Translate

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

THEO CHÚA LÀ HY SINH VÀ PHỤC VỤ


Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mc 10, 45)

Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan đến xin với Đức Giê-su : “ Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.Như thế, dường như đối với hai môn đệ, việc đi theo Đức Giêsu là một con đường, một cách thức để có được vinh quang thần thánh, ngang qua việc ngồi bên cạnh Đức Ki-tô vốn đầy vinh quang. Khi đó, theo cách nghĩ thông thường của thế gian, người ta sẽ có quyền bính! Và khi có quyền bính, thì sẽ có tất cả. Trong khi Đức Giê-su lại khiêm nhường, trút bỏ vinh quang vốn có, để hạ mình hướng tới con đường Thập Giá, để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ ; thì nơi các môn đệ, lại tồn tại một tham vọng làm lớn, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ. Mỗi người chúng ta đều có nhiều tham vọng,  lớn hay nhỏ còn tùy hoàn cảnh nhưng chắc chắn những tham vọng thuộc về trần gian bao giờ cũng đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Ki-tô. Chính vì vậy, khi ý thức mình là con cái Chúa - Đấng chọn tham vọng ngược lại hoàn toàn tham vọng của thế gian, chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Ki-tô, và có tương quan thiết thân với Ngài, ngang qua việc không ngừng chiêm ngắm Ngài trong các Tin Mừng, để hiểu sâu xa, thấm nhuần và yêu mến con đường Thập Giá của Ngài.


Khi nghe hai môn đệ kia xin với Đức Giê-su như vậy, mười môn đệ khác tỏ ra tức tối ; điều này có nghĩa là, các ông có cùng một tham vọng. Trong bài Tin Mừng này, chỉ trong vài chữ, Lời Chúa cho chúng ta nhận ra lòng ham muốn quyền bính, tham vọng làm lớn tác hại như thế nào trong tương quan với Chúa và với nhau. Nhưng Đức Giêsu thật kiên nhẫn khi đối diện vấn đề không hề nhỏ này nơi các môn đệ . Ngài nêu ra một cách thức thi hành quyền bính giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường, khiến các môn đệ và cả những ai đã, và đang theo đuổi những tham vọng tương tự phải bất ngờ, phải nghĩ suy trong phút nhìn lại mình, và cảm nhận được chân lý : “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Và Đức Giêsu không nêu ra một nguyên tắc suông, nhưng Ngài luôn luôn nói điều Ngài sống : “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”


****

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, làm người ai cũng mong có kẻ yêu người mến. Ai cũng mong trở thành người có danh có phận giữa đời. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá đòi hỏi nơi tha nhân, chúng con đòi được phục vụ, chúng con đòi quyền lợi, chúng con thường tham lam ích kỷ. Thế nên, người thương thì ít, kẻ ghét thì nhiều, Xin giúp chúng con biết sửa đổi cách nghĩ, cách hành động giống như Chúa đã nghĩ và hành động. Xin cho chúng con biết sống vì người khác. Xin giúp chúng con biết tìm niềm vui trong sự khiêm tốn phục vụ mọi người. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: người cao trọng không phải là kẻ có chức có quyền mà là người cống hiến cuộc đời để phục vụ tha nhân trong bổn phận của mình. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để sống hy sinh vì lợi ích của tha nhân. Amen.

VÌ CHÚA VÀ VÌ TIN MỪNG


Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. (Mc 10, 29-30)

Trong cả ba Tin Mừng nhất lãm, Đức Giê-su đều kể ra những gì mà Phê-rô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô có ít nhất hai điểm nhấn khác biệt:

Đức Giê-su nói: “Bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất. Trong các Tin Mừng khác, Đức Giê-su chỉ nói cách tổng quát rằng, người môn đệ sẽ nhận được hơn nhiều.

Và Người nói thêm: “cùng với sự ngược đãi”. Các tác giả Tin Mừng khác không kể lại chi tiết này.

Là người Ki-tô hữu, dù lứa tuổi nào, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất. Vậy thì, làm sao mà từ bỏ được? Và phải chăng đòi hỏi của Đức Giê-su là không hợp lí, không hợp tình, và nhất là không hợp với lẽ sống của con người? Vậy thì, chúng ta phải hiểu như thế nào với đòi hỏi quá triệt để này của Đức Giê-su, đến độ không thể chấp nhận được?

Vậy “từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả. Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chính là để yêu mến nhau như Chúa yêu mến chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” và nhận lại “gấp trăm” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ. Nhưng Đức Giêsu còn nói tới khả thể bách hại. Với những cơn bách hại, chúng ta có thể bị mất hết, bị tước đoạt, bị cắt đứt mọi tương quan, bị trắng tay, và mất cả sự sống của mình. Như tổ tiên của chúng ta trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã từng có kinh nghiệm. Bởi vì, tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta ở đời này chỉ là hình ảnh của sự sống hiệp thông và chia sẻ viên mãn được chính Đức Giê-su hứa ban ở đời sau: “và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

*******

Lạy Chúa, chúng con cũng muốn đi lại con đường Chúa đã đi. Con đường tuân phục thánh ý Chúa Cha. Con đường từ bỏ mình để vác thập giá hằng ngày theo Chúa. Con đường của hy sinh. Con đường dấn thân vì lợi ích tha nhân. Nhưng chúng con lại so đo tính toán. Chúng con cũng như thánh Phêrô, muốn làm một bài toán thật chắc chắn. Chúng con theo Chúa sẽ được gì? Chúng con sợ thiệt thòi. Chúng con sợ hy sinh. Xin Chúa hãy tha thứ những tính toán ích kỷ tầm thường nơi chúng con. Xin giúp chúng con biết trở nên giống Chúa trong yêu thương phục vụ mọi người một cách quảng đại bao dung. Xin cho chúng con dám đóng đinh cuộc đời mình trong hy sinh, bác ái, trong từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.