Chúa
Giê-su Phục Sinh hiện ra lần cuối cùng với các môn đệ trên một ngọn
núi tại Ga-li-lê. Trước khi lên trời, Người đã trao cho các ông sứ mạng
đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người, làm phép rửa tội cho
những ai có lòng tin nhân Danh Chúa Ba Ngôi. Người cũng truyền cho các
ông sứ mạng dạy các tín hữu phải giữ mọi huấn lệnh của Người và
hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế. Cũng như Chúa Giêsu
đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng
bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa
Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia
sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng.
Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân
đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong
cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng. Cùng
với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin
Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và
làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm
tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.
Tuy
nhiên, truyền giáo không phải chỉ là rao giảng một số chân lý về Chúa, nhưng là
truyền đức tin mà chính mình đã có được sau khi đã gặp gỡ thân tình với Chúa
cho người chưa biết Chúa để họ cũng tin yêu Chúa như mình, giống như cách thức
ông Anrê đã làm sau khi tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu
Người cho người em của mình là Simon Phêrô (x. Ga 1,40-42). Hoặc như ông
Philipphê sau khi gặp và tin Đức Giêsu đã dẫn bạn là Nathanaen đến gặp Người
(x. Ga 1,45-51). Truyền giáo bằng cách truyền đức tin yêu Chúa sẽ có sức lay động
lòng người khác hơn là chỉ cố gắng trình bày giáo lý công giáo cho người
chưa tin. Và để chu toàn sứ mạng thông truyền đức tin cho người khác, trước hết
chúng ta cần phải củng cố đức tin của mình vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế Con
Thiên Chúa, bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày dưới ơn soi dẫn của
Chúa Thánh Thần và cầu xin Chúa gia tăng đức tin cậy mến cho mình, trước khi “đi
bước trước” làm quen người chưa nhận biết Chúa, theo cách Đức Giêsu đã làm bên
bờ giếng Giacóp: Người đã mở lời xin nước uống để làm quen với người phụ nữ
Samari, rồi sau đó từng bước trình bày cho chị về thứ Nước Hằng Sống được ban
cho những ai tin vào Người (x. Ga 4,7-10). Rồi sau khi đã tin Đức Giêsu, chị ta
đã về làng loan báo Đức Giêsu cho dân làng biết và đã dẫn họ ra bờ giếng để gặp
Đức Giêsu (x Ga 4,25-30). Ngoài ra, truyền giáo là làm chứng cho Chúa. Và để
làm chứng cho Chúa, trước hết chúng ta phải hiểu biết Chúa và tin yêu Chúa. Một
người không tin Chúa hoặc chỉ có đức tin nông cạn thì không thể “nói về Chúa”
cách hữu hiệu được. Tiếp đến, người làm chứng phải có một cuộc sống tốt lành
thì lời chứng mới đáng tin và mới có sức thuyết phục được người khác tin theo.
Thực vậy, một người nói về Chúa mà không sống những điều mình nói thì không thể
làm cho người nghe tin được, có khi họ lại còn diễn giải sai lạc về giáo lý của
Hội thánh nữa. Trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gần đây có kêu gọi
các thành phần Dân Chúa, nhất là các linh mục, hãy nhiệt thành cộng tác để đổi
mới phương cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại hiện nay, nhờ đó, hy
vọng sẽ đem lại cho Hội thánh Việt Nam một mùa lúa chín dồi dào. Nói cụ thể,
các vị chủ chăn muốn mỗi người tín hữu công giáo hãy dành ra thời giờ và tâm
huyết cho việc “Phúc-Âm-hóa gia đình”, tức là liệu sao cho việc học giáo lý hôn
nhân được nghiêm túc hơn, và tổ chức thường xuyên giờ Kinh Tối gia đình, canh
tân để thêm phần suy niệm Lời Chúa. Những việc làm đó sẽ giúp củng cố tình yêu
giữa các thành viên trong gia đình và giúp giáo dục Đức tin ngày một tốt hơn
cho các thế hệ tương lai.
*******
Lạy
Chúa! Hôm nay là ngày thế giới truyền giáo. Xin giúp chúng con trở nên chứng
nhân giúp người khác nhận biết và tin yêu Chúa bằng lời nói việc làm của chúng
con: Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo các tiện nghi để hưởng thụ, xin cho
chúng con biết chấp nhận cuộc sống đơn sơ trong cách ăn ở và tiêu dùng của cải
vật chất. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho chúng con tránh
thói tham lam, chỉ lo thu tích cho mình, nhưng biết quảng đại chia sẻ cho người
bất hạnh. Giữa một thế giới khinh thường người nghèo, xin cho chúng con biết
quí trọng phẩm giá của mọi người. Giữa một thế giới bị mất phương hướng, xin
cho chúng con giúp họ nhận biết tin yêu Chúa và phục vụ tha nhân, hầu tìm thấy
ý nghĩa cuộc đời. Amen