Dân
này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (Mc 7, 6b)
Đối với
người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một
nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn
bị mình để đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa
trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn. Và
thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu
Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta
xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như
là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi
cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh
tẩy” (x. Tv 51, 4). Như thế, những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí,
khi lưu ý Đức Giê-su rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn.
Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người
yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay phê phán người này người kia đã làm sai
hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức
Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình. Vậy, đâu là vấn đề của những người
Pha-ri-sêu và Luật sĩ ? Và phải chăng, vấn đề của họ cũng có thể là vấn đề
của chúng ta ?
Bài Tin
Mừng hôm nay kể về việc người Biệt Phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giêsu
không rửa tay trước khi ăn. Người Biệt Phái thắc mắc không vì việc Chúa
Giêsu không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và
vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về việc sạch dơ. Chính vì thế mà
Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ
vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông
Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực là sự trong
sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài. Vì quá câu nệ luật nên biệt
phái Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ
tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm
giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề
ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như "rửa
tay trước khi ăn", "dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ".
Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản về phụng dưỡng cha
mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên
Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Ngài xem giữ luật là một cảm
nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ, vượt trên hình thức,
là tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương. Chúa Giêsu lấy một ví dụ về việc
thực hành tập tục phàm nhân bịa ra để cho họ thấy, chẳng những đây không phải
là luật Chúa mà còn có thể đi ngược lại Luật Chúa. Luật Thiên Chúa trong điều
răn thứ tư là phải "hiếu thảo với cha mẹ của mình”, nhưng người Pharisêu
giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được
họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các
Pharisêu,và mọi thế hệ rằng:" Ngươi
hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử" (Mt
15,4). Thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu
thảo bằng cả tấm lòng yêu thương và tôn kính.
Ngày
nay, thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những
người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất,
mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị
bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời
sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là
trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà
dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ
còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời. Như vậy, Lời Chúa
hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm
luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh
truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa
dạy phải sống trọn đạo hiếu. Xin Chúa làm cho con tim của chúng ta luôn biết lắng
nghe Lời của Người ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng
ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức
của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa. Nhưng ai trong chúng ta cũng có
kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ
những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của
tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể
làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con
tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn.
*********
Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian nơi gia đình Thánh Gia Nazareth,
Chúa đã nêu gương về lòng đạo đức và vâng phục thánh Giuse và mẹ Maria. Xin cho
chúng con cũng luôn biết tôn kính vâng lời và phụng dưỡng các bậc cha mẹ, xứng
với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các ngài đã dành cho chúng con. Amen