Phần
anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào
tay người đời (Lc 9, 44)
Sống
trên cuộc hồng trần này, mầu nhiệm về khổ đau luôn là điều bí nhiệm. Các nhà hiền
triết, các bậc thánh nhân, các nhà tiên tri và tri thức thần bí… từ ngàn đời đã
trăn trở tìm kiếm để cho đau khổ một ý nghĩa. Sách sáng thế cho thấy đau khổ là
hậu quả tất nhiên của tội lỗi, của việc con người không vâng phục những lời dạy
bảo của Thiên Chúa, hay nói khác đi đầu mối của nó chính là sự kiêu ngạo, bất
tuân đường lối, thánh ý Người. Hơn nữa, trước mặt người đời, Thập giá luôn là
điều khờ dại; vì con người sự thường ai mà không thích thảnh thơi, dễ dãi, ai
mà không thích được thành đạt, ca ngợi, tôn vinh, ai mà không thích sung sướng,
vui vẻ…. Nhưng Đức Giê-su đã cho thấy một chân lý khác – chân lý của “một hạt
lúa mì không thể sinh hoa kết trái nếu không phải chịu mục nát và thối rữa đi”
và có “gieo trong lệ sầu mới gặt trong hân hoan vui sướng”. Chính vì vậy
mà khi các môn đệ đang phơi phới hân hoan, và mơ tưởng những ‘vinh quang phù
phiếm’ thì Đức Giê-su tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”; Đồng
thời người cho biết ai muốn làm môn đệ bước theo dấu chân Người không thể không
ôm ẵm, vác thập giá hằng ngày mà đi theo Người. (x.Lc 9, 23). Các
môn đệ đã không hiểu. không dám hỏi và cũng chẳng muốn đối diện với điều xem ra
‘ngược đời’ ấy. Thật vậy, trong mắt các môn đệ vẫn là một tương lai rạng ngời về
quyền lực đang rộng mở, một chân trời mới giàu sang đang chào đón khi Thầy lên
ngôi hiển trị. Làm sao có thể chấp nhận được một kết cục như thế, chẳng lẽ Thầy
bị giết là mọi hoài bảo của mình tan tành mây khói sao? Điều đó là không thể được. Và chỉ Thần
khí của Đấng phục sinh – Thánh Thần của Thiên Chúa mới làm cho các môn đệ hiểu
để rồi như Đức Giê-su các ngài đã giơ tay ôm ẵm Thập giá để loan truyền Tin mừng
tình yêu của Thiên Chúa.
Cũng vậy, ngày hôm nay khi chọn theo Chúa, không ít các bạn
trẻ mang trong mình hoài bảo đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng...
Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy
sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình. Là Kitô hữu, chúng ta
vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta
không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than
trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa. Như các môn đệ sau biến cố
‘vượt qua và Phục sinh’, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí, mở mắt
tâm hồn để hiểu được con đường thập giá tình yêu mà Đức Giê-su đã chọn để làm
giá cứu chuộc muôn người; Đồng thời xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đủ
tình yêu và sức mạnh để đi trọn con đường thử thách gian nan; Bởi vì như thánh
Phao-lô, người đã coi cuộc đời này là một trận chiến, một thao trường mà chúng
ta phải chiến đấu để dành cho được ngành lá thiên tuế - ngành lá chiến thắng; Do
đó mà không có sự dễ dãi, thoải mái hay hưởng thụ ích kỷ cho người môn đệ. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ có
cho người biết gieo rắc tình yêu thương, Mà đường yêu thương là con đường
hy sinh và dâng hiến.
Lạy Chúa
Giêsu là vua tình yêu rất cao cả! Con thấy cuộc đời sao lắm truân chuyên,
gian nan, thử thách và đau khổ. Có những đau khổ do hoàn cảnh, môi trường
tạo nên, Có những đau khổ do con người sống bên cạnh…Nhưng cũng có những
đau khổ do chính sự giới hạn thể xác, tinh thần của chính bản thân con. Xin
cho con thấy được sự dữ cũng như rút ra được những điều tốt đẹp từ đau khổ. Xin
cho con hiểu được con đường thập giá Chúa đã đi chỉ có ý nghĩa và giá trị bởi
tình yêu hy hiến của Người. Xin cho con dám sống yêu thương cho dù mình sẽ
phải hy sinh và thậm chí sẽ ‘bị nộp’ vào tay người đời.
******
Lạy
Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết vững tin vào Lời Chúa, chứ đừng chạy
theo hay là đòi hỏi những dấu lạ điềm thiêng, và những thành công viên mãn, với
những chức cao quyền trọng của trần gian. Nhưng luôn mặc lấy tâm tình của Thầy
Giêsu, hiên ngang vác thập giá của đời mình và bước đi cùng với Giêsu trên con
đường Ngài đã đi là con đường “Vinh quang trong Đau Thương”. Amen