Ngày Tết là điểm nối giữa năm cũ và năm mới, là thời điểm
đặc biệt để gia đình được hội ngộ. Nó gợi lại trong tôi những cuộc hội ngộ với
những thành viên trong gia đình, thân tộc; với ông bà tổ tiên và với Thiên
Chúa.
Hội ngộ giữa những người đang sống
Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về
với ân tình… Ngày tết là ngày mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, tạo
nên một sự ấm cúng, thân tình giữa mọi thành viên và giữa các thế hệ, để thông
chia cho nhau những tâm tư tình cảm sâu lắng, mà thường ngày chưa thể diễn tả
trọn vẹn được. Đây là dịp mọi người gác bỏ những lo toan, cực nhọc để sống
cùng, sống với nhau. Để cuộc hội ngộ này mang tính bền vững, thiết tưởng cần
nhìn vào mẫu gương hội ngộ giữa hai bà mẹ là Đức Maria và bà Isave. Đây là cuộc
hội ngộ của niềm vui, của sẻ chia, của phục vụ, bởi vì cuộc hội ngộ không đơn
thuần là để những con người ca ngợi nhau, mà cùng nhau ca ngợi Đức Chúa: “Bởi
đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43) và “Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ
tôi” (Lc 1,46-47).
Vâng, đây là cuộc hội ngộ mẫu cho chúng ta, bởi tất cả cùng
quy về một mối là chính Thiên Chúa. Không chỉ với người còn sống, mà con cháu
còn có tương quan với người đã khuất.
Hội ngộ với người đã khuất
Là người Công giáo, con cháu không chỉ báo hiếu người đã
khuất trong ngày giỗ chạp, mà là hằng ngày, nhất là trong mỗi Thánh lễ. Thế
nhưng, cuộc hội ngộ giữa con cháu với ông bà tổ tiên trong những ngày đầu năm
mới đã đọng lại trong tôi những tâm tình đặc biệt. Việc quan trọng sau Thánh lễ
sáng mùng một là việc thăm viếng những người quá cố. Nơi phần mộ người thân,
con cháu cầu nguyện và chúc tết các ngài, thổ lộ với các ngài những gì chất
chứa trong lòng, cũng có lúc là nhờ các ngài làm “chủ tọa” để hòa giải với
nhau. Quả là linh thiêng! Tuy người đã ra đi nhưng vẫn còn mãi trong lòng người
còn ở lại: “người chết nối linh thiêng vào đời”(cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
Hai cuộc hội ngộ trên chưa cho tôi lấy làm đủ, nhưng trên
hết tất cả phải là cuộc hội ngộ với Thiên Chúa, có thể gọi là cuộc hội ngộ
“chóp đỉnh và nguồn mạch” của mọi cuộc hội ngộ.
Hội ngộ với Thiên Chúa
Quan sát cảnh sắc đất trời của mùa xuân tạo cho tôi cảm giác
rộn ràng, tươi vui; mặc dù trước đó ít lâu là một sự ảm đạm của mùa đông. Qua
đó, tôi nghĩ đến người phụ nữ Samari với hai bộ mặt khác nhau, trước và sau khi
được hội ngộ với Đấng xin chị nước uống giữa buổi trưa bên bờ giếng tổ phụ
Giacóp (Ga 4): Từ một người sống trong buồn tủi, trở nên một người vui tươi,
hân hoan; từ một người khép kín, che đậy, trở thành một người cởi mở; từ một
người lấm lét, né tránh mọi người, trở thành một người không ngại gặp gỡ mọi
người: “chị để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người: “đến mà xem: có một
người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô
sao?”” (Ga 4,28-29).
Đó không còn là cuộc hội ngộ của một nhân vật nào đó được kể
lại, cho dẫu là được sách thánh ghi lại đi nữa. Nhưng đó chính là cuộc hội ngộ
của mỗi Kitô hữu trong hành trình đức tin, nhất là trong năm phúc âm hóa gia
đình, năm mà vị cha chung của Giáo Hội Công Giáo mời gọi: “hãy làm mới lại cuộc
gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Ngài có thể
gặp gỡ; tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày…” (EG 3). Nhờ vậy,
mối tương quan giữa con người với nhau và với Chúa mỗi ngày thêm sắc sảo, độc
đáo.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, những cuộc hội ngộ làm cho cuộc sống chúng con
thêm thi vị, nhờ cảm nếm được tình người, tình Chúa. Xin giúp chúng con biết
trân quý, bảo vệ và góp phần làm cho chúng được thăng tiến hơn mỗi ngày. Amen.