Chẳng
có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để
những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. (Lc 8, 16)
Đoạn Tin
Mừng hôm nay tuy chỉ dài ba câu, nhưng lại nhắc gợi ba vấn đề khá sâu nặng cho
độc giả. Đó là: vai trò làm muối và ánh sáng của mỗi Kitô hữu ; tính cấp thiết
của sứ mạng loan báo Tin Mừng và cuối cùng là sự cần thiết phải thực hành Lời
Chúa..
Câu đầu tiên Chúa
nói : “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm
giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” Với
câu nói này, Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người ý thức về bản chất của chính
mình và nhiệm vụ để thực thi bản chất ấy. Cũng như bản chất
của đèn là dùng ánh sáng xóa tan đi bóng tối. Với bản chất ấy, nhiệm vụ của đèn
là chiếu sáng, nhiệm vụ của người thắp đèn là phải đặt đèn nơi cao, để đèn trên
giá, cầm đèn trên tay, giữ đèn cháy sáng… Cũng vậy, bản chất của người Kitô hữu
là “họa lại hình ảnh một Chúa Kitô khác”, làm cho mọi người nhận ra
gương mặt của chính Thiên Chúa nơi cuộc sống của mình. Không ai chấp nhận đi
theo Chúa mà lại từ chối tuyên xưng danh ngài. Tiếp theo Chúa nói : “Chẳng
có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà
người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. Điều đầu tiên
Chúa dạy là phải ý thức bản chất của mình, điều thứ hai không kém quan trọng,
đó là đôi khi việc ý thức về bản chất của mình rất rõ ràng, nhưng lại có thái
độ “che giấu”. Thái độ che giấu là thái độ giả
hình, giả tạo, không dám sống thật. Thái độ này làm cho con người “ảo tưởng” về
mình, mình chẳng có gì mà “tưởng là có”, đang tội lỗi mà tưởng mình
công chính, đang yếu đuối mà tưởng mình mạnh mẽ, đang xa rời bản chất mà tưởng
mình thực thi. Chúa nhắc nhở, tất cả những điều “che giấu” ấy sẽ bị
đưa ra ánh sáng. Tất cả những gì thuộc bản chất đều phải được thể hiện trước
nhan Thiên Chúa và trước mọi người. Như thế chỉ có một con đường duy nhất, là sống
chân thật, vì sự thật thì luôn hiển hiện như chính nó là. Cuối cùng, Chúa Giêsu
cho thấy, việc con người quên đi bản chất của mình, việc con người không sống
thật với bản chất của mình, thường có nguyên do của nó. Vì thế, Chúa dạy : “Hãy
để ý tới cách thức anh em nghe”. Như chúng ta đã biết, trong những câu
ngay trước của đoạn Tin Mừng này (Lc 8,5-15), Chúa Giêsu vừa nói về dụ ngôn người
gieo giống. Hạt giống lời Chúa được gieo xuống, sẽ sinh hoa trái như thế nào
tùy theo cách thức người ấy nghe và đón nhận lời Chúa. Cuộc sống chúng ta nên
như thế nào là do việc chúng ta đã nghe Lời Chúa như thế nào.
TÓM LẠI: Tuy là
ba vấn đề, nhưng cả ba lại tương liên với nhau bằng một sợi chỉ đỏ duy nhất, ấy
là Lời Chúa. Thật vậy, nếu không đón nhận và thực hành Lời Chúa, Kitô hữu sẽ
không thể kham nổi vai trò làm muối và ánh sáng giữa đời. Nếu không lấy lời Chúa
làm nguồn mạch và làm kim chỉ nam cho đời mình, Kitô hữu sẽ không thể nhận ra lời
mời gọi khẩn thiết và không thể cảm thấy phải nhanh chóng đi ra loan báo Tin Mừng
cho tha nhân. Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa
Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu
sáng trước mặt người khác. Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về
Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một
nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu,
họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời.
Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt,
trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.
Nhìn
chung, hiện nay Lời Chúa không đến nỗi xa lạ, vì tôi, anh chị và các bạn có
điều kiện thường xuyên tiếp xúc với Lời Chúa khi tham dự thánh lễ, khi đọc sách
thánh, khi suy niệm ...; Lời Chúa cũng không quá khó hiểu, vì nhiều người trong
chúng ta đã từng tham gia những khóa tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa với nhiều cấp độ,
nhiều quy mô ; Lời Chúa cũng đã được đón nhận cách này cách khác, vì có nhiều
người rất kính quý Kinh Thánh, khá tích cực trong các nhóm chia sẻ Lời Chúa, thậm
chí tham gia những khóa Tác Viên Tin Mừng nữa. Có điều là, bề mặt chung khá
sáng sủa này lại chưa thể khỏa lấp những đám mây xám của lối sống không kham nổi
vai trò muối và ánh sáng, của sự thờ ơ lãnh cảm trước sứ mạng loan báo Tin Mừng,
nhất là của những gương xấu do không thực hành Lời Chúa nơi nhiều Kitô hữu,
ngay cả nơi những Kitô hữu đã từng rất quen thân với Lời Chúa. Những đám mây
xám trên đây khiến cho ngọn đèn Lời Chúa bị che lấp, khiến cho những tâm hồn
thiện chí cứ phải vất vả kiếm tìm ánh sáng thật giữa hỗn mang mờ ảo, khiến những
tâm hồn đơn sơ chân thành bị chơi vơi chống chếnh do không biết đâu là đường thật
để định hướng đời mình,.. Thành ra, có thể nói, tuy hôm qua, hôm nay và mãi về
sau Lời Chúa vẫn là ngọn đèn rọi bước chân lữ khách, vẫn là ánh sáng chỉ đường
nhân gian giữa mênh mông biển đời. Nhưng vì cách thức chúng ta nghe, vì cách thức
chúng ta đón nhận Lời Chúa, vì cách thức chúng ta sống Lời Chúa,... đã vô tình
hay hữu ý biến Lời Chúa thành ngọn hải đăng cô đơn trong nỗi nhớ thương con
thuyền và những ngư dân vốn rất cần và thường dõi mắt kiếm tìm mình. Ta thờ ơ với
Hải Đăng đã vậy, lại còn tạo bóng mù lấp bóng Hải Đăng. Ước chi khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta biết
kiểm tra lại luật sống cá nhân mà Chúa muốn cho chúng ta thực hiện. Ước chi mỗi
ngày chúng ta biết để tâm lưu ý đến cách thức nghe và sống Lời Chúa. Ước chi ngọn
đèn Kitô hữu của mỗi người luôn chiếu sáng, luôn giúp người khác nhận ra chính
Thiên Chúa hiện diện sống động.
*******
Lạy
Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho
chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển
nở qua đời sống đạo đức hàng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được
Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.