Ông
ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết
linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như
chính mình.” (Lc 10, 27)
Trong cuộc
sống, chúng ta thường hay tích lũy của cải tinh thần, vật chất hay làm một công
trình gì đó để làm cơ nghiệp cho mình, cho gia đình mình. Cũng có khi gia nghiệp
đó mình được thừa hưởng từ đời cha ông tổ tiên của ta để lại. Người thông luật
trong trình thuật Tin mừng hôm nay, đã chọn “sự sống đời đời” làm gia nghiệp
cho chính mình. Gia nghiệp này được truyền lại cho ông qua những điều đã ghi
trong sách Luật: “Yêu mến Đức Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn và yêu người thân cận như chính
mình”. Thế nhưng, ông vẫn thắc mắc với Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi ?”. Để trả lời câu hỏi của ông, Đức
Giêsu kể dụ ngôn người Samari tốt lành để ông biết đối tượng ông phải yêu mến
là ai. Chính thái độ của những người qua đường trong dụ ngôn, giúp người thông
luật vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của bản thân để ông tự tìm cho mình thái độ
phải theo hoặc phải tránh trong tương quan với người thân cận. “Người thân cận”
không giới hạn trong tương quan gia đình, bạn bè, người đồng hương…mà được mở rộng
ra với mọi người, trong đó có cả những người thù nghịch, người không cùng chí
hướng, người không cùng quan điểm với mình …
Cũng vậy,
gia nghiệp của mỗi người chúng ta cũng hãy là “sự sống đời đời”, bởi lẽ nếu
chúng ta sở hữu một gia nghiệp trần thế, gia nghiệp ấy cũng sẽ tan biến và qua đi
mà không đưa chúng ta đến một cuộc sống viên mãn trong tình nghĩa với Thiên
Chúa. Cũng như người thông luật, chúng ta được mời gọi thực hành những điều kiện
đó để sở hữu được gia nghiệp của mình. Khi đặt Chúa làm trung tâm điểm của đời
mình, chọn Chúa làm gia nghiệp của đời mình chúng ta chẳng còn hiềm khích với
người khác; cũng không cần tìm kiếm cho mình một chỗ đứng, một vị trí nổi trội
hơn người khác theo cách nhìn của người đời. Khi chúng ta yêu mến Chúa bằng
chính con tim của mình chúng ta sẽ cảm nhận được gia nghiệp lớn lao là chính
Chúa. Thật vậy, trong tất cả những điều phải làm, không có một giới hạn nào
ngăn dòng chảy của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu Thiên Chúa
sẽ lan tỏa sang người thân cận trong cuộc sống hiện tại. Đứng trước những nhu cầu
của tha nhân, chúng ta không thể dửng dưng như người ngoài cuộc. Thái độ vô cảm
trước những khó khăn của tha nhân trong đời sống hiện tại của nhiều người hiện
nay không phải là chọn lựa của người chọn sự sống đời đời làm gia nghiệp. Yêu mến
tha nhân, ta phải dấn thân vào những khó khăn, bất hạnh, tủi nhục của họ, sẵn
sàng chia sẻ cho tha nhân thời gian, tiền bạc và khả năng của mình. “Người thân
cận” của ta không đâu xa lạ, mà chính là những người ta gặp gỡ hàng ngày, những
người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Những người cần ta chia sẻ với họ miếng
cơm manh áo và cả những người cần ta đồng hành với họ trong đời sống tinh thần.
Trên đường đời, ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những người đang cần sự trợ
giúp của ta.
TÓM LẠI, chọn gia nghiệp của mình là sự sống
đời đời, chúng ta hãy thực hành lời mời gọi mến Chúa yêu người như người thông
luật hôm nay. Trong hành trình tiến đến sự sống đời đời, chúng ta không thể
không nỗ lực yêu mến Thiên Chúa với hết lòng, hết sức và hết trí khôn của mình.
Đặt Chúa vào vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Khi thực hành điều đó
chúng ta không thể không chia sẻ với anh chị em mình khả năng, thời gian và cả
những ước muốn của mình như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô: Nếu tôi không đi đến với những người đang đau khổ ấy, tôi cũng chẳng đi
đến với Chúa.
******
Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa đã nêu
gương cho chúng con học đòi bằng cái chết trên cây thập giá, bằng tấm bánh
Thánh Thể nhỏ bé chỉ muốn ở lại với chúng con và cứu độ chúng con. Xin cho
chúng con có được tâm tình của Chúa để đáp lại phần nào lòng Chúa yêu thương
chúng con, qua những người anh em khốn khổ. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét