Tôi bảo thật cho các ông biết :
thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. (Mc 8, 12b)
Chúa
Giêsu đã có nhiều dấu lạ, cụ thể là hai lần hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người
ăn no nê, Người đã trừ ma quỷ, chữa nhiều chứng bệnh khác trong dân. Chúa Giêsu
chính là dấu lạ của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa hạ mình xuống gần gũi với
loài người, xóa bỏ mọi khoảng cách giữa thần linh với phàm trần, giữa thánh thiện
với tội lỗi, giữa cao cả với nhỏ bé mong manh. Là phàm nhân tội tỗi, chúng ta
không có quyền đòi hỏi Thiên Chúa nhưng vì yêu thương Thiên Chúa đã cho ta tự
do để chọn lựa tốt xấu, tự do tin nhận hay chối từ. Những người Pharisêu đã
không chấp nhận vị Thiên Chúa khiêm tốn nhỏ bé đang hiện diện để thông chia mọi
niềm vui nỗi buồn và cả những giới hạn vụn vỡ của thân phận con người. Khi rao
giảng về tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu luôn hiện thực
hóa tình thương ấy bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cho đi không tính toán,
bằng sự hiến dâng trọn cả mạng sống mình trên thập giá. Quả thế, Chúa Giêsu đã
đến cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Mỗi công việc Người làm đều nhằm
mang hạnh phúc đến cho con người. Phép lạ biến nước lã thành rượu ngon là để
chúng ta hưởng nếm sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa. Phép lạ hóa
bánh ra nhiều để chúng ta tin nhận Thiên Chúa là Đấng ban sự sống. Suốt hành
trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành bao nhiêu thứ bệnh hoạn tật
nguyền. Người xua trừ ma quỷ để con người thấy được quyền năng và sức mạnh của
Thiên Chúa. Đi tới đâu Chúa Giêsu cũng thi ân giáng phúc cho con người, an ủi kẻ
sầu khổ, nâng đỡ người yếu đuối, trả lại địa vị và phẩm giá cho người bị áp bức...
Tuy
nhiên, người pharisiêu lo sợ Chúa Giêsu hưởng hết các phúc lợi của họ, khi dân
chúng bỏ họ mà theo Chúa, vì thế, họ mới tranh luận với Ngài. Nhưng chúng ta
không thấy Maccô đưa ra vấn đề để tranh luận mà ngài đi thẳng vào vấn đề cốt
lõi “ đòi dấu lạ”. Tại sao họ lại đòi dấu lạ khi họ vừa chứng kiến một dấu lạ
nhãn tiền: 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ cho 4000 người no nê mà vẫn còn thừa?
Thánh Maccô nói vắn gọn: “ Để thử Người”. Đây là để trả lời vấn nạn này, cốt
lõi vấn đề, là điểm chính mà người pharisiêu cất công tụ họp bàn tán. Hậu quả
này mang dấu vết “ Kinh Thánh”. Xưa kia trong hoang mạc, dân Israel đã thử
thách Thiên Chúa bằng hết các phép lạ, dấu lạ lớn nhỏ ( x. xh 16,1-36; Ds 14,
1-38). Bây giờ, có lẽ họ muốn Chúa Giêsu chứng tỏ cho họ thấy thần tính và uy
quyền của Ngài, một “ Mêsia trần tục” theo kiểu của họ. Đây là cơn cám dỗ mà
Satan đã sử dụng trong sa mạc, khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ ( x. Mt 4,1-11).
Đã bao lần Chúa Giêsu làm phép lạ vì chạnh lòng thương, vì lời van xin của bệnh
nhân, vì lòng tin của dân chúng… Nhưng lần này Ngài lại từ chối và
khẳng định họ sẽ không được một dấu lạ nào. Vì sao vậy ? Có lẽ vì thời khắc của
Ngài chưa đến. Vì Ngài không muốn họ hiểu sai về sứ vụ của Đấng Mêsia và những
dấu lạ sẽ là mối nguy hiểm cho niềm tin của họ đối với Thiên Chúa, xem Thiên
Chúa như một thầy phù thuỷ bùa phép hay một nhà ảo thuật với những xảo kế tuyệt
vời. Và có lẽ Ngài muốn họ đến với Ngài bằng niềm tin, chứ không bằng sự nghi
ngờ hoặc đặt điều kiện này nọ “đòi dấu lạ, để thử…” Nhưng phép lạ phải trở nên
“ dấu chỉ” về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người và hướng tâm hồn con người
đến với ân sủng thiêng liêng. Vì thế, mà ta thấy Chúa Giêsu bực mình đến thở
dài não ruột (x. Mc 8, 12). Câu hỏi Ngài đưa ra cho họ như một lời tố cáo, lời
trách cứ sự cứng lòng của họ ( x .Tv 95,10). Và kết thúc Ngài bỏ đi và để họ ở
đó với những đòi hỏi thái quá của họ ( x. Mc 8, 13 ) mà qua bờ bên kia. Lúc nào
cũng thế, Ngài không để lòng mình bị chao đảo trước những thách thức của con
người và cám dỗ của cuộc sống. Sứ mạng của Ngài là đi rao giảng Tin Mừng khắp
nơi. Đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người Pharisêu, chúng ta thách thức
và đòi hỏi Thiên Chúa thực hiện những phép lạ theo sự tính toán nhỏ hẹp của con
người. Chúng ta không dám buông trọn đời mình cho sự quan phòng yêu thương của
Thiên Chúa. Chúng ta nài ép Chúa đi theo con đường ta vạch sẵn, làm theo những
gì ta đã lập trình. Để nhận ra “dấu lạ” của Thiên Chúa, chúng ta phải bỏ đi lối
nhìn “pharisêu biệt phái” mà mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn. Chúa Giêsu là dấu
lạ của tình yêu thương, vì thế chúng ta phải bỏ đi thành kiến đố kỵ thách thức
và mở rộng con tim để lãnh nhận tình yêu trao dâng.
TÓM LẠI:
Qua đoạn Tin Mừng rất ngắn này, chúng ta soi mình trong những hành vi của
người pharisiêu. Có bao lần chúng ta đến với Chúa để hạch hỏi Người: Tại
sao? Vì sao điều đó lại xảy ra với con? Hoặc có khi nào chúng ta đòi Chúa phải
cho con điều này, ban cho con ơn kia, thì con mới tin Chúa , hay mới
giữ đạo? Có bao giờ chúng ta đã thử thách Chúa, khi không tin tưởng phó thác
vào Ngài mà chỉ cậy dựa trên: địa vị, của cải… đời này?
******
Lạy
Chúa, mỗi ngày chúng con lãnh nhận biết bao hồng ân từ lòng thương xót của
Chúa. Hồng ân lớn nhất đó là hồng ân được sống làm người, được làm con cái
Chúa. Xin cho chúng con nhận ra những “dấu lạ” yêu thương ấy để từng ngày sống
chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, biết quảng đại phục vụ xây dựng cuộc sống
tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét