường thấy trên tivi, tranh ảnh, những cảnh chiến tranh khốc liệt, chém giết dã man?

Chừng nào thế giới của người lớn biết sống quảng đại yêu thương, biết giải quyết những tranh chấp không thể tránh được bằng đường lối ôn hòa, thông cảm và tha thứ, chừng ấy thế giới trẻ thơ mới triển nở được trong bầu khí hồn nhiên tươi sáng, hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho gia đình và xã hội.

Chúng ta đừng quên lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Ai làm dịp tội cho một trong các trẻ em đã tin Ta, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ kẻ ấy và quăng xuống đáy biển còn hơn" (Mt 18,6).

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhớ lại trách nhiệm của mình, biết giúp đỡ nhau bằng lời nói sự thật và bằng việc làm tốt. Amen.

XÂY NHÀ CHO CHÚA

Trong thành phố, các tượng đài liệt sĩ được dựng lên ở các nơi công cộng, để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, đây là chuyện thường tình mà các dân tộc trên thế giới thường hay làm, nhưng trên thế giới lại có những hạng người thích bắt n gười khác ghi công của mình:

Có những người có tiền của thì thích dâng cúng cho nhà thờ để làm công đức, nhưng chẳng bao giờ thấy họ đến nhà thờ tham dự thánh lễ.

Có người nhiều tiền hơn, xây nhà dựng cửa cho người nghèo ở, gọi là thương yêu anh em đồng loại, nhưng đòi họ -những người nghèo- phải tuân theo những ý muốn của mình như là mafia vậy.

Phải nói là nhà thờ công giáo đa số cao to đẹp đẽ, hùng tráng và có tính nghệ thuật, cũng đúng thôi, vì là nơi thờ phượng Thiên Chúa cho nên phải làm cho xứng đáng, nhưng thử hỏi, có bao nhiêu tâm hồn tráng lệ để dâng hiến cho Thiên Chúa?

Có linh mục đi đến họ đạo nào là đập bỏ nhà thờ cũ (hay ít nữa là sửa lại) để xây lại theo ý của mình, rồi khánh thành rầm rộ, nơi cổng nhà thờ (hoặc nơi bậc cung thánh) khắc tấm bảng đồng thật nổi: "Nhà thờ đựơc khánh thành ngày... ... do LM Giuse Thạch Văn W... khởi công xây dựng", cũng oai danh lắm chứ. Nhưng trong họ đạo có bao nhiêu "con chiên" thiếu ăn, có bao nhiêu "bê" con thất học cần cha sở và họ đạo giúp đỡ một phần, có bao nhiêu cô gái bán thân nuôi mình và nuôi gia đình, họ đang cần sự an ủi hỏi thăm của cha sở và giáo xứ giúp họ làm nghề lương thiện, có bao nhiêu "nghé" con đang lang thang bụi đời, không đến nhà thờ học giáo lý.v.v... mà cha sở và họ đạo có lưu tâm chăng?

Đừng chú trọng đến việc xây nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng nên tập trung xây nhà thờ trong tâm hồn các tín hữu. Nhà thờ thật cao to, tráng lệ, mà tâm hồn các tín hữu của mình thì cô đơn, xa Chúa xa Mẹ, sống xa hoa truỵ lạc, không yêu thương, không bác ái, thì nhà thờ cao to đẹp đẽ để làm chi ?

Thiên Chúa không thích như thế, Ngài thích các mục tử của Ngài chú trọng xây đắp bồi dưỡng các đền thờ sống động là các tín hữu; Ngài cũng muốn những con người hảo tâm nên xây dựng đền thờ của Ngài ở trong tâm hồn của mình, nghĩa là thực hành lời Chúa, sống yêu thương đồng loại, siêng năng tham dự thánh lễ, các bí tích v.v...


Đó chính là xây "nhà cho Chúa" ở trong lòng mình vậy!

SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG

Trong niềm hân hoan đón mừng Giáng Sinh và đón chào năm mới, tôi mời gọi mỗi người chúng ta (ngay cả bản thân tôi nữa) hãy lắng đọng ít phút để suy niệm và nhìn lại bản thân mà sống đúng với tinh thần Mùa Vọng để xứng đáng đón Chúa đến lần thứ hai riêng đối với mỗi người trong chúng ta.

Không thiếu chi những người trong chúng ta có quan niệm sai lầm về tình thương quan phòng của Chúa, họ chỉ muốn được Chúa đáp ứng nhu cầu của họ, sống ỷ lại thay vì lo chu toàn bổn phận của mình với tinh thần trách nhiệm. Họ chỉ nhớ đến Chúa và kêu cầu Ngài khi gặp gian nan thử thách khó khăn, nhưng khi bất lực cùng đường chỉ còn biết bó tay rút lui bỏ cuộc. Thế nhưng mọi sự êm đẹp họ cũng lại mau mắn quên Chúa, họ sẽ sống như không có Chúa để khỏi bận tâm đến Ngài.

Mùa Vọng là thời điểm thuận tiện Giáo Hội mời gọi chúng ta phải tỉnh thức, phải sẵn sàng và chuẩn bị đón nhận con Thiên Chúa đến trần gian. Ngài đã đến một lần hơn 2,000 năm trước đây và sẽ còn tiếp tục đến trong lịch sử nhân loại giữa lòng xã hội trong cộng đoàn Giáo Hội, trong gia đình và trong đời sống mỗi người chúng ta. Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa của tình thương, là nơi chúng ta nương tựa, nhưng cũng là Thiên Chúa cao cả chứ không phải là ông chủ quyền phép chỉ biết bù đắp vào những thiếu sót của tính lười biếng và tinh thần vô trách nhiệm của con người.

Thiên Chúa là Ðấng quyền phép, là Cha nhân từ nhưng Ngài muốn chúng ta phải trưởng thành trong tinh thần phó thác đầy trách nhiệm. Ngài ở gần chúng ta không phải để giải đáp mọi thắc mắc, mọi vấn đề của đời sống con người. Ngài ở gần chúng ta, tự mặc lấy thân phận con người thấp hèn như chúng ta để đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, để tiến sâu hơn trong sự hiểu biết thánh ý Chúa, học biết và thi hành thánh ý Chúa từng giây phút mỗi ngày trong đời sống như Chúa Giêsu đã làm vậy. Có như thế Chúa đến khi nào bất cứ dưới hình thức nào chúng ta cũng sẵn sàng nhận ra Ngài và hân hoan tiếp đón Ngài như đầy tớ trung tín luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

Cầu Nguyện:

Lạy Mẹ Maria, đời sống khiêm tốn và âm thầm của Mẹ tại nhà Nazareth quả là tấm gương sáng về sự tỉnh thức và lòng trung thành luôn sẵn sàng phục vụ và đón nhận Chúa.

Xin Mẹ dạy chúng con luôn sống trung thành trong niềm tin tưởng để khi Chúa đến bất cứ khi nào chúng con vẫn luôn sẵn sàng.