Translate

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

ĐỪNG CHỈ CHĂM SÓC THÂN XÁC

Một ông chủ có việc phải đi xa, nên đã gửi con mình cho người đầy tớ, cùng với quần áo của cháu bé. Một thời gian sau, khi ông trở về, người đầy tớ đó nói với ông:

Thưa ông chủ, tôi xin gửi lại cho ông mấy bộ quần áo của con ông. Tất cả đều ở trong tình trạng hoàn hảo, sạch sẽ, được là ủi cẩn thận. Còn đứa trẻ, tôi không biết hiện nó đang ở đâu.

Chia Sẻ:

Cũng vậy, trong ngày sau hết, một số người coi thường sự sống đời sau sẽ nói: “Lạy Chúa, đây là thân xác của con, con không hề bỏ qua bất cứ gì thuộc về cơ thể. Nó hoàn toàn khỏe mạnh và đẹp đẽ. Nhưng còn linh hồn của con, con đã đành mất nó rồi”.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa Giêsu! Trong ngày đầu năm mới của dân tộc chúng con. Xin cho toàn thể dân tộc chúng con biết chăm sóc cho phần linh hồn, nhờ đó mà được sống trong Nước của Chúa, để mọi người được sống trong an lành và hạnh phúc.

NGÀY TẾT ! NGÀY HỘI NGỘ

Ngày Tết là điểm nối giữa năm cũ và năm mới, là thời điểm đặc biệt để gia đình được hội ngộ. Nó gợi lại trong tôi những cuộc hội ngộ với những thành viên trong gia đình, thân tộc; với ông bà tổ tiên và với Thiên Chúa.

Hội ngộ giữa những người đang sống

Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình… Ngày tết là ngày mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, tạo nên một sự ấm cúng, thân tình giữa mọi thành viên và giữa các thế hệ, để thông chia cho nhau những tâm tư tình cảm sâu lắng, mà thường ngày chưa thể diễn tả trọn vẹn được. Đây là dịp mọi người gác bỏ những lo toan, cực nhọc để sống cùng, sống với nhau. Để cuộc hội ngộ này mang tính bền vững, thiết tưởng cần nhìn vào mẫu gương hội ngộ giữa hai bà mẹ là Đức Maria và bà Isave. Đây là cuộc hội ngộ của niềm vui, của sẻ chia, của phục vụ, bởi vì cuộc hội ngộ không đơn thuần là để những con người ca ngợi nhau, mà cùng nhau ca ngợi Đức Chúa: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43) và “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).

Vâng, đây là cuộc hội ngộ mẫu cho chúng ta, bởi tất cả cùng quy về một mối là chính Thiên Chúa. Không chỉ với người còn sống, mà con cháu còn có tương quan với người đã khuất.

Hội ngộ với người đã khuất

Là người Công giáo, con cháu không chỉ báo hiếu người đã khuất trong ngày giỗ chạp, mà là hằng ngày, nhất là trong mỗi Thánh lễ. Thế nhưng, cuộc hội ngộ giữa con cháu với ông bà tổ tiên trong những ngày đầu năm mới đã đọng lại trong tôi những tâm tình đặc biệt. Việc quan trọng sau Thánh lễ sáng mùng một là việc thăm viếng những người quá cố. Nơi phần mộ người thân, con cháu cầu nguyện và chúc tết các ngài, thổ lộ với các ngài những gì chất chứa trong lòng, cũng có lúc là nhờ các ngài làm “chủ tọa” để hòa giải với nhau. Quả là linh thiêng! Tuy người đã ra đi nhưng vẫn còn mãi trong lòng người còn ở lại: “người chết nối linh thiêng vào đời”(cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Hai cuộc hội ngộ trên chưa cho tôi lấy làm đủ, nhưng trên hết tất cả phải là cuộc hội ngộ với Thiên Chúa, có thể gọi là cuộc hội ngộ “chóp đỉnh và nguồn mạch” của mọi cuộc hội ngộ.

Hội ngộ với Thiên Chúa

Quan sát cảnh sắc đất trời của mùa xuân tạo cho tôi cảm giác rộn ràng, tươi vui; mặc dù trước đó ít lâu là một sự ảm đạm của mùa đông. Qua đó, tôi nghĩ đến người phụ nữ Samari với hai bộ mặt khác nhau, trước và sau khi được hội ngộ với Đấng xin chị nước uống giữa buổi trưa bên bờ giếng tổ phụ Giacóp (Ga 4): Từ một người sống trong buồn tủi, trở nên một người vui tươi, hân hoan; từ một người khép kín, che đậy, trở thành một người cởi mở; từ một người lấm lét, né tránh mọi người, trở thành một người không ngại gặp gỡ mọi người: “chị để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người: “đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”” (Ga 4,28-29).

Đó không còn là cuộc hội ngộ của một nhân vật nào đó được kể lại, cho dẫu là được sách thánh ghi lại đi nữa. Nhưng đó chính là cuộc hội ngộ của mỗi Kitô hữu trong hành trình đức tin, nhất là trong năm phúc âm hóa gia đình, năm mà vị cha chung của Giáo Hội Công Giáo mời gọi: “hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Ngài có thể gặp gỡ; tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày…” (EG 3). Nhờ vậy, mối tương quan giữa con người với nhau và với Chúa mỗi ngày thêm sắc sảo, độc đáo.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, những cuộc hội ngộ làm cho cuộc sống chúng con thêm thi vị, nhờ cảm nếm được tình người, tình Chúa. Xin giúp chúng con biết trân quý, bảo vệ và góp phần làm cho chúng được thăng tiến hơn mỗi ngày. Amen.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

PHÚT NHÌN LẠI…!

Theo như lịch của một vài nước Á Châu và nhất là tại Việt Nam, hôm nay là ngày cuối của năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới, tôi mời gọi mọi người hãy cùng nhau nhìn lại và nhớ rằng:  hãy làm sao cho đời mình trở thành một đời cám ơn Chúa luôn luôn và mãi mãi.
  
           Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ơn Đức Tin

Phần chúng ta là người Công Giáo Việt Nam, những người có đức tin, chúng ta phải biết ơn Chúa là dường nào, vì Chúa đã thương gọi chúng ta vào đoàn chiên của Chúa, làm con cái của Chúa, trong khi hãy còn hơn 80% chưa phải là Công giáo.

Chúng ta đã biết sấp mình dưới chân Chúa, nhưng còn biết bao nhiêu người sấp mình dươí chân những người như họ, hoặc trước những loài vật vô linh tính, vô tri giác...

Phải chăng chúng ta có công nghiệp gì để đáng được Chúa thương ban ơn làm con Chúa? Dù chúng ta sinh ra là Đạo dòng, dù chúng ta được vào Đạo lúc mới sinh, hay khi đã lớn khôn, thì đó cũng là ơn nhưng không Chúa ban cho chúng ta, mà không ban cho hằng triệu triệu người khác đã sống trước chúng ta, đang sống với chúng ta, hoặc sẽ sống sau chúng ta...? Mà nếu tính như vậy, thì con số người không được phúc biết Chúa như chúng ta, lớn lao biết chừng nào, và chúng ta càng phải biết ơn Chúa biết bao! Nhưng chúng ta hãy xét lại xem: ơn Chúa ban cho chúng ta thì cao cả lớn lao biết chừng nào, còn cách chúng ta đáp lại ơn Chúa thì thế nào? Chúng ta có sống đời vui mừng, tạ ơn Chúa, hay chỉ sống đời tầm thường, lạt lẽo ... ? Và tệ hơn nữa, thay vì sống đạo đức thánh thiện, làm đèn soi Chúa cho người khác thấy, làm muối ướp Chúa cho thế gian khỏi hư thối, chúng ta lại sống đời tội lỗi, phản bội tình thương của Chúa ?

          Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ơn Cứu Chuộc

Mặc dù được đầy tràn ơn Chúa ban, con người đã nổi loạn chống Thiên Chúa. Thiên Chúa vô cùng công bình: phạt. Nhưng Thiên Chúa cũng vô cùng yêu thương: tha. Thế là một trận chiến xảy ra trong chính Thiên Chúa: phạt hay tha, tha hay phạt.

Để chấm dứt cuộc chiến này, có một giải pháp: phải có một nhân vật tuyệt vời đứng ra lãnh án chết để cứu con người khỏi phải chết. Trong chín phẩm thiên thần, không tìm ra được nhân vật tuyệt vời này. Và thế, Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, tự nguyện: “Lạy Cha, này con xin đến!” (Is 6,8 ). Đến để vâng lời thánh ý Cha trọn đời: “Xin đừng theo ý con ...(Mt 26,39); ... “ vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Pl 2,8). Đến để “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân ” (Pl 2,7 ).

Và cuối cùng, tôi mời gọi mọi người hãy tạ ơn Chúa vì Ơn Quan Phòng

Thiên Chúa còn tiếp tục quan phòng để gìn giữ mọi loài trên trời dưới đất này, hầu chúng có thể tồn tại mà giúp cho con người được sống hạnh phúc trên cõi đời này, và giúp con người được sống hạnh phúc trong đời sống mai sau.

Đặc biệt, Thiên Chúa gìn giữ con người một cách hết sức cẩn thận và đầy yêu thương: soi sáng cho linh hồn con người luôn hướng về Ngài, thúc giục tâm hồn con người luôn yêu mến Ngài, ban Tin Mừng của Ngài cho con người để con người được bước theo ánh sao chân lý mà nhận biết Ngài, ban Lời Hằng Sống và Thánh Thể Hằng Sống của Con Thiên Chúa làm Người, để cho con người được sống hạnh phúc tuyệt vời ngay khi còn ở trên dương trần tạm bợ này.


          

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

“AI THI HÀNH Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA, NGƯỜI ẤY LÀ ANH CHỊ EM TÔI, LÀ MẸ TÔI” (Mc 3,35)


Câu khẳng định rất rõ ràng, ai muốn vào tương quan thân thiết với Chúa, hãy thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Tương quan ấy là mẹ, là anh chị em, là người nhà, là gia đình của Chúa. Tương quan ấy thật dễ hiểu, rất gần với chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng có tương quan này nơi huyết nhục.

Nhưng để đi vào tương quan như Chúa nói, không chỉ là tương quan huyết nhục mà là tương quan thánh thiêng, (vì tương quan huyết nhục thì rất ít, rất giới hạn, còn tương quan thánh thiêng thì vô biên); không chỉ là tương quan của người sinh ra Chúa mà là tương quan của người thi hành Thánh ý Cha. Mà ý Cha là gì, phải chăng chỉ là việc mang danh Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội, siêng năng tham dự Thánh lễ, đêm ngày kêu cầu lạy Chúa, lạy Chúa ? Đó mới chỉ là cửa ngõ dẫn chúng ta tới gần tương quan hơn mà thôi, vì chúng ta không thể đến cửa ( bảng chỉ dẫn) rồi đứng đó bảo là đến rồi, như thế mới chỉ là thấy là biết chứ chưa vào, chưa nếm chưa cảm. Cũng vậy, việc trở thành Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội chỉ là cửa ngõ, giúp ta nhận thức rõ hơn trong tương quan, biết rõ hơn trong ý định, can đảm hơn trong thi hành; và việc đi qua cửa ngõ mà vào, tiến sâu hơn trong tương quan là việc lắng nghe lời mời gọi, tìm hướng đúng để đi vào, biết đúng ý mà sống theo… đó chính là tương quan đích thực, tương quan của những người thân yêu, nhận ra nhau, biết ý nhau.

Và như thế, Đức Giêsu đã khai mở một viễn cảnh của đại gia đình mới, tứ hải giai huynh đệ, trong đó tất cả mọi người đều được mời gọi đi vào tương quan này, tương quan của những người biết nhau, sống vì nhau và cho nhau, thân thiết như người mẹ, người anh chị em của nhau. Cửa đã mở, bảng chỉ dẫn đã sẵn sàng, cơ hội dành cho mọi người…

Cầu Nguyện


Lạy Chúa, chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa ưu ái dành cho chúng con địa vị cao sang, không chỉ làm con Chúa, mà còn được Chúa mời gọi vào sống trong tương quan của gia đình Chúa, làm mẹ và anh chị em của Chúa nữa. Xin cho chúng con cảm nếm sâu xa niềm vui thánh thiện này, để luôn biết phấn đấu, biết vươn lên, hầu mỗi ngày xứng đáng hơn với sự tin tưởng và tín nhiệm của Chúa. Amen.

CHIẾC BAO TAY

Đôi bao tay ngày nay khá thông dụng. Không những được dùng trong công ty xí nghiệp, mà còn trong công sở, hay ở chốn phố thị ta cũng thấy đầy người sử dụng. Còn hơn cả vì công việc, bao tay còn dùng để che nắng, che mưa, chống gió, chống bụi, chống lạnh nữa. Bao tay có rất nhiều loại và đủ mọi kích cỡ. Chúng tật tiện dùng.

Chia Sẻ:

Nhưng nó chỉ có giá trị khi bàn tay còn trong bao tay mà thôi. Khi ấy bao tay còn làm được nhiều chuyện, chúng thực sự hữu ích.

Còn nếu rút tay ra khỏi bao tay, nó sẽ trở nên vô dụng, nó chỉ là một mảnh vải, một miếng da, một đống len bất động. Dù ta tức bực khó chịu với thì cũng chỉ vô ích, chúng là một thứ vô hồn.

Nếu liên hệ với con người, chúng ta thấy mình giống như những chiếc bao tay vậy.

Ta chỉ là bao tay, còn Chúa Thánh Thần mới chính là Bàn Tay. Giáo hội ca tụng Thần Khí là Bàn Tay Thiên Chúa. Không có Thánh Thần, chúng ta chẳng làm gì được, nhưng có Ngài, ta làm được nhiều chuyện, như Chúa Giêsu đã nói : “Thật Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14, 12). Và với Thánh Thần, chúng ta có sức chịu đựng tất cả : “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13).

Gioan Tẩy giả, hình ảnh giúp ta suy nghĩ thật nhiều về hai chữ khiêm nhường. Ông không muốn có sự ngộ nhận của dân chúng khi tìm đến, nghi ngờ ông là đấng cứu thế. Ông công khai nói lên sự thật về thân phận của mình và thân phận của Đức Giêsu.

Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là Êlia, càng không phải là Đấng cứu độ.

Tôi đến trước nhưng lại có sau, Đấng đến sau nhưng lại có trước tôi.

Phép rửa của tôi chỉ giúp cho việc sám hối, chuẩn bị đón Chúa mà thôi. Còn Đấng ấy thì rửa bằng Thánh Thần và lửa. Đấng ấy thật vĩ đại, lớn lao, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người là Chiên Thiên Chúa, Người sẽ cứu thế gian khỏi tối tăm của sự chết.

Ông không hề tranh đấu để tìm phần thắng về mình, nhưng mạnh dạn nói lên sự thật để mọi người không những tìm đúng Người mà còn mau mắn chuẩn bị đón Người nữa. Ông thật khiêm nhường.

Cầu Nguyện:



Lạy Chúa, xin Chúa cho con nhận ra những phúc lộc của Người ban cho con trong cuộc sống theo thời gian mà hết lòng khiêm tốn đón nhận một cách trân trọng và yêu mến. Và nhờ vậy, cũng nhớ rằng, tất cả những gì mình đã còn, đang có và sẽ có, đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, chứ không phải do chính con, nhờ đó, không có lý do gì để ta lên mặt, kiêu căng, kênh kiệu, mà luôn liên lỉ ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi của con.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

THIÊN CHÚA LUÔN YÊU THƯƠNG CHÚNG TA.

Ðức Tin của chúng ta đôi khi chưa được vững mạnh và do đó chúng ta không thể đối thoại với Thiên Chúa với hết lòng tin tưởng. Không phải chúng ta không tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa nhưng chúng ta nghi ngờ tình thương của Ngài đối với chúng ta, đây thật là một điều sỉ nhục đối với Cha chúng ta trên trời là Thiên Chúa.

Thử hỏi cha mẹ nào không lấy làm buồn khi con cái không tin tưởng vào tình thương của họ nữa. Thử hỏi Thiên Chúa Cha chúng ta sẽ nghĩ như thế nào khi thấy chúng ta không tin vào Ngài. Chúng ta thường than phiền Thiên Chúa Cha không chăm sóc đến cuộc đời chúng ta nhưng lại không xét xem mình có thái độ sống như thế nào đối với Thiên Chúa Cha. Thử hỏi, bạn tin Chúa thật hay nghi ngờ Ngài, bạn vui mừng vì Ngài hiện hữu hay lo sợ vì Ngài có mặt trong lịch sử và trong cuộc đời của từng người.

Phúc âm (Mt 15,21-28) có kể lại việc Chúa Giêsu thử thách lòng tin của người đàn bà Cana trước khi ban ơn như bà xin, và khi Chúa thử thách, người đàn bà xứ Cana đó vẫn kiên trì tin tưởng, và chính lòng tin tưởng này đã dẫn đến việc Chúa đã làm phép lạ. Khi Chúa muốn thử thách đức tin chúng ta liệu chúng ta còn đủ kiên trì tin tưởng hay không. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương đối với mọi người và hãy bình tỉnh phó thác để cho Ngài muốn thực hiện như thế nào tùy ý. Ðôi khi xem ra như Thiên Chúa ẩn trốn, thực ra Ngài vẫn hiện diện bên cạnh và chăm chú lắng nghe, lúc đó hãy kiên trì và chứng tỏ cho Ngài thấy tình yêu chúng ta đối với Ngài là Tình Yêu chân thực vô vị lợi.

*
Giây phút thuận lợi nhất để sống phó thác cho Thiên Chúa là chính giây phút ta cảm thấy Ngài xa vắng, và để minh chứng đức tin của chúng ta đối với Chúa là đích thực, thì cần phải sống mối tương quan hiệp nhất giữa ta với Thiên Chúa.

Trên bình diện tự nhiên khi tin vào ai, ta tìm gặp gỡ đối thoại và sống tương quan thân mật với người đó. Tin là một tương quan giữa ta và một người khác ngoài ta. Nếu tin vào Chúa ta không thể nào chỉ bằng lòng với nhìn nhận Ngài hiện hữu rồi thôi. Ðể sống đức tin đích thật, ta không thể nào bỏ quên Thiên Chúa và đặt Ngài vào hàng cuối cùng trong số những quan tâm lo lắng của ta. Ta không thể nào đối xử với Thiên Chúa như đối xử với một sự vật, như với mặt trăng, với mặt trời với các ngôi sao. Ta nhìn giữa các vì sao, mặt trăng, mặt trời hiện hữu nhưng giữa các vì sao và cuộc đời của ta không có mối liên hệ gì cả, không có mối liên hệ thân tình nào cả. Ta cứ sống theo ý mình muốn, các vì sao, mặt trời, mặt trăng cứ tiếp tục tuần hành theo quĩ đạo riêng. Không, ta không thể nào có đức tin đích thực nếu ta cứ mặc Thiên Chúa và cứ sống theo ý riêng mình. Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người chúng ta, đã yêu thương chọn chúng ta làm con Ngài, vì thế tâm hồn chúng ta sẽ luôn luôn thao thức đến khi được an nghỉ trong tay Ngài là người Cha nhân từ đầy lòng yêu thương. Nếu chúng ta yêu Người như người con thảo đối với cha mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm nhiều dịp để chạy đến với Ngài với hết lòng tin tưởng và tình thương.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp con sống tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa.

Xin giúp con khám phá Chúa là người Cha đầy yêu thương đối với con.


Xin hướng tâm hồn con lên cùng Chúa và bảo vệ con khỏi những nguy nan trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

CON NGƯỜI THẬT KHÓ HIỂU....!

Con người ta khi nghèo quá, thì lại oán trách ông trời sao lại để cho mình nghèo như thế?

Con người ta khi giàu có quá dư thừa, no đủ, thì Thiên Chúa cũng không tránh khỏi bị... chửi: sao ông trời để tôi đánh bạc thua, để tôi bị chúng lừa... để tôi bị mất trộm.v.v...

Thất vọng: oán trách Thiên Chúa.

Ðã được thoả mãn: quên mất Thiên Chúa.


Chỉ có những ai biết nhìn đến những công việc mà Thiên Chúa đã làm cho mình, mới không ngừng cảm tạ tình yêu của Ngài.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

ĐÂU LÀ ĐẠO THẬT.....!

Người thanh niên đi tìm đạo thật mà đột nhiên bị nhiều khó khăn, thế là cáo biệt người nhà và bạn hữu để đi cầu đạo. Đi qua lục địa, trôi qua biển lớn, vượt qua non cao núi đồi chập chùng, vượt qua trăm ngàn đau khổ.

Một hôm, sau khi tỉnh lại thì thấy mình đã bảy mươi lăm tuổi rồi mà vẫn chưa tìm được đạo thật, không thể làm gì được bèn bỏ cuộc trở về nhà.

Bởi vì tuổi tác đã lớn rồi nên bỏ ra mấy tháng trời mới về đến nhà. Vừa đẩy cửa nhà ra. A ! Chính đạo thật rõ ràng ở đây có tính kiên nhẫn vẫn cứ đang chờ đợi ông ta ở nhà.

Chia Sẻ:

Có những người theo đạo khi mới sinh ra, có những người theo đạo khi tuổi được đôi mươi đầy sức sống, nhưng có bao nhiêu người trong số những người ấy tìm được đạo ?

Có những người tìm đạo trong các tu viện kín cổng cao tường, nhưng rồi vẫn cứ có lòng tham sân si; có những người tìm đạo trong nhà thờ với tinh thần phục vụ không chê vào đâu được, nhưng vẫn cứ mang một cái tâm kiêu ngạo khi tiếp xúc với tha nhân; có những người tìm đạo ở trong rừng sâu một mình với thiên nhiên, nhưng cuộc sống có những tiện nghi tối thiểu mà hiện đại...

Đi tìm đạo khi đầu tóc còn đen mướt, đến bảy mươi lăm tuổi đầu tóc bạc phơ mà vẫn chưa tìm ra được đạo, bởi vì người thanh niên cứ tưởng đạo thật phải là nơi có thánh điện nguy nga, đạo thật phải là nơi ngọn núi cao kia có tiên có thần có thánh.

Đạo thật chính là -như lời thánh Phao-lô tông đồ dạy- tin vào Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa và là người, đã xuống thế sinh trong hang lừa máng cỏ, chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá và sống lại để chuộc tội cho nhân loại, sau cùng lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (Rm 3, 21-26). Cho nên khi trong tâm hồn của chúng ta có Chúa Giê-su thì đó là đạo, bởi vì Ngài đã xác nhận: "Thầy là Đường (đạo), là Sự Thật và là Sự Sống."(Ga 14, 6)


Đạo thật chính là ở trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta chu toàn bổn phận của người cha người mẹ trong gia đình là chúng ta tìm được đạo thật; khi chúng ta đem tâm tình yêu thương của Chúa Giê-su mà sống chan hòa với hết mọi người, thì đó chính là đạo thật...

LÂU ĐÀI XÂY TRÊN CÁT

Trong tuyển tập có tựa đề: "Chuyện ngụ ngôn cho dân Chúa", tác giả người Mỹ, John Oraidio, có ghi lại một câu chuyện như sau:

Có một ông hoàng nọ có một lối sống đặc biệt, ông cùng ăn, cùng làm, cùng giải trí với thần dân, tất cả vương quốc của họ là một thung lũng nhỏ bé dìm sâu trong vùng xa xôi hẻo lánh. An bình và hạnh phúc luôn ngự trị trong cái thung lũng xứng đáng được gọi là thung lũng Tình Yêu ấy, bởi vì tất cả mọi người đều lấy yêu thương mà đối xử với nhau.

Một ngày nọ dân trong cái vương quốc an bình ấy muốn tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông hoàng của họ, họ bàn với nhau: Chúng ta hãy xây cho quân vương của chúng ta một lâu đài. Một lâu đài đẹp hơn tất cả các lâu đài của các ông hoàng tại các xứ lân cận. Thế là họ bắt tay vào công trình. Quả thực đây là một lâu đài đẹp nhất trong vùng, tường làm bằng đá cẩm thạch trong suốt, các ngọn tháp được xây bằng đá quí, mái nhà được dát vàng còn nền thì lại trát bằng ngà.

Không mấy chốc tiếng đồn về lâu đài được loan truyền đi khắp nơi. Lúc đầu dân chúng trong những vùng lân cận kéo đến, sau đó du khách từ khắp nơi đổ xô về. Tuy nhiên, nơi nào có đám đông thì nơi đó có nhu cầu, thế là dân trong cái thung lũng Tình Yêu ấy bắt đầu dựng lên hàng quán và khách sạn để đón tiếp du khách. Du khách càng đông thì dân càng ăn nên làm ra. Những người dân trong thung lũng này vẫn nhớ rằng họ có được may mắn là cũng nhờ cái lâu đài ấy. Ðể bảo đảm cho sự thịnh vượng được lâu dài họ ra sức bảo trì lâu đài, mà lâu đài càng được trang điểm thì du khách càng kéo đến càng đông hơn. Không mấy chốc cái làng nhỏ bé và mất hút trong thung lũng giờ đây đã biến thành một đô thị sầm uất, thương mại và công nghệ càng lúc càng phát triển. Nhưng dĩ nhiên nơi nào có có làm ăn thì nơi đó có cạnh tranh, cạnh tranh sanh ra ganh tị, ganh tị đẻ ra hận thù, hận thù dẫn đến bạo động. An bình và hạnh phúc đã vỗ cánh bay đi từ lúc nào người dân trong thung lũng cũng không hay biến.

Cuối cùng, một ngày nọ, ông hoàng ra khỏi lâu đài. Ðã lâu lắm rồi dường như người dân trong thung lũng quên đi rằng mình còn có một ông hoàng ngày đêm sống trong lâu đài ấy. Không nói một lời, ông hoàng đi xung quanh lâu đài 7 lần và lạ lùng thay khi ông vừa đi đúng 7 vòng thì lâu đài tự nhiên sập xuống, dân chúng tức giận la ó. Tại sao ngài làm như thế. Ông hoàng bình tỉnh đáp:

- Ta không làm gì cả, ta đi bảy vòng để tìm kiếm gương mặt của các người trên tường thành và tầng tháp của lâu đài, nhưng ta không thấy đâu cả. Lâu đài không còn phản ánh trái tim của dân nữa cho nên nó không thể đứng vững lâu được.

Chia Sẻ:

Truyện ngụ ngôn trên đây hẳn là một diễn đạt của hình ảnh về một ngôi nhà trên cát mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng theo thánh Luca. Một ngôi nhà xây trên cát là một ngôi nhà không có nền móng. Chúa Giêsu bảo đó là một công trình điên dại nhất, diên dại là bởi vì mặc dù biết chắc ngôi nhà sẽ bị sụp đổ nhưng người ta vẫn xây dựng. Những công trình điên dại như thế không phải là hiếm trong xã hội ngày nay.

Một cuộc sống không có lý tưởng cũng chẳng có niềm tin, đó chẳng là một công trình hoang phí và khờ dại hay sao. Mơ ước và xây dựng một xã hội không tưởng với giá của không biết bao nhiêu sinh mạng con người, đó chẳng phải là một công trình diên dại hay sao. Ðặt nền móng của xã hội lên trên sợ hãi lừa lọc, dối trá và những của cải chóng qua ở đời này, đó chẳng phải là một công trình điên dại hay sao.

Ðể định hướng lại cuộc sống, người tín hữu kitô chúng ta không thể không tự đặt ra câu hỏi: Ðâu là nền móng trên đó chúng ta xây dựng cuộc sống của chúng ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ghi tạc Lời Chúa. Chúng con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Trong khi hưởng dụng của cải chóng qua ở đời này và góp phần xây dựng xã hội trần thế.


Xin cho chúng con biết lấy tình yêu thương, niềm tin và những giá trị vĩnh cửu làm động lực thúc đẩy chúng con trong tất cả mọi sự.

HÃY LÊN ĐƯỜNG

"Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống" (Ga 14,6). 

Chia Sẻ:

Ðường của cuộc đời tôi đi là Chúa. Những gì tôi thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của tôi. Khi Chúa nói Chúa là sự sống, có nghĩa Chúa là hạnh phúc tôi đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là đường, có nghĩa là để dẫn tôi tới hạnh phúc đó.

Lạy Cha, Cha đã tỏ cho con biết Cha là đường của con. Ðường đã có rồi. Sự thật và sự sống đã có rồi. Nhưng con cần Cha dọn cỏ, mở lối cho con. Cỏ tối tăm và cỏ nguội lạnh là những giây leo rừng chằng chịt che kín lối. Và con đã không thấy đường. Cha là sự thật, nên không có loại cỏ tối tăm nào có thể che kín. Cha là sự sống nên không loại gai nào có thể làm nghẽn lối. Dây gai làm nghẽn lối, cỏ dại che kín đường không mọc ở đường đi, nhưng mọc trong chính trái tim con. "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy" (Mc 10,51). Cha đã mở mắt và người mù đã thấy đường đi. Một lần nữa, hành động của người mù cũng lại khởi đầu bằng ước mơ: ước mơ được sáng mắt. Ðiều ấy cũng hàm nghĩa là anh ta luôn luôn muốn tìm kiếm ánh sáng. Nếu anh ta không muốn lên đường. Nếu anh ta chọn thế giới mù làm quê hương. Nếu anh ta cư trú trong thế giới bóng đêm ấy và chẳng muốn bước tới nữa thì chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời. Ðời anh sẽ tẻ nhạt biết bao. Ðời con cũng vậy. Con phải lên đường. Ngày nào con cũng có lầm lỗi. Ngày nào cũng có bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng. Ngày nào con cũng có mù lòa. Vì thế, con cần Cha mở mắt cho con hàng ngày. Và, con phải lên đường mỗi sớm mai.

* *
Lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi. Bây giờ tôi phải từ bỏ. Những liên hệ không ngay lành, nhưng cho tôi thú vui trần thế. Bây giờ tôi phải cắt đứt. Lười biếng là một thứ quyến dũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại. Bởi, lên đường là mở cửa đi ra, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng. Muốn được người ngưỡng mộ, tôi tạo ra khuôn mặt đẹp mà tâm hồn tôi không có. Bây giờ, lên đường, nghĩa là tôi phải sống thật với tôi. Trở về chấp nhận khuôn mặt nghèo nàn của mình là điều tôi không muốn. Ðể người biết khuôn mặt thật của mình là điều tôi không dám. Bước tới để thay đổi tâm hồn là một giá tôi phải trả. Là một lên đường đòi nhiều can đảm.

Những biến cố thay đổi cuộc sống của một tâm hồn trong Phúc Âm đều là những biến cố lên đường. Chúa đã dùng những hình ảnh lên đường cụ thể, lên đường bằng đôi chân bước trên cát bụi để diễn tả cuộc lên đường nội tâm. "Ði dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và Anrê đang quăng chài dưới biển. Ðức Yêsu nói với họ: Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi là ngư phủ bắt người. Tức khắc, họ đã bỏ chài lưới mà theo Ngài. Ði xa một ít, Ngài thấy Giacôbê và Gioan em ông, cả hai đang vá lưới dưới đò. Ngài gọi họ. Và họ đã bỏ cha họ và những người làm công mà theo Ngài" (Mc 1,16-20). Phúc Âm thuật lại, sau khi theo Chúa rồi, nhiều lần Phêrô vẫn còn thả lưới. Như vậy, đáng lẽ Chúa phải bảo Phêrô mang lươí theo kẻo mai mốt lại tốn tiền mua lưới khác. Nhiều lần Chúa phải dùng thuyền mà đi. Sao Chúa không dặn Phêrô giữ lấy thuyền vì mai mốt cả Thầy trò vẫn còn cần tới.

Họ đã bỏ lại tất cả.

Họ đã bỏ lại tất cả, phải chăng lưới mà Giacôbê đang vá lưới của những toan tính thiếu niềm tin vào Chúa, là mạng nhện đam mê gắn liền với tâm hồn tôi như áo tôi mặc. Tôi chẳng muốn bỏ. Mỗi mũi kim vá là một lần tôi níu kéo, bám theo. Phải chăng thuyền của Phêrô là những nét xấu như một thứ quê hương tôi đang sống ở trong. Tôi đang an phận với quê hương ấy?

Lạy Cha, Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Khi nghe Cha gọi, họ đã tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Không lưỡng lự. Dứt khoát. Hình ảnh của những cuộc lên đường đẹp quá. Lên đường của những kẻ muốn tung cánh trong tự do bát ngát như thập giá không chịu khuất phục sự chết. Lên đường của những bàn chân không biết mỏi khắp cánh đồng Galilêa. Lên đường không phân vân như mặt trời bình thản đẩy bóng tối lại đàng sau.


Lạy Cha, nếu không lên đường, chắc hẳn Phêrô chẳng gặp Cha, đã không được Cha huấn luyện và tâm hồn Phêrô đã nghèo nàn lắm. Trong cuộc sống của con, Cha đã gọi. Con cũng đã lên đường, nhưng con không can đảm như Anrê, như Giacôbê. Lưới đời của con đầy mắt, những mắt lưới mà con nghĩ là sẽ bắt được nhiều cá: cá bằng cấp, cá danh vọng, cá sắc đẹp, cá giàu có, cá tình yêu. Mỗi lần bắt hụt vì lưới bị rách là con lại cặm cụi ngồi vá. Có bao giờ con đã quá chú ý cúi mặt vá lưới đến nỗi Cha đi qua, Cha gọi mà con chẳng nghe

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

CỦA CẢI VẬT CHẤT KHÔNG ĐEM LẠI HẠNH PHÚC

Trong một tạp bút của báo tuổi trẻ, tác giả Hải Anh từ Paris Pháp Quốc có đóng góp đoạn văn với nội dung như sau:

Chị là một công dân Pháp mang nữa dòng máu Việt, sau nhiều năm thất lạc, cuối cùng chị cũng tìm được tung tích người mẹ ruột của mình và hai đứa em trai cùng mẹ khác cha và gia đình của họ.

Với niềm hân hoan đoàn tụ, chị bắt đầu chắt chiu những đồng tiền thu nhập, tuy không to lớn của mình để trở về thăm người thân. Căn nhà nơi mẹ chị trú ngụ nằm trong một khu phố nhỏ của Saigòn, 2 tầng, cũ kỹ và chật hẹp. Bà mẹ hơn 80 tuổi ở tầng trệt, bên trên là gia đình đông đúc của hai đứa em trai, mỗi gia đình chiếm cứ một phần. Kể cả người mẹ sống biệt lập về tài chánh, nhưng vẫn phải gắn chặt vào nhau bởi bao ràng buộc: Phòng vệ sinh chung, bếp chung, của chung căn nhà, vì thế luôn luôn chộn rộn tiếng người cãi cọ.

Từ hôm chị mua cho mẹ chiếc ti vi be bé thì không khí gia đình càng trở nên ấm áp ít ra có vẻ là như thế. Sau một ngày tất bật với những mưu sinh riêng lẽ, cả nhà đổ xuống tầng dưới túm lụm bên chiếc máy truyền hình. Bọn trẻ con hò hét lăng xăng quanh bà nội như bầy chim vỡ tổ, đêm nào cũng vậy mãi đến tận khuya, họ vẫn còn ngồi lại với nhau, hào hứng bàn tán tranh cãi, dù chỉ là chuyện của cái tên Oshin hay cái ông Osha nào đó trong bộ phim. Bà lão quá già để hiểu biết lời lẽ, ý tứ của bầy con cháu, chỉ nhè nhẹ lắc lư nhịp võng thiếp dần đi trong những âm sắc thân quen. Chị kể lại cho bạn bè: "bất tiện và ồn ào kinh khủng nhưng bà lão rất vui".

Lần thứ hai về nước với số tiền chắt chiu kha khá trong tay. Chị đề nghị nới nhà thêm một tầng nữa cho rộng rãi. Mọi người lập tức tán đồng hoan hỉ, nhưng tiếc thay căn nhà không được phép xây lên vì thiếu bản vẽ nền móng cũ. Ý kiến chia thành ba phe, cậu em út đòi đập cả nhà xây lại, ông anh tuyên bố cứ lên càng cao khi nào sập hẳn hay, bà mẹ phủ bác mọi điều, sợ đủ thứ, sợ tốn tiền, sợ bất hợp pháp, sợ sập nhà. Phải chăng với bà cuộc sống hiện tại đã là ổn thỏa. Cuối cùng sau khi bàn thảo số tiền của chị được sử dụng như sau:

Xây thêm hai góc bếp riêng và hai nhà tắm trên lầu, mua cho mỗi hộ một giàn ti vi mới. Chị ra đi mang theo niềm vui của người chị, người con, rằng, từ nay cuộc sống của căn nhà ấy sẽ đỡ phần chật vật. Nhưng lần tiếp theo, sau khi về thăm mẹ và khi trở qua lại thì bạn bè bỗng cảm thấy chị dàu dàu tư lự, ai gạn hỏi chị, chị chỉ thở dài: "Bà lão rất buồn, căn nhà đã biến thành ba ốc đảo".

Chia Sẻ:

Qua câu chuyện trên, chúng ta thử nhìn lại chính mình và định hướng lại cuộc sống. Chúng ta không thể không suy nghĩ về giá trị của của cải vật chất bởi vì đó là mối bận tâm hằng ngày của chúng ta. Có đầy đủ tiện nghi vật chất để sống hợp với nếp sống văn minh, để sống cho ra người có văn hóa, để sống xứng với phẩm giá con người, điều đó xem ra không có gì ngược lại với Tin Mừng. Ước mơ có được một chiếc xe Dream, một đầu máy video, một máy truyền hình đa hệ, ước mơ ấy xem ra cũng là một ước mơ chính đáng và bình thường. Tự nó của cải vật chất không phải là một điều xấu xa, giàu tự nó cũng không phải là một cái tội. Tuy nhiên, như trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường cảnh cáo các môn đệ của Ngài, của cải vật chất dễ biến con người thành nô lệ, thay vì hưởng dụng của cải như một phương tiện thì con người lại biến của cải thành chủ nhân. Tội lỗi không nằm trong vật chất mà trong chính thái độ của con người. Tội lỗi đi vào trong thế giới bởi vì con người đã đảo lộn trật tự Thiên Chúa và quyết định.

Ðược tạo dựng để làm chủ của cải vật chất, con người lại biến thành nô lệ cho của cải, thay vì sử dụng của cải vật chất để tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu là sự công bình, giây liên đới, tình yêu thương giữa người với người, thì con người lại làm nô lệ cho của cải và chối bỏ người khác. Thay vì sử dụng của cải vật chất để xây dựng Nước Trời thì con người lại biến của cải thành những hàng rào kiên cố để xây lên những ốc đảo và giam mình vào trong đó. Ðó là nguy cơ của của cải vật chất mà Tin Mừng không ngừng kêu gọi các tín hữu đề cao cảnh giác.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con cầu nguyện để có lương thực hằng ngày trong khi mưu cầu cho cuộc sống.


Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm lương thực thiêng liêng hằng ngày để giữa những bôn ba vất vả vì cuộc sống chóng qua ở đời này, chúng con vẫn luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.

MẮT CHÚNG TA THẾ NÀO...?

"Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em" (L.T.Lư)

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ. Nhạc sĩ cũng viết thành cung đàn. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.

Trái lại, khi Phúc Âm nói về mắt lại nói đôi mắt mù!

Chia Sẻ:

Mắt nhìn được ngoại vật, nhưng nó không nhìn được chính nó. Có phải đấy là điều để nhắc nhủ tôi: tôi có thể nhìn thấy nhiều thứ, nhưng sự hiểu biết quan trọng nhất là biết chính mình thì tôi lại u mê?

Mắt là để nhìn. Ðấy là bản tính của mắt. Cũng như ánh sáng là để xua tan bóng tối. Mắt không cần trang điểm, mắt vẫn nhìn thấy. Mắt không cần tô hồng, mắt vẫn là mắt. Khi người ta trang điểm cho mắt, lúc đó, mục đích không phải là để nhìn mà là để mắt được nhìn. Có khi người ta chỉ vì quá muốn mắt được nhìn, nên mắt đã không nhìn được.

Mắt là để nhìn. Nhưng cái nhìn của mắt không như chiếc máy chụp hình. Mắt nhìn để hiểu. Mắt nhìn để thông cảm. Mắt nhìn để chê bai. Nhưng để hiểu, để rung cảm, để giận ghét, để yêu thương lại là phạm vi của tâm hồn. Mắt thơ ngây, mắt bao giờ cũng vô tội. Tâm hồn là người có trách nhiệm. Vì thế, người ta không nói kẻ có đôi mắt đẹp thì tâm hồn đẹp. Nhưng là kẻ có tâm hồn đẹp thì bao giờ cũng có đôi mắt trong. Ðôi mắt của trẻ thơ đã nói lên điều đó.

Nhiều người đã sa ngã vì những đôi mắt chỉ biết dỗi hờn. Nhiều kẻ đã say những cặp mắt biết liếc nhìn quyến rũ. Sở dĩ có những đôi mắt ấy vì phải có người yêu những vẻ đẹp đó nên mới có kẻ làm khí giới tấn công. Và, nếu những xao xuyến rung động, những tình yêu chỉ vì đôi mắt ấy thì cũng giống như Evà, chỉ nhìn thấy màu hồng của vỏ trái táo chứ không thấy bóng sâu ở trong.

Người có đôi mắt đẹp là người không đánh lừa kẻ khác bằng đôi mắt của mình. Kẻ có đôi mắt đẹp cũng không để mình bị đánh lừa bằng đôi mắt người khác. Mắt đẹp là mắt nhận ra giá trị thật và chỉ ngắm nhìn những giá trị đó.

Mắt giữ vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi của loài người. Ngay những chương đầu của sách Sáng Thế đã nói về mắt:

Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn: quả là cây ăn phải ngon.

Sau khi nhìn rồi, Kinh Thánh kể tiếp cái nhìn của Eva:

Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn.

Sau khi ăn rồi, Kinh Thánh kết luận về đôi mắt của cả hai người như sau:

Và mắt cả hai người mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng. (St 3,4-7).

Ðoạn Kinh Thánh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến mắt qua ba tiến trình:

- Rắn hứa là mắt Adong, Evà sẽ mở ra.

- Evà đã nhìn trái táo và thấy sướng mắt.

- Mắt hai người đã mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa. Nhưng mắt đức tin của cả hai đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn nhìn sẽ đem đổ vỡ cho cuộc đời. Họ đang thấy chung quanh họ là mùa hoa rộ nở, là những đồi cỏ bình yên, là những giải nắng hiền, dòng suối êm. Nhưng chỉ vì muốn nhìn như Thiên Chúa, nên cỏ bình yên thành cỏ dại, suối hiền cạn khô, nắng thành vất vả, hoa thôi lên mầu.

Chỉ vì muốn nhìn những điều không thể nhìn được nên mắt họ đã chẳng còn nhìn thấy những điều họ đã thấy nữa.

"Mà nhìn thì đã sướng mắt". Ðó là tâm trạng của Evà. Cái nhìn ấy phải là đắm đuối. Bằng cái nhìn "sướng mắt" ấy tội lỗi đã vào thế gian. Qua một cái nhìn mà hạnh phúc thành rách nát. Lịch sử vũ trụ thay đổi. Tang thương.

Lời hứa của rắn đã hiệu nghiệm. Mắt của cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà để nhìn thấy mình trần truồng. Trần truồng là biểu tượng của hèn hạ, của nghèo đói, của nhục nhằn. "Mắt hai người đã mở ra". Câu Kinh Thánh thật ngắn ngủi, nhưng sự tinh tế và đau thương nằm ở đó. "Mắt hai người đã mở ra". Nhưng đồng thời cũng là giây phút đóng lại. Mở mắt để thấy trước mặt là tan tác, chia phôi. Mở mắt để thấy trước mắt là hệ lụy. Mở mắt để biết mình trơ trụi. Mở mắt để biết rằng mình không còn thấy những gì mình muốn thấy.

Adong-Evà đã mở mắt. Nhưng họ lẩn trốn không dám nhìn Chúa. Cả hai đã mở mắt. Nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Như thế, mở mắt có ích gì? Có những mở mắt nguy hiểm. Có những mở mắt gieo khổ ải. Không nhìn những điều phải nhìn là thiệt thòi. Nhìn những điều không nên nhìn cũng là mất mát như thế. Khởi đầu lịch sử nhân loại đã không phải là lịch sử có đôi mắt thơ mộng, mà là đôi mắt mù lòa.

Rồi sự mù lòa ấy chảy dọc theo thời gian. Chúa Kitô đã đến trong Tân Ước để hàn gắn sự mù lòa xẩy ra từ những trang đầu của Cựu Ước đó. Chúa không bao giờ từ chối chữa người mù. Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, nếu có người mù kêu xin là Chúa động lòng xót thương và chữa họ ngay. Sự mù lòa nói đến trong Tân Ước đã có nguyên do từ sự mù lòa khởi nguyên ngay ở vườn địa đàng. Chúa đến để chữa vết thương kéo dài từ biến cố đó. Ðặt những phép lạ Chúa chữa người mù trong Tân Ước với bối cảnh mù lòa khởi nguyên của Adong-Evà ta mới thấy ý nghĩa sâu xa vì sao Chúa đã đến trong thế gian. Và nếu ý thức được rằng, từ bắt đầu, dòng suối đã mù lòa thì nước ở cuối dòng làm sao trong, ta sẽ nhận ra một ý nghĩa khác, đó là ta phải chấp nhận rằng mình mù lòa, và cần Chúa chữa sự mù lòa ấy.

Phúc Âm thánh Gioan có thuật lại phép lạ Chúa chữa một người mù. Ðặc biệt Gioan kể rõ chi tiết là "mù từ lúc mới sinh". Các Phúc Âm khác chỉ nói chữa người mù, không nói chi tiết mù như thế nào. Vì sao thánh Gioan lại nhấn mạnh điểm đó? Phải chăng "mù từ lúc mới sinh" là mù từ thưở xa xưa lắm rồi, là mù từ thưở địa đàng. Là mù gốc rễ trong tâm hồn tôi. "Từ trong tà ác tôi đã sinh ra" (Tv 51,7).

Một chi tiết quan trọng khác mà thánh Gioan đã nói đến là Chúa chữa người mù "từ thưở mới sinh" trong ngày sabath. Ngày sabath là ngày không được phép làm gì cả. Ðây là luật rất ngặt của người Do Thái. Chính vì thế Chúa đã bị kết án. Có phải Chúa đã chữa mù, cho dù là ngày sabath vì mù là một bất hạnh ghê gớm, một thiệt thòi nguy hiểm? Chúa không thể chấp nhận mù! Dù bị chống đối, Chúa vẫn chữa mù! Như vậy chẳng có lý do nào Chúa lại chậm trễ chữa sự mùa lòa của tâm hồn tôi. Sứ mạng của Chúa là: "Người đã sai Lời Người đến chữa họ, và giật sinh mạng họ ra khỏi mồ chôn" (Tv 107,20).

Trong câu chuyện chữa người mù, ta thấy sự khác biệt tàn nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của các thầy Pharisiêu. Ðôi mắt thân xác của người này mù, nhưng mắt tâm hồn ông ta lại sáng. Ông nhận ra Chúa là người có thể chữa cho ông, nên ông đã đến suối Siloam rửa mắt như lời Chúa dạy. Các thầy Biệt Phái đã có đôi mắt thân xác không mù lòa, nhưng đôi mắt tâm hồn đã chết. Họ đã nói với người mù về Chúa như sau: "Chúng ta biết tên đó là một người tội lỗi" (Ga 9,24).

Không có sự tối nào lại mù lòa hơn sự mù lòa của những đôi mắt sáng ấy. Bởi đó, thấy mặt trời vẫn có thể là sống trong bóng đêm. Trong bất hạnh của thân xác vẫn có thể nhìn ra chân lý. Ðiều ấy nói cho tôi biết trong đau khổ tật nguyền, hạnh phúc vẫn có thể nở hoa, kết trái xum xuê. Trong những hiểu biết trần thế, biết đâu là cả một cõi lòng khô héo ân sủng thiêng liêng. Rồi, vì thế, đàng sau những đôi mắt đẹp, có thể là một một đêm lạnh lẽo, một tâm hồn trống trải, buồn tênh.

Ðôi mắt dễ thương chỉ có nơi tâm hồn duyên dáng. Lo trang điểm cho mắt mà không làm đẹp tâm hồn là chỉ muốn người ta nhìn mắt mình, chứ mắt mình không nhìn được điều phải nhìn. Có người tốn rất nhiều tiền để làm đẹp mắt, nhưng tiếc xót gởi một thùng quà cho bạn bè nghèo khó ở bên nhà. Ngại ngùng bỏ tiền để sửa chữa một ngôi thánh đường đang sụp đổ. Quá muốn mắt mình được nhìn nên đã không nhìn thấy điều Chúa muốn họ thấy.

*
"Toàn thân mày, mày sinh ra trong đống tội, mà mày lại làm thầy dạy chúng ta ư!" Sau khi mắng người mù như thế, Pharisiêu trục xuất ông (Ga 9,34). Người mù đã bị đuổi ra khỏi hội đường vì dám chấp nhận Chúa là Thầy chữa cho mình. Chúa đã hỏi người mù: "Còn ngươi, ngươi có tin vào Con Người không?" Ông ta đáp lại: "Lạy Ngài, tôi tin" (Ga 9,35-38). Như vậy, để nhìn thấy Chúa, ông đã phải trả một giá đắt. Những đôi mắt dám nhìn sự thật nhiều khi là những đôi mắt rướm lệ.

Phúc Âm thánh Máccô cũng nói về mắt. Người mù lên tiếng: "Lạy Thầy, xin cho tôi thấy được". Ðức Kitô bảo hắn: "Hãy đi! lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Rồi, dòng chữ cuối cùng của một bầu trời mới, một tâm hồn vô cùng thênh thang:

Lập tức hắn đã thấy được, và theo Ngài lên đường (Mc 10,52).

Người mù đã không trở về để lập nghiệp làm ăn, nhưng lên đường theo Chúa. Lúc này là lúc Chúa đang trên đường về Jerusalem để chịu chết. Ông đã thấy gì mà dám lên đường theo một kẻ sắp bị đóng đinh.

*

Nói về đôi mắt, Chúa quở trách rằng: "Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy.tâm hồn họ ra chai đá rồi" (Mt 13,14). Như vậy, Chúa xác định tâm hồn có trách nhiệm về cái nhìn.

Hôm nay, không thiếu bao tiếng khóc. Có tiếng khóc âm thầm. Có tiếng khóc lo âu. Tiếng khóc nghèo đói. Tiếng khóc lạc lõng trong cuộc sống. Tiếng khóc lặng lẽ của cõi lòng chán chường. Tiếng khóc che kín bằng tiếng cười ở giữa đám đông. Nước mắt ở khắp nơi.

Biết bao tâm hồn chỉ vì nghèo đói mà sống mất phẩm giá con người, Những người mẹ bên Phi Châu ngồi khóc vì đói, vì đôi vú không còn sữa cho con. Những đôi mắt trẻ thơ ruồi bu quanh. Ðấy là hình ảnh Chúa Kitô. Ngài đang lang thang và chẳng có ai nhìn.


Những tiếng khóc đau khổ vẫn không ai muốn nghe. Những nghèo đói vẫn không ai muốn nhìn. Có phải chỉ đôi mắt đức tin mới nhìn thấy Chúa Kitô đang nghèo, đang túng thiếu. Chia cái nghèo, chia cái túng thiếu, chỉ có đôi mắt tình thương mới dám nhìn.


Hơn hai ngàn năm trước Chúa đã than thở: "Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy vì tâm hồn họ ra chai đá rồi" (Mt 13,14). Hôm nay, nếu mắt không nhìn những điều phải nhìn. Nhìn mà không thấy những điều phải thấy. Thấy mà chẳng hiểu những điều phải hiểu thì Chúa cũng chỉ biết than thở như hai nghìn năm xưa: Vì tâm hồn họ ra chai đá rồi.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

THẾ NÀO LÀ CHO ĐI

“Kết bạn với Mammon bất công” là một trong những từ ngữ bí nhiệm mà Chúa Giêsu đã nói. Rất nhiều người không hiểu được lời này. “Mammon” là một tiếng gốc gác Syria có nghĩa là tiền bạc, và thường đi kèm trong thành ngữ “Mammon bất công” bởi vì loài người, như Chúa Giêsu nói, thường sử dụng tiền của để đeo đuổi những mục tiêu bất công và gian ác. Nếu như biết nói, hẳn tờ bạc ta đang bọc trong túi sẽ kể lại cho ta hay cuộc đời của nó, nào là người ta đã sử dụng nó ra sao, đã bán chác thế nào, đã dùng nó để gây nên những tội lỗi nào.v.v… Chúa dạy rằng người nào làm đầy tớ cho tiền bạc rồi sẽ có lúc thất bại. Thần chết nhắn với hết thảy người đời rằng: “Đã đến lúc ngươi không thể cúi lưng làm tôi đòi cho tiền tài được nữa, giờ chết của ngươi đã đến!” Và rõ ràng là tiền tài không thể mang theo qua thế giới bên kia được.

Vậy Chúa dạy ta sử dụng tiền bạc như thế nào? Hãy san sẻ tiền bạc cho kẻ túng thiếu, bởi lẽ hễ bạn cứu giúp họ qua cơn ngặt nghèo, ấy là bạn đã kết thân được với những người bạn sẵn lòng giúp bạn rỗi linh hồn. Dĩ nhiên người ta chẳng thể dùng tiền để mua được nước thiên đàng, nhưng tiền bạc có thể giúp ta tìm được bạn hữu nâng đỡ ta khi ta thất bại. “Những gì các ngươi làm cho người anh em bé mọn nhất, ấy là các ngươi đã làm cho Ta”. Những kẻ được Ta đoái lòng nhân từ thương xót hẳn sẽ cung xưng ra trước ngai phán xét rằng: “Thưa Chúa, đây chính là người chúng con đã nói đến. Người này thuở còn sinh thời vẫn ra tay giúp đỡ chúng con rất nhiều”.

Khi du lịch tới xứ nào, ta đều phải đổi tiền xứ ấy để dùng. Cũng vậy, ta phải đổi của cải đời này thành của cải thiêng liêng ở đời sau “không hề bị rỉ sét, mối mọt hay bị trộm cắp đi được”.

Thế những kẻ chẳng hề ra tay bố thí thì sao? Họ có tâm lý là cóp nhặt càng nhiều của cải càng tốt. Họ quý báu từng xu một. Nhưng câu trả lời cho họ là mọi người đều được tạo dựng để hướng tới Đấng Vô Biên là Thiên Chúa. Thế mà chỉ vì mù quáng bởi tội lỗi hoặc thiên kiến, lý trí họ đã thay Thiên Chúa bằng tiền của, mà họ cho là vô hạn. Họ càng lúc càng muốn có nhiều hơn, thay vì muốn được sống cuộc đời bên Chúa. Người ta có vô số tóc trên đỉnh đầu, nhưng nhổ đi một sợi cũng đủ gây đau đớn. Một người dù giàu có ức triệu mà mất đi một xu, y cũng xót ruột lắm. Y biết rằng “mình không thể đem theo tiền tài được” nên y chối nhận có đời sau.

Người Kitô hữu phải biết dùng tiền bạc để chuẩn bị cho đời sống ở thiên đàng. Có một phú hộ bảo người tớ gái hái hoa quả trong vườn đem biếu hàng xóm, để nhờ vậy mà kết thân với họ. Như thế, tiền tài (mà tiếng Anh là wealth) đã tỏ ra xứng hợp với nguyên ủy của nó, là sự an lạc (weal).

Có một câu chuyện về một phụ nữ giàu có sau khi chết bà được thánh Phêrô chỉ cho thấy ngôi dinh thự nguy nga của người tài xế của bà. Bà liền bảo “Ôi chao, nhà của y mà đồ sộ thế, chắc hẳn dinh cơ của con còn lộng lẫy ghê lắm!” Nhưng thánh Phêrô chỉ cho bà một cái chòi xơ xác hơn và nói với bà: “Đó là nhà của bà”. Bà thốt lên: “Nhà như thế làm sao con ở được?” Thánh Phêrô trả lời: “Thưa bà, với những vật liệu bà đã gửi lên cho ta, ta dựng được cái chòi như thế là khá lắm rồi đấy!”

Người ta dâng cúng rất nhiều tiền của, nhưng dùng tiền của để phục vụ linh hồn lại rất ít ỏi. Họ thường hiến tặng tiền của để tên tuổi mình được gắn trên biển vàng bệnh viện, đại học… Người ít học lại thường đỡ đầu tiền bạc cho các thư viện để làm ra vẻ ta đây là người có học hành. Chúa dạy “Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm”. Như thế ta biết thêm nguyên tắc thứ hai này: khi cho tặng, ta phải có ý tốt lành. Nếu nhân danh Đức Kitô ta cho kẻ khác chỉ một cốc nước lã thì cũng được Chúa thưởng cho gấp trăm lần.

Cách đây nhiều năm, nhân lễ Têrêxa, người ta mở cửa tu viện dòng kín cho công chúng vào xem, nhiều người tò mò đổ xô vào để xem các nữ tu hiến mình sống thinh lặng, chiêm niệm và đánh tội. Một người không hiểu gì về cuộc sống dòng kín đã gọi một nữ tu trẻ đẹp và chỉ cho một tòa nhà lộng lẫy bên kia đồi, và bảo rằng: “Này chị, nếu như có được tòa nhà sang trọng đó, và có được cuộc sống an lạc, xa hoa, liệu chị có bỏ mình để vào tu dòng kín không?” Chị đáp: “Thưa ông, dinh cơ đó trước kia là của tôi đấy!”


Người ta đã bố thí rất nhiều một cách vô ích vì họ không làm việc đó để phục vụ linh hồn. Thế gian cho rằng những gì cao cả nhất phải được sử dụng để được những gì hèn hạ nhất, ví dụ như dùng trí tuệ để tạo ra của cải dư dật. Người con của Chúa lại cho rằng những gì thấp hèn phải được sử dụng để phục vụ cho những gì cao cả, nghĩa là ta phải dùng tiền bạc để phục vụ Chân Lý, để an ủi kẻ hoạn nạn, cứu chữa người bệnh hoạn, để cứu vớt các linh hồn. Để trả lời cho câu nói: “Ngươi chẳng thể nào đem theo được”, ta có câu: “Được chứ, miễn là ngươi biết từ bỏ”. Như thế ngươi sẽ được thưởng công trong cuộc sống mai hậu.

SỐNG TINH THẦN PHỤC VỤ

Khát vọng được nổi bật là một trong các nguyên lý triệt để nhất trong tự nhiên. Dù ta cố sức đè nén chôn vùi đi, nó cũng tìm cơ hội để ngoi trồi lên. Nỗi đam mê này mãnh liệt nhất khi người ta bước vào tuổi trung niên. Tuổi thanh niên thì ham mê khoái lạc, còn tuổi già thì yêu thích lợi lộc. Ngược lại với tinh thần vị kỷ, tư lợi là lý tưởng sống hữu dụng và tinh thần phục vụ. Người có tâm hồn vĩ đại là kẻ tuôn tràn lòng nhân ái khắp cả thế gian. Người có tâm trí cao cả là kẻ đánh động toàn thế giới bằng những tư tưởng tinh tuyền. Chúa chúng ta đã chỉ cho ta hay biết về sự cao trọng khi Ngài bảo rằng Ngài đến không phải để được người khác phụ vụ, mà là để phục vụ người khác. Tinh thần phục vụ này phải xuất phát từ một dòng suối yêu thương vô hạn.

Yêu thương và phục vụ đi liền với nhau. Phục vụ là biết quên mình đi. Người ta phải có tâm hồn hết sức cao cả mới có thể giúp đỡ tha nhân ngày này qua ngày khác, dù có bị xỉ vả, chối bỏ vẫn ân cần giúp đỡ và không màng chi đến lời khen của anh em. Tinh thần phục vụ này không thể mua đi bán lại được.

Nếu không có tinh thần yêu thương thì khi ra tay phục vụ anh em, ta không thể lướt thắng được các khuynh hướng sai lạc do bản tính con người gây ra. Cách đây hơn 2000 năm, Aristote đã nhận xét rằng hết thảy các thiên hướng hèn kém gặp thấy nơi con người đều do tính khí và ước muốn của họ, nghĩa là tính khí xấu và ước muốn xấu. Không có loại này thì cũng có loại kia, đôi khi chúng xuất hiện vào những thời gian khác nhau trong suốt đời người. Và người ta chỉ sửa chữa được những thiên hướng này khi họ biết coi việc phục vụ là vâng phục thánh ý Chúa.

Tiên vàn, nó giúp ta sửa đổi được tính kiêu căng và tự cao. Kẻ nào tự nguyện phục vụ thì chẳng thể để cho mình có tính ích kỷ được. Họ vẫn ráng tìm cách phục vụ tử tế hơn. Còn kẻ tự cao là kẻ bao giờ cũng bắt kẻ dưới phải coi y là quan trọng và dần dà y sẽ trở nên độc tài. Trái lại, lòng ân cần làm cái tôi trở nên nhỏ đi để cho tha nhân lớn vượt lên.

Sự ân cần nhân ái cũng uốn nắn được những ước muốn ngông cuồng. Ước muốn được gọi là ngông cuồng khi cho rằng cái tôi phải là trung tâm của mọi sự, và là nguyên lý mà hết thảy mọi người phải tuân phục. Thói xấu này có thể chữa trị tận gốc bằng cách chọn Thiên Chúa làm đối tượng cho ước muốn đó. Bấy giờ ta sẽ hy sinh các khoái lạc, xa xỉ để giúp đỡ kẻ túng quẫn và bất hạnh. Nhờ vậy, ta làm cho nhân cách ta thăng tiến rất nhiều vì ta tránh được những thú vui xác thịt làm băng hoại nhân cách.


Trong thế giới vật chất Thiên Chúa cũng đã đóng dấu ấn định các qui luật phục vụ thuận hảo. Hãy nhìn mây bay trên trời: chúng “chết” đi để làm ra mưa móc. Dòng suối nhỏ bé chẳng hề nổi giận hoặc phàn nàn gì khi hòa vào đại dương bao la. Cả đến núi non cũng có tinh thần phục vụ. Chúng như những bàn tay vươn cao hứng lấy mưa móc rồi phân phối lại cho đất đai, cây cối bằng những giòng suối trong lành. Thế đấy, mỗi giọt nước, mỗi làn gió thoảng thảy đều biết phục vụ đấy chứ! Những gì Thiên Chúa đã bắt thiên nhiên tuân phục thì Ngài cũng muốn chúng ta phải tuân giữ, với ý chí tự do Ngài ban cho ta. Nước non, mây trời, sông núi cho tới đất đai đều biết quên mình để giúp hạt giống nẩy mầm đâm chồi – hẳn sẽ lên tiếng công kích con người nếu y không biết quên mình phục vụ anh em đồng loại. Khi ta làm lành, mọi vật trong hoàn vũ trở nên tốt lành. Phục vụ tha nhân là hình thức phục vụ bản thân cao cả nhất. Con người càng tiến đến chỗ ân cần hào hiệp, họ càng được nhiều ân phúc. Cối xay gió sẽ ngưng quay nếu nước thôi chảy. Đoàn tàu ngừng lại nếu không còn nhiên liệu đốt cháy nơi buồng máy. Lòng từ thiện trên thế giới này sẽ suy thoái thành những chương trình mang tính chuyên nghiệp hoặc thành những con số thống kê vô hồn nếu ta quên đi lời Đấng đã phán: “Không tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của kẻ chết cho người mình yêu”.

ĐỂ ĐƯỢC SỐNG HẠNH PHÚC

Văn sĩ nổi tiếng người Ai-len, ông Oscar Quaide qua đời năm 1900 có để lại một câu chuyện ngụ ngôn với nội dung như sau:

Tại một trung tâm thành phố nọ có một pho tượng rất nổi tiếng đó là pho tượng của ông Hoàng hạnh phúc. Toàn thân ông được dát bằng những lá vàng hảo hạng, đôi mắt ông làm bằng 2 viên ngọc bích trong veo và chuôi kiếm của ông có gắn một viên hồng ngọc lớn, khuôn mặt ông đẹp như thiên thần, tự nơi ông toát ra hạnh phúc, thanh bình, sung mãn.

Một đêm kia, có một chú chim én nhỏ bay về phương nam để tránh mùa đông giá rét, trong khi tìm chỗ nghỉ qua đêm, chú nhìn thấy pho tượng. Nhưng đang lúc chú rúc đầu vào cánh, một giọt nước bỗng rơi xuống mình chú, tưởng là mưa, chú én định bay đi tìm chỗ khác, nhưng ngước nhìn lên nó hết sức ngạc nhiên bởi vì đó không phải là những giọt nước mưa mà là nước mắt của chính ông Hoàng, ông Hoàng giải thích cho chú én nghe:

- Ngày xưa khi còn sống và mang trái tim con người, ta không hề biết nước mắt là gì, ban ngày ta vui chơi, tối đến ta khiêu vũ đến sáng, ta không màng đến những gì xảy ra bên ngoài. Khi ta chết người ta dựng lên pho tượng này. Từ trên cao nhìn xuống, giờ đây ta mới thấy bao nhiêu thống khổ của người khác. Vì thế, tuy trái tim ta bằng chì, ta cũng không thể nào cầm được nước mắt. Nói xong, ông Hoàng chỉ cho chim én thấy một cái nhà tiều tụy trong góc phố, nơi đó có một bà mẹ đang cố gắng thêu một chiếc áo dạ hội cho một nàng cung nữ nào đó để mua một ít cam cho đứa con trai nhỏ đang lên cơn sốt. Ông Hoàng nhờ chim én gỡ lấy viên hồng ngọc lớn từ chuôi thanh gươm đến cho người đàn bà.

Sau khi hoàn thành công tác, chú én trở lại pho tượng và thốt lên: Tự nhiên tôi thấy ấm áp mặc dù trời rất lạnh. Ông Hoàng mới giải thích: Ðó là vì chú đã làm được một việc thiện.

Ngày hôm sau, con én chuẩn bị lên đường bay sang Ai Cập nơi đàn én đang chờ đợi nó, nhưng ông Hoàng lại nài nỉ nó ở lại với ông một đêm nữa, rồi ông chỉ cho nó một căn gác nhỏ, đây là căn gác của một văn sĩ nghèo, ông ta đang cặm cụi viết cho xong vỡ kịch nhưng trời quá lạnh mà nhà thì không có lò sưởi, văn sĩ cứ loay hoay mà không sao hoàn thành được tác phẩm. Ông Hoàng bảo chú én gỡ lấy một viên ngọc trong đôi mắt của ông và tặng cho văn sĩ, ông ta sẽ bán viên ngọc, lấy tiền mua củi để sưởi.

Hôm sau ông Hoàng lại nài nỉ chú én ở lại thêm với ông một đêm nữa, ông nhờ nó mang một viên ngọc còn lại trong mắt ông đến biếu cho một cô bé bán diêm. Ông Hoàng trở nên mù lòa, ông không còn thấy gì nữa. Thấy thế, chú én không nở bay đi, nó muốn trở thành đôi mắt cho ông nên nó bay lượn qua các ngã phố và về thuật lại cho ông nghe tất cả những nỗi thống khổ của người dân trong thành. Nghe thế, ông Hoàng bảo nó lấy từng lá vàng được dát trên thân ông và mang tặng cho những người đói khổ.

Những ngày sau đó, người dân trong thành phố nhìn lên pho tượng thấy một con chim én chết dưới chân ông Hoàng, còn ông Hoàng thì trông thê thảm không khác gì một gã ăn mày. Ông thị trưởng thành phố liền ra lệnh cho hạ pho tượng xuống và nung lại để lấy kim loại đổ đúc một pho tượng khác, lạ lùng thay trái tim bằng chì của ông Hoàng nhất định không chịu chảy ra.

Tác giả kết thúc câu chuyện như sau:

- Thiên Chúa đã sai sứ thần của Ngài xuống trần gian tìm hai vật quí giá nhất trong thành phố nói trên và dĩ nhiên sứ thần đã mang về trái tim của ông Hoàng và xác của con chim én. Thiên Chúa liền phán với sứ thần: Ngươi đã chọn lựa đúng. Chú chim nhỏ này sẽ mãi mãi ca hát trong vườn thượng uyển trên thiên quốc và trong thành phố bằng vàng của ta, ông Hoàng hạnh phúc sẽ muôn đời ca tụng danh Ta.

Chia Sẻ:

Câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. Sống thọ bao nhiêu rồi cũng phải chết, danh vọng bao nhiêu rồi cũng sẽ qua đi, cái tồn tại mãi mãi hẳn không phải là một pho tượng hay một cái xác ướp. Cái tồn tại mãi mãi là chính bản thân của chúng ta. Chiếm trọn cả thế gian mà mất chính bản thân thì được ích gì. Chúa Giêsu đã không cảnh cáo chúng ta sao. Mục đích của cuộc sống do đó chính là không đánh mất bản thân, không làm cho mình ra hư mất và để đạt được mục đích ấy Chúa Giêsu lại bảo chúng ta: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm lại mạng sống ấy.

Có chết lạnh cóng như chú chim én trên đây vì phục vụ, có biết gỡ bỏ hết tất cả những phù phiếm trong pho tượng để trao cho những người khốn khổ như ông Hoàng trong câu chuyện trên đây con người mới thật sự tìm gặp lại bản thân trong cuộc sống trường sinh.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, giữa những lao đao vất vả vì cuộc sống hằng ngày.

Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh mất hướng đi của cuộc sống và nhất là đánh mất chính bản thân vì một chút lợi lộc hay danh vọng phù phiếm.


Xin cho chúng con chỉ biết có mỗi một hạnh phúc trong cuộc sống là tìm lại được bản thân trong sự hiến thân vô vị lợi cho tha nhân. Amen.

CHÚA LẬP NHÓM 12

“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” – Mc 3,14

Thành phần của Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi - rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.”

Nhóm Mười Hai, gồm những người không giống nhau từ đời sống, nghề nghiệp và quan niệm chính trị… Nhưng các ông đã được ở với Chúa, chính nhờ sống với Chúa mà các ông đã nên một trong cùng một sứ vụ. Nhìn vào Nhóm Mười Hai, chúng ta liên tưởng đến các cộng đoàn tu sĩ nam nữ. Họ cũng vậy. Chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện cho họ được tràn đầy ơn Chúa. Ngày càng thánh thiện, để đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi.

Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:

(1) Không có ai nổi bật: về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.

(2) Là những con người yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện con người không dễ.

(3) Tính khí rất khác nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Trong sự quan phòng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không dựng nên mọi sự hoàn hảo và tốt đẹp ngay từ đầu; nhưng một cách tiệm tiến, mọi sự dần dần trở nên hoàn thiện. Ngài muốn chúng ta đừng tiếc nuối và níu kéo quá khứ; nhưng biết dùng trí khôn và mở lòng để đón nhận những mặc khải mới, và cố gắng để càng ngày càng trở nên tốt hơn.

Sự ghen tị là lý do ngăn cản đà tiến của nhân loại, chúng ta đừng để nó làm mờ mắt đến nỗi chúng ta không nhận ra thánh ý của Thiên Chúa; nhất là làm chúng ta mù quáng đến độ muốn tiêu diệt sự thật và giết hại những người lành.

- Chúng ta hãy tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hoàn hảo. Ngài luôn yêu thương và lo lắng mọi sự cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được sống gần Chúa qua các phép Bí tích, và luôn nhớ cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ đang sống trong các cộng đoàn.

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được sống gần Chúa qua các phép Bí tích, và luôn nhớ cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ đang sống trong các cộng đoàn.

Lạy Cha, nếu cần con cộng tác với Cha trong bất kỳ việc gì, thì đây con sẵn sàng, mặc dù con chẳng tài đức gì. Con chỉ muốn bắt chước các tông đồ xưa, nghe Đức Giêsu kêu gọi, là «lập tức» bỏ tất cả mà đi theo, không suy nghĩ, đắn đo, tính toán. Xin ban cho con tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Cha trong mọi sự. Amen.

XIN ƠN SỐNG NĂM MỚI

Một năm đã khép lại, một trang sử mới của cuộc đời đang mở ra. Cái gì mới cũng làm cho chúng ta cảm thấy hứng khởi, hệt như ánh bình minh đang khai mở sức sống cho hành trình tiếp theo. Lòng ta đang háo hức đón chào những tia nắng đầu tiên của năm mới, đang vui hưởng bầu không khí trong lành của năm mới. Tiếng chim ca réo rắc, tiếng gió lùa du dương, những cánh én la đà giữa trời xanh như cũng đang vui niềm vui ngày tết. Những cành liễu đu đưa, đóa hoa tươi thơm ngát, bao ong bướm chập chờn dường như cũng hòa cùng ta niềm vui trong những ngày này. Ngày Tết, gia đình sum họp, dù đi làm ăn xa khắp tứ phương, ai ai cũng cố gắng về nhà để đoàn viên cùng mẹ cha, anh chị em, người thân, hàng xóm. Ta gửi cho nhau những câu chúc thật ngọt ngào, ta hy vọng những gì tốt đẹp nhất sẽ đến trong đời ta và những người ta yêu mến. Để có thể có được điều đó, bên cạnh việc đi thăm viếng nhau, vui chơi ca hát với nhau, chúng ta không thể không dành giờ ngước mắt lên trời cao, nguyên xin ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên ta trong những ngày đầu năm này.

Trước hết, có lẽ chúng ta nên một lần nữa tạ ơn Chúa vì Người đã thương ban cho chúng ta một mùa xuân tươi thắm. Cảm ơn Người đã bỏ qua cho chúng ta những lầm lỗi ta đã phạm trong quá khứ. Cảm ơn Người vẫn luôn yêu thương ta, luôn làm mới lại con người ta và ban cho ta một sự khởi đầu mới để ta có thể hiên ngang bước tiếp hành trình của mình. Tạ ơn Chúa vì Người đã nâng chúng ta dậy, muốn ta không bao giờ dừng lại nhưng luôn bắt đầu, rồi lại tiếp tục bắt đầu. Cứ mỗi lần bắt đầu là mỗi lần ta lại được thêm sức, được bồi bổ để đối diện với những thách đố khác, lớn hơn, cam go hơn nhưng cũng giúp ta trưởng thành hơn. Tạ ơn Người vì sự gần gũi và những lời an ủi Ngài dành cho chúng ta. Có Ngài bước đi cùng với ta, ta chẳng còn phải lắng lo chi, hay sợ hãi gì.

Chúng ta cùng dâng lên Chúa ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân, cùng những bạn hữu xa gần, những người đã hiện diện trong cuộc đời ta và giúp cho cuộc sống của ta thêm phần ý nghĩa. Ta cũng dâng lên Chúa những dự phóng phía trước của ta trong năm nay. Dâng lên Ngài quyết tâm từ bỏ lối sống cũ, và lời hứa sẽ chịu khó rèn luyện con người mình hơn, để trở nên cứng cáp hơn, vững chí hơn. Dâng lên Chúa lời cam kết sẽ cố gắng cống hiến hết sức lực và khả năng của mình để xây dựng Giáo Hội, đất nước, xã hội, giáo xứ và gia đình mình. Ta cũng xin Chúa chúc lành cho những hoạch định công việc mà ta sẽ thực thi trong năm này. Các bạn đang có một chương trình gì đấy cho riêng mình trong năm nay không? Tôi sẽ tốt nghiệp, tôi sẽ phải tìm kiếm một công việc, tôi sẽ lập gia đình, tôi sẽ có em bé, tôi sẽ mua nhà mới, tôi sẽ thay đổi việc làm, tôi sẽ thay đổi chỗ ở, hay tôi sẽ làm gì..? Đây là lúc các bạn đem hết tất cả những dự phóng này đến trước Tôn Nhan Chúa và xin Người chúc phúc cho các bạn.

Trong năm mới này, chúng ta cũng hãy xin Chúa ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta can đảm đối diện với những thử thách trên đường đời. Những khó khăn vẫn còn đó trong cuộc sống của ta, và lắm khi chúng đưa ta đến những thất bại. Ta hãy xin ơn Chúa sao cho dù ta có thất bại trăm nghìn lần, ta vẫn luôn mạnh mẽ đứng dậy, học hỏi kinh nghiệm cũ và rồi lại tiếp tục thực thi hoài bão của ta. Xin Chúa cho chúng ta biết bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, thoái chí, nhưng luôn biết đứng hiên ngang giữa dòng đời lắm nỗi truân chuyên. Ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn đừng bao giờ hài lòng với những thành quả đạt được, đường bao giờ an phận thủ thường, nhưng luôn biết ra đi để tìm kiếm cái hơn nữa. Và khi đã đạt được điều ta mong muốn, sau bao ngày tháng giãi nắng dầm mưa, xin Chúa cho ta biết mở đôi bàn tay mình ra, nắm lấy những con người đang cần ta giúp đỡ.

Ta cũng xin dâng cho Chúa những rủi ro có thể sẽ xảy đến trong cuộc sống của ta trong những ngày tháng tới. Cuộc sống nơi trần thế này không bao giờ mang đến cho chúng ta một sự an toàn tuyệt đối. Nơi đâu, lúc nào, những điều xấu vẫn cứ rình rập để tấn công ta, làm ta nản chí và đánh mất đức tin. Xin Chúa giúp ta luôn ý thức về sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của ta, rằng dù ta có làm gì, có ra sao thì ta vẫn luôn nằm trong bàn tay sắp xếp quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc hành trình của chúng ta không bao giờ là một cuộc hành trình đơn chiếc, lẻ loi. Không phải lúc nào ta cũng có thể nếm trải những mật ngọt với hương hoa. Không phải lúc nào ta cũng sống trong an nhàn sung sướng. Nhưng ta tin, dù chân ta có dẫm phải gai góc vương vãi giữa con đường, dù tay ta có lấm lem bao vết nhơ tội lỗi, trong mắt Chúa, ta vẫn là người con thật đáng yêu của Ngài.


Chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa những tâm tình ấy, để Người chúc phúc cho chúng ta.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

CHO THÌ TỐT HƠN LÀ NHẬN

Thức giấc trong thời tiết se se lạnh, tôi bỗng nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu được thuật lại trong Tin Mừng "cho thì có phúc hơn là nhận"

Chia Sẻ: 

“Nhận” và “Cho” là hai động từ phản nghĩa nhau. Nhưng nếu được dùng đúng nơi đúng lúc, cả hai đều tốt cả. “Nhận” nghĩa là gia tăng nhân vị thêm: trong chính con người của ta chẳng hề chứa đựng được hết mọi tinh hoa của thế giới. Do đó cái “chúng ta là” phải được bổ sung thêm bằng cái “chúng ta có”. Để tồn tại, ít ra ta phải có cái ăn, cái mặc và nơi ở. Nói như thế không có nghĩa là ta đòi cho được phải có thêm một chiếc du thuyền nữa mới đủ. Quyền sở hữu là quyền được có tài sản, càng giảm đi khi vật sở hữu càng ít cần thiết đối với đời sống của ta.

Nhân đức ban tặng phụ thuộc vào những gì ta có… ta không thể cho đi cái mà ta không có (ngay cả thì giờ cũng vậy). Nhưng đối với đa số loài người, việc có cái này cái kia không phải là cơ hội để cho… Họ nghĩ rằng cho đi nghĩa là mất mát bởi chưng họ rất quí chuộng những gì họ đã có được. Thật là thiển cận, vì khi ta cho đi nửa chén cơm ta vẫn còn nửa chén cơ mà, nhưng bù vào đó ta hưởng được niềm vui ban tặng.

Nhiều người, nhất là kẻ giàu sang vẫn hằng đánh giá nhân vị mình qua việc có được càng nhiều đồ dùng không cần thiết càng tốt. Họ phản đối việc cắt xén tài sản của mình. Họ tìm cách tăng thêm vốn liếng, coi đó như là một cái tôi khác của họ mà nếu không được trọn vẹn thì họ không thể nào chịu nổi. San sẻ chút xíu để làm việc phúc đức là cả một việc đau xót tựa như bị cưa tay xẻ chân vậy.

Có một phụ nữ sống mãi với lịch sử bởi vì bà đã không ngại san bớt vốn liếng của mình. Phúc Âm kể lại rằng: “Đang khi ngồi đối diện với hòm tiền Đền thờ, Chúa Giêsu thấy dân chúng bỏ tiền vào hòm, nhiều kẻ giàu có còn đem cho lễ vật nữa. Và này một bà già nghèo khó đến bỏ vào đấy hai đồng xu. Thấy vậy Ngài gọi các môn đệ đến gần và bảo họ “Này Ta bảo cho các ngươi hay, người góa phụ nghèo này đã cho nhiều hơn, hơn cả những kẻ có dâng cúng lễ vật. Người ta cho đi những gì họ dư thừa, còn bà lại cho đi phần ít ỏi nhưng lại là phần cần thiết cho đời sống của mình”.

Chúa Giêsu đã lưu ý đến các kẻ bố thí nhưng Ngài chỉ nhắm đến cách bố thí chứ không phải đến số lượng tiền bạc họ bố thí. Đã có lần Ngài bảo: của ở đâu thì lòng ở đấy. Và ở đây Ngài lại cho ta biết thêm: lòng đi đâu thì của theo đó. Chúng ta ít ai có được thái độ như Ngài; ta chẳng phí công gì mà đọc danh sách những người bố thí cho những số tiền ít ỏi cho mệt. Nhưng có thể đối với Chúa phần danh sách đó lại là quan trọng hơn cả. Ngài đã khiến hành động cho hai đồng xu của bà góa trở thành bất tử.

Hẳn rằng người góa phụ ấy không hề thấy Chúa Giêsu, cũng không hề có ý làm Chúa hài lòng và cũng chẳng đoán ra rằng đối với Chúa thì bà “đã cho đi nhiều nhất, hơn cả những kẻ dâng cúng lễ vật nữa cơ”. Họ cho đi phần thừa mứa, còn bà lại cho chính những gì bà có được. Tuy nghèo nhưng bà vẫn cho kẻ nghèo hơn. Bà đã vơ vét trong túi mình để giúp cho tha nhân được đầy đủ. Hai đồng xu của bà tuy nhỏ nhoi chẳng đáng là bao song đã đánh đổ được cả mớ triết lý duy vật thôi thúc loài người thu quén càng nhiều càng tốt – tựa hồ như chỉ có thế gian này mới là nơi chốn đích thực của con người.

Hai đồng xu dâng cúng của bà góa còn mang ý nghĩa này nữa: nó nhắc ta nên nhớ rằng Thiên Chúa muốn ta sẵn sàng dâng cho Ngài tất cả. Ngài là Chủ Tể cõi tâm linh của mọi người: Ngài không muốn ta coi vật gì là của riêng ta trước mặt Ngài. Ngài muốn ta yêu Ngài trọn vẹn: yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức mạnh”. Chỉ có những ai dâng cho Thiên Chúa toàn bộ tâm hồn, kẻ ấy mới có thể dâng hết tài sản cho Ngài được.

Và chẳng có chi được quảng đại dâng hiến mà lại mất đi. Hiểu theo nghĩa duy vật, như thế hẳn là mất hẳn rồi. Nhưng trong đời sống tinh thần thì ngược lại. Vì những gì ta dâng cho Chúa chẳng những sẽ được ban lại cho ta ở đời sau, mà ngay cả ở đời này ta cũng đã nhận lại rồi. Một trong những cách thực tế nhất giúp ta tin tưởng rằng bao giờ mình cũng được đầy đủ là cứ nhân danh Chúa mà cho. Tương tự, càng quảng đại với tha nhân thì ta càng tăng tiến nhanh chóng trong tình mến Chúa. “Hãy cho đi và các ngươi sẽ được cho lại. Người ta sẽ lấy cái đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc, đầy vun mà đổ vào bao của các ngươi, các ngươi đong bằng đấu nào, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38).


Cách ta sử dụng những gì ta có quan hệ chặt chẽ với những gì ta là hoặc sẽ là. Những ai tham lam cứ bo bo giữ của, khi chết đi y sẽ mất sạch. Còn kẻ biết cho đi sẽ hoan hỉ nhận lại đầy đủ trong đời sống mai sau.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn bước theo đường yêu thương của Chúa. Đó là con đường của hy sinh và phục vụ, nhờ đó chúng con cũng biết yêu thương tha nhân như Ngài