Translate

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

SAO CON LẠI KHÓC


Trong đời, ai cũng có lúc khóc. Khóc thầm lặng, khóc thành tiếng, miễn sao cho vơi nỗi đau. Kinh cầu tuyệt vọng là kinh cầu trong nước mắt, kinh cầu mong hy vọng cũng là lời kinh khao khát đẫm lệ. Chúa tạo ra lượng nước dư cho trận đại hồng thủy năm xưa để cuốn trôi muộn phiền đau khổ khi tạo ra loài người phản bội thì Chúa cũng ban cho con người lượng nước đủ dư để rơi rớt khi phiền sầu.

Những trang Kinh Thánh thưở xưa cũng đong đầy nước mắt mà điển hình là câu chuyện nước mắt của Mađalena. Bà đã khóc hai lần, hai lần khác nhau.

Lần đầu, Mađalena khóc bên chân Chúa, nước mắt và hương thơm. Trong buổi chiều ấy, Chúa không nói gì, Ngài cứ để Mađalena khóc. Chúa nhận nước mắt như nhận quà tặng ân tình, còn Mađalena muốn đem nước mắt hòa vào những giọt dầu quý hầu lau đi những vết bợn nhơ trong tâm hồn mà bà đang muốn lấy lại sự thanh sạch, thoát khỏi những vướng bận của tội lỗi. Chiều đó, người đàn bà ấy cũng không nói gì, chỉ có những giọt nước mắt rơi trong thinh lặng nhưng không rơi vào thinh không mà rơi vào trái tim đang chất đầy yêu thương của Chúa. Một mối tình thâm cha con kết nên từ đấy, sâu thẳm mà rực cháy, quyến luyến không muốn xa.

Lần thứ hai, bà lại khóc khi đến mộ đá tìm xác Chúa một sáng nọ. Nhưng tiếng khóc lần này không như tiếng khóc hôm nào. Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt xác của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”Bà Mađalena tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20:11-15).Thì ra, lần này, bà khóc vì sự chia xa, ly biệt mãi mãi.

Một Mađalena, mà hai hoàn cảnh, hai dòng nước mắt khác nhau. Một trái tim mà hai tâm tình, hai thổn thức khác biệt.


Lạy Chúa, cũng một con người được Chúa yêu, mà sao một lần khóc thì Chúa như bùi ngùi, một lần khóc thì Chúa như lạnh lùng xa lạ nhìn dòng nước mắt mà hỏi: “Bà kia, sao bà lại khóc?”. Câu hỏi của Chúa như ngạc nhiên về dòng nước mắt ấy. Câu hỏi như từ chối, như nói rằng dòng nước mắt ấy không cần thiết. Tại sao vậy Chúa đang khi bà ấy chỉ vì sợ mất đi dáng hình thân thương đã bao ngày bà tôn kính, ngưỡng mộ? Xin Chúa cho nước mắt của chúng con hôm nay không kéo về những chiều hoàng hôn tuyệt vọng, mà rửa niềm tin chúng con sáng hơn để chúng con thấy người thân yêu đang ở bên Chúa và đang cầu bầu cho chính chúng con. Amen

HÃY LĂN TẢNG ĐÁ RA


Chúa Kitô Phục sinh đã hẹn gặp các tông đồ tại Galiêa và Ngài cũng hẹn chúng ta đến để Ngài có thể gặp gỡ những người con yêu của Ngài, những người con mà Ngài đã dùng Máu Thánh cứu chuộc năm xưa trên đồi cao đơn độc. Ngài không chỉ gặp chúng ta mỗi giây phút trong sâu thẳm tâm hồn mà còn hẹn gặp mặt đối mặt” với chúng ta trong Thánh lễ mỗi ngày. Nơi nhà Chúa, chúng ta được gặp Đấng Phục sinh một cách sống động, cụ thể hơn qua Lời của Ngài, qua giáo huấn của Giáo hội. Đặc biệt, chúng ta sẽ gặp được Ngài qua bí tích Thánh Thể. Nhờ gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh mỗi ngày, chúng ta sẽ dần được biến đổi nên con người mới, hoàn thiện hơn trong cách sống, cách nghĩ và cách làm.

Để đón nhận được Tin mừng Phục sinh, chúng ta - cùng với ý chí cá nhân và sức mạnh được ban qua những giờ cầu nguyện cố gắng hết sức lăn, lật tảng đá vô hình đang đè nặng tâm hồn. Tảng đá đó chính là những lỗi phạm đã và  đang làm chúng ta xa tránh Thiên Chúa, dửng dưng với Tin mừng Phục sinh, trở nên vô cảm với lời chứng của Giáo Hội. Bên cạnh đó còn có những khối đá lớn mà xã hội và con người ngày nay đang vô tình hay hữu ý đè nặng trên chúng ta, đó chính lối sống duy khoa học, tư tưởng duy vật vô thần, những trào lưu sống thực dụng, tiêu dùng, hưởng thụ đang là những cản trở, khiến nhiều người nghi ngờ về Mầu nhiệm Phục sinh, nghi ngờ về Tình yêu Thiên Chúa.

Qua đó mới thấy điều quan trọng để đón nhận được Tin mừng Phục sinh là chính chúng ta - những Kitô hữu đã được học cách nhận biết Chúa, đã từng cảm nghiệm tình yêu siêu nhiên của Ngài qua cầu nguyện, qua Thánh lễ... phải ngước mắt lên để nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa, để thấy những sự siêu việt mà Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử và trong cuộc đời mỗi người. Đừng cứ cúi mặt xuống đất để tìm những hư vinh, cũng đừng cúi mặt xuống vì sợ hãi: sợ mất chức mất quyền, mất địa vị xã hội...Cứ thế, họ mãi cúi mặt xuống đất nhặt nhạnh những gì thế gian cho là quý giá để rồi theo ngày tháng, họ dần trở nên không dám thể hiện niềm tin của mình vì danh lợi đã bào mòn niềm tin lúc nào không biết, không còn cam đảm loan truyền mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Hỡi những ai mang danh Kitô hữu, hãy dũng cảm ngước mặt lên để bước ra khỏi nỗi sợ hãi, ngại ngùng, hiên ngang sống và làm chứng về việc Chúa đã sống lại. Ngước mắt lên để nhìn thấy quyền năng biến đổi của Thiên Chúa hầu dám phó thác, tin tưởng vào Ngài trong mọi sự.


Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho ánh sáng Phục sinh của Chúa lan tỏa sang từng nhịp đập trái tim chúng con, để chúng con chung tay giữ cho ngọn đèn Phục sinh luôn cháy sáng, từ đó chiếu tỏa ra cho anh chị em qua gương sáng đời sống của mình. Xin cho dòng nước tái sinh của Bí tích Rửa tội làm cho chúng con nên con người mới. Xin cất khỏi chúng con sự biếng lười , tội lỗi và những thói xấu để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen!