Đọc Sáng
Thế Ký từ chương 6 đến chương 8, ghi lại biến cố lịch sử, ngày Thiên Chúa quyết
định tiêu diệt sự sống trên mặt đất bằng trận lụt đại hồng thủy, và nguyên
chương 19 ghi lại biến cố thành Sôđôma bị hủy diệt bằng mưa lửa và diêm sinh. Vậy
tại sao lại xảy ra những biến cố hãi hùng như thế, vì Thiên Chúa thấy con người
sống trác táng sa đọa trong tội lỗi, và vì con người phản trắc không tuân thủ
giao ước đã ký kết với Người, nên Người muốn thanh tẩy mặt đất này bằng những hình
phạt nhãn tiền.
Những
ngày cuối năm Phụng Vụ, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, chúng ta phải luôn
tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc
đức, để khi Chúa đến trong ngày giờ sau hết đời ta, Ngài sẽ gặp thấy chúng ta
là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan. Trong ngày phán xét chung, kẻ
lành được đưa vào Vương Quốc Thiên Chúa, kẻ dữ để lại bị
tiêu diệt. Ngày ấy, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ đối xử bằng những
cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được
dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Con Người đến. Các Thánh thì
luôn là những người khôn ngoan, luôn biết tỉnh thức trong từng giây phút, các
Ngài đã thực thi những công việc đẹp lòng Chúa.. Toàn cảnh Bài Tin Mừng
hôm nay đặc biệt nhấn mạnh đến hình ảnh cuộc quang lâm đầy tính bất ngờ và
việc được cứu vớt hay bị tiêu diệt. Chúa Giêsu không mạc khải về thời giờ cụ thể
của ngày này, Người chỉ nói sẽ có ngày tận thế và ngày ấy đến một cách rất là
nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói
lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia” (x. Mc 13,32). Và để
minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ
thể trong thời Cựu ước, đó là Lụt Đại Hồng Thủy thời Nôe và Lửa thiêu hủy
Sôđôma thời ông Lót để mời gọi mọi người phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy.
Ngày tận thế sẽ đến bất ngờ và nhanh chóng và cái chết cũng đến với mỗi chúng
ta bất ngờ như vậy. Vì thế, cần luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành
trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến, Người sẽ gặp thấy
chúng ta là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và triều đại Thiên
Chúa sẽ thuộc về chúng ta. Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được
đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối
xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến.
Ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được
mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân
xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với ngày Chúa đến
không phải lo tích trữ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích) mà hãy
lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với ngày Vua Công Chính ngự đến.
Trong
tâm tình của những tuần lễ cuối năm phụng vụ, chúng ta hãy hồi tâm nhìn lại
cách sống của chính mình, chúng ta đã giữ đạo đúng với tinh thần giáo lý của đạo
Chúa chưa? Hay chúng ta cũng như dân riêng của Thiên Chúa ngày trước, ăn chơi
sa đọa, ham mê thú vui trần thế, xem cuộc sống vật chất hơn tinh thần đạo đức.
Ngày nay trước một nền văn minh tiến bộ, con người chúng ta đang dần xa Chúa
nhiều hơn qua những lôi cuốn cám dỗ của trần thế: cờ bạc, rượu chè, hút chích,
hưởng thụ, sống ảo, cướp của, giết người, phá thai … Ngày Chúa tái lâm ngự đến,
chúng ta luôn tin nhận và biết sẽ có ngày đó, “ngày sau bởi trời lại xuống
phán xét kẻ sống và kẻ chết.” (kinh tin kính), nhưng chúng ta không
thể biết ngày đó đến vào thời điểm nào. Chính vì lẽ ấy, điều quan trọng hơn hết,
chúng ta nên kiểm điểm lại cách giữ và sống đạo hiện tại chúng ta đang diễn tiến
như thế nào: có đúng là một đời sống chính danh Kitô hữu hay chưa?
*******
Lạy
Chúa! Xin giúp chúng con biết thành tâm nhìn lại chính mình, biết lắng nghe và
thực hành Lời Chúa dạy. Sửa lại những thiếu sót của mỗi người chúng con. Để khi
Chúa đến, chúng con sẽ là những thành viên được đứng trong hàng ngũ đón chào
Chúa ngự đến, cùng hân hoan tiến vào đền thánh , tôn vinh chúc tụng Chúa muôn đời.
Amen.