Translate

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU...!


“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).

Chia Sẻ:

Đức Giêsu đã chấp nhận tự hủy chính mình để cứu độ chúng ta, giúp chúng ta khôi phục lại địa vị làm con cái Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học theo gương của Chúa Giêsu, dám hy sinh, từ bỏ chính mình vì Chúa và vì anh em. Vậy chúng ta có dám chết đi với những tính hư nết xấu của mình để được cứu độ hay không?

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con được mời gọi không chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của mình, mà còn phải giúp người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa, để nhờ đó mọi người được hưởng nhờ ơn cứu độ.

CHÚA CÓ LÊN ÁN NGƯỜI GIÀU KHÔNG ?



Mùa Chay sắp kết thúc, tôi mời gọi mọi người cùng suy gẫm và trả lời cho câu hỏi: “Chúa có lên án người giàu không?”

Trong Tin Mừng Thánh Mathêu, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như sau: “Thầy bảo thật anh em : người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết : Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19: 23- 24; Mc 10:25).

Chúa đã nói với các môn đệ những lời trên đây trong hoàn cảnh một thanh niên giàu có đển gặp Chúa nhưng đã buồn rầu bỏ đi vì không thể nghe theo lời Chúa muốn anh bán hết tài sản của mình để cho người nghèo vì anh có nhiều của cải. (Mc 10: 17-22) Chính vì anh không thể từ bỏ sang giàu ở đời này để đổi lấy kho tàng phú quí vĩnh cửu trên Trời, nên Chúa mới nói thêm với các môn đệ như sau “Những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23)

Thật vậy, đời sống con người bao gồm cả hai mặt tinh thần và thể xác. Do đó, không thể chú trọng về mặt này mà bỏ quên mặt kia. Không thể chỉ đề cao đời sống tinh thần mà quên lãng hay lơ là nhu cầu của thân xác, đòi hỏi có cơm ăn, áo mặc nhà ở…v.v…Như thế, không ai có thể ngây thơ nói rằng chỉ cần tinh thần chứ không cần tiền hay của cải vật chất. Sự thật phải nhìn nhận là con người nói chung và Giáo Hội nói riêng đều cần có tiền và phương tiện vật chất tối thiểu để chi phí và sử dụng cho những nhu cầu rất cần thiết.

Có tâm hồn nghèo khó thì không làm nô lệ cho tiền của, cho sự giàu sang chóng qua ở trần gian này, đến nỗi quên mất hay coi thường kho tàng trên Trời “nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch mà lấy đi được.” (Mt 6: 20; Lc 12: 33).

Như vậy, ham mê của cải, tiền bạc ở trần gian này là mối nguy hại và là trở ngại lớn nhất cho những ai muốn tìm sự sang giàu trên Nước Trời.

Và chính vì mối nguy hại đó mà Chúa phải cảnh giác chúng ta chớ nên ham mê tiền của ở đời này đến nỗi không còn mong muốn tìm kiếm sự sang giàu đích thực của Nước Trời, nơi trộm cắp không thể lấy được. Nói khác đi, chỉ những ai giàu có mà không biết dùng của cải vào việc mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho người khác thì mới đáng bị chê trách mà thôi. Ngược lai, nếu biết dùng tiền của như phương tiện hữu ích để thực thi đức ái thì chắc chắn không có gì phải phiền trách.

Tóm lại, Chúa không lên án những người giàu có chỉ vì họ giàu có mà vì có những người giàu làm nô lệ cho tiền của đến nỗi tôn thờ nó thay vì chỉ phải tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, như Chúa đã dạy các môn đệ xưa : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6: 24).

CHÚNG TA CŨNG LÀ CON THIÊN CHÚA...!


Hơn một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ: Do thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô); nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do thái cho rằng chỉ có họ là dòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi giáo cho họ cũng là giòng dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ. Tuy nhiên, đọc lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Abraham cho chúng ta thấy những điều quan trọng sau đây:

(1) Dòng dõi của tổ phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn trong dân tộc Israel.

(2) Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức Kitô và làm những gì Ngài dạy.

(3) Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ cũng không phải là con cháu của tổ phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.


Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ sự hợp nhất chúng con nên một trong Chúa. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa hiện diện giữa chúng con như người cha luôn ở bên con cái mình. Sự hiện diện của Chúa đã quy tụ cộng đoàn chúng con thành một gia đình giáo xứ. Niềm vui của sự sum vầy và hạnh phúc của tình huynh đệ sẽ chan hòa nếu chúng con biết sống trong sự hướng dẫn và quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa mang lấy thân phận con người mà chúng con được làm con cái Thiên Chúa. Chúng con xin tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương. Xin cho chúng con biết đối xử với nhau trong tình thân ái của anh em con một cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì tính ích kỷ, kiêu căng để rồi làm mất vẻ đẹp hợp nhất nơi Giáo Hội, nhưng luôn biết sống khiêm tốn để cùng nhau tôn vinh chúc tụng Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

CHÚA GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA...!


“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10, 32)

Chia Sẻ:

Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua, Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng. Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18). Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (Ga 10, 33). Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy, vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (Ga 10, 36). Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng. Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị. Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18), đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14). Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (Ga 10, 33), trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10, 38). Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc, mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh. Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (Ga 10, 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (Ga 10, 37). Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (Ga 10, 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người. Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.