Translate

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN


Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh ta đáp: Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.(Lc 18, 41)

Tin Mừng của ngày thứ hai tuần Chúa Nhật 33 Thường niên hôm nay nói  về việc Chúa Giê-su chữa lành người mù tại Giê-ri-khô khi Ngài đến gần nơi đó. Mat-thêu và Mác-cô lại đặt phép lạ này xảy ra khi Chúa ra khỏi thành ấy. Có thể đây là dụng ý của Thánh sử Luca khi đặt phép lạ này ngay bên cạnh ơn trở lại của Gia-kêu.

Năm phụng vụ sắp kết thúc. Hôm nay, chúng ta cùng “ soi mình” dưới hình ảnh của các nhân vật trong Luca 18,35-43, như là một cách xét mình, “ tính sổ” cuối năm vậy. Thánh sử giới thiệu “…gần Giê-ri-khô, có một người mù ăn xin đang ngồi bên vệ đường” ( Lc 18, 35). Một cảnh vật rất bình thường trong xã hội mà thời nào cũng có. Anh ta bị khiếm thị nên phải sinh sống bằng cách “ ăn xin”, dựa vào lòng thương và đồng tiền bố thí của kẻ khác. Bây giờ chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh của các nhân vật:

1/ Đám đông quần chúng: Một đám rất đông người đi ngang qua anh. Anh mù, nhưng lại biết, vì tai anh rất thính. Anh bèn cất tiếng hỏi họ có chuyện gì vậy. Khi Thánh sử dùng chữ “ đám đông đi qua” như muốn nói thiên hạ chẳng quan tâm đến người ăn xin vệ đường và chuyện của họ như chẳng ăn nhập gì đến anh cả. Họ cho rằng anh biết để làm gì, vì anh chẳng thấy gì cả. Khi nghe anh hỏi, có một người nào đó trả lời cho anh. Họ trả lời cho xong hoặc để khỏi nghe anh lải nhải hỏi mãi. Họ nói : Có Giê-su Na-da-rét đi qua (x. Lc 18, 37). Nghe thấy thế, anh liền kêu gọi Giê-su, nhưng đám đông lại quát nạt, ra lệnh cho anh im lặng. Hành động “ quát nạt, ra lệnh” chứng tỏ họ có uy quyền để ngăn cản anh. Họ không muốn anh gia nhập vào xã hội loài người ( vì cho rằng anh bệnh mù là do tội lỗi mà ra) và cả một đám đông không ai muốn giúp anh gặp Chúa Giê-su . Đây cũng là thái độ thường gặp nơi chúng ta. Nhiều lần chúng ta đã chẳng quan tâm đến đau khổ của người anh em, còn quát nạt và ngăn cản họ đến với Chúa để được chữa lành. Chúng ta ngăn cản bằng chính lời nói, hành vi thiếu bác ái hay gây gương mù, gương xấu làm méo nó khuôn mặt của Chúa Giê-su trong cuộc đời ta.

2/ Anh mù: Anh bị mù về thể xác nhưng con mắt tâm hồn rất sáng. Anh nhạy bén và khao khát đi tìm chân lý. Nghe tiếng ồn ào lạ thường của đám đông hôm nay, anh đoán có chuyện lạ xảy ra. Lòng ước muốn của anh được đáp trả bằng lời của một người nào đó về con người Giê-su, một vị Thầy mà có lẽ anh đã nghe nói tới hơn một lần. Khi vừa nghe tin đó, anh liền kêu lên : “ Lạy Ông Giê-su, con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” ( Lc 18, 38). Một lời cầu xin hòa trong lời tuyên xưng về danh phận Mê-si-a của Chúa Giê-su “ Con Vua Đa-vít”. Mặc dầu bị quát nạt, bị che lấp bởi tiếng ồn của quần chúng, anh cố kêu to hơn. Tiếng kêu của anh nói lên lòng xác tín và đụng chạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, lòng tin của anh đã được tưởng thưởng, được sáng con mắt thân xác,  nhờ ánh sáng của con mắt đức tin. Anh bị xã hội con người loại bỏ, nhưng Thiên Chúa đã giơ tay cứu vớt anh và đưa anh trở về với xã hội của con Thiên Chúa “ Anh nhìn thấy, theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa ( Lc 18, 43). Anh là chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Tình Yêu ấy bằng chính đời sống của mình. Có lẽ trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta cần học đòi gương này nơi anh. Anh đã khao khát, thao thức chạy kiếm Thiên Chúa trong đức tin, là hình ảnh mà ngày nay con người đang chối từ, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ. Còn tôi, thì sao?

3/ Đức Giê-su : Nhân vật chính trong trình thuật phép lạ này. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, cúi xuống xoa dịu những đau khổ của con người nghèo hèn. Tuy vậy, khi thực hiên phép lạ, Ngài vẫn đòi hỏi lời tuyên tín của anh mù vào Thiên Chúa, nghĩa là anh mù có xem Ngài như một nhà phép thuật, có tài biến hoá, hay là một Thiên Chúa đầy quyền năng trên sự dữ, bệnh tật ? Ngài cứu vớt con người vì Tình Yêu. Ngài đến để cho họ được sống và sống sung mãn trong sự hiệp thông với Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

*******

Lạy Chúa, trước mặt Chúa chúng con là những người nghèo nhất, khốn khổ nhất, mặc dầu không bị khiếm khuyết về thân xác, nhưng tâm hồn chúng con đã bị hoen úa, hoặc chai lì, cứng cỏi. Ngọn đèn đức tin của chúng con còn yếu ớt như chợt tắt giữa bao phong ba giông tố cuộc đời. Chúng con chỉ biết giơ đôi tay cầu khẩn lòng nhân từ của Chúa như anh mù xưa kia : “ Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con”. Amen.