Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con
cái. Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra
đi. Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến cũng đã để lại một di
chúc kép cho các môn đệ dấu yêu: Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là
Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ
đến di chúc ấy. Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với
Ngài. Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể. Cả
hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết. Cả hai đều được làm
trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua. Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận
tụy với sứ mạng phục vụ, Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy
lễ hiến dâng đời mình. Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ. Rửa
chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho
trò. Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa
chân. Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi. Rượu trở nên
Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới. Trong cả hai biến cố
Rửa chân và bí tích Thánh Thể, Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích
cực. Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân, hay tham dự
bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài. Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ
xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu. Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi
lặp lại những cử chỉ đó. “Anh em cũng
phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). “Anh
em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19). Cúi xuống phục vụ
tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết
và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Muốn ở
lại trong tình thương của Thầy Giêsu, cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương
anh em” (Ga 15, 12). Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại
trong Thầy : “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi,
thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Thứ Năm Tuần
Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất. Yêu là cúi xuống phục vụ,
yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu. Ước gì chúng ta được ở lại
trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét