Translate

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

LÒNG TỐT GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Một bà cụ 81 tuổi, quê ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) xuống Cà Mau thăm người con trai đang thi hành án. 170.000 đồng chi phí cho chuyến đi đã không còn đồng nào khi cụ về đến bến xe Cà Mau sau một ngày ngồi xe ôm tìm con.
Mệt mỏi, đói khát và bơ vơ, cụ không biết phải làm sao để về quê trong khi nhìn xe nào cũng đã đầy khách. Không hiểu sao câu chuyện về cụ lại đến tai một cô gái trẻ và cô gái ấy đã làm những việc mà những người đi cùng chuyến xe của cô cảm động. Đó là việc cô trả tiền xe để bà cụ được về nhà.
Ngày thường thì số tiền từ Cà Mau về Hậu Giang cũng không là bao, nhưng trong ngày mồng 5 tết với giá xe tăng vô tội vạ thì số tiền ấy không phải nhỏ. Cô còn tận tình mua nước cho bà cụ uống và luôn miệng hỏi bà cụ có muốn ăn gì cô sẽ mua cho. Đến khi bà cụ xuống xe, tôi còn thấy cô gái ấy đưa cho bà cụ 20.000 đồng bỏ túi.
Thế đấy, cuộc sống dẫu có xô bồ, đua chen nhưng luôn có những con người biết giúp người khác vượt qua khó khăn. Giúp bằng những hành động cụ thể chứ không hô hào. 
Nó cho thấy một hình ảnh khác về người trẻ: họ cũng biết quan tâm, chia sẻ cùng mọi người chứ không phải luôn chạy theo mốt tân thời, lối sống thực dụng, vị kỷ. Bà cụ xúc động lắm. Trò chuyện với mọi người, bà cụ luôn miệng: “Con gái nhà ai mà tốt quá hổng biết”.
Không chỉ thế, việc làm của cô đã khiến tài xế xe tên là Trường cảm động và chỉ nhận một số tiền nhỏ để nộp nhà xe mà thôi. Tấm lòng tốt bao giờ cũng tạo nên một sự lan truyền như vậy.
Tôi sẽ không viết những dòng này, như thay lời cảm ơn của bà cụ đối với cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp kia nếu như  cô không phải là công nhân đang làm ở một xí nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận. Công nhân, nghĩa là thu nhập hằng tháng chỉ tính bằng tiền trăm, giỏi lắm cũng vài triệu đồng. Những ngày về tết là những ngày hiếm hoi trong năm cô được nghỉ ngơi. Tiếc là tôi chỉ biết được tên của cô gái ấy là Loan, quê Cà Mau...
                                                                                    SÔNG ĐẦM

TTO - Tôi quan niệm rằng bạn có thể bị mắc lừa bởi một ai đó, nhưng bạn không nên vì thế mà vô cảm trước cuộc đời bởi tôi từng chứng kiến nhiều cảnh hết sức xúc động.
Một buổi trưa tháng năm nắng gắt khiến những người ngồi trong quán cơm nhỏ đều cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Từ đằng xa bước lại, những bước chân chậm chạp của một bà già khoảng hơn 70 tuổi, đang tiến lại quán. Những tưởng chủ quán sẽ lập tức xua đuổi bà lão ăn mày, nhưng không, bà chủ kéo ghế mời bà già ăn mày ngồi, ân cần chờ nghe gọi món. Bà lão ăn mày nói “ăn gì cũng được, miễn sao no bụng”.
Ăn xong bà lão ăn mày toan móc tiền trong túi nhưng mãi mà không được đồng nào. Bà nhìn mọi người vẻ ngượng nghịu, nhìn bà chủ quán vẻ cầu xin... Tôi nghe giọng bà chủ quán nhẹ nhàng “Thưa nếu cụ không có tiền thì hôm sau ghé lại, có thì trả, không có thì cụ cũng cứ ghé lại, con không tính tiền cụ bao giờ”.
Chứng kiến câu chuyện tôi cảm thấy cuộc sống này đẹp đẽ biết bao! Tôi muốn nói lời cảm ơn đến bà chủ quán, bà đã dạy cho tôi, cho chúng ta những bài học về lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với nhau.
         LINH TRUNG GIANG

Chia sẻ:
Trong Tin Mừng, nhiều chổ cũng đã kể về chuyện về những người mẹ trong tình thế bế tắc và đã được Đức Giêsu chạnh lòng thương. Chuyện Đức Giêsu gặp một đám ma con trai độc nhất của một bà góa ; người đàn bà xứ Canaan có đứa con gái bị quỷ ám ; người đàn bà bị bệnh loạn huyết lâu năm đụng đến gấu áo của Ngài... Nhưng thật thà mà nói những câu chuyện trong Tin Mừng đọc sao mà không cảm động mấy so với những bài viết như hai bài trên đây. Đúng là Chúa vẫn muốn con người ta thương nhau “tiền cho không biếu không”, gây lên được niềm xúc cảm bởi những tấm lòng đầy nhân ái tình người này. Ít là chưa vội nói đến Chúa thì tình con người cũng phải biết quan tâm đến nhau. Lòng nhân ái con người với nhau quả là tuyệt đẹp. Và chỉ con người mới có những cử chỉ hành động này. Con vật sao có được ! Do đó con người nếu không có thì làm sao ?
Dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10,29-37), người thông luật chỉ biết quy về mình “nhưng ai là người thân của tôi?” và Đức Giêsu đã đưa ra câu chuyện một người bị cướp và bị đánh nhử tử... Câu hỏi đã được đặt ngược trở lại là “ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Tôi là người thân cận của ai? Đó mới là vấn đề giúp chúng ta tự hỏi mình hoặc hơn nữa là để chất vấn chính mình, có thế mới biết lòng mình quảng đại thương yêu tới đâu! Những con người tốt bụng hàng ngày bên cạnh chúng ta là những hình ảnh của Thiên Chúa, cho đi cả ngày mai, cho đi cả tương lai.
Bà góa bỏ hai xu vào thùng tiền là bà đã bỏ cả đời mình vào trong đó bởi bà đã không nghĩ đến ngày mai (Lc 21,1-4), Đức Giêsu đã khen  ngợi bà.
Từ hai câu chuyện của Tin Mừng đến hai chuyện kể ở trên cho chúng ta nghiệm ra rằng : Tấm lòng là quan trọng, có tấm lòng thì tất nhiên nhậy cảm với những chuyện bất trắc xảy ra ngay trước mũi mình. Không phải mỗi lần ra khỏi nhà là phải đem theo một túi tiền dày cộm, vài ba ký gạo, mấy thùng mì ăn liền, một hộp cứu thương... nhưng là tấm lòng nhạy cảm như Đức Giêsu chạnh lòng thương và ra sức giúp đỡ hết khả năng của mình với những gì mình hiện có. Đã có nhiều trường hợp do tấm lòng mà vì tấm lòng đó đã liều thân xông vào đám lửa, hay nhào ra sông biển nước sâu cuồn cuộn cứu những nạn nhân để rồi chính mình cũng bị mất mạng.
Điều chân thật, đó là tôi đã kết hiệp mật thiết với Chúa thế nào, đến khi gặp chuyện xảy ra trước mặt tôi thì để Chúa sẽ thực hiện hết khả năng của tôi.
Cầu  Nguyện:

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm (Mt 25,34-46)
Lạy Chúa! Xin cho con biết rằng đó chính là những lời mà Người đang nói với chính con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét