Translate

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

HÃY TRỞ NÊN NGƯỜI PHỤC VỤ NHƯ CHÚA MUỐN…!


“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.”

Chia Sẻ:

Hình ảnh của các kinh sư và người Phrisêu sống giả hình, họ biết rõ Lề Luật muốn dạy người ta mà lại khống sống đúng những gì đã thông hiểu. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường. Chúa muốn chúng ta phải hiểu biết tuân giữ và sống đúng với Lề Luật, với Lời Chúa; đồng thời luôn phải sống khiêm tốn dù ở bất cứ vị trí nào cũng phải biết phục vụ người anh em vì Chúa. Người đứng đầu có quyền là để phục vụ cho tất cả mọi người.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con sống đúng thứ bậc của mình luôn yêu thương tôn trọng và phục vụ lẫn nhau vì Chúa, vì hạnh phúc gia đình.

HÃY PHỤC VỤ VÌ YÊU MẾN CHÚA…!


“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 3)

Chia Sẻ:

Tin mừng hôm nay, Chúa quở trách người Pha-ri-sêu nói mà không làm. Giữa lời nói và hành động thì luôn mâu thuẫn. Họ đọc kinh nhưng không có lòng mến Chúa mà chỉ để phô trương. Họ thích được chào hỏi nhưng lại thiếu lòng khiêm cung. Họ sống giả hình. Họ sống hai mặt. Họ lợi dụng tôn giáo để trục lợi hơn là làm vinh danh Chúa. Họ đi tìm mình cùng những vinh hoa phú quý trần gian. Họ thích dùng quyền để hưởng lợi hơn là cúi mình phục vụ tha nhân.

Đời sống của người Ki-tô cần phải thể hiện đức tin của mình qua hành động. Hành động bác ái yêu thương tha nhân. Hành động tìm vinh danh Chúa chứ không phải làm để lấy tiếng khen, tiếng thơm để đời. Hành động vì lòng mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn chứ không đơn thuần là việc bác ái làm qua loa, chiếu lệ. Xin cho chúng ta trong đời sống thường ngày luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm. Xin cho niềm tin của chúng ta luôn được xây dựng bằng lòng mến nồng nàn, bằng đức tin kiên vững để nhờ đó chúng ta luôn tìm vinh danh Chúa trong từng lời nói việc làm của mình. Amen

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, vì yêu thương chúng con, Chúa đã tự hạ mình trở nên loài người chúng con. Chúa còn trở nên bé nhỏ qua tấm bánh đơn sơ để hoà quyện trong máu thịt chúng con. Chúa đã chịu tan biến mình để chúng con được sống sung mãn trong tình thường của Chúa. Xin cho chúng ta biết noi gương Chúa sẵn sàng phục vụ và giúp đỡ mọi người trong hết mọi việc hầu xứng đáng là con Chúa và trở nên bạn hữu thân thiết với mọi người. Amen.

HÃY KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ


Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt 23, 11-12)

Chia Sẻ:

Ðức Giêsu đưa ra hình ảnh các kinh sư và Phrisêu giả hình. Họ giảng dạy đạo lý nhưng lối sống của họ đầy ích kỷ, tự cao và thiếu công bình bác ái. Ðạo lý của Chúa là đạo yêu thương, quảng đại và phục vụ anh em trong sự khiêm tốn. Không dành phần vinh quang cho mình nhưng luôn biết quy hướng về Thiên Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, lời của Chúa hôm nay đang cảnh tỉnh lối sống của mỗi người chúng con. Chúng con vẫn thường gán những khó khăn, bất lợi và nặng nề cho anh em. Còn chúng con chọn phần tốt, dễ dãi cho bản thân. Chúng con vẫn tự kiêu và ích kỷ sống trên những đau khổ của tha nhân. Xin giúp chúng con nhận ra chúng con không là gì cả và tất những gì chúng con có đều do Chúa ban. Ðể chúng con biết khiêm nhường phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Amen.

HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ...!


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con” (Lc 6, 36 -37)

Chia Sẻ:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa. Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài. Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân. Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa, một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.

Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu, hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực. Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng. Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động, nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa.

“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”

Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa. Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác. Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta. Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào, ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy. Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao, ta hãy đối xử với tha nhân như vậy. Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án, ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

HÃY BIẾT CHO ĐI...!


Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy! (Lc 6, 38c)

Chia Sẻ:

Trong những việc lành đã kể, Chúa Giêsu nói nhiều hơn về việc cho đi, Ta biết cho thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu: nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.

Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta, không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng. Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ, người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi. Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức, nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta. Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.

Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa. Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác, chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.

THÁNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE...!

Hàng năm, Giáo Hội dành riêng Thánh Ba, để cổ võ mọi người trong việc sùng kính Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã đặt Thánh Giuse trong nhiệm vụ là Cha Nuôi của Chúa Giêsu, cũng như chăm sóc và bảo vệ gia đình Thánh Gia. Chính vì thế Giáo Hội cũng tôn phong Thánh Cả Giuse là Đấng Bảo Trợ cho Giáo Hội Lữ Hành, và là Đấng Bảo Trợ cho tất cả những người làm cha trong các gia đình.

Vai trò bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ gia đình là một điều rất quan trọng và là trách nhiệm lớn lao của một người làm cha. Khi được nhìn trong bình diện rộng lớn, vai trò của người Gia Trưởng không chỉ là việc bảo vệ gia đình về mặt thể lý khỏi sự hiểm nguy mà còn phải đưa gia đình vào trong chiều kích tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhìn lại vai trò Gia Trưởng trong các cuộc hôn nhân và trong các gia đình Kitô Giáo.

Trước hết, vai trò bảo vệ gia đình của người Gia Trưởng – một người đàn ông có trách nhiệm làm cha trong một gia đình, sẽ luôn là người cống hiến hết mọi khả năng của mình trong việc bảo vệ người vợ của mình, trong bất cứ mọi hoàn cảnh có thể gây bất lợi cho vợ cả về mặt thể lý cũng như tinh thần. Một phần quan trọng nữa trong trách nhiệm của người làm cha chính là bảo vệ vợ mình khỏi sự thô lỗ, sự láo xược (insolent), và sự bất vâng phục của chính những đứa con. Một người Gia Trưởng công chính sẽ không cho phép bất kỳ ai bất kính với vợ mình, và đặc biệt ngay cả khi họ làm những công việc nội trợ ở nhà.

Thứ đến, một người Gia Trưởng phải luôn biết chăm sóc cho đời sống của gia đình bằng chính khả năng và năng lực của mình. Điều đó có nghĩa là người Gia Trưởng không chỉ cung cấp cho gia đình những của cải vật chất, mà ngay việc gìn giữ gia đình bằng đời sống thánh thiện và gương mẫu của mình. Cơm áo gạo tiền và ngay cả vấn đề trường học, nhà thờ là mối quan tâm hàng đầu của người Gia Trưởng đối với gia đình và con cái. Một mái nhà ấm cúng, công việc thu nhập ổn định, có thể giúp cho đời sống của mình được bình yên. Vì thế, chăm sóc và gìn giữ gia đình là bổn phận của người Gia Trưởng cần phải chu toàn.

Sau cùng, người Gia Trưởng luôn là gương mẫu và là chỗ dựa vững chắc về vật chất cũng như đời sống tinh thần cho con cái. Người Gia Trưởng phải có nhiệm vụ dạy bảo và giáo dục con cái theo thánh ý của Thiên Chúa. Đặc biệt là bảo vệ và hướng dẫn con cái của mình vượt ra khỏi những thế lực tệ đoan xã hội như: nạn ma túy, nạn bắt nạt tại học đường, những tội phạm, hay những tai họa bất toàn nảy sinh ra từ việc thiếu kinh nghiệm hoặc nông nổi nhất thời của con cái. Người Gia Trưởng phải giáo dục và hướng dẫn con cái nên người, trong phương cách yêu thương, tôn trọng phẩm giá và che chở. Có như thế những người con mới có những nhận thức về chính bản thân mình và sẽ trở thành những người hữu ích trong tương lai.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì qua đời sống gương mẫu của Thánh Giuse, mà các bậc làm cha nhận ra được bổn phận và trách nhiệm của vai trò làm cha ở trong gia đình. Chúng ta cùng cầu xin qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse, ban cho các người Gia Trưởng trong gia đình biết cách thể hiện vai trò Người Bảo Vệ Gia Đình. Qua đó họ tiếp tục hướng dẫn gia đình vượt qua những thử thách của cuộc sống trong một thế giới văn minh này, để mọi thành viên trong gia đình biết nhận ra đâu là đúng, đâu là sai. Và trên hết, hãy lưu lại trong cặp mắt của những người con: Gia Trưởng là một người cha vĩ đại mãi mãi và là một người lãnh đạo cũng như là một người thầy muôn thuở.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse, ban muôn ơn can đảm và sự trung kiên cho quý vị Gia Trưởng trong Họ Đạo. Để với ơn của Chúa mỗi người sẽ thực hiện tốt hơn trong vai trò Gia Trưởng của mình.

MỪNG KÍNH THÁNH GIUSE – 19.03


Mừng lễ thánh Giuse, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy hướng nhìn lên thánh nhân như một mẫu gương về lòng trung tín với Thiên Chúa, chung thủy với Đức Maria, luôn chu toàn trách vụ của người cha trong gia đình.

Thật vậy, thánh nhân là một con người thinh lặng, trầm tư, cầu nguyện... nên ngài dễ dàng nhận ra Thiên Ý, và sẵn sàng mau mắn thi hành ý của Thiên Chúa trong cuộc đời. Sự thinh lặng của thánh nhân đã biến cuộc đời của ngài trở nên cuộc đời sống vì yêu. Yêu Chúa để thi hành mệnh lệnh. Yêu Mẹ Maria để sống chung thủy. Yêu mến Đức Giêsu để hết mực chăm lo. Yêu mến Giáo Hội để luôn bầu cử, trợ giúp... điều này thật đúng với tác giả Philippon, OP. đã nhận định về sự thinh lặng: “Ai yêu mến sự thinh lặng, sẽ được dẫn tới sự thinh lặng của mến yêu”.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, giáo dân đất Việt có lòng yêu mến ngài đặc biệt. Nhiều gia đình, dòng tu, chủng viện, học viện đã tôn nhận ngài là Đấng Bảo Trợ. Nhiều nhà thờ lấy tước hiệu của ngài. Nhiều đền đài được dựng lên tỏ lòng tôn kính. Nhiều cụ ông, và anh em đã chọn ngài làm bổn mạng. Khi gặp bất trắc gì trong cuộc sống, chúng ta đều chạy đến với Ngài.

Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cũng chưa tôn kính ngài cho đủ, và cũng nhiều khi chúng ta chưa noi gương ngài thực sự. Vì thế, mừng lễ thánh Giuse, nhất là năm nay, là năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, chúng ta hãy xin thánh nhân bầu cử cho các gia đình chúng ta, luôn giữ được lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội như ngài; mặt khác, khi Giáo Hội dành trọn tháng 3 để tôn kính thánh nhân, mà theo niên lịch phụng vụ thì thường rơi vào Mùa Chay, mà Mùa Chay là mùa sám hối, vì thế, cách này, cách khác, Giáo Hội muốn mời gọi mỗi chúng ta hãy trở về với sự thinh lặng, để gắn bó với Chúa, nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Chúa như thánh Giuse.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con mẫu gương tuyệt vời là thánh Giuse. Xin Chúa đón nhận lời bầu cử của thánh nhân mà ban cho chúng con được can đảm, trung thành và yêu mến luật Chúa; đồng thời đem ra thi hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.