Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ
này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (Mt 18, 4)
Trong cộng
đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ
bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống
đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình: cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo
gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là
làm cho cha mẹ hài lòng. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như: lúc nào cũng
hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó; rất ngưỡng
mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại; nó
cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên; có những lúc nó giận
cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vài lời là nó bỏ qua ngay ...v.v...
Thật vậy,
con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các
nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường! Vì người ta cũng phân chia nhân đức
khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và
trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không
chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách
làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua,
thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo
nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm
chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết
chóc.
********
Lạy Chúa! Ước gì cuộc đời chúng con luôn đơn sơ như trẻ thơ để dễ gần gũi và
đáng yêu trước mặt mọi người. Xin giúp chúng con luôn làm mọi việc vì lòng yêu
Chúa và cứu rỗi các linh hồn, để dù việc con làm nhỏ nhặt nhưng sẽ là những việc
phi thường mang lại mùa xuân cứu độ cho anh em. Amen