Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi
bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện
toàn (Mt 5, 17)
Đã có thời
người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu, vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha
mẹ tổ tiên. Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no. Nhiều người
không dám theo đạo, vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông
bà. Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do Thái cũng có nỗi sợ tương tự. Họ
tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài, nhưng họ lại sợ làm thế là
bỏ đạo của cha ông, bỏ Do Thái giáo. Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ
bỏ Luật Môsê, và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa. Bài Tin Mừng hôm nay nằm
trong phần công bố Nước Trời theo cách sắp xếp của Thánh sử Mat-thêu. Sau khi
công bố về Tám Mối phúc, còn gọi là hiến chương Nước Trời, trên núi Chúa Giêsu
đã giới thiệu về bản thân mình như một Mô-sê mới; Ngài đến để kiện toàn lề luật
và Ngài cũng là Đấng ban luật. Đây chính là mối tương quan của Chúa Giêsu với Cựu
ước. Ngài là Đấng Mêsia, Đấng phải đến và là Đấng Israel đang mong chờ. Nơi
Ngài, mọi lời Thiên Chúa hứa và phán qua các ngôn sứ đều được thực hiện.
Luật
Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê. Môsê đã làm
nhiệm vụ trao lại cho dân Do Thái và giải thích Luật ấy. Người Do Thái từ bao đời
đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê. Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là
Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm
gọi là Cha. Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết
rõ ý Cha bằng Con. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đẩy luật Mô-sê đi sâu vào phẩm chất
của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chi theo hình thức bên ngoài “mã
tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời
các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn
sách. Vì Đức Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch
sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định:
Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý
nghĩa đích thực của nó.
Trong
Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới, ta sẽ thấy Đức Giêsu giải
thích lại Luật Môsê như thế nào. Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu. Giai đoạn
chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ. Đức Giêsu mời gọi chúng
ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban, nhưng theo cách giải thích mới mẻ,
hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài. Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước
Trời do Ngài khai mở, cần sống Luật Môsê đã được Ngài giải thích lại. Người
Kitô hữu gốc Do Thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo, bỏ Lề Luật, bỏ
các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông, vì Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng
cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi. Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức
tin của mình không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt với những giá trị của nền
văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống? Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô
hữu, một người Công Giáo Rôma, mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay
người Châu Á? Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng
kiện toàn tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
********
Lạy Chúa,
xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và
Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật
không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen