Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người,
đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có
thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và
không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo Ông đang toan tính
như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông
Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà
cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt
tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của
họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán
qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người
ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là
"Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ
thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
Chia Sẻ:
Để làm người, ngoài việc cần một người mẹ, Chúa Giêsu còn
cần một người cha trần thế. Người cha trần thế ấy chính là thánh Giuse, một
trong những khuôn mặt nổi bật của Mùa Vọng. Trong tư cách là cha nuôi của Chúa
Giêsu, thánh Giuse trở thành một người sống tinh thần cho đi cách đặc biệt.
Trước hết, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một điểm tựa pháp
lý để Ngài chào đời.
Khi hoài thai trong lòng mẹ, có lẽ Chúa Giêsu sẽ không có cơ
hội để chào đời, nếu Ngài không có một người cha pháp lý. Bởi chưng luật Dothái
thời bấy giờ sẽ kết án tử cho những người nữ nào không có chồng mà lại mang
thai. Điều luật này rất khắt khe chứ không như thời đại ngày hôm nay. Một khi
bị tố cáo, người mẹ lập tức sẽ bị kết án và bị ném đá. Và vì thế đứa con cũng
sẽ chung số phận.
Thánh Giuse được mời gọi làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ
Maria, cũng có nghĩa là làm dưỡng phụ Hài Nhi Giêsu. Khi chấp nhận đón Đức
Maria, người đã mang thai trước đó, về nhà mình để chung sống, thánh Giuse đã
cho Chúa Giêsu một điểm tựa pháp lý vững chắc để Ngài chào đời. Nói khác đi,
một khi bên cạnh Thân Mẫu mình có thánh Giuse thì Chúa Giêsu có thể ung dung chào
đời trong bình an. Lo cho Chúa Giêsu được chào đời cách an toàn, thánh Giuse
còn lo cho Chúa có một quốc tịch, một quê hương hẳn hoi khi khăn gói cùng mẹ
Maria lên đường đi Bêlem để đăng kiểm dân số.
Thứ đến, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một sự bảo trợ để
Ngài được lớn lên.
Không phải giúp cho Chúa Giêsu được chào đời là thánh Giuse
đã xong nhiệm vụ. Kinh Thánh cho ta thấy, khi Hài Nhi Giêsu được 8 ngày, chính
thánh Giuse chịu trách nhiệm làm nghi thức cắt bì và đặt tên cho con trẻ. Rồi
khi tròn 40 ngày, thánh Giuse lại tất tưởi đưa Chúa Giêsu và Mẹ Người lên
Giêrusalem để tiến dâng cho Giavê Thiên Chúa theo luật truyền. Chưa được bao
lâu, khi Thiên thần báo tin cho biết Hêrôđê đang truy lùng con trẻ, thánh Giuse
lại vội vã đem hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Nếu như thánh Giuse
thoái thác nhiệm vụ, lập tức Chúa Giêsu bị Hêrôđê bức tử. Thử nghĩ xem, nếu
không có thánh Giuse, ai sẽ đưa Chúa Giêsu và Đức Mẹ đi lánh nạn bên Ai Cập?
Không có thánh Giuse, ai sẽ khai tâm tôn giáo cho Hài Nhi Giêsu. Rõ ràng chính
thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một sự bảo trợ an toàn để Chúa Giêsu thành người.
Sau nữa, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một nghề nghiệp để
Chúa Giêsu vào đời.
Trong 33 năm sống nơi trần thế, Chúa Giêsu đã dành 30 năm
sống âm thầm nơi làng quê Nazaret. Chúa Giêsu phải có một cái nghề để vào đời
như mọi người. Và cái nghề gắn liền với khoảng thời gian Ngài sống ẩn dật là
nghề thợ mộc. Người đồng hương có khi gọi Ngài là con bác thợ mộc và có khi gọi
Ngài là anh thợ mộc Giêsu.
Cho dẫu đây không phải là một nghề nghiệp vinh quang danh
giá, nhưng lại là cái nghề cần thiết để có thể nuôi sống chính mình và chăm lo
cho Đức Mẹ, nhất là khi thánh Giuse đã khuất núi. Chúa Giêsu học nghề mộc từ
chính thánh Giuse: không mất tiền học, không tốn nhiều thời gian, lại vừa làm
vừa học ngay trong xưởng mộc của cha nuôi của mình.
Một khi đã ý thức được sứ mạng làm cha nuôi Đấng Cứu Thế,
thánh Giuse đã làm hết mình và hết tình. Và thánh nhân cảm thấy tự hào và vinh
dự được góp phần mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, góp phần mình để
trao ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại.
Vinh dự của ngài là được làm hôn phu, tức bạn trăm năm của
Đức Trinh Nữ Maria, và làm Dưỡng Phụ Ấu Chúa Giêsu. Vì thế ngài cũng được dự
phần vào vinh quang của Đức Mẹ, nhất là vinh quang của Chúa Giêsu. Mẹ có vinh
quang nào thánh Giuse có vinh quang đó. Dù không được những đặc ân như Đức Mẹ,
không được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời, nhưng ngài đã được
diễm ân là làm mọi sự cho chính Chúa. Đó là cái phúc lớn lao mà thánh nhân đã
được nhận lại.
Giáng Sinh cũng là dịp để các đoàn thể Công Giáo, để các xứ
đạo trao tặng quà Giáng sinh cho người nghèo, người tật bệnh và các anh chị em
lương dân. Có điều, người ta vẫn thường cân đong đo đếm các món quà trị giá bao
nhiêu tiền, bao nhiêu cân gạo. Ít khi người ta nghĩ đến việc cho đi chính Chúa.
Chúa Giêsu chính là quà tặng vô giá mà thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và
trao tặng lại cho tất cả nhân loại chúng ta.
Chúng ta được mời gọi học nơi các ngài sự cho đi này. Người
đời có thể cho của cải vật chất và họ có thể cho đi thật nhiều. Nhưng họ không
biết cho đi chính Chúa. Phần chúng ta, là những người Kitô hữu, có thể chúng ta
không có nhiều của cải vật chất để trao tặng, để cho đi; nhưng ai trong chúng
ta cũng có thể trao tặng Chúa cho người khác, nhất là cho những anh chị em
lương dân. Vậy ta có ý thức điều này hay không? Nếu có thì ta đã mạnh dạn để
đem Chúa đến cho họ hay chưa?
Dĩ nhiên, đem Chúa đến cho người mình thăm viếng không có
nghĩa là mình phải nói thật hay, thật nhiều về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều
người nói về Chúa, nói rất nhiều rất hay, nhưng thật sự họ không mang Chúa
trong mình. Chúa là tình yêu, do đó mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính
mình sống bác ái và yêu thương họ thật lòng.
Cầu Nguyện :
Xin thánh Giuse giúp mỗi người chúng ta luôn biết tích cực
sống tinh thần cho đi theo gương của ngài, để mọi người được đón nhận Chúa và
được đón nhận niềm vui vì có Chúa ở cùng. Amen.