Translate

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

THIÊN CHÚA...... NGƯỜI CHA NHÂN TỪ!

Lạy Chúa, con đã được nghe rất nhiều là Chúa phạt những người tội lỗi, hơn là được nghe nói về tình thương của Chúa. Ðể rồi, nói đến Chúa là con nghĩ đến một vị quan tòa. Nhìn Chúa kính sợ hơn là dám đến gần. Có ngờ đâu, Chúa mong con đến bên để kể cho con nghe những câu chuyện về lòng thương xót của Chúa, để chữa lành vết thương của tâm hồn, để nói cho con nghe về hạnh phúc, để chỉ cho con thấy vẻ đẹp của cuộc sống.

Trong câu chuyện dụ ngôn “Người con hoang đàng” Chúa kể, khi thấy đứa con trở về, cha già chạy vội vã đón con. Cha tha thứ lỗi lầm trước khi con tự thú. Giữa cha mẹ với con cái, muốn được tha thì phải xin lỗi. Có khi xin lỗi cũng chẳng được tha. Chúa thì lại tha trước khi xin lỗi. Xin cho con biết hối hận vì đã bao lần con chẳng để ý đến lòng nhân từ của Chúa.

Lạy Chúa, người con trở về đã được mặc áo quý, đeo nhẫn với quyền thừa hưởng gia nghiệp. Cha già đã giết bò tơ ăn mừng. Hình ảnh mô tả như một đại tiệc để mừng sự thành công, vinh quang của một người con đã học hành thành tài, đỗ đạt vinh hiển, nay về quê làm rạng danh công ơn của cha mẹ.


Lạy Chúa, chỉ có việc con lên đường trở về mà Chúa hạnh phúc như vậy sao? Xin cho con được nhìn Chúa với tình thương.

NHỮNG BẬN RỘN TRONG CUỘC SỐNG

Cuộc sống chúng ta xem ra luôn luôn lúc nào cũng bận rộn.

Từ sáng đến chiều tối, phải lo chạy công việc đến độ ta cứ tưởng như mình không còn thì giờ để đau bệnh nữa, suốt ngày chỉ mưu toan làm sao để kiếm được nhiều tiền, nhiều quyền hành hơn. Chúng ta thường bị cám dỗ sống một cách máy móc theo thói quen thường nhật, thụ động chấp nhận tất cả những gì xảy ra hằng ngày, gặp gỡ cùng một bộ mặt, trao đổi cùng một vấn đề, rồi để cho tất cả trôi qua không chút phản ứng vui buồn thương nhớ... và cả đến trong tình yêu thương chúng ta cũng sống theo thói quen không còn khám phá những nét mới mẽ mỗi ngày mang tới...

Suốt ngày có lẽ chúng ta không còn dành thời giờ cho Chúa nữa. Cuối tuần có lẽ chỉ dành cho Chúa nửa giờ vào ngày Chúa Nhật, nhưng trong nửa giờ đến gặp Chúa trong thánh lễ chúng ta lại không biết nói gì với Chúa hay nghĩ rằng mình chẳng có gì để nói với Chúa cả.

Chia Sẻ:

Hãy khám phá sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình thì tất cả sẽ được đổi mới, gia đình, tình thương, sẽ được canh tân và bạn sẽ có được niềm vui sống. Chỉ cần ta bắt đầu hướng về Ngài, ta sẽ nghe được tiếng Ngài gọi đích danh, bởi vì mỗi người chúng ta là con của Chúa, ta sẽ cảm nghiệm được rằng chính Chúa là Ðấng đi tìm ta trước bởi vì Chúa nhìn thấy ta đang lo buồn vô ích. Một nỗi buồn có thể che mắt đức tin, làm lu mờ trí khôn và làm đông lạnh con tim, tình thương hay ta sợ Thiên Chúa không có thì giờ cho ta.

Không phải vậy đâu, chính ta mới là kẻ không có thì giờ cho Chúa hay là ta nghĩ Thiên Chúa không đủ sức thỏa mãn những nhu cầu của ta. Không phải vậy, Thiên Chúa là Ðấng quyền năng vô cùng. Ngài có thể thực hiện những điều mà ta không ngờ trước được. Hãy để Thiên Chúa sống với ta từng ngày từng giờ và đời sống ta sẽ trở thành tươi đẹp hơn, thú vị hơn, trổ sinh nhiều hoa trái thơm ngon hơn.

Ðược Thiên Chúa cứu giúp, ta sẽ nhìn những biến cố trong đời sống, những chiến đấu cam go để vượt qua sự dữ với đôi mắt mới, để Chúa hiện diện với ta, Ngài sẽ gánh lấy những vấn đề ta gặp phải và giúp giải quyết chúng một cách thật hữu ích cho chúng ta. Ngài quan tâm chăm sóc cho đời ta nhiều hơn hoa cỏ ngoài đồng hay những chim muông trên trời. Ngài chỉ xin một điều duy nhất là yêu mến Ngài, là khám phá lòng nhân từ của Ngài đối với ta, khám phá ra mối giây liên lạc giữa Ngài với ta. Ngài chỉ xin ta một điều là biết nghĩ đến Ngài trong mọi hoạt động thường nhật. Thánh Phanxicô thành Assisi mỗi sáng thường vẫn nói với anh em tu sĩ quanh mình: Chúng ta hãy bắt đầu lại sống yêu thương, hãy bắt đầu sống thánh thiện.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con niềm vui sống vì được Chúa yêu thương chăm sóc.


Xin thương chúc lành cho con và cho tất cả mọi người con gặp trong ngày hôm nay. Amen.

CẦU NGUYỆN THẾ NÀO MỚI LÀ CẦU NGUYỆN

Thầy giáo và các đệ tử cùng ngồi trên ghế để coi, thầy giáo nói: "Các con đã nghe qua rất nhiều lời cầu nguyện, tự mình cùng đã cầu nguyện rất nhiều. Đêm nay thầy hy vọng các con hiểu biết một loại cầu nguyện khác."

Chính là lúc ấy chương trình đã mở màn, màn vũ ba-lê bắt đầu.

Chia Sẻ:

Người Ki-tô hữu thường có thói quen cầu nguyện trong nhà thờ, và ít người có thói quen cầu nguyện mọi nơi mọi lúc.

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và đặc biệt ở trong tâm hồn của chúng ta, bởi vì tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, do đó, ngoài nhà thờ ra, thì bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chúa.

Có một vài linh mục đã nặng nề lên án các việc các linh mục khác đi coi kịch, coi múa ba-lê hay coi những tiết mục khác, bởi vì các ngài coi đó là chuyện của người đời, chứ không phải là của linh mục...

Coi phim, coi văn nghệ, coi múa ba-lê hay coi bất cứ chương trình nào cũng đều có ích, nếu chúng ta gạt bỏ những quan niệm xấu ra khỏi trí óc mình, mà thánh hóa, cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta có những diễn viên, những nghệ nhân tài giỏi biểu diễn để chúng ta thưởng thức giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc...


Nghệ thuật là của Chúa vì Ngài là nhà sáng tạo vĩ đại, cho nên cần có những tâm hồn biết yêu mến và thưởng thức tình yêu của Chúa trong tất cả các loại nghệ thuật, đó chính là cầu nguyện vậy.

Sau hết, hãy nhớ rằng nếu chúng ta biết cầu nguyện thì sẽ thấy trẻ em ngủ gục trong nhà thờ rất dễ thương, vì chúng nó ngủ trong nhà Chúa; nếu chúng ta biết cầu nguyện, thì chúng ta sẽ nhắc các em thay vì nói chuyện ồn ào với nhau, thì hãy nói chuyện với Chúa Giê-su đang ngự trong nhà tạm; nếu chúng ta biết cầu nguyện, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả mọi người cũng đều thích thú đến với Chúa Giê-su, nếu chúng ta biết kiên nhẫn và yêu thương hướng dẫn họ...

XÉT ĐOÁN ANH EM LÀ XÉT ĐOÁN LỀ LUẬT (Gc 4,11)

Trong tinh thần “tân Phúc Âm hóa”, tôi mời gọi mọi người cùng nhau xem lại các đoạn Phúc Âm sau đây và cùng nhau hiểu rõ hơn về ý nghĩa thật sự của Lời Chúa phán dạy chúng ta.

Chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã dành quyền xét xử cho một mình Chúa mà thôi: "Mọi việc xử án ban cho Con" (Ga 5,22). Như thế, khi con phán đoán để xét xử về một người là con giành quyền đó của Chúa. Thánh Giacôbê cũng viết: "Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật. Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là Thẩm Phán. Chỉ có một Ðấng lập Luật và là Thẩm Phán, Ðấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt. Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại" (Gc 4,11-12). Con lấy quyền không thuộc về con là con đã tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là "muốn trở nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu" (Kn 3,5). Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó, chứ không phải chỉ là gây bất công.

Với tiêu chuẩn của xã hội, khi thấy một người sa ngã, xã hội kết án ngay. Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình. Nhưng nguyên nhân của sa ngã có thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ. Biết đâu những gai đó đã do chính chúng ta gây ra.

Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng thánh, chúng ta không thể dẫm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.

Chúa đã căn dặn con trong Phúc Âm thánh Gioan rất chi tiết: "Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Ðấng đã sai Ta" (Ga 8,15-16). Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha, rồi thi hành ý của Chúa Cha. Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình. Cách cư xử cẩn thận của Chúa làm chúng ta lo sợ vì đã bao lần chúng ta quá coi thường, xét xử tha nhân.

Thánh Phaolô cũng căn dặn con: "Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình ngươi" (Rm 2,1). Và khi chúng ta xét đoán người khác là chúng ta "khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa" (Rm 2,4).

- Nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với chúng ta thì tại sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác?

- Nếu chúng ta cần lòng kiên nhẫn của Chúa để chúng ta có thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao chúng ta lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác?

- Nếu chúng ta cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã của chúng ta thì tại sao lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người khác?

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa, con cần ơn Chúa rất nhiều để kìm hãm mình khi con muốn xét đoán kẻ khác, vì đây là lời mời gọi cám dỗ rất nguy hiểm, nó đã gây nên biết bao đổ vỡ, xa cách. Một thứ cám dỗ rất nguy hiểm được bao bọc bằng những lý do hết sức tinh vi.