Translate

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

THỨ SÁU TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN


Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mt 19,6)

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở với những người sống trong bậc hôn nhân gia đình luôn ý thức hai đặc tính của hôn nhân Công Giáo đó là: đơn hôn và bất khả phân ly, qua sự kết liên từ nơi Thiên Chúa bằng sợi dây hôn phối. Ngày đôi hôn phối đến trước bàn thờ Chúa để cử hành Bí Tích Hôn Phối trước sự chứng kiến của vị đại diện Hội Thánh và những người làm chứng, đôi hôn phối được thẩm vấn về sự tự do kết hôn không ai bị ép buộc và đã nguyện thề hứa với nhau mãi mãi chung thủy trong lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu. Trước sự tuyên tín của đôi bạn Thiên Chúa đã liên kết sợi dây hôn phối đó giữa hai người trong suốt cả cuộc đời. Đây chính là bí Tích hôn phối Chúa đã thiết lập. Thật vậy, tình yêu hôn nhân còn mang một ý nghĩa cao đẹp, đó là cuộc hôn nhân huyền nhiệm giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vì thế ai rẫy vợ (hay chồng mình) là xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa. Khi xưa, vì con người “lòng chai dạ đá” mà ông Môsê đã cho phép rẫy vợ. Đó là một cái kết đáng buồn. Và trong thời đại hôm nay, cái kết ấy tiếp tục diễn ra với nhiều đôi vợ chồng trẻ. Bảo vệ giao ước hôn nhân là bảo vệ sự tồn vong của Giáo Hội và xã hội. Trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia) Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra những nét đẹp của đời sống hôn nhân nhưng nó đang phải đối diện với nhiều thử thách và bị tổn thương nặng nề.

Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” - thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.  Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.

Tuy nhiên, hôn nhân ngày nay đã bị người đời lạm dụng thay đổi như thay áo. Chung sống với nhau không giải quyết được xích mích xung khắc họ đưa nhau ra tòa li dị, đường ai nấy đi. Và ly hôn đang là một vấn nạn nhức nhối mà xã hội cũng như Giáo hội đang quan tâm, khi những cha mẹ chỉ nghĩ về bản thân để giải quyết giũ bỏ những xung khắc trong cuộc sống bằng việc ly hôn, đằng sau đó họ chưa nghĩ đến những hậu quả con cái của họ đang bị một cú sốc lớn khi chúng không được sống trọn như với các bạn đồng trang lứa của chúng. Đứa ở với cha thì thiếu tình mẫu tử, đứa ở với mẹ thì thiếu tình cha. Cho dù họ có quan tâm cách mấy cũng không thể bù đắp được những tình thương của cha mẹ dưới mái ấm một gia đình. Nhìn lại, chúng ta thấy ly dị ngày nay cũng chẳng khác gì về thời ông Môsê.

******

Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay, khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và vị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN


Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là phải tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

Bảy mươi lần bảy ở đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ. Bằng chứng là chúng ta cứ xưng hoài một tội tái đi phạm lại dù lần trước hứa với Người nhưng lần sau lại phạm còn nặng hơn, nhưng Thiên Chúa chỉ biết lúc chúng chúng ta đến với Người và tha thứ cho chúng chúng ta. Hôm nay, lời Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. 
Liền sau lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giêsu về điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Do đó, hãy biết rằng, sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho con người được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng chúng ta thì đến lượt chúng chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Và khi không tha thứ cho nhau cũng như mang trong mình sự hận thù, thì chính chúng ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi chúng ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản. Tha thứ thì chúng ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Có thể nói, tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.

Tóm lại, tha thứ thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.