Translate

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

TÔI LÀ AI?

Trong cơn hôn mê, một người đàn bà nọ thấy mình bị đưa ra trước tòa Chúa.

Có tiếng hỏi bà:

- Bà kia, bà là ai?

Người đàn bà đáp:

- Thưa, con là vợ của ông thị trưởng.

Nhưng tiếng ấy hỏi lại nghiêm nghị hơn:

- Ta không hỏi ngươi là vợ của ai, Ta chỉ hỏi người là ai mà thôi?

Người đàn bà vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu hỏi. Bà tiếp tục thưa: bà là mẹ của bốn đứa con, bà là giáo viên v.v... Nhưng lần nào tiếng nói cũng vẫn hỏi lại:

- Ta không hỏi ngươi làm nghề gì, Ta chỉ muốn biết ngươi là ai mà thôi.

Nghe đến đây người đàn bà liền thưa:

- Con là một Kitô hữu.

Tiếng nói lại tỏ dấu bất bình và hỏi tiếp:

- Ta không hỏi ngươi có đạo hay không có đạo, hoặc theo đạo nào, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?

Người đàn bà làm một cố gắng cuối cùng, bà trình bày như sau:

- Thưa, con là người đi lễ mỗi ngày và luôn giúp đỡ những người túng thiếu.

Tiếng nói lại càng bất bình hơn nữa:

- Ta không hỏi ngươi đã làm gì, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?

Người đàn bà chợt hiểu được ý nghĩa của câu hỏi:

Sau cơn bệnh, bà quyết tâm trả lời cho bằng được câu hỏi ấy. Và điều đó đã làm cho bà thay đổi hoàn toàn cuộc sống.

Chia Sẻ:

Các bạn thân mến, để trả lời cho câu hỏi trên đây, có lẽ chúng ta phải thưa bằng chính lời của Chúa Giêsu, Ngài nói về một đầy tớ phải làm việc quần quật suốt ngày, rồi chiều về còn phải hầu hạ chủ mình.

Chúa Giêsu nói như sau: “Các con cũng thế, sau khi đã làm hết tất cả những gì mình phải làm, các con hãy nói: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng”.

Tương quan giữa con người và Thiên Chúa là một tương quan “nhưng không”

Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu nhưng không. Con người cũng phải thờ phượng Thiên Chúa bằng một tình yêu nhưng không. Nói cách khác, con người không thờ phượng lập công để được Thiên Chúa tưởng thưởng.

Chúa Giêsu đã đến để thiết lập mối tương quan đúng đắn giữa con người và Thiên Chúa. Ngài phá đổ thứ tôn giáo dựng trên tính toán so đo, để thiết lập đạo của tình thương. Ngài mặc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha yêu thương nhân từ, tha thứ, và mời gọi chúng ta đáp trả bằng tất cả tin yêu, phó thác nơi Ngài.

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu lên án gắt gao thứ tôn giáo vụ hình thức, khoe khoang, giả hình và tính toán hơn thiệt của những người biệt phái. Tương quan giữa họ và Thiên Chúa chỉ còn là một mớ những tính toán so đo.


Ðối lại với thái độ ấy của người biệt phái, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Ngài hãy sống phó thác, khiêm nhường và phục vụ. Ở đây chúng ta thấy lặp lại cái nghịch lý thông thường của Tin Mừng: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, Ai đi tìm mạng sống mình sẽ mất, ai bỏ mạng sống mình, sẽ gặp lại”.

Năm nay Giáo Hội gọi là năm Tân Phúc Âm Hóa, tôi mời gọi mọi người hãy "trả lời" câu hỏi trên qua đời sống chứng nhân của mình.

Tôi thiết nghĩ chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

CẢM ƠN MẸ....! (nhân ngày Lễ Thánh Gia Thất)


Mẹ tôi chỉ còn một bên mắt. Tôi ghét điều đó, và vì thế tôi ghét luôn cả mẹ. Mẹ có một cửa hàng ọp ẹp ở khu chợ tồi tàn, lượm lặt đủ các loại rau cỏ lặt vặt để bán. Bà làm tôi xấu hổ.

Một ngày kia ở trường tôi có sự kiện đặc biệt, và mẹ đã đến. Tôi xấu hổ lắm. Tôi nhìn mẹ với ánh mắt rất căm ghét rồi chạy đi. Ngày hôm sau đến trường, mọi người trêu chọc tôi: "Ê, mẹ mày chỉ có một mắt thôi à?".

Tôi ước gì mẹ biến mất ngay khỏi thế giới này, vì vậy tôi nói với bà rằng: "Mẹ, tại sao mẹ chỉ còn một bên mắt thôi? Mẹ sẽ chỉ biến con thành trò cười cho thiên hạ. Sao mẹ không chết luôn đi?". Mẹ tôi không phản ứng. Tôi nghĩ mình quá nhẫn tâm, nhưng lúc đó cảm giác thật thoải mái vì tôi nói ra được điều muốn nói suốt bấy lâu.

Đêm hôm ấy...

Tôi thức dậy, xuống bếp lấy cốc nước. Mẹ đang ngồi khóc trong đó, rất khẽ, cứ như bà sợ rằng tiếng khóc có thể đánh thức tôi. Tôi vào ngó xem mẹ thế nào rồi quay về phòng. Chính vì câu tôi đã thốt ra với mẹ, nên có cái gì đó làm đau nhói trái tim tôi.

Ngay cả vậy chăng nữa, tôi vẫn rất ghét mẹ. Tôi tự nhủ mình sẽ trưởng thành và thành đạt, bởi vì tôi ghét người mẹ vừa nghèo, vừa chỉ còn có một mắt.

Rồi tôi lao vào học. Tôi đỗ vào một trường đại học danh tiếng với tất cả sự tự tin và nỗ lực. Tôi rời bỏ mẹ đến Bắc Kinh.

Tôi kết hôn, mua nhà và làm cha. Giờ đây, tôi là một người đàn ông thành đạt và hạnh phúc. Tôi thích cuộc sống ở thành phố. Sự náo nhiệt, sôi động giúp tôi quên đi hình ảnh người mẹ tội nghiệp.

Cho tới một hôm, người tôi không mong đợi nhất đã xuất hiện trước cửa nhà. Mặt tôi tối sầm lại, tôi đã lạnh lùng hỏi người đàn bà đó: "Có chuyện gì không? Bà là ai?". Đó là mẹ tôi, vẫn dáng người còm cõi và gầy gò ấy, vẫn là người phụ nữ với đôi mắt không hoàn thiện ấy.

Đứa con bốn tuổi của tôi nhìn thấy bà, nó đã quá sợ hãi, chạy núp vào một góc nhà. Tôi vờ như không nhận ra bà, nhìn bà giận dữ rồi nói: "Bà là ai, tôi không quen bà". Tôi đang tự lừa gạt mình và thực sự từ bao lâu nay tôi vẫn tự lừa mình như thế. Tôi cố quên đi cái sự thật bà là mẹ tôi. Tôi luôn muốn trốn tránh sự thật này. Tôi đuổi bà ra khỏi nhà chỉ vì bà khiến đứa con gái nhỏ của tôi sợ hãi.

Đáp lại sự phũ phàng ấy, người đàn bà tiều tụy kia chỉ nói: "Xin lỗi, có lẽ tôi đã tới nhầm địa chỉ", và rồi bà đi mất.

"May quá, bà ấy không nhận ra mình" - tôi thầm nhủ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tự nói với mình rằng sẽ không bao giờ quan tâm hoặc nghĩ về bà.

Một ngày, tôi được mời về trường cũ để gặp mặt nhân kỷ niệm thành lập trường. Tôi nói dối vợ rằng sẽ đi công tác mấy hôm.

Sau buổi họp mặt, tôi lái xe đi ngang qua ngôi nhà mà tuổi thơ tôi đã từng gắn bó - một cái lều cũ rách, lụp xụp, ẩm ướt. Bây giờ nó vẫn thế. Tôi xuống xe và bước vào. Tôi thấy bà nằm ở đó, ngay giữa sàn đất lạnh lẽo, trong tay bà có một mẩu giấy. Đó là bức thư bà viết cho tôi.

" Mẹ xin lỗi vì mẹ chỉ có một mắt, có lẽ mẹ đã làm con thấy hổ thẹn với bạn bè.

Con trai yêu quí của mẹ!

Mẹ nghĩ cuộc đời này mẹ đã sống đủ. Mẹ sẽ không thể đến thăm con thêm lần nào nữa, nhưng mẹ có quá tham lam không khi mong con trở về thăm mẹ dù chỉ một lúc? Mẹ nhớ con nhiều, và cũng rất vui khi nghe tin con đã trở về thăm lại lớp cũ. Mẹ đã rất muốn tới trường chỉ để nhìn thấy con. Nhưng mẹ đã quyết định không đến, vì con.

Mẹ xin lỗi vì mẹ chỉ có một mắt, có lẽ mẹ đã làm con thấy hổ thẹn với bạn bè.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..

Mẹ rất tự hào vì con trai mẹ có thể nhìn trọn thế giới mới có một phần của mẹ ở đó, mẹ chưa bao giờ buồn vì con hay bất cứ điều gì con đã làm. Con đã từng ghét bỏ hay tức giận mẹ, nhưng mẹ biết, trong sâu thẳm từ trái tim, đó là bởi vì con cũng yêu mẹ.

Mẹ rất nhớ khoảng thời gian khi con trai mẹ còn nhỏ, khi con tập đi, khi con ngã hay những lúc con chạy loang quanh bên mẹ. Mẹ nhớ con rất nhiều, mẹ yêu con, con là cả thế giới đối với mẹ".

Thế giới quanh tôi cũng như đang đổ sụp. Tôi khóc cho người chỉ biết sống vì tôi.
(Trích truyện "Người Mẹ Một Mắt Của Tôi")
Chia Sẻ:

Chúng ta không thể viết rằng con yêu mẹ, vì câu nói ấy quá ngắn để nói hết được những điều mẹ đã làm cho con. Tình mẫu tử đẹp vô cùng mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Những cưu mang sinh nở, nhờ dòng sữa mẹ với những gian truân vất vả trăm bề mà mẹ đã trải qua năm tháng để nuôi con khôn lớn đến ngày hôm nay.

Chúng ta không thể viết rằng con mang ơn mẹ, vì những tình thương mẹ dành cho con lớn đến độ con không thể nào mang ơn mẹ được, thực sự mẹ đã làm cho con cảm thấy được yêu thương đến độ những tình cảm đó thấm vào trong tim con và truyền cho con tình yêu với mẹ, chứ không phải chỉ đơn giản là cái ơn, cái nghĩa hay là trách nhiệm phận làm con phải mang ơn cha mẹ.

Chúng ta làm sao để viết rằng con cảm phục mẹ, bởi con đã bao giờ hiểu biết hết được những gì mà mẹ đã hy sinh, chăm sóc cho con. Từ những bát cơm trắng thơm cho đến những áo quần, giày dép, sách vở học tập mà mẹ dành dụm tiền để mua sắp cho con. Hay những thao thức đêm trường mẹ ngồi bên con, lo lắng khi con đau, quạt hát ru con ngủ khi trời nóng, dịu dàng và kiên nhẫn để đưa con từng bước vào đời…


Chúng ta cũng không thể viết rằng lòng mẹ quá bao la và vĩ đại, bởi có bao giờ con thấu hiểu hết được tình yêu vô bờ bến mẹ dành cho con. Khi con vô tâm nói những lời làm mẹ đau lòng, hay vô tình hoặc nhiều khi cố ý mắc lỗi, để mẹ phải lo lắng, thao thức cả đêm nhưng cũng chẳng có hình phạt con dù con đáng bị đánh lắm. Những quyết định nông cạn và những việc làm khờ dại của con đã làm ảnh hưởng đến gia đình, nhưng mẹ an ủi thay vì trách mắng con, mẹ đã cầu thay, khích lệ và dùng lời Chúa dạy dỗ để con đứng lên sau những lần vấp ngã, và chính mẹ đã chắp cánh cho con bay cao hơn và bay xa hơn đến bến bờ thành công và hạnh phúc. 

Mẹ ơi! Trong Lễ Kính Thánh Gia năm nay, và khi mẹ vẫn còn đang sống với con, con xin thốt lên một lời, dù đã rất muộn màng: Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CĂN NHÀ LÝ TƯỞNG NHẤT

Có một người bận bịu phác họa cho mình một căn nhà, anh ta hy vọng cần phải làm ngôi nhà thật tinh xảo, vừa ấm áp vừa thoáng gió nhất trong nhân gian.

Có người nọ tìm đến anh ta và nhờ anh ta giúp đỡ, bởi vì thế giới xảy ra hỏa hoạn, nhưng anh ta chỉ có hứng thú với căn nhà mới trong tương lai của mình mà thôi.

Cuối cùng anh ta cũng phác họa xong căn nhà, nhưng lại phát hiện không có một hành tinh nào để có thể đặt căn nhà rất tinh xảo đẹp đẽ của anh ta.

Chia Sẻ:

Có những người trẻ hôm nay phác họa cuộc sống của mình phải như ông hoàng bà hậu, nên không từ chối mọi thủ đoạn nào, kể cả việc bán mình để sống đua đòi như ông hoàng bà hậu.

Có những minh tinh màn bạc phác họa mình phải trở thành người nổi tiếng trong trời đất, thế là chụp hình khỏa thân, cố ý làm những việc "xì căng đan" để được đăng báo lên truyền hình, thế là những người hâm mộ chân chính không còn là số nhiều nữa...

Có những người Ki-tô hữu phác họa cho mình một cuộc sống phù hợp với tinh thần Phúc Âm, nhưng trong thực tế thì cuộc sống của họ không có mấy người chấp nhận, vì họ sống như sống trên mây trên gió, quá lý tưởng và xa rời thực tế...

Có một vài linh mục trẻ khi còn học trong chủng viện thì phác họa cho đời mục tử của mình rất đẹp và rất lý tưởng, nhưng khi được làm cha sở thì bị giáo dân phàn nàn chê trách và không cộng tác, bởi vì những phác họa lý tưởng trước đây của ngài đang bị vật chất, kiêu ngạo và hưởng thụ dìm xuống trong vũng bùn thế gian...


Phác họa cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm mà không thực tế hoàn cảnh với cuộc sống của mình và mọi người, thì chẳng khác gì phác họa ngôi nhà rất đẹp rất lý tưởng mà không thể xây dựng được nơi hành tinh nào cả.

NGUỒN GỐC CỦA ĐÔI GIÀY

Hôn quân phàn nàn mặt đất sù sì làm cho bàn chân của ông ta bị thương, do đó mà ra lệnh cho toàn dân phải phủ da trâu trên mặt đất.

Tên làm hề nghe xong thì cười ha ha, nói:

- "Bệ hạ, đây thật là chuyện hoang đường ! Hà tất phải bỏ ra một số kinh phí lớn như thế chứ ? Cắt ra hai miếng da trâu thì có thể bảo hộ bàn chân của bệ hạ."

Nhà vua theo thế mà làm.

Con người ta có ý định mang giày cũng từ đó mà ra.
  
Chia Sẻ:

Thời nay con người ta mang giày không phải là hai miếng da trâu thô sơ, nhưng là những đôi giày nhiều kiểu rất đẹp và rất sang trọng, dù rằng nó chỉ là đôi giày dưới chân mà thôi. Đôi giày càng đẹp thì càng thăng thêm vẻ duyên dáng khi đi của các cô gái, và làm tăng thêm vẻ sang trọng của các chàng trai.

Đức khiêm tốn của người Ki-tô hữu giống như đôi giày dưới chân vậy, đôi giày càng chắc chắn thì cảm giày an toàn và tự tin càng cao, đức khiêm tốn càng thẳm sâu thì tâm hồn càng nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.

Đức khiêm tốn bảo vệ tâm hồn chúng ta được an toàn trong cuộc sống, là đôi giày bảo vệ tâm hồn khỏi những gai nhọn của cơn cám dỗ, bảo vệ tâm hồn trước những phong ba của cuộc đời.


Không ai mang giày đẹp mà đi xuống vũng bùn lầy, cũng vậy, không có ai đã mang đôi giày khiêm tốn rồi mà còn thích được tiếng khen ngợi của người khác...

ĐẠI SƯ VÀ BẦY SÓI

Mọi người phát hiện một bầy sói xuất hiện ở trong thôn làng, vị đại sư họ Thiệu tu hành gần đó sau khi được biết, thì mỗi buổi chiều lúc trời chạng vạng tối đều đi vào trong nghĩa địa của thôn làng để tĩnh tọa, bầy sói cũng không làm gì hại đến ông ta.

Người dân trong thôn làng rất là phấn khởi, mời đại sư truyền cho bí pháp để sau này tiện bề ứng phó.

Đại sư Thiệu nói:

- "Ta không dùng bí pháp gì cả, khi ta ngồi tĩnh tọa thì có mấy con sói vây quanh ta, chúng nó liếm đầu mũi của ta, nhưng vì ta giữ hơi thở đều đặn nên sói không cắn ta."

Chia Sẻ:

Bình tĩnh chính là vũ khí lợi hại nhất của con người, người luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề.

Dù bạn có võ công cao cường nhưng nếu không biết bình tĩnh thì cũng sẽ thành kẻ chiến bại; dù bạn có thông minh xuất chúng nhưng nếu không bình tĩnh thì cũng sẽ thất bại; nếu bạn luôn có tâm hồn hoang mang thì bạn sẽ nắm chắc phần thất bại và luôn thất vọng trong cuộc sống.

Đại sư cũng là con người, cũng biết sợ thú dữ, nhưng sự bình tĩnh đã làm cho đại sư thêm can đảm và tự tại giữa bầy sói.

Khiêm tốn làm cho người Ki-tô hữu bình tĩnh và mạnh mẽ hơn trong đời sống tâm linh của mình. 

SÓNG GIÓ HÃI HÙNG

Một vị quân vương Ấn Độ đang bơi thuyền trong biển gặp lúc trời đổ mưa to gió lớn, trên thuyền có một nô lệ vì là lần đầu tiên đi thuyền, cho nên sợ hãi khóc rống lên. Nó cứ khóc mãi nên những người trên thuyền không chịu được, quân vương cũng bày tỏ thái độ nên đuổi nó xuống khoang thuyền.

Cố vấn thứ nhất của quân vương là một người khôn ngoan, ông ta nói: "Không nên đuổi nó xuống, để tôi giải quyết, tôi nghĩ rằng tôi có thể làm cho nó im lặng," và lập tức ra lệnh cho các thủy thủ khiêng nó quăng xuống biển. Tội nghiệp cho thằng nhỏ vừa rơi vào trong biển thì càng khóc thét lên, tay chân vẫy loạn xạ, qua vài giây sau thì vị cố vấn ra lệnh cho thủy thủ vớt nó lên thuyền.

Khi được vớt lên thuyền, tên nô lệ tội nghiệp im lặng đứng trong góc thuyền không một tiếng nói, quân vương hỏi người cố vấn khôn ngoan tại sao như thế ? Người khôn ngoan trả lời:

- "Trước khi tình hình biến ra xấu, thì mọi người rất khó mà thể nghiệm được bản thân mình thật là may mắn."

Chia Sẻ: 

Con người ta khi giàu có sung sướng thì không nghĩ đến mình đang sung sướng hơn những người nghèo khổ, cho nên họ cứ than thở cho là mình khổ quá; có người giàu có tiền bạc tiêu xài một bữa ăn bằng người nghèo sống cả năm, nhưng vẫn cứ thở dài thở vắn oán trách trời bất công; có người cuộc sống không thiếu gì cả, nhưng vẫn cứ than thở với người này, đánh tiếng với người kia là mình sao mà khổ quá...

Cuộc sống vui sướng nghèo khó của con người thì như những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ, hết đợt này thì đến đợt khác không ngừng, cho nên người có đức tin thì luôn có tâm hồn chuẩn bị đón nhận: khi đón nhận niềm vui thì đồng thời cũng chuẩn bị đón những đau khổ đến, khi vui vẻ sống trong hạnh phúc thì đồng thời cũng chuẩn bị đón nhận những bất hạnh và những điều xấu đến cho mình.


Luôn tỉnh thức và cầu nguyện là phương pháp hay nhất để đón nhận những diễn biến tốt và xấu xảy đến cho mình.

KHẢNG KHÁI CỦA CON VOI

Con của gấu bị bệnh phải mổ lập tức, nên cần một món tiền bảo đảm, gấu vội vàng đi khắp nơi hỏi để vay mượn.

Nó cầu cứu sự giúp đỡ của con voi, voi khảng khái nói:

- "Không thành vấn đề, hai ngày sau, thì vừa đúng lúc tôi có tấm ngân phiếu đến kỳ, tôi nhất định giúp đỡ".

Qua hai ngày sau, con voi đem tiền đến biếu cho nhà gấu, nhưng gấu nói nó không cần nữa, bởi vì con nó đã chết, con voi lấy làm tiếc nói với tê giác:

- "Tôi đã nói rồi, tôi nhất định phải giúp họ".

Tê giác cảm khái thở dài:

- "Một đồng hôm nay, hơn hẳn trăm đồng ngày mai vậy".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Đem tiền gởi vào ngân hàng thì không mất mà lại còn được lời, một lời hai, hai lời ba...

Còn ân phúc thì làm sao cho có lời, mà lời gấp hai gấp ba ?

Thưa, đem ân phúc của chúng ta mà gởi cả cho người nghèo, người cần chúng ta giúp đỡ, bởi vì chính họ là những ngân hàng của chúng ta. Khi chúng ta giúp đỡ cho ai một ly nước lã mà thôi, thì cũng được Thiên Chúa trả lại gấp đôi, đạo lý này thì rất rõ ràng, nhưng mấy ai thích đem tiền của của mình gởi vào những ngân hàng ấy!

Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn đại khái như sau: có một con cọp bị thương, đang nằm rên la đau đớn, bác tiều phu nghèo khổ thấy vậy bèn cứu chữa cho nó, sau khi nó lành thì chạy vào rừng... ... bác tiều phu ngày ngày đi lấy củi trong rừng trở về, và ngày nào cũng đều thấy một miếng thịt rừng to tổ bố giữa nhà, đó chính là sự trả ơn của con cọp...

Thú dữ mà cũng biết trả ơn như thế, huống gì là Thiên Chúa lại không biết sao?


Xét cho cùng, người nghèo khó và người bất hạnh đều là những người làm ơn cho chúng ta, họ là những ngân hàng để chúng ta gởi công phúc vậy.

DẶN DÒ VÀ BA HOA

Lúc vịt con ra khỏi cửa, vịt mẹ ở sau lưng nói:

- "Đem theo cái ô, cục khí tượng nói chiều nay trời sẽ đổ mưa; lúc qua đường nhớ cẩn thận, nhìn rõ ràng trước sau không có xe mới đi qua; tối nhớ về cho sớm, cẩn thận..."

Vịt con không chịu nổi, cắt đứt lời của mẹ:

- "Từ sáng đến tối mẹ cứ ba hoa, có thôi không nào?"

Dần dần vịt con lớn lên, kết hôn, cũng làm vịt mẹ, mỗi ngày đàn con vây luẩn quẩn quanh mình.

- "Mẹ bảo con mặc thêm quần áo có nghe không nào?... Đợi một chút không thì lại cảm mạo đấy. Nhớ ăn cho hết rau ở trong cơm hộp, gầy như thế mà còn kén ăn, còn..."

Không đợi nó nói hết, lũ con la lên kháng nghị:

- "Má, má nói lôi thôi không à, ngày nào cũng ba hoa không à."

Nó muốn mở miệng chửi mắng, đột nhiên im lặng không nói, câu nói ấy thật quen thuộc, từa tựa như đã nghe qua ở đâu rồi thì phải ! Đúng rồi, chính là bản sao lại của nó hồi năm xưa.

Thật kỳ lạ, lời ba hoa của mẹ, hôm nay chợt nhớ lại từng câu từng câu, đều tràn đầy sự dặn dò quan tâm yêu mến.

Nó hỏi Đấng tạo hóa:

- "Rốt cuộc thì dặn dò và ba hoa có gì là khác biệt?"

Đấng tạo hóa nhẹ tiếng trả lời:

- "Khác biệt ở chỗ thân phận làm mẹ và làm con không giống nhau".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Hồi còn nhỏ tôi thường hay bị mẹ la mắng vì không chịu cẩn thận khi ra nắng, tôi lại thích đi lang thang giữa trời mưa, mà lại kiếm những chỗ có vũng nước mà lội, nên cứ bị nhắc nhở. Bây giờ già đầu rồi mà mỗi khi đi học ghé thăm mẹ, thì cũng "bị" nhắc nhở cẩn thận khi chạy xe, đừng để đầu trần mà ra nắng v.v...

Chắc các bạn cũng như tôi, không ít thì nhiều cũng bực mình khi nghe nhắc hoài những điều quá thường ấy!

Vậy mà bây giờ nhớ lại, thì quả thực lời mẹ nhắc nhở rất đúng, mẹ nhiều lời cũng vì tình thương của mẹ dành cho con cái thật tràn trề, sự tràn trề này được biểu hiện ra nơi sự nhắc nhở thường xuyên ấy.

Điều mà con cái coi thường, thì mẹ lại thường xuyên nhắc nhở, việc mà con cái không để ý, thì mẹ lại luôn quan tâm để ý.

Không ai tế nhị cho bằng mẹ.

Tình thương của mẹ dành cho con cái to lớn hơn con cái nghĩ đến.

Rồi chúng ta sẽ kết hôn, sẽ làm bố mẹ, rồi chúng ta cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở con cái những lời mà mẹ mình đã nói lúc trước: đừng ra nắng nghe con, đừng chơi bời với bạn bè xấu nghe con, nhớ mặc áo mưa khi ra mưa nghe con... nhớ... và nhớ... nghe con.

Mẹ Maria cũng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày:

- Hãy cầu nguyện.

- Hãy siêng năng lần hạt mân côi.

- Hãy cải thiện đời sống.


Có phải Mẹ ba hoa, hay là Mẹ yêu thương chúng ta?

SÔNG SUỐI VÀ ĐÁ NGẦM

Sông suối kể lể với đá ngầm:

- "Tại sao anh ngăn cản đường đi của tôi, để tôi phải vượt qua trên anh cho phí tổn sức khoẻ?"

Đá ngầm trả lời:

- "Lẽ nào anh không cảm thấy, chính là do tôi anh mới bắn lên những bọt nước đẹp đẽ của anh, để cuộc sống của anh trở nên tưng bừng phấn khởi và thật dịu dàng".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Chia Sẻ:

Có những vật tự nguyện mất đi để đời sáng sủa hơn: Ngọn nến.

Có những hạt muối tan biến đi để thức ăn thêm vị ngon.

Có những người vợ chấp nhận hy sinh để chồng và con cái đựơc sống.

Có những người bạn chịu thiệt thòi để bạn mình đựơc vinh hoa, phú quý.

Và không có ai chấp nhận hy sinh to lớn bằng bố mẹ mình, cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nghe hát bài "Uống nước nhớ nguồn": "Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... vì đâu anh nên người tài ba... ...". Bài hát lột tả tất cả tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái.

Nhưng gộp lại tất cả tình thương của cha mẹ, bạn bè, người yêu, thì cũng không thể so sánh bằng tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến chết, và là cái chết trên thập giá (Pl 2,8) để chúng ta được giải hoà với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, và được sống đời đời với Ngài trong vinh quang...

Nếu không có tảng đá cản đường, thì làm gì mà có những bọt sóng tung toé trắng xoá để ta thưởng thức!


Nếu Đức Ki-tô không hy sinh, không chết trên thập giá và sống lại, thì chúng ta làm sao được gọi Thiên Chúa là cha, và hy vọng hưởng phúc với Ngài trên thiên đàng.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

YÊU THƯƠNG Ở NƠI ĐÂU?



Giữa chốn hoa lệ đèn đóm, nhà nhà sắm sửa, giáo xứ chuẩn bị cho dịp lễ Giáng sinh bằng những thứ lộng lẫy, trang hoàng. Nhưng họ có biết rằng, bên cạnh những điều đẹp đẽ, lại có những mảnh đời bất hạnh?


Vào tiết trời se lạnh đêm 24, vẫn còn những trẻ em lang thang ngoài đường như "cô bé bán diêm",(http://webcuato.com/ke-lai-truyen-co-be-ban-diem-cua-andersen-915.htmlkhao khát được ăn no, mặc ấm như để vui vẻ với gia đình trong đại lễ Giáng sinh nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành sự thật đối với các em. 
Họ chỉ ước một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn họ nhưng vì sự lạnh lùng, thờ ơ của chúng ta hay thậm chí có những người độc ác, chà đạp lên họ bằng những lời sỉ vả, coi thường họ, đẩy họ đến con đường cùng.

Vậy lắng đọng trong từng người chúng ta, chúng ta đã sống đúng với tâm tình của mùa Giáng sinh chưa, chúng ta đã sống xứng đáng trước hài đồng Giê-su chưa, hay Ngài lại thấy nơi mỗi người chúng ta, có một sự lạnh lẽo, cái lạnh lẽo của sự hẹp hòi, ích kỉ, thiếu bác ái và thay vào đó là những hình thức bên ngoài? Hay giờ đây mỗi người chúng ta cũng như ông nhà giàu trong dụ ngôn "Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó"?


Cầu Nguyện: 

Nguyện xin Thiên Chúa thức tỉnh mỗi người chúng con, để chúng con dang rộng vòng tay yêu thương, đến với họ, để không còn những mảnh đời bất hạnh như cô bé bán diêm hay anh La-da-rô nghèo khó.

HÃY THẮP LÊN MỘT QUE DIÊM


Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles, Mỹ, một diễn giả nồi tiếng - ông John Keller, được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:

- Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này.

Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong boáng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp:

- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to "Đã thấy!".

Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: "Đã thấy!".

Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích:

- Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên :

- Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên !

Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

Chia Sẻ:

- Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung không tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.


Cách tốt nhất để xây dựng hoà bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác.

QUÀ TẶNG ĐÊM GIÁNG SINH

Một đôi vợ chồng trẻ. Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình yêu. Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế, nàng nảy sinh một sáng kiến : Nàng có bộ tóc dài mượt mà, óng ả, nàng yêu quí và rất hãnh diện vì nó. Nhưng nàng quyết định cắt bộ tóc đi, và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.

Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố về, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí mái tóc nàng cắt và bán nó đi hay không.

Về đến nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp, đựng món quà chàng mới mua để tặng nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém :

Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quí nhất của anh, để mua lược chải tóc cho nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau tất cả những gì quí giá nhất.

Chia Sẻ: 

Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ việc “tặng quà” của đôi vợ chồng trẻ này, thì đó chính là : khi trao ban cho kẻ khác, người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quí nhất. Nghĩa là con người chỉ đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.

Đó chính là sứ điệp chạy xuyên suốt Tin Mừng, nhất là trong mầu nhiệm Giáng sinh : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Qua Con Một yêu dấu, Thiên Chúa muốn ban tặng chính Người cho chúng ta. Người không chỉ hài lòng với món quà vật chất mà Người đã ban tặng như vũ trụ bao la với muôn vàn phúc lộc trong đó, nhưng Người đã đích thân ở giữa nhân loại để chia sẻ cuộc sống con người : “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Hài nhi Giêsu chính là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người.
Hài nhi Giêsu chính là hiện thân sống động của một Thiên Chúa tình yêu.
Hài nhi Giêsu chính là sự tỏ bày tấm lòng vô cùng ưu ái của Thiên Chúa dành cho con người.

Giáng sinh là lễ của tặng quà nhưng cũng còn là lễ của tình yêu. Không phải những quà tặng đắt tiền mới có giá trị, mà chính là những món quà thắm đượm tình yêu. Một món quà dù nhỏ bé nhưng gói ghém tất cả tình cảm mến thương, sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận, thì đó lại là món quà vô giá.

Có thể nói một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban chính bản thân, trao ban không cần tính toán, không so đo hơn thiệt, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói : “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Hài nhi Giêsu sau này khi sắp trao ban mạng sống để cứu chuộc nhân loại đã thốt lên : “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu”.

Quà tặng cao đẹp nhất chúng ta dâng lên Hài nhi Giêsu trong đêm Giáng sinh chính là những nghĩa cử yêu thương chúng ta trao tặng cho anh em.

Chúng ta chỉ có thể lớn lên trong tình yêu Chúa khi chúng ta thực thi những nghĩa cử yêu thương.


Chúng ta chỉ sống đích thực khi chúng ta sống trọn vẹn cho tha nhân.

"BÌNH AN DƯỚI THÊ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG"

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn vào hang đá thì sẽ thấy được sự khó nghèo của Con Thiên Chúa giáng trần làm người: chỉ có một vài mục đồng đến viếng thăm, và một vài con lừa hà hơi sưởi ấm cho hài nhi Giêsu, tất cả chỉ có thế, nghèo nàn khổ cực hơn cả người cùng cực thế gian, nhưng đó chính là niềm vui của các tâm hồn thiện chí và là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.

Đêm nay, chúng ta hân hoan long trọng mừng Đấng Cứu Độ của chúng ta là Chúa Giêsu đã giáng trần, đó là một tin vui trọng đại, tin vui cho muôn người, tin vui này được các sứ thần của Thiên Chúa loan báo cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”.(Lc 2, 10-11)

Đêm nay được gọi là “Đêm Thánh” vì Con Thiên Chúa là Đấng Thánh đã giáng trần cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi; đêm nay cũng được gọi là “Đêm Bình An” vì chính sự giáng trần của Con Thiên Chúa là sự bình an cho mọi tâm hồn thiện chí biết xây dựng hòa bình cho anh em.

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời
 Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

Lời ca khen hát mừng của các sứ thần trong ngày Chúa Giêsu giáng sinh vẫn còn đó, vang lên trong mọi tâm hồn của người tín hữu, và biến thành lời ca vang chúc bình an trên môi miệng của chúng ta với ước mong rằng, tất cả mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đem bình an cho tha nhân trong cuộc sống của mình.

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời
 Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

Lời ca chúc mừng này biến chúng ta trở thành những mục đồng đi đến thăm viếng Chúa Giêsu khó nghèo nơi các trại mồ côi, an ủi những người bị tù ngục và những tâm hồn đau khổ vì bị bạc đãi trong xã hội này.

Đêm nay, ngoài đường vắng bóng người mặc áo quần lụa là, vì họ đang quây quần vui vẻ nâng ly rượu với bạn bè trong những nhà hàng sang trọng; nhưng đây đó dưới gầm cầu, bên góc xó hàng hiên của ngôi nhà to lớn bên đường có những em bé Giêsu đang nằm co ro vì lạnh vì đói và không nhà để trở về vì không có hộ khẩu...

Chúa Giêsu đã giáng trần cách đây hơn hai ngàn năm, và hôm nay, mỗi ngày Ngài đều giáng trần trong tâm hồn của chúng ta, để qua chúng ta, Ngài được an ủi nơi những người bất hạnh, như sứ điệp hòa bình mà các thiên thần đã loan báo: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.


Sứ điệp này đang ở trước mặt anh chị em, trong hang đá lộng lẫy ánh đèn nhấp nháy sáng lóe tia hy vọng, như mời gọi chúng ta hãy tỏa sáng lên tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người, bởi vì Con Thiên Chúa giáng trần không phải như ánh sao xẹt ngang bầu trời rồi tắt ngúm, nhưng là “ánh sao sáng vĩnh cửu” đầy hy vọng soi sáng tâm hồn người thất vọng, chiếu sáng người đang ở trong bóng đêm tội lỗi thấy đường để quay về với sự thiện vốn có của mình...

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI VÌ CHÚNG TA

Đêm Giáng Sinh, cả gia đình vui vẻ đi dự lễ, nhưng người chủ gia đình không đi. Ông nghĩ Giáng Sinh là một câu chuyện huyền thoại, Thượng Đế mà thành một người là điều vô lý.

Đêm đông lạnh giá, vợ con đều đi lễ, một mình ông ở nhà, ngồi nghe gió lạnh rít qua khe cửa. Bỗng có tiếng đập mạnh vào cửa sổ. Hé rèm nhìn ra, ông thấy những con chim sẻ đang lao đầu vào cửa kính. Ông không muốn mở cửa dù thấy tội nghiệp lũ chim, vì ông sợ mưa hắt vào nhà. Những con chim bay vô sẽ làm náo động. Ông nghĩ nếu chúng muốn tìm chỗ ấm áp, an toàn thì có thể vào kho lúa ở phòng kế. Ông mặc áo ấm và đi hé mở cửa kho lúa. Nhưng không có cách nào kêu bầy chim vô kho lúa được, dù ông ráng gọi và ra hiệu. Những con chim không hiểu ý ông. Chúng vẫn lao đầu vô vọng vào các khung cửa kính có ánh đèn. Ông tự nhủ: giá mình là một chim sẻ thì mình sẽ dẫn cả bầy chim tìm được nơi trú an toàn ấm áp.

Nghĩ tới đó, ông chợt hiểu ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Con người rất khó mà hiểu Thiên Chúa, cũng như những chim sẻ không hiểu ý ông. Vì thế Thiên Chúa mới cần trở thành một con người, cần nói tiếng con người, sống cuộc sống con người, dù Ngài vẫn là Thiên Chúa. Có như thế, những ý định, những bài học của Ngài mới được con người thông hiểu và lãnh hội. Dĩ nhiên, Thiên Chúa trở thành một người có lẽ còn khiêm hạ hơn việc con người trở thành một chim sẻ. Nhưng ý nghĩa thì cũng tương tự. Cần trở nên một con chim để lãnh đạo bầy chim! Cần phải có một người, cũng là Thiên Chúa, để dạy dỗ và đưa con người đến ơn cứu độ.

Chia Sẻ:

Bài học đầu tiên lễ Giáng Sinh dạy ta là bài học khiêm tốn. Thiên Chúa cao cả quyền uy. Trong Cựu Ước, mỗi lần Giavê xuất hiện là có sấm chớp, mây gió làm dân chúng kinh hãi giấu mặt. Còn bây giờ Thiên Chúa Giáng Sinh nơi trần gian, Ngài đã chọn một xóm làng bé nhỏ. Nhưng ngay ở xóm làng bé nhỏ đó, Ngài cũng không có chỗ ở, phải ra cánh đồng tạm trú trong một hang đá. Mẹ Maria sinh Chúa, lấy tã bọc con và đặt nằm vào máng cỏ.

Người ta mong chờ Đấng Cứu Thế từ bao năm. Nhưng ai cũng nghĩ tới một Chúa Cứu Thế quyền uy, giàu có và mạnh mẽ! Còn đây Chúa tới như một em bé, hèn, yếu, chẳng ai biết tới và đón chào. Đường lối Thiên Chúa bao giờ cũng bí nhiệm, xem như nghịch lý, khó hiểu, ngay cả những người đạo hạnh cũng khó nhận ra.

Thiên thần Chúa đã đến với các mục đồng, những người nghèo, và ánh vinh quang Thiên Chúa bao phủ họ, ánh quang tỏa sáng, đó là dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện. Hào quang Thiên Chúa thường xuất hiện nơi đền thánh. Từ đây, ánh quang đó che phủ những người nghèo. Chúa tự nhận mình vào số những người nghèo khó: “Việc gì các con làm cho một người nhỏ bé nhất, là các con làm cho Ta”.

Thiên thần loan báo một “Tin Vui”, một tin vui cho toàn dân. Đó là Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh, Ngài là Đức Kitô, là Thiên Chúa. Chúng ta có thấy tâm hồn hân hoan vui vẻ khi được đón Chúa vào lòng không? Muốn được niềm vui này, muốn nhận ra Chúa Cứu Thế và đón tiếp Ngài, phải theo đúng dấu hiệu thiên thần đã chỉ: “Một em bé sơ sinh, bọc tã nằm trong máng cỏ”. Phải đơn sơ khiêm tốn, không được khinh thường những người bé nhỏ khó nghèo. Chúa nằm trong máng như một thức ăn, để nuôi sống chúng ta.


Cầu Nguyện: 

Lạy Chúa, Ngài hạ mình xuống làm người, để dẫn đưa con người về với Chúa. Chúng con xin tạ ơn Ngài. 

Xin giúp chúng con theo gương Chúa, biết hạ mình phục vụ Chúa trong mọi người, trở nên anh chị em của mọi người trong xã hội hôm nay.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

NIỀM VUI KHI ĐƯỢC CHO ĐI


Lạy Chúa, con nghe nói rằng: Người giàu có, Người quảng đại, cho và cho,vượt cả nỗi ước mong…nên con đến,

Tay không, hồn trống: “Thương con Chúa ơi! Phận nhỏ khốn cùng!”

Người mỉm cười, nụ cười sao hiền thế và dễ thương là thế:


“Nặng lắm con! Bé bỏng như con…con có vác nổi không? Đó kìa, kho tàng Thượng Đế, con vào đi, thích thì cứ lấy, và cứ lấy cho thoả lòng”.



Khi trở về, lưng tôi còng xuống, chân kéo lê vì gánh nặng trên vai. Của cải dư tràn, lạ quá!

Tôi vẫn không sung sướng, vẫn sống lê thê những chuỗi ngày dài…Sợ mất mát, sợ hư hao…hai tay ôm chặt, nhưng lòng vẫn lo lắng, xuyến xao, mệt mỏi, rã rời!

Một buổi tối, tôi tìm và gặp được Người: tay đang trao tặng, mắt ăm ắp niềm vui, hạnh phúc.

Sững sờ! Kinh ngạc! Tôi chợt nhận ra: nguồn cội niềm vui, khi thấy Người cho, với trọn niềm tin yêu, với trọn nụ cười, mà tặng vật không vơi, nụ cười không cạn.

Thấy tôi bên đường lẻ loi, buồn thảm, cúi xuống dịu dàng, Người hỏi:
“Con không thấy hạnh phúc hơn sao? Hay con thích một kho tàng mới? Nói đi con! Con muốn có thêm những bảo vật nào?”

Nhưng thay vì ngửa tay nhận lãnh, tôi mở tay cho đi những tặng vật đã xin.Và bỗng chốc, lòng tôi nghe thanh thản. Còn Người rạng niềm vui, cứ trao mãi qua tay tôi nguồn ân huệ dư tràn.

Thế rồi, thêm một lần tôi quỳ gối xuống, nhưng chỉ xin làm tôi tớ của Người, xin được từ tay Người ân huệ, để rồi trao tặng thương mến, niềm vui…

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

SỐNG THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE

Tin Mừng (Mt 1, 18-24)

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Chia Sẻ: 

Để làm người, ngoài việc cần một người mẹ, Chúa Giêsu còn cần một người cha trần thế. Người cha trần thế ấy chính là thánh Giuse, một trong những khuôn mặt nổi bật của Mùa Vọng. Trong tư cách là cha nuôi của Chúa Giêsu, thánh Giuse trở thành một người sống tinh thần cho đi cách đặc biệt.

Trước hết, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một điểm tựa pháp lý để Ngài chào đời.

Khi hoài thai trong lòng mẹ, có lẽ Chúa Giêsu sẽ không có cơ hội để chào đời, nếu Ngài không có một người cha pháp lý. Bởi chưng luật Dothái thời bấy giờ sẽ kết án tử cho những người nữ nào không có chồng mà lại mang thai. Điều luật này rất khắt khe chứ không như thời đại ngày hôm nay. Một khi bị tố cáo, người mẹ lập tức sẽ bị kết án và bị ném đá. Và vì thế đứa con cũng sẽ chung số phận.

Thánh Giuse được mời gọi làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, cũng có nghĩa là làm dưỡng phụ Hài Nhi Giêsu. Khi chấp nhận đón Đức Maria, người đã mang thai trước đó, về nhà mình để chung sống, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một điểm tựa pháp lý vững chắc để Ngài chào đời. Nói khác đi, một khi bên cạnh Thân Mẫu mình có thánh Giuse thì Chúa Giêsu có thể ung dung chào đời trong bình an. Lo cho Chúa Giêsu được chào đời cách an toàn, thánh Giuse còn lo cho Chúa có một quốc tịch, một quê hương hẳn hoi khi khăn gói cùng mẹ Maria lên đường đi Bêlem để đăng kiểm dân số.

Thứ đến, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một sự bảo trợ để Ngài được lớn lên.

Không phải giúp cho Chúa Giêsu được chào đời là thánh Giuse đã xong nhiệm vụ. Kinh Thánh cho ta thấy, khi Hài Nhi Giêsu được 8 ngày, chính thánh Giuse chịu trách nhiệm làm nghi thức cắt bì và đặt tên cho con trẻ. Rồi khi tròn 40 ngày, thánh Giuse lại tất tưởi đưa Chúa Giêsu và Mẹ Người lên Giêrusalem để tiến dâng cho Giavê Thiên Chúa theo luật truyền. Chưa được bao lâu, khi Thiên thần báo tin cho biết Hêrôđê đang truy lùng con trẻ, thánh Giuse lại vội vã đem hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Nếu như thánh Giuse thoái thác nhiệm vụ, lập tức Chúa Giêsu bị Hêrôđê bức tử. Thử nghĩ xem, nếu không có thánh Giuse, ai sẽ đưa Chúa Giêsu và Đức Mẹ đi lánh nạn bên Ai Cập? Không có thánh Giuse, ai sẽ khai tâm tôn giáo cho Hài Nhi Giêsu. Rõ ràng chính thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một sự bảo trợ an toàn để Chúa Giêsu thành người.

Sau nữa, thánh Giuse đã cho Chúa Giêsu một nghề nghiệp để Chúa Giêsu vào đời.

Trong 33 năm sống nơi trần thế, Chúa Giêsu đã dành 30 năm sống âm thầm nơi làng quê Nazaret. Chúa Giêsu phải có một cái nghề để vào đời như mọi người. Và cái nghề gắn liền với khoảng thời gian Ngài sống ẩn dật là nghề thợ mộc. Người đồng hương có khi gọi Ngài là con bác thợ mộc và có khi gọi Ngài là anh thợ mộc Giêsu.

Cho dẫu đây không phải là một nghề nghiệp vinh quang danh giá, nhưng lại là cái nghề cần thiết để có thể nuôi sống chính mình và chăm lo cho Đức Mẹ, nhất là khi thánh Giuse đã khuất núi. Chúa Giêsu học nghề mộc từ chính thánh Giuse: không mất tiền học, không tốn nhiều thời gian, lại vừa làm vừa học ngay trong xưởng mộc của cha nuôi của mình.

Một khi đã ý thức được sứ mạng làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, thánh Giuse đã làm hết mình và hết tình. Và thánh nhân cảm thấy tự hào và vinh dự được góp phần mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, góp phần mình để trao ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại.

Vinh dự của ngài là được làm hôn phu, tức bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, và làm Dưỡng Phụ Ấu Chúa Giêsu. Vì thế ngài cũng được dự phần vào vinh quang của Đức Mẹ, nhất là vinh quang của Chúa Giêsu. Mẹ có vinh quang nào thánh Giuse có vinh quang đó. Dù không được những đặc ân như Đức Mẹ, không được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời, nhưng ngài đã được diễm ân là làm mọi sự cho chính Chúa. Đó là cái phúc lớn lao mà thánh nhân đã được nhận lại.

Giáng Sinh cũng là dịp để các đoàn thể Công Giáo, để các xứ đạo trao tặng quà Giáng sinh cho người nghèo, người tật bệnh và các anh chị em lương dân. Có điều, người ta vẫn thường cân đong đo đếm các món quà trị giá bao nhiêu tiền, bao nhiêu cân gạo. Ít khi người ta nghĩ đến việc cho đi chính Chúa. Chúa Giêsu chính là quà tặng vô giá mà thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và trao tặng lại cho tất cả nhân loại chúng ta.

Chúng ta được mời gọi học nơi các ngài sự cho đi này. Người đời có thể cho của cải vật chất và họ có thể cho đi thật nhiều. Nhưng họ không biết cho đi chính Chúa. Phần chúng ta, là những người Kitô hữu, có thể chúng ta không có nhiều của cải vật chất để trao tặng, để cho đi; nhưng ai trong chúng ta cũng có thể trao tặng Chúa cho người khác, nhất là cho những anh chị em lương dân. Vậy ta có ý thức điều này hay không? Nếu có thì ta đã mạnh dạn để đem Chúa đến cho họ hay chưa?

Dĩ nhiên, đem Chúa đến cho người mình thăm viếng không có nghĩa là mình phải nói thật hay, thật nhiều về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều người nói về Chúa, nói rất nhiều rất hay, nhưng thật sự họ không mang Chúa trong mình. Chúa là tình yêu, do đó mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình sống bác ái và yêu thương họ thật lòng.

Cầu Nguyện : 

Xin thánh Giuse giúp mỗi người chúng ta luôn biết tích cực sống tinh thần cho đi theo gương của ngài, để mọi người được đón nhận Chúa và được đón nhận niềm vui vì có Chúa ở cùng. Amen.

NIỀM VUI GIÁNG SINH ĐÍCH THỰC


Chuyện kể rằng một đêm kia, đứa bé nghèo nằm mơ thấy Chúa Giêsu đi ngang qua cửa nhà em, một mái nhà tranh xiêu vẹo. Vừa thấy Chúa, em vội vàng chạy theo Ngài. Nghe tiếng chân em từ phía sau, Ngài liền quay mặt lại và đứng chờ em bước tới. Em run run lên tiếng hỏi: ‘Xin cho con được nói chuyện với Chúa”. Ngài trả lời: “Hãy nói đi hỡi người bạn nhỏ bé của Ta ơi”. Em ngạc nhiên khi thấy Ngài trả lời và gọi em là bạn, tuy em chỉ là đứa bé cùng đinh. Em lấy hết can đảm hỏi thêm: “Trong nhà của Chúa còn có chỗ cho con không?” Ngài vui vẻ trả lời: “Dĩ nhiên rồi, trong nhà của Ta còn rất nhiều chỗ”. Em đánh bạo hỏi thêm: “Xin Chúa cho con đi theo Chúa được không?” Ngài dang rộng hai tay và mỉm cười nói: “Tại sao không, hãy đến với Ta hỡi người bạn nhỏ bé của Ta”.
Sau cùng em đánh liều hỏi tiếp: “Xin cho con được ở gần bên Chúa luôn mãi được không?” Ngài âu yếm ôm em vào lòng và nói nhỏ vào tai em: “Tất nhiên rồi, con sẽ ở gần bên Ta luôn vì Ta thương yêu con”.

Em sung sướng nhắm mắt dựa lòng vào Chúa và tự nhủ, Ngài đã trả lời với em như thế, tuy em chỉ là đứa bé nghèo hèn thuộc lớp người cùng đinh.

Chia sẻ: 



Điểm lại trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có một số vị vua có lòng yêu thương dân đặc biệt, nên đã xuống với các thường dân thăm hỏi, ủng hộ, động viên và khích lệ người dân. Việt Nam có vua Nhân Tông, vua Thánh Tông… Trung Quốc có vua Đường, vua Khang Hy, v.v...

Tuy nhiên chưa có một vị vua nào đến với các thường dân và chấp nhận trở thành một “thường dân” như Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Đức Giêsu là vua trời đất và Chúa muôn loài, nhưng Ngài không đến trần gian chỉ để viếng thăm, hay trao tặng cho con người một vài món quà nào đó rồi trở về cung điện như các vị vua chúa trần gian.

Ngài đến với con người và trở thành một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan là Ngài đã “làm người”. “Làm người” đến nơi đến chốn, “làm người” thực sự, “làm người” 100%, chứ không phải chỉ “làm” lấy có, “làm” hình thức.

Quả vậy, Đức Giêsu vốn là thân phận Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận đi vào trần gian trong hình hài của một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh nghèo hèn trần trụi. Là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài đã vui nhận mang lấy thân phận phải chết của con người chúng ta. Để làm gì?

Trước hết là để “ở với” con người, để cảm thông với thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những người thấp cổ bé miệng, và hơn thế nữa là để chết cho con người, để rồi qua cái chết của Ngài, con người được hưởng ơn cứu độ. Nếu Thiên Chúa sinh ra trong cung điện, trong đền đài vua chúa, hay sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý, có lẽ những người phận hèn không bao giờ có cơ hội đến được với Ngài, càng không bao giờ dám được làm bạn với Ngài.

Thiên Chúa đến trần gian để ở với con người và làm bạn với con người đó là điều có thật, chứ không phải là giấc mơ nữa. Và đây cũng là điều làm kỳ diệu. Noel Amstrong, nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã nói với các phóng viên khi trở về trái đất rằng: “Cái vĩ đại không phải là con người đã lên được trên trời nhưng điều vĩ đại là Thiên Chúa đã đi xuống trần gian làm người”.

Thiên Chúa đã làm người thực sự để nói cho con người điều gì nữa? Thưa là để nói cho con người biết Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào. Chắc hẳn, con người sẽ không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nếu Thiên Chúa chỉ ngồi ở trên trời cao và rêu rao là mình yêu thương con người. Một Thiên Chúa cao sang uy quyền đã hạ cố đến với con người, chắc chắn không còn cách thế nào hơn thế để chứng tỏ tình yêu thương lớn lao cho con người.

Một người cha ngồi trên lầu cao và bảo với đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình rằng cha yêu thương con lắm, con chịu khó leo cầu thang và lên đây với cha đi. Đứa con thơ ấy khó có thể hình dung được tình yêu của cha dành cho nó là tròn hay méo. Ngược lại, chỉ cần người cha ấy bước xuống khỏi cầu thang rồi ẳm lấy đứa con của mình và đưa lên lầu với mình; tức khắc, đứa con đó sẽ cảm nhận được tình thương mà cha của nó dành cho nó ngay. Khỏi cần nói, khỏi cần giải thích gì nhiều.

Thiên Chúa là một người cha đã xuống với đứa con thơ của mình là nhân loại, vốn không thể tự mình “lên trời” được, để đồng hành, để sẻ chia thân phận giới hạn bất toàn của con người, và rồi để nâng con người “lên trời” với Ngài mai sau. Thật vậy, qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa muốn nói cho con người biết rằng Ngài yêu thương họ đến dường nào. Thánh Gioan cũng đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất”.

Đó cũng là lý do nhân loại mừng ngày Ngài chào đời một cách tưng bừng và mừng vui như thế! Đó cũng là lý do tại sao người Kitô hữu chúng ta cử hành Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh một cách long trọng và hân hoan như thế!

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận niềm vui ấy như nhau. Niềm vui ấy trước hết là hoa trái của đức tin. Bởi chưng, trước biết cố Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, không phải ai cũng đón nhận được niềm vui ơn cứu độ. Vua Hêrôđê, các giới chức đạo đời Dothái và nhiều con dân thành Giêrusalem không hề có được niềm vui Giáng Sinh. Đơn giản vì họ không tin Đức Giêsu vừa giáng thế là con Thiên Chúa. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ và tin tưởng thì mới đón nhận được niềm vui Giáng Sinh thực sự. Họ là Giuse, là Maria, là các mục đồng, là ba nhà đạo sĩ, và là những môn đệ thành tâm tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa cùa đời mình.

Tắt một lời, để có thể đón nhận được niềm vui của ơn cứu độ, con người phải có niềm tin, nói cách khác niềm vui đích thực của Giáng Sinh - niềm vui ơn cứu độ chính là hoa trái của niềm tin. Không có niềm tin, người ta chỉ mừng Giáng Sinh một cách hời hợt, theo kiểu hoàn toàn trần tục. Không có niềm tin, người ta sẽ không có thể có được niềm vui Giáng Sinh thực sự.

Có dịp vào Sài Gòn mua đồ trang trí Giáng sinh, tôi đã đi tham quan một vòng ở khu trung tâm Sài Gòn, qua đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi… đường nào cũng trang hoàng thật đẹp và rất hành tráng. Có điều tìm mãi mà vẫn không thấy bóng dáng nhân vật chính của ngày lễ Giáng sinh là Chúa Hài Đồng đâu cả. Thực tế, người ta tưng bừng chuẩn bị cho Noel vì mục đích vui chơi hay thương mại, chứ không phải vì để đón Chúa. Đơn giản vì họ không có niềm tin.

Là Kitô hữu, ta đón Noel phải là đón Chúa. Mà muốn đón Chúa thì cần có niềm tin. Nói cách khác, niềm tin phải là thứ mà ta cần trau dồi, “nâng cấp” hơn hết, để có thể đón Chúa đến với mình, gia đình mình và xứ đạo của mình.

Do đó, là những người có niềm tin, chúng ta mừng lễ Giáng Sinh trong cung cách khác, và niềm vui Giáng Sinh mà chúng ta đón nhận là niềm vui sâu lắng.

Vậy ơn mà chúng ta phải xin trong ngày lễ Giáng Sinh là gì? Thưa là ơn đức tin. Xin ơn đức tin để nhận ra Hài Nhi bé bỏng Giêsu đang nằm trong máng cỏ là Con Thiên Chúa làm người. Xin ơn đức tin để nhận ra con trẻ Giêsu tạm cư trong hang đá nghèo hèn cùng với Đức Maria và Thánh Giuse là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Xin ơn đức tin để nhận ra được tình yêu sâu thẳm dường nào mà Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Xin ơn đức tin để chúng ta biết hăng say nhiệt thành hơn nữa khi đem niềm vui ơn cứu độ cho những người anh em chưa biết Chúa, chưa đón nhận được Tin Mừng. Thiết nghĩ đó là ơn xin thiết thực nhất mỗi khi chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con. Amen.