Thánh sử
Matthêu có lẽ rất trung thực trong cách thể hiện văn phong của mình, nhất là
khi viết Tin Mừng, nên tác giả đã dùng ngòi bút của mình để ghi lại những chi
tiết cụ thể về các cuộc xung đột của Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Tôn giáo Do
thái. Đức Giêsu luôn nói lên sự thật, lên án những bất công và giả hình của các
nhà cầm quyền trong đạo, Ngài cũng muốn họ sám hối ăn năn để được Thiên Chúa cứu
độ. Còn các nhà lãnh đạo Do thái xem Chúa Giêsu như là cái gai, làm cản trở những
“bước tiến” của họ, nên họ tìm cách nhổ cái gai này đi cho khuất mắt họ. Và như
thế, giữa Đức Giêsu và các nhà cầm quyền đã có những cuộc xung đột xảy ra rất
quyết liệt, nhất là “ngôn chiến”. Bài Tin Mừng Chúa Nhật 27 hôm nay, Chúa Giêsu
kể dụ ngôn những tên tá điền sát nhân cũng chỉ nhằm mục đích đánh thẳng vào các
nhà cầm quyền trong đạo Do thái, và đồng thời tiên báo cho ta biết về cái chết
của Ngài cũng bởi bàn tay của những con người này gây nên. Tất nhiên, đây cũng
là chương trình cứu độ của Thiên Chúa và mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm
về cái chết của Chúa Giêsu
Câu
chuyện trong dụ ngôn là một bản tóm lược về ơn cứu độ của Thiên Chúa,
trong đó mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa liên quan tới lịch sử cứu độ:
Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Ít-ra-en được Thiên
Chúa chọn làm dân riêng của Ngài: Chúa đã thiết lập Giao ước Xi-nai
với dân này qua trung gian ông Mô-sê, gọi là Cựu ước. Người đã bảo vệ
và hướng dẫn họ như ông chủ vườn nho rào giậu, làm bồn đạp nho và
vọng gác. Bọn tá điền sát nhân ám chỉ các nhà lãnh đạo đã đưa dân
vào con đường bội nghĩa bất trung. Các đầy tớ của chủ vườn ám chỉ
các ngôn sứ đã bị các đầu mục Do thái đối xử tàn tệ. Người con
trai của chủ vườn là chính Đức Giê-su cũng sẽ bị họ đóng đinh trên
núi Sọ ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Các đầu mục Do Thái tưởng rằng khi
giết được Đức Giê-su, họ sẽ nắm được trọn quyền lãnh đạo dân tộc.
Nhưng trái lại, họ sẽ bị mất quyền ấy và tòan dân cũng bị vạ lây là
thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá vào năm 70 sau này. Còn Nước Thiên Chúa
sẽ được giao cho một dân khác biết làm phát sinh hoa lợi, đó là Hội
Thánh. Hội Thánh được ký giao ước mới với Thiên Chúa nhờ máu Đức Giê-su
chịu chết trên thập tự.
Dụ ngôn
thánh Matthêu kể hôm nay, không những chỉ đóng khung trong ý niệm xung đột giữa
Chúa Giêsu và các nhà cầm quyền Do Thái Giáo, nhưng còn mở ra cho ta một hướng
nhìn cao cả hơn về lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và
đợi chờ con người ta biết quay đầu trở về với Ngài, đừng tiếp tục ra tay hành động
những điều sai trái để giết chết tâm hồn mình nữa. Như người chủ trong bài dụ
ngôn, đã sai hết các người đại diện này, rồi người đại diện khác đến với các tá
điền, nhưng họ đã ra tay sát hại sạch sẽ không còn một ai. Thế nhưng, ông chủ
không báo thù ngay, ông tiếp tục gửi đứa con duy nhất của mình đến với họ, để
hy vọng họ cả nể con mình mà hành động cho tốt. Lòng kiên nhẫn của ông chủ thật
là vô hạn, ông chỉ mong ước một điều, là con người ta biết trở về và hành động
cho đúng với ý của Ngài, Ngài đã không báo thù hay giết chết những tá điền độc
ác đã xúc phạm đến ơn ban của Ngài. Đổi lại lòng kiên nhẫn và ân ban đó, Ngài
chỉ nhận được nơi con người sự vô cảm và vô ơn. Họ đã ra tay sát hại đứa con
duy nhất của Ngài và được Ngài cảnh báo nhưng họ vẫn cứng lòng và không sám hối
những lỗi lầm của mình. Việc các tá điền giết hại những người được ông chủ sai
đến để thu hoa lợi, cho ta thấy lòng dạ con người thật tham lam và độc ác. Họ
không muốn phải nộp hoa lợi cho ông chủ, cũng chẳng muốn bàn giao vườn nho cho
ông. Họ giết tất cả những người được sai phái đến chỉ nhằm mục giữ lại tất cả
hoa lợi cho mình và chiếm đoạt luôn vườn nho của chủ: “Đứa thừa tự đây
rồi! nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài nó” (Mt 21, 38). Vì
lòng tham mà các tá điền đã hành động thật dã man, họ giết người này, đến người
khác, họ không còn phân biệt được đâu là phần của mình, đâu là phần của chủ,
không còn phân biệt được Thiên Chúa và phàm nhân. Do đó, họ đáng phải nhận án
phạt. Cũng vậy, chúng ta cũng chỉ là những tá điền được mời gọi canh giữ và làm
vườn nho cho Nhà Chúa, nhưng chúng ta có ra công làm việc cho Chúa đúng công sức
và đúng với ý của Chúa không? Hay chúng ta cũng như những tá điền kia, chỉ vì
lòng tham vô đáy mà hành động sai trái làm phật ý Chúa, bị Chúa loại ra khỏi
“vườn nho” nhà Người? Chúng ta sẽ phải trả lời với Thiên Chúa về cách chúng ta
đã đón nhận và thi hành những công việc Ngài đã trao cho chúng ta. Đồng
thời, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm tất cả những gì chúng ta đã làm cho
Chúa và tha nhân.
******
Lạy Chúa, xin cho con luôn trung tín trong mọi công việc bổn phận mà Chúa đã
giao phó, để con làm sinh lợi cho Chúa và cho mọi người. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét