“Ông Phê-rô còn đang nói, chợt có một đám mây sáng ngời bay đến phủ bóng trên các ông” (Mt 7, 5a)
Biết bao lần trong Cựu Ước, đám mây sáng ngời vừa bày tỏ
nhưng đồng thời che phủ sự hiện diện của Thiên Chúa trước mắt của phàm nhân, vì
thế, đám mây sáng ngời là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 40, 34-35; 1V
8, 10-12; Ed 10, 3-4 ; Tv 18 , 12). Một giọng nói vang lên như vào
ngày Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gio-an Tẩy giả. Tuy nhiên, ở đây không còn là
« các
tầng trời mở ra và Thần Khí ngự xuống trên Người », nhưng là «
dung mạo Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh
sáng », nghĩa là, ở nơi Đức Giê-su Thực Tại Thiên Quốc, hay chính Thiên
Chúa đích thân hiện diện. Lời công bố tước vị « Con Thiên Chúa » của
Đức Giê-su không chỉ nhấn mạnh sự tuyển chọn đặc sủng, nhưng cũng nhắm đến tầm
quan trọng của sứ điệp : « Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ».
Huấn lệnh nầy xem ra nhắc nhớ lời hứa của Đức Chúa với dân Ngài qua ông Mô-sê:
từ giữa họ, Ngài sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ như Mô-sê, Ngài sẽ đặt lời
Ngài trong miệng của Đấng ấy, vì thế « Các ngươi hãy nghe vị ấy »
(Đnl 18, 15). Vì thế, Đức Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa.
Phải lưu ý rằng đám mây bao phủ ba vị Tông Đồ, như vậy hiệp
nhất họ với Đức Giê-su, liên kết họ nên một với mầu nhiệm của Ngài, trong mặc
khải kín nhiệm mà họ không được hé lộ ra cho bất cứ ai trước khi Ngài sống lại,
như Đức Giê-su truyền lệnh cho họ. Khi đám mây biến mất, các Tông Đồ không còn
thấy ai ngoài chỉ một mình Đức Giê-su. Từ đây, Đức Giê-su hiện thân cho Lề Luật
và Các Ngôn Sứ.
Sự biến hình Thánh Thể của Chúa Giêsu đối với Người hệ tại
không phải là tỏ vinh quang của Người ra bên ngoài, nhưng là che giấu vinh
quang ấy đi dưới những hình bí tích. Tuy nhiên, vì đã trung thành lắng nghe lời
của Con yêu dấu để được Người dạy dỗ về mầu nhiệm này, chúng ta nhận ra Người
đang hiện diện dưới dạng bánh thánh và Phêrô có thể kêu lên: “Lạy Chúa, ở đây
thật là hay!”. Sau đó, cần có can đảm mà phụng sự Người trong nếp sống khiêm tốn
mỗi ngày. Từ đó, thấy rằng, muốn có một kinh nghiệm nào đó về
Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Ngài, nhất thiết chúng ta phải ra khỏi đời sống thường
ngày xô bồ náo nhiệt và được chính Ngài dẫn dắt. Người ta vẫn nói rằng có thể
và phải gặp Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống này. Điều này không sai, và còn cần
thiết cho chúng ta là những người thường xuyên sống và dấn thân giữa lòng xã
hội với những vấn đề và biết bao cuộc gặp gỡ với người khác. Nhưng để có thể
gặp Chúa trong cuộc đời và cộng tác với Ngài, chúng ta đã phải thường xuyên gặp
Ngài trong nơi cô tịch, trong thinh lặng, riêng tư: chúng ta đã thường xuyên
được Ngài bao phủ “trong đám mây sáng chói”. .... cần lắm thay những thời gian
lắng đọng tâm hồn .... các họ đạo, giáo xứ nên dành thời gian đặc biệt để con
chiên bổn đạo tĩnh tâm trong Mùa Chay, các dòng tu, các hội đoàn, các linh mục,
vừa rồi là cả Giáo Hoàng cùng Giáo Triều Roma cũng đã dành 1 tuần lễ để Tĩnh
Tâm Mùa Chay.