Trong chương 15 của
Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su kể một lúc tới 3 dụ ngôn (Lc 15, 1-32), để
giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống
với họ nữa, nghĩa là Người còn kết bạn với họ. Nhưng trên Thập Giá, Người còn
đi xa hơn, khi để mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết chung
với các tội nhân.
Ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý
: 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất,
và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét trên bình diện số học, sự mất
mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn
nữa, xét về bản chất của điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền,
và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất
mát cảng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người
cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng
; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ
chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.
Cha muốn trao ban hết, nhưng những người con của cha lại
tính toán : chia chắc, tính công, so đo…. Cha vẫn còn đau khổ chờ đợi, vì người
con lớn vẫn chưa trả lời. Và có lẽ, lời nói mà Cha chờ đợi nơi anh là : « tất
cả những gì của con là của Cha ». Còn về người con thứ, Cha vẫn sẽ kiên nhẫn
đồng hành với hành trình « tái sinh », chắc chắn là lâu dài và không dễ dàng
của người con út. Và với chúng ta cũng vậy, Cha vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn và bao
dung đợi từng người chúng ta.
Dụ ngôn nói về tương quan của từng người chúng ta với Chúa,
và tương quan của chúng ta với nhau, tương quan nào cũng bị tổn thương, sứt mẻ,
cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải. Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su, Ngài
lấy lời, hành động và chính thân mình để hòa giải từng người chúng ta với Chúa
Cha, và từng người chúng ta với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét