Trong tinh thần “tân Phúc Âm hóa”, tôi mời gọi mọi người
cùng nhau xem lại các đoạn Phúc Âm sau đây và cùng nhau hiểu rõ hơn về ý nghĩa
thật sự của Lời Chúa phán dạy chúng ta.
Chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã
dành quyền xét xử cho một mình Chúa mà thôi:
"Mọi việc xử án ban cho Con" (Ga 5,22). Như thế, khi con phán
đoán để xét xử về một người là con giành quyền đó của Chúa. Thánh Giacôbê cũng
viết: "Xét đoán anh em là xét đoán
Lề Luật. Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là
Thẩm Phán. Chỉ có một Ðấng lập Luật và là Thẩm Phán, Ðấng có quyền cứu rỗi và
tiêu diệt. Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại" (Gc 4,11-12). Con lấy quyền không thuộc về con là con đã
tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là "muốn trở nên như Thiên Chúa
biết cả tốt xấu" (Kn 3,5). Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó,
chứ không phải chỉ là gây bất công.
Với tiêu chuẩn của xã hội, khi thấy một người sa ngã, xã hội
kết án ngay. Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình. Nhưng nguyên nhân của sa ngã có
thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ. Biết đâu những gai đó
đã do chính chúng ta gây ra.
Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng
thánh, chúng ta không thể dẫm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.
Chúa đã căn dặn con trong Phúc Âm thánh Gioan rất chi tiết: "Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét
xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Ðấng đã
sai Ta" (Ga 8,15-16). Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha,
rồi thi hành ý của Chúa Cha. Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử
theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha
trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình. Cách cư xử cẩn
thận của Chúa làm chúng ta lo sợ vì đã bao lần chúng ta quá coi thường, xét xử
tha nhân.
Thánh Phaolô cũng căn dặn con: "Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình
ngươi" (Rm 2,1). Và khi chúng ta xét đoán người khác là chúng ta "khinh thường kho tàng phong phú là
lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa" (Rm 2,4).
- Nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với chúng ta thì tại
sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác?
- Nếu chúng ta cần lòng kiên nhẫn của Chúa để chúng ta có
thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao chúng ta lại khinh
thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác?
- Nếu chúng ta cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã
của chúng ta thì tại sao lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người
khác?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, con cần ơn Chúa rất nhiều để kìm hãm mình khi con
muốn xét đoán kẻ khác, vì đây là lời mời gọi cám dỗ rất nguy hiểm, nó đã gây
nên biết bao đổ vỡ, xa cách. Một thứ cám dỗ rất nguy hiểm được bao bọc bằng những
lý do hết sức tinh vi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét