Bấy
giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1, 38)
Các Tin
Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi
thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ
loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội
Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập
giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố
“phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng
tạo và cứu độ của Thiên Chúa, và Kinh Mân Côi được ví như bản Tin Mừng tóm lược,
mà trong đó kể ra những thời khắc cả vui mừng lẫn đau thương của Mẹ Maria trong
sự hiệp thông cứu độ. Trong đó, biến cố Truyền Tin là mầu nhiệm đầu tiên mà mọi
người suy ngắm trong chuỗi Mân Côi. Vì thế, trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi,
chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố
khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết
Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc
thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình cho
con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm truyền tin này,
làm nổi bật lên chân dung của mẹ Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ
và lời đáp trả “xin vâng”. Như vậy, trong biến cố truyền tin, Đức Maria – Đấng
đầy ân sủng – đã để lại một mẫu gương chói ngời về sự khiêm hạ và vâng phục.
Người trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho
nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng
được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và
vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là
do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc
đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.
Thật vậy, Mẹ Maria được nên cao
trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là
nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì
đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ.
Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy
mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương
chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của
mình. Có thể nói, dù vô tội, nhưng Mẹ Maria là người khiêm tốn nhất trong các
thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Mẹ
Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên
xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc
1, 38).
TÓM LẠI: Câu
chuyện Sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Trinh nữ
Ma-ri-a giúp chúng ta nhận biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa
trong việc thực hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng
việc ban ơn cứu độ và muốn cho loài người đón nhận ơn ấy. Qua câu chuyện truyền
tin hôm nay, thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng”
của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu phải làm khi đọc kinh lần hạt
trong tháng Mân Côi này
********
Lạy
Chúa, khiêm tốn và xin vâng là một trong những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã
nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ là luôn biết khiêm
tốn quy hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình
đạt được. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét