“Kết bạn với Mammon bất công” là một trong những từ ngữ bí
nhiệm mà Chúa Giêsu đã nói. Rất nhiều người không hiểu được lời này. “Mammon”
là một tiếng gốc gác Syria có nghĩa là tiền bạc, và thường đi kèm trong thành
ngữ “Mammon bất công” bởi vì loài người, như Chúa Giêsu nói, thường sử dụng
tiền của để đeo đuổi những mục tiêu bất công và gian ác. Nếu như biết nói, hẳn
tờ bạc ta đang bọc trong túi sẽ kể lại cho ta hay cuộc đời của nó, nào là người
ta đã sử dụng nó ra sao, đã bán chác thế nào, đã dùng nó để gây nên những tội
lỗi nào.v.v… Chúa dạy rằng người nào làm đầy tớ cho tiền bạc rồi sẽ có lúc thất
bại. Thần chết nhắn với hết thảy người đời rằng: “Đã đến lúc ngươi không thể
cúi lưng làm tôi đòi cho tiền tài được nữa, giờ chết của ngươi đã đến!” Và rõ
ràng là tiền tài không thể mang theo qua thế giới bên kia được.
Vậy Chúa dạy ta sử dụng tiền bạc như thế nào? Hãy san sẻ
tiền bạc cho kẻ túng thiếu, bởi lẽ hễ bạn cứu giúp họ qua cơn ngặt nghèo, ấy là
bạn đã kết thân được với những người bạn sẵn lòng giúp bạn rỗi linh hồn. Dĩ
nhiên người ta chẳng thể dùng tiền để mua được nước thiên đàng, nhưng tiền bạc
có thể giúp ta tìm được bạn hữu nâng đỡ ta khi ta thất bại. “Những gì các ngươi
làm cho người anh em bé mọn nhất, ấy là các ngươi đã làm cho Ta”. Những kẻ được
Ta đoái lòng nhân từ thương xót hẳn sẽ cung xưng ra trước ngai phán xét rằng:
“Thưa Chúa, đây chính là người chúng con đã nói đến. Người này thuở còn sinh
thời vẫn ra tay giúp đỡ chúng con rất nhiều”.
Khi du lịch tới xứ nào, ta đều phải đổi tiền xứ ấy để dùng.
Cũng vậy, ta phải đổi của cải đời này thành của cải thiêng liêng ở đời sau
“không hề bị rỉ sét, mối mọt hay bị trộm cắp đi được”.
Thế những kẻ chẳng hề ra tay bố thí thì sao? Họ có tâm lý là
cóp nhặt càng nhiều của cải càng tốt. Họ quý báu từng xu một. Nhưng câu trả lời
cho họ là mọi người đều được tạo dựng để hướng tới Đấng Vô Biên là Thiên Chúa.
Thế mà chỉ vì mù quáng bởi tội lỗi hoặc thiên kiến, lý trí họ đã thay Thiên
Chúa bằng tiền của, mà họ cho là vô hạn. Họ càng lúc càng muốn có nhiều hơn,
thay vì muốn được sống cuộc đời bên Chúa. Người ta có vô số tóc trên đỉnh đầu,
nhưng nhổ đi một sợi cũng đủ gây đau đớn. Một người dù giàu có ức triệu mà mất
đi một xu, y cũng xót ruột lắm. Y biết rằng “mình không thể đem theo tiền tài
được” nên y chối nhận có đời sau.
Người Kitô hữu phải biết dùng tiền bạc để chuẩn bị cho đời
sống ở thiên đàng. Có một phú hộ bảo người tớ gái hái hoa quả trong vườn đem
biếu hàng xóm, để nhờ vậy mà kết thân với họ. Như thế, tiền tài (mà tiếng Anh
là wealth) đã tỏ ra xứng hợp với nguyên ủy của nó, là sự an lạc (weal).
Có một câu chuyện về một phụ nữ giàu có sau khi chết bà được
thánh Phêrô chỉ cho thấy ngôi dinh thự nguy nga của người tài xế của bà. Bà
liền bảo “Ôi chao, nhà của y mà đồ sộ thế, chắc hẳn dinh cơ của con còn lộng
lẫy ghê lắm!” Nhưng thánh Phêrô chỉ cho bà một cái chòi xơ xác hơn và nói với
bà: “Đó là nhà của bà”. Bà thốt lên: “Nhà như thế làm sao con ở được?” Thánh
Phêrô trả lời: “Thưa bà, với những vật liệu bà đã gửi lên cho ta, ta dựng được
cái chòi như thế là khá lắm rồi đấy!”
Người ta dâng cúng rất nhiều tiền của, nhưng dùng tiền của
để phục vụ linh hồn lại rất ít ỏi. Họ thường hiến tặng tiền của để tên tuổi
mình được gắn trên biển vàng bệnh viện, đại học… Người ít học lại thường đỡ đầu
tiền bạc cho các thư viện để làm ra vẻ ta đây là người có học hành. Chúa dạy
“Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm”. Như thế ta biết thêm nguyên tắc
thứ hai này: khi cho tặng, ta phải có ý tốt lành. Nếu nhân danh Đức Kitô ta cho
kẻ khác chỉ một cốc nước lã thì cũng được Chúa thưởng cho gấp trăm lần.
Cách đây nhiều năm, nhân lễ Têrêxa, người ta mở cửa tu viện
dòng kín cho công chúng vào xem, nhiều người tò mò đổ xô vào để xem các nữ tu
hiến mình sống thinh lặng, chiêm niệm và đánh tội. Một người không hiểu gì về
cuộc sống dòng kín đã gọi một nữ tu trẻ đẹp và chỉ cho một tòa nhà lộng lẫy bên
kia đồi, và bảo rằng: “Này chị, nếu như có được tòa nhà sang trọng đó, và có
được cuộc sống an lạc, xa hoa, liệu chị có bỏ mình để vào tu dòng kín không?”
Chị đáp: “Thưa ông, dinh cơ đó trước kia là của tôi đấy!”
Người ta đã bố thí rất nhiều một cách vô ích vì họ không làm
việc đó để phục vụ linh hồn. Thế gian cho rằng những gì cao cả nhất phải được
sử dụng để được những gì hèn hạ nhất, ví dụ như dùng trí tuệ để tạo ra của cải
dư dật. Người con của Chúa lại cho rằng những gì thấp hèn phải được sử dụng để
phục vụ cho những gì cao cả, nghĩa là ta phải dùng tiền bạc để phục vụ Chân Lý,
để an ủi kẻ hoạn nạn, cứu chữa người bệnh hoạn, để cứu vớt các linh hồn. Để trả
lời cho câu nói: “Ngươi chẳng thể nào đem theo được”, ta có câu: “Được chứ,
miễn là ngươi biết từ bỏ”. Như thế ngươi sẽ được thưởng công trong cuộc sống
mai hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét