Translate

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

LỄ CHÚA KITÔ VUA


Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua, với ý nghĩa như một sự chuẩn bị cho dân Chúa vui mừng đón chờ ngày Chúa Giêsu Kitô vua hiển trị. Mừng Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ mà tưởng nhớ Ngày Của Chúa (Dies Domini) khi kết thúc cuộc đời và ngày chung thẩm, khi Vị Vua Nhân Hậu và là Vua Tình Yêu xuất hiện trong vinh quang. Bài Tin Mừng hôm nay được trích trong trình thuật cuộc thương khó theo thánh Luca (Lc 23, 35- 43), đã hiện rõ dung mạo và tư cách là Vua của Đức Giêsu qua hai hình ảnh:

- Vị vua trên thánh giá chết thay cho dân.

- Thần dân trên khổ giá.

1. Chúa Giêsu, một vị Vua chết thay cho dân sống: Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta. Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi tuyên xưng Chúa là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.
2. Vị thần dân “được coi là đầu tiên”của Vua Giêsu: Không ít người đến nay vẫn cho rằng, “người trộm lành” này là người trần thế vào thiên đàng đầu tiên. Vị công dân nước trời này, không phải là những tư tế hay quan chức đang ngạo nghễ đắc thắng kia, không phải là dân chúng đang đứng từ xa thương tiếc, nhưng là một anh tử tội đang bị hành hình. Thế nhưng, anh xứng đáng được làm người tiên phong đi vào Nước Trời của cuộc sáng tạo mới bắt đầu từ cái chết của Chúa Giêsu là vì:

- Nhận ra con người tội lỗi của mình: Anh đã nên thánh ngay phút chót của cuộc đời trần thế, chỉ vì anh đã thống hối và tin vào Chúa Giêsu. Người trộm lành đã ý thức tội lỗi của mình và đáng chịu phạt xứng với tội lỗi anh đã gây ra.
- Tin và cầu xin với Chúa Giêsu Kitô: Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở sám hối mà thôi thì chưa đủ để được vào Nước Thiên Chúa, người trộm lành cần đến niềm tin nơi Đấng bị đóng đinh kia là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Đây là một đặc điểm của đạo Công Giáo chúng ta. Chúng ta không chỉ sám hối mà còn phải tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giêsu Kitô, không phải tự cứu mình bằng nỗ lực bản thân mà là cần kết hợp với ơn Chúa, hoàn thiện bản thân trong sự kết hợp với ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô. Cũng không phải chỉ tin là đủ, mà phải hành động cụ thể là sám hối và tin và Tin Mừng.

TÓM LẠI: Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Đồng thời, chúng ta cần có lòng thống hối ăn năn và cầu xin tin tưởng như “người trộm lành”, để được ân sủng của Chúa, được chính Người thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời.

 ******

Lạy Chúa, Chúa là vua không phải để thống trị bằng sức mạnh, nhưng là Vua Tình Yêu thống trị mọi tâm hồn cháy lửa bác ái yêu thương. Xin cho chúng con trở nên thần dân đích thực của Chúa khi thực thi giới luật trọn hảo Chúa ban là mến Chúa yêu người, hầu mai ngày chúng con được vào hưởng vương quốc mà Chúa đã dọn sẵn cho chúng con trên trời. Amen.