Translate

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

THỨ TƯ LỄ TRO

Thứ tư lễ tro là ngày khởi đầu cho một mùa sám hối trở về, “Mùa chay tịnh”. Như dân thành Ninivê xưa xức tro lên đầu, ăn năn khóc lóc vì những lỗi lầm xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngày nay, người Kitô hữu cũng thú nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình qua việc lãnh nhận tro bụi. Những hạt tro nhắc nhớ thân phận con người được Thiên Chúa nắn tạo từ chúng và mai sau, khi kết thúc cuộc đời này, con người cũng phải trở về bụi tro mà thôi. Bài Tin Mừng của ngày lễ tro hôm nay nói về sự công chính của người Do Thái dựa trên 3 lãnh vực: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay.  Tuy nhiên, ðối với Chúa Giêsu, việc giữ những ðiều luật này không hệ tại ở số lượng mà là ở tinh thần, làm vì ai và vì mục ðích nào: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6, 1).

Cả ba việc mà Chúa Giêsu dạy hôm nay đều có hai vế rõ ràng: “đừng và nên” Đừng như bọn giả hình khoe khoang và nên kín đáo không cho tay trái biết việc tay phải làm, nghĩa là cần khiêm tốn, âm thầm hết sức có thể, không tìm tự mãn, tự hãnh diện về công viêc mình làm ngay ở trong lòng, trong chính con người của mình. Chỉ như thế, Thiên Chúa mới trả công cho ta được. Thật bậy, khi tìm tiếng tăm hay lời khen khi bố thí, hay làm công phúc, thì hành động bố thí ấy không còn là việc làm bác ái xuất phát từ sự quảng đại, cũng không phải vì lòng yêu mến Chúa, mà là vì mình, làm phúc để mua lời khen hay sự hậu đãi nể nang của người khác. Trái lại Chúa muốn chúng ta làm tất cả các việc bác ái phải phát xuất từ tấm lòng yêu thương thực sự muốn chia sẻ, như thế, bác ái Kitô giáo không chỉ là cho đi, là trao tặng những của mình dư thừa, mà dám cho đi cả những cái mình đang cần, khi thấy anh em mình cần hơn. Chia sẻ với anh em, là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa ở nơi người anh em ấy; giúp đỡ vào những việc chung là góp sự hy sinh của bản thân và gia đình vào việc làm sáng danh Chúa. Vì thế chính Chúa là Đấng sẽ trả công cho mỗi người tùy theo sự quảng đại của họ đối với Chúa và đối với anh em. Ngày nay, người Kitô hữu sống tinh thần bác ái thế nào ? Có người khi bố thí hoặc công đức, yêu cầu khi khánh thành một công trình nào đó phải được nêu danh giữa cộng đoàn hoặc phải có điều kiện này nọ, Nhưng cũng có những bà góa gom góp tất cả những gì mình có mà chỉ nói: Xin đừng nêu tên con hoặc chỉ đề: một người vô danh ... Chúng ta hãy tự xét, xem mình thuộc hạng người nào.

Thêm nữa, Chúa Giêsu dạy về cách thức cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở và là sức sống của kẻ có đạo, và hơn thế nữa cầu nguyện là thể hiện tư cách là con cái Chúa, là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, vì vậy Chúa muốn mỗi người hãy vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, tức là hãy vào trong sự thinh lặng của tâm hồn, là để tâm hồn thật thanh thản nhẹ nhàng mỗi khi gặp gỡ Chúa. Như vậy, vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện có nghĩa là trò chuyện riêng tư với Chúa ở ngay trong tâm hồn, và như thế chúng ta có thể gặp gỡ và cầu nguyện với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào: ở nhà thờ, ở nơi làm việc, khi đi đường, lúc ở nhà. Một cái cám dỗ rất lớn ngày hôm nay đối với nhiều người đó là lười cầu nguyện, không cầu nguyện là một tâm hồn không có sức sống, không cầu nguyện nó còn là dấu chỉ của một tâm hồn kiêu căng không biết cậy dựa vào Thiên Chúa, là một thái độ sống vô ơn trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bắt đầu từ mùa chay này mỗi người hãy dành nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện gặp gỡ Chúa mỗi ngày, hãy tổ chức lại giờ kinh giờ cầu nguyện mỗi tối ở nơi gia đình, vì khi tụ họp lại bên nhau trước mặt Chúa, Chúa sẽ hiện diện và biến đổi mỗi thành viên trong gia đình nên tốt hơn, Chúa sẽ bảo vệ hạnh phúc và sự êm ấm của các gia đình.

Sau cùng là việc chay tịnh, chay tịnh không chỉ là hình thức bên ngoài kiêng gì hoặc ăn gì, cũng không phải là hình thức ủ rũ sầu não, ăn nhiều hay ăn ít, mà là biết kiềm chế những khoái lạc những dục vọng đam mê trong con người, tức là biết làm chủ bản thân của mình, không để mình bị buông theo những thỏa mãn xác thịt, không để mình bị lôi kéo bởi ăn uống rượu chè say sưa; Chay tịnh còn là bớt những chi tiêu không cần thiết để làm việc bác ái công ích. Như thế chay tịnh tức là biết cắt gọt những cái không cần thiết trong cuộc sống và giũ bỏ những tính hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, số đề, nó đang phá hủy hạnh phúc của nhiều gia đình và làm những việc giúp ích cho linh hồn mình và cho hạnh phúc của anh em. Cho đến ngày hôm nay còn một số người vẫn lấy lý do giải trí trong gia đình để tổ chức cờ bạc từ ông bà cha mẹ đến con cháu ngồi chung một sòng. Vấn đề nó không chỉ là sát phạt nhau, mà nó đã hủy hoại trật tự trong gia đình, sẽ là cá mè một lứa, nó là gương xấu và tập cho con cháu tính ham mê cờ bạc, tội đó không phải là tội nhẹ, Chúa nói là những kẻ làm gương xấu cho trẻ thì thà buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển. Mùa chay này, hãy dứt khoát với những đam mê ấy.

TÓM LẠI: làm phúc bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức và là tinh thần của việc giữ mùa chay thánh, nhưng để trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa ta với Chúa. Mùa chay này là dịp để mỗi người đừng chỉ nói chung chung, mà hãy từ bỏ, sửa chữa một vài tật xấu cụ thể trong cuộc sống cá nhân cũng như trong gia đình của mình, dám chấp nhận một cuộc canh tân lột xác trong đau đớn, thực hiện liên lỉ các việc đạo đức: Cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, hay nói như Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay: Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu, mùa chay này có thể là mùa chay cuối cùng, là cơ hội cuối cùng Chúa cho ta để làm lại cuộc đời, đừng bỏ lỡ cơ hội này và đừng để mùa chay qua đi cách uổng phí mà không sinh hoa trái.

********

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày đêm, xin cho chúng con cũng biết dùng mùa chay thánh này, để sống thật tốt với việc làm phúc, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét