Translate

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

NIỀM VUI GIÁNG SINH ĐÍCH THỰC


Chuyện kể rằng một đêm kia, đứa bé nghèo nằm mơ thấy Chúa Giêsu đi ngang qua cửa nhà em, một mái nhà tranh xiêu vẹo. Vừa thấy Chúa, em vội vàng chạy theo Ngài. Nghe tiếng chân em từ phía sau, Ngài liền quay mặt lại và đứng chờ em bước tới. Em run run lên tiếng hỏi: ‘Xin cho con được nói chuyện với Chúa”. Ngài trả lời: “Hãy nói đi hỡi người bạn nhỏ bé của Ta ơi”. Em ngạc nhiên khi thấy Ngài trả lời và gọi em là bạn, tuy em chỉ là đứa bé cùng đinh. Em lấy hết can đảm hỏi thêm: “Trong nhà của Chúa còn có chỗ cho con không?” Ngài vui vẻ trả lời: “Dĩ nhiên rồi, trong nhà của Ta còn rất nhiều chỗ”. Em đánh bạo hỏi thêm: “Xin Chúa cho con đi theo Chúa được không?” Ngài dang rộng hai tay và mỉm cười nói: “Tại sao không, hãy đến với Ta hỡi người bạn nhỏ bé của Ta”.
Sau cùng em đánh liều hỏi tiếp: “Xin cho con được ở gần bên Chúa luôn mãi được không?” Ngài âu yếm ôm em vào lòng và nói nhỏ vào tai em: “Tất nhiên rồi, con sẽ ở gần bên Ta luôn vì Ta thương yêu con”.

Em sung sướng nhắm mắt dựa lòng vào Chúa và tự nhủ, Ngài đã trả lời với em như thế, tuy em chỉ là đứa bé nghèo hèn thuộc lớp người cùng đinh.

Chia sẻ: 



Điểm lại trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có một số vị vua có lòng yêu thương dân đặc biệt, nên đã xuống với các thường dân thăm hỏi, ủng hộ, động viên và khích lệ người dân. Việt Nam có vua Nhân Tông, vua Thánh Tông… Trung Quốc có vua Đường, vua Khang Hy, v.v...

Tuy nhiên chưa có một vị vua nào đến với các thường dân và chấp nhận trở thành một “thường dân” như Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Đức Giêsu là vua trời đất và Chúa muôn loài, nhưng Ngài không đến trần gian chỉ để viếng thăm, hay trao tặng cho con người một vài món quà nào đó rồi trở về cung điện như các vị vua chúa trần gian.

Ngài đến với con người và trở thành một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan là Ngài đã “làm người”. “Làm người” đến nơi đến chốn, “làm người” thực sự, “làm người” 100%, chứ không phải chỉ “làm” lấy có, “làm” hình thức.

Quả vậy, Đức Giêsu vốn là thân phận Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận đi vào trần gian trong hình hài của một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh nghèo hèn trần trụi. Là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài đã vui nhận mang lấy thân phận phải chết của con người chúng ta. Để làm gì?

Trước hết là để “ở với” con người, để cảm thông với thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những người thấp cổ bé miệng, và hơn thế nữa là để chết cho con người, để rồi qua cái chết của Ngài, con người được hưởng ơn cứu độ. Nếu Thiên Chúa sinh ra trong cung điện, trong đền đài vua chúa, hay sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý, có lẽ những người phận hèn không bao giờ có cơ hội đến được với Ngài, càng không bao giờ dám được làm bạn với Ngài.

Thiên Chúa đến trần gian để ở với con người và làm bạn với con người đó là điều có thật, chứ không phải là giấc mơ nữa. Và đây cũng là điều làm kỳ diệu. Noel Amstrong, nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã nói với các phóng viên khi trở về trái đất rằng: “Cái vĩ đại không phải là con người đã lên được trên trời nhưng điều vĩ đại là Thiên Chúa đã đi xuống trần gian làm người”.

Thiên Chúa đã làm người thực sự để nói cho con người điều gì nữa? Thưa là để nói cho con người biết Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào. Chắc hẳn, con người sẽ không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nếu Thiên Chúa chỉ ngồi ở trên trời cao và rêu rao là mình yêu thương con người. Một Thiên Chúa cao sang uy quyền đã hạ cố đến với con người, chắc chắn không còn cách thế nào hơn thế để chứng tỏ tình yêu thương lớn lao cho con người.

Một người cha ngồi trên lầu cao và bảo với đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình rằng cha yêu thương con lắm, con chịu khó leo cầu thang và lên đây với cha đi. Đứa con thơ ấy khó có thể hình dung được tình yêu của cha dành cho nó là tròn hay méo. Ngược lại, chỉ cần người cha ấy bước xuống khỏi cầu thang rồi ẳm lấy đứa con của mình và đưa lên lầu với mình; tức khắc, đứa con đó sẽ cảm nhận được tình thương mà cha của nó dành cho nó ngay. Khỏi cần nói, khỏi cần giải thích gì nhiều.

Thiên Chúa là một người cha đã xuống với đứa con thơ của mình là nhân loại, vốn không thể tự mình “lên trời” được, để đồng hành, để sẻ chia thân phận giới hạn bất toàn của con người, và rồi để nâng con người “lên trời” với Ngài mai sau. Thật vậy, qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa muốn nói cho con người biết rằng Ngài yêu thương họ đến dường nào. Thánh Gioan cũng đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất”.

Đó cũng là lý do nhân loại mừng ngày Ngài chào đời một cách tưng bừng và mừng vui như thế! Đó cũng là lý do tại sao người Kitô hữu chúng ta cử hành Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh một cách long trọng và hân hoan như thế!

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận niềm vui ấy như nhau. Niềm vui ấy trước hết là hoa trái của đức tin. Bởi chưng, trước biết cố Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, không phải ai cũng đón nhận được niềm vui ơn cứu độ. Vua Hêrôđê, các giới chức đạo đời Dothái và nhiều con dân thành Giêrusalem không hề có được niềm vui Giáng Sinh. Đơn giản vì họ không tin Đức Giêsu vừa giáng thế là con Thiên Chúa. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ và tin tưởng thì mới đón nhận được niềm vui Giáng Sinh thực sự. Họ là Giuse, là Maria, là các mục đồng, là ba nhà đạo sĩ, và là những môn đệ thành tâm tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa cùa đời mình.

Tắt một lời, để có thể đón nhận được niềm vui của ơn cứu độ, con người phải có niềm tin, nói cách khác niềm vui đích thực của Giáng Sinh - niềm vui ơn cứu độ chính là hoa trái của niềm tin. Không có niềm tin, người ta chỉ mừng Giáng Sinh một cách hời hợt, theo kiểu hoàn toàn trần tục. Không có niềm tin, người ta sẽ không có thể có được niềm vui Giáng Sinh thực sự.

Có dịp vào Sài Gòn mua đồ trang trí Giáng sinh, tôi đã đi tham quan một vòng ở khu trung tâm Sài Gòn, qua đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi… đường nào cũng trang hoàng thật đẹp và rất hành tráng. Có điều tìm mãi mà vẫn không thấy bóng dáng nhân vật chính của ngày lễ Giáng sinh là Chúa Hài Đồng đâu cả. Thực tế, người ta tưng bừng chuẩn bị cho Noel vì mục đích vui chơi hay thương mại, chứ không phải vì để đón Chúa. Đơn giản vì họ không có niềm tin.

Là Kitô hữu, ta đón Noel phải là đón Chúa. Mà muốn đón Chúa thì cần có niềm tin. Nói cách khác, niềm tin phải là thứ mà ta cần trau dồi, “nâng cấp” hơn hết, để có thể đón Chúa đến với mình, gia đình mình và xứ đạo của mình.

Do đó, là những người có niềm tin, chúng ta mừng lễ Giáng Sinh trong cung cách khác, và niềm vui Giáng Sinh mà chúng ta đón nhận là niềm vui sâu lắng.

Vậy ơn mà chúng ta phải xin trong ngày lễ Giáng Sinh là gì? Thưa là ơn đức tin. Xin ơn đức tin để nhận ra Hài Nhi bé bỏng Giêsu đang nằm trong máng cỏ là Con Thiên Chúa làm người. Xin ơn đức tin để nhận ra con trẻ Giêsu tạm cư trong hang đá nghèo hèn cùng với Đức Maria và Thánh Giuse là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Xin ơn đức tin để nhận ra được tình yêu sâu thẳm dường nào mà Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Xin ơn đức tin để chúng ta biết hăng say nhiệt thành hơn nữa khi đem niềm vui ơn cứu độ cho những người anh em chưa biết Chúa, chưa đón nhận được Tin Mừng. Thiết nghĩ đó là ơn xin thiết thực nhất mỗi khi chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét