Bà sẽ
sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu
dân Người khỏi tội lỗi của họ. (Mt 1, 21)
Suốt thời gian đầu Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhiều
về một nhân vật tiền hô cho Chúa Giê-su là Gioan Tẩy Giả, hôm nay, trong những
ngày cận kề Lễ Giáng Sinh, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đặc biệt
là thánh cả Giu-se, là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập
thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su.
Thánh sử Matthêu giới thiệu nguồn gốc Chúa Giê-su
thuộc dòng tộc Vua Đavit. Xét theo Thánh Kinh và nòi giống lưu truyền trong
nhân loại, Chúa Giê-su nhập thể “làm người”, Người cần có một gia phả trong gia
đình nhân loại. Đồng thời, để lời các ngôn sứ được ứng nghiệm nguồn gốc vương đế
thuộc dòng tộc Đa-vít, mà trong đó, chính thánh Giu-se là con cháu của vua
Đa-vít. Xét theo tính pháp lý, Chúa Giê-su cần một sự hợp pháp trong việc khai
sinh, mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị
khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt. Lại nữa,
Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ
và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su. Như vậy, vai trò của
thánh Giu-se thật cao cả, dù chỉ là cha nuôi, nhưng thánh nhân đã chu toàn
trách nhiệm dưỡng dục bảo vệ tính hợp pháp cho “bản tính nhân loại” của Chúa
Giê-su, cũng như trở nên nơi nương tựa tuyệt vời cho mẹ Maria và Chúa Ngôi Hai.
Tin Mừng diễn tả sự kiện trăn trở của Thánh Cả
Giuse (người công chính) khi chưa nhận được lời giải thích từ sứ thần Chúa. Đồng
thời, Tin Mừng cũng giới thiệu thánh Giuse là người cha “hợp pháp” trong gia
đình Thánh Gia. Trình thuật truyền tin cho Giuse cho ta thấy những phong tục về
hôn nhân gia đình của dân Do thái thời xưa. Thời kỳ đính hôn được coi như đã
chính thức thành vợ chồng về mặt luật pháp, muốn bỏ nhau phải ra toà xin
ly dị; nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật. Bởi vậy khi biết Maria
có thai trong thời kỳ đính hôn, trước khi về chung sống thì Giuse đã định chia
tay với Maria cách âm thầm: “Giuse, chồng bà là người công chính và
không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”.(Mt 1, 19) Biết
được ý định của Giuse, Sứ thần Chúa đã hiện đến báo mộng cho Giuse rằng: “Này
ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà
cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20). Chắc hẳn,
Giuse cũng rất bối rối khi nghe tin Maria mang thai; Tin mừng không cho ta biết
là trước khi sứ thần truyền tin cho Giuse thì Giuse đã biết Maria thụ thai bởi
phép Chúa Thánh Thần hay chưa? Nhưng dù biết hay không biết thì chắc hẳn Giuse
cũng rất băn khoăn, trăn trở trước ý định từ bỏ Maria. Giuse lại là người
nhân hậu, có lòng thương xót, ông không muốn người phụ nữ mà ông rất tin tưởng,
mến yêu và kính trọng lại bị xử theo luật Do thái là bị ném đá nên quyết định
âm thầm ra đi. Thế nhưng khi sứ thần truyền tin và trao cho Giuse
trách nhiệm đặt tên cũng như đón nhận Hài nhi vào dòng tộc của mình thì Giuse
chỉ biết vâng phục: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là
Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). Trước
lời giải thích của sứ thần, Giuse đã sẵn sàng vâng phục ý Chúa, ông đặt mình
vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa và sống tín thác vào Người trong một hoàn
cảnh mà người khác không dễ gì vâng theo.: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như
lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà
sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 24-25).
Cũng thế, trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những
điều không mong muốn hay có những điều ta mong muốn nhưng lại xảy ra không đúng
với ý của ta. Thật vậy, khi đứng trước những nghịch cảnh mà cuộc đời mang lại,
nhiều lúc chúng ta thấy ngang trái, chúng ta không chấp nhận và càng không thể
làm theo những điều mà ta thấy vô lý theo suy đoán của mình. Thế nhưng Thiên
Chúa lại có thể vẽ những đường thẳng trên những nét cong, Người có thể làm cho
mọi sự trở nên hoàn hảo cho những kẻ tin vào Người. Tóm lại, dù trong hoàn cảnh
nào chúng ta cũng luôn được mời gọi theo gương của Giuse: để mọi chuyện cho
Chúa quyết định và làm theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, dù biết rằng điều này chẳng
dễ dàng thực hiện chút nào. Chúng ta được mời gọi sống theo mẫu gương Thánh
Giuse trong tinh thần vâng phục Thánh ý Chúa với lòng khiêm tốn và nhiệt thành
với những gì Chúa trao phó bằng chính lòng quảng đại của mình. Vâng theo Thánh
ý Chúa cũng chính là từ bỏ những ý riêng của mình để thực hiện ý định của Chúa.
Trong cuộc sống gia đình hiện nay, trước muôn vàn những khó khăn thử thách, những
người Cha người Mẹ chúng ta có bao giờ sẵn sàng tín thác vào Thiên Chúa trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống như gương Thánh Giuse xưa? Trước những biến cố xảy ra
cho mình, Giuse chỉ biết im lặng lắng nghe ý định của Thiên Chúa mà không hề
nghi kỵ, tố cáo hay bêu xấu, ông cũng không hề trách móc hay lớn tiếng la mắng.
Sống trong đời sống gia đình, sự không tin tưởng thường làm cho hạnh phúc gia
đình đứng trước nguy cơ tan vỡ, dù chúng ta không ai hoàn hảo nhưng sự tin tưởng
giúp cho đời sống gia đình trở nên tốt đẹp và hạnh phúc.
Suy gẫm Tin mừng hôm nay, chúng ta duyệt xét lại cuộc
đời mình - chúng ta đã được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, được giải
thoát khỏi gông cùm xích xiềng tội lỗi - chúng ta đã sống đáp lại tình thương của
Chúa như thế nào? Một cuộc sống công chính luôn sẵn sàng vâng nghe và thực thi
thánh ý của Thiên Chúa, thực thi lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô trong
Tin mừng để được hạnh phúc đời đời hay chúng ta đã đánh mất niềm hy vọng và rời
xa niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng cứu độ chúng ta. Mùa vọng là mùa giúp Ki-tô hữu
chúng ta sống lại niềm chờ mong ngóng đợi Đấng Thiên sai; là mùa hướng chúng ta
đến một niềm hy vọng mới của một trang sử mới tràn ngập niềm vui vì sự ra đời của
con Thiên Chúa – Đấng Cứu độ. Người đã đến cách đây hơn hai ngàn năm và Người vẫn
còn đang đến trong từng cuộc đời. Người là niềm hy vọng của mỗi con người chúng
ta, là Tin mừng cho chúng ta, và cũng là Tin mừng chúng ta cần phải loan báo
cho anh em mình, những người còn xa lạ với Thiên Chúa. Như những tôi tớ trung
thành, người con hiếu thảo, mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta cũng viết lên trang
sử cuộc đời mình bằng cách sống vâng nghe và tuân giữ lệnh Chúa truyền, sống
tràn đầy niềm vui và hy vọng, sống yêu thương và phục vụ trong tin yêu, phó
thác để làm nên một gia đình gương mẫu như thánh gia xưa hầu có thể trở thành
chứng tá Tin mừng cứu độ trong cuộc sống. Có như thế, mỗi năm khi kỷ niệm mừng
con Chúa ra đời là mỗi lần lòng chúng ta được tràn ngập niềm vui sướng và biết
ơn Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và vẫn còn yêu thương ta mãi mãi trong cuộc đời.
Đấng đã làm nên lịch sử và luôn dẫn dắt quan phòng để lịch sử ấy hướng về cùng
đích là chính Người.
*******
Lạy Chúa! Thời đại hôm nay đang sống như vắng bóng
Thiên Chúa, thậm chí như Thiên Chúa đã chết rồi. Vì thế, hơn lúc nào hết, xin
giúp chúng con biết trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, để nhờ
đó mà mọi người nhận ra Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống
và đang sống ở giữa nhân loại. Amen.