Translate

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. (Mc 7, 20)

Tiếp nối Tin Mừng ngày hôm qua, Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận về những quan niệm sạch – dơ của người Do-thái. Đạo Do Thái có nhiều luật lệ chi li về việc làm sạch, nằm trong 613 khoản luật buộc, đó là rửa sạch chén đĩa, đồ dùng, rửa tay trước khi ăn… Đây là luật buộc, và là những nghi thức tôn giáo của người Do Thái. Họ rất coi trọng những điều luật này, ai không tuân giữ sẽ bị coi là tội lỗi. Luật sạch và ô uế của các luật sĩ và biệt phái Do Thái dễ làm cho người ta bị rơi vào đời sống giả hình, vụ hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói vụ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài. Như vậy, con người nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của con người, từ thái độ sống của con người có ý thức và tự do hay không, từ lòng yêu mến Chúa đích thực và yêu thương tha nhân cách chân thành hay giả dối, hình thức bề ngoài. Thật vậy, tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. 

Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay lên án chuyện sạch – dơ, xem ra chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giêsu dùng chính cái lối quan niệm sai lầm về tập tục của Do-thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch. Lời Chúa Giêsu nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Trung Quốc. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta lại thường hay chú ý đến vẻ bề ngoài, đánh giá con người qua diện mạo, hành vi bên ngoài của họ nên rất dễ bị lầm lẫn và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như nói xấu, kết án và lắm khi đi đến thất vọng khi khám phá hoặc thấy những người mình thần tượng, mình cho là ‘đạo đức’ lại có những thói xấu không thể chấp nhận. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có “Chúa là Đấng xét xử, còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân” (x. Gc 4, 12b). Bởi vì, thân phận con người thật mỏng manh yếu đuối, cần ơn trợ giúp của Thiên Chúa và sự cảm thông nâng đỡ của tha nhân, nên trước tiên chúng ta chỉ nên xét mình, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn để có một cái nhìn trong sáng, sống thiện lương với trái tim yêu thương theo ý Thiên Chúa, đồng thời có một tấm lòng khoan dung nhân hậu biết tha thứ những lầm lỗi của tha nhân, và nhất là biết sống tích cực để đẩy lui sự ác còn chế ngự biết bao tâm hồn và con người hôm nay. Thật vậy, thế giới hôm nay là một thế giới tiên tiến có một nền văn minh khoa học tiến bộ vượt bậc. Nhìn chung, điều kiện sống con người tốt hơn, họ được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, các phương tiện thông tin liên lạc, vận chuyển, vui chơi, giải trí… đều rất thuận lợi. Tuy nhiên nền đạo đức, luân lý lại xuống cấp: con người ngày trở nên thực dụng, đề cao chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo vật chất và quay lưng lại với Thiên Chúa dẫn đến sự trống rỗng tâm linh và hậu quả là cả một nền luân lý bị băng hoại với biết bao tệ nạn xã hội như ly dị, phá thai, đồng tính, biến thái… kéo theo muôn ngàn hệ lụy khổ đau không lối thoát. Vậy phải làm thế nào?

Hơn bao giờ hết, Ki-tô hữu phải mạnh dạn sống niềm tin vào Thiên Chúa, gắn bó với Người. Vì chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ, sự giải thoát và chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn. “Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn, Người sẽ cho bạn được phỉ chí thỏa lòng” (Tv. 36,4) Vâng, bởi một khi tâm hồn được giải thoát khỏi những đám mây đen nặng nề u tối của những tham lam, ghen tương, đố kỵ, hận thù, ích kỷ, đam mê bất chính, kiêu ngạo, ngông cuồng… con người mới có thể sống hạnh phúc thật sự. Và đó cũng là cách thế để các gia đình Ki-tô hữu xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, đồng thời trở nên những chứng nhân sống động loan báo Lời Chúa là lời tình yêu ban sự sống và hạnh phúc cho người anh em.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen.