Tại nhà thờ chánh tòa
Wurzburg trong miền Baviere, Tây Ðức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng được
chạm trổ vào khoảng thế kỷ 14. Trên những tượng thánh giá, thông thường
đôi tay Chúa Giêsu giang ra và bị đóng vào gỗ giá. Riêng đôi tay của Chúa
Giêsu trên tượng thánh giá tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg thì khác hẳn: thay
vào bị giang ra và bị đóng vào gỗ giá, hai cánh tay của Chúa lại khoanh trước
trái tim như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.
Người dân địa phương
truyền tụng rằng trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa tin lành và công giáo vào
giữa thế kỷ 17, một người lính chống công giáo đã vào nhà thờ này. Nhìn thấy
trên đầu Thiên Chúa có một triều thiên bằng vàng, anh sinh lòng tham, bắc thang
leo lên để đánh cắp. Khi anh vừa đưa tay tháo gỡ triều thiên thì đôi cánh tay
của Chúa Giêsu bỗng được tháo gỡ. Chúa Giêsu giang tay ôm trọn lấy anh vào
lòng, với tất cả trìu mến. Người lính chết lịm trong vòng tay âu yếm của Chúa
Giêsu.
Người ta tìm thấy xác
của anh dưới chân thánh giá!
Kể từ ngày đó, hai
cánh tay của Chúa Giêsu không còn giang ra và bị đóng vào lỗ đinh nữa, nhưng
được khoanh trước trái tim trong tư thế đang ôm chầm lấy một người nào đó.
Du khách nhìn lên
thập giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe có tiếng
thì thầm: "Ta không hề kết án con".
Chia sẻ:
"Thiên Chúa yêu
thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài", đó là chân lý cơ bản
nhất trong Kitô giáo. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên
thập giá: đó là ngôn ngữ qua đó muốn nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương
chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Người Con Một của Ngài chết thay
cho chúng ta.
Thiên Chúa yêu thương
con người: điều đó không có nghĩa là Ngài yêu thương con người một cách trừu tượng, yêu thương con người như một đám đông hay như một con số. Thiên Chúa yêu
thương con người bằng một tình yêu cá biệt, nghĩa là mỗi người chúng ta đối với
Ngài như thể là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này. Mỗi người là một
lịch sử, mỗi người chiếm trọn tình yêu của Chúa.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nghĩa là Ngài chỉ muốn điều thiện cho chúng ta. Ðiều thiện ấy có thể vượt khỏi
suy tính, đo lường của chúng ta. Do đó, cho dẫu có gặp trăm nghìn đớn đau, vất vả, chúng ta cũng hãy tin rằng Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta.
Ngài yêu thương chúng ta đến độ làm mọi cách để cho mọi sự đều quy về điều thiện hảo cho chúng ta. Một
cơn bệnh, một sự thất bại, một cái chết, một sự mất mát và ngay cả tội lỗi: tất
cả đều là những cơ may để Ngài ban cho chúng ta một ơn phúc cao cả hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét