Translate

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

HÃY SỐNG CHO SỰ THẬT


Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? (Ga 7, 41b)

Đức Giê-su là ai? Ông ấy xuất thân từ đâu? Đó là những câu hỏi làm cho dân chúng cũng như giới chức sắc tôn giáo có nhiều tranh luận sôi nổi và trái chiều khi nghe những lời rao giảng của Đức Giê-su và thấy các dấu lạ Người làm. Trong tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy có nhiều ý kiến trái ngược nhau khi họ bàn về Đức Giê-su.

Trong dân chúng : Sau nhiều ngày tháng nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su và chứng kiến những dấu lạ điềm thiêng Người làm, dân chúng bàn luận với nhau về Đấng Mê-si-a, về Đức Giê-su. Chính những ý kiến khác nhau về Mê-si-a đã tạo ra sự chia rẽ và tranh cãi. Thậm chí, có một số kẻ định bắt Người, tống giam Người, nhưng họ không dám ra tay.

Giới chức tôn giáo: Trong khi dân chúng hoang mang về nguồn gốc của Đức Giê-su, thì giới chức tôn giáo cũng không mấy tỏ tường. Họ đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giê-su (x. Ga 7,32), nhưng các vệ binh lại trở về tay không, bởi các vệ binh đã hết sức thán phục khi nghe lời Đức Giê-su rao giảng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7, 46). Họ vẫn tin rằng, những nghiên cứu và tìm hiểu của họ về Kinh Thánh (Ngũ Thư) là quá rõ ràng cặn kẻ và không thể sai lầm được khi đối chiếu với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Nhưng cũng có một điều khác, làm họ không dám chấp nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tức và sự sợ hãi khi dân chúng tin vào Người.

Và chúng ta : Nếu chúng ta đang sống và hiện diện trong những buổi rao giảng của Đức Giê-su, chắc hẵn chúng ta cũng sẽ thiên về một trong những thái độ ấy của tiền nhân. Có thể chúng ta sẽ tin chắc rằng, đó chính là Con Thiên Chúa làm người, bởi ta choáng ngợp trước những lời giáo huấn đầy uy quyền kèm theo nhiều dấu lạ mà Đức Giê-su đã làm. Nhưng cũng có thể, với lối suy nghĩ thực tế đầy “tính khoa học”, với những am tường của trí tuệ, ta cũng dễ dàng tìm cho mình những điều phi lý nơi lời rao giảng của Đức Giê-su, và rồi chúng ta sẽ cho rằng: Đức Giê-su là một ngôn sứ giả mà ta không thể tin được. Hoặc có thể ta lại là những nhà hữu trách tôn giáo, lòng nhiều ghen tỵ và nổi sợ hãi khi thấy “uy quyền” của ông Giê-su đã làm cho dân chúng tin theo cách mạnh mẽ. Cùng với thái độ thiếu khiêm tốn, khi nghĩ mình đã nắm chắc được mạc khải của Thiên Chúa và mọi người khác đang sai lầm và bị mê hoặc, thì ta cũng chẳng thể đội trời chung với Đức Giê-su khi bảo vệ quyền lợi và chính kiến của mình. Như vậy, dù ta ở góc nhìn nào thì cũng có thể bị mê hoặc bởi tính con người ở góc nhìn đó.

Trở lại với niềm tin của chúng ta hiện nay vào Thiên Chúa, nếu ta không sẵn sàng khiêm tốn để chân nhận rằng, ân sủng của Thiên Chúa luôn tác động cách mạnh mẽ nơi mặc khải và qua Giáo hội, thì ta cũng sẽ dễ dàng bị các học thuyết, những lời biện luận dựa trên sự hiểu biết mê hoặc và có thể làm ta sai lạc đức tin. Nghe Lời Chúa với thái độ khiêm tốn và lòng kính sợ sẽ là phương cách nhận ra sự tác động của Thánh Thần hữu hiệu nhất.

******

Lạy Chúa, trước thế giới truyền thông đa chiều, đa thông tin hiện nay đã làm chúng con lúng túng khi tìm kiếm chân lý mặc khải. Chúng con dễ dàng bị mê hoặc bởi những điều mới lạ, những điều làm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân và có thể khó đón nhận những lời chân lý. Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con khiêm tốn và hoán cải nội tâm để dám tin tưởng vào Lời của Chúa, và can đảm sống chứng tá Lời của Ngài trong thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

HÃY NHẬN BIẾT VÀ YÊU CHÚA HƠN


Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông đã không biết Người. Còn tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,28-29)

Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ. Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tập chú suy niệm về việc nhận biết Chúa Giêsu như thế nào cho đúng với bản tính tự hữu của Người. Người là một Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha từ đời đời, hay chỉ là một con người Giêsu bình thường xuất thân từ làng Nazareth như cách biết của nhóm lãnh đạo Do Thái.

Thật ra, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu sinh ra ở đâu, con cháu ai và làm nghề gì, và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến…chỉ vì người Do Thái chỉ tìm những đoạn Thánh Kinh có lợi cho họ, họ tìm những gì mang tính siêu việt và vẽ ra một Đấng Cứu Thế phải thoả mãn tham vọng của họ, nên họ cố tình bỏ qua những lời Thánh Kinh tiên báo về nơi sinh hạ, cũng như những gì các ngôn sứ viết về người tôi tớ đau khổ của Gia-vê. Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin và biết là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác. Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Người không? Có đến viếng Thánh Thể không?

********

Lạy Chúa Giêsu, có thể chúng con đã từng tự hào biết Chúa qua những nghiên cứu, nhưng lại không yêu mến Chúa cho đủ. Xin Chúa cho chúng con biết Chúa là một Thiên Chúa đích thực là Đấng đã chịu đau khổ và chết vì chúng con, chứ không phải đi tìm một Thiên Chúa thỏa mãn ý mình. Để từ đó, chúng con không ngại bước theo con đường khổ giá mà Chúa đã đi, hầu đạt tới vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

HÃY SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA


Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được? (Ga 5, 44)

Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn. Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề Lời Chứng. Chúa Giêsu khẳng định Người không cần làm chứng về mình, nhưng có lời chứng từ Chúa Cha và những gì ghi trong Thánh Kinh cũng như các ngôn sứ làm chứng cho Người.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến Môisê, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh đều viết về Người, dù Chúa không cần đến những chứng cớ ấy, nhưng đó lại chính là cái mà người Do Thái tìm kiếm Đấng Messia. Tiếc là sự tìm kiếm của họ chỉ nhằm thỏa mãn theo ý họ, họ tìm những gì Thánh Kinh nói đến một Đức Kitô hiển hách theo kiểu người phàm; còn nếu có tìm kiếm một Đấng Messia như Thánh Kinh loan báo, thì họ cũng chỉ dừng lại ở những gì nói đến sự hiển thắng mà không quan tâm đến con đường khổ giá để đạt đến sự hiển thắng. Chính vì vậy mà họ không thể chấp nhận và không thể tin vào Đấng đã đến và đang nói với họ. Cũng thế, một số người cho rằng bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa rồi nên họ đâu cần gì khác để hướng dẫn họ. Thế nhưng, cũng như Thiên Chúa đã nói qua các biến cố và qua các ngôn sứ, thì Người cũng sẽ tiếp tục nói với chúng ta qua các biến cố thời sự và qua các vị hướng dẫn trong Giáo Hội nhờ Thần Khí. Vì thế, Chúa Giêsu tố giác những ai nghĩ họ đã nắm toàn bộ chân lý chỉ vì họ có cuốn Thánh Kinh, chứ không tin vào Người là Đấng Chúa Cha sai đến vẫn hằng ngày ở với họ.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

HÃY LÀM THEO Ý THIÊN CHÚA


Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. (Ga 5, 24)

Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc nói về người Do Thái muốn giết Đức Giêsu và cái tội không giữ luật Sa-bát và dám gọi Thiên Chúa là Cha mình. Kế đến, là diễn từ về công việc của Đức Giêsu là làm điều Chúa Cha làm và theo ý Chúa Cha muốn. Sự đối lập giữa những người Do Thái ở thủ đô với Chúa Giêsu luôn là đề tài nóng trong cả bốn Tin Mừng. Cũng như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất, Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của các kinh sư – biệt phái và nhất là giới cầm quyền Do Thái. Chính vì thế mà họ đã tìm cách tẩy chay Chúa Giêsu, tiếc là họ không có lý do đủ mạnh ngoài việc bám víu vào luật Sa-bát, nhưng ngay cả luật này họ cũng bị Chúa Giêsu vạch trần những điều khoản tỉ mỉ do họ thêm vào mà sai lệch ý Thiên Chúa. Điều mà Chúa Giêsu khẳng định, tất cả việc Người làm là theo ý Thiên Chúa Cha.

Khác với chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giêsu có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người. Như vậy, hai công việc mà Chúa Giêsu hằng làm như Chúa Cha làm chính là: Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương như vậy, và Chúa Cha cho kẻ chết sống lại thế nào thì Chúa Con cũng phục sinh ai Người muốn. Chính hai điều này mà Chúa Giêsu không ngại vượt qua những quy định thêm vào khắt khe của Biệt Phái về luật Sa-bát, Người dùng luật yêu thương để cứu chữa bệnh tật thân xác và phục sinh tâm hồn cho những ai tin vào Người: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Còn những ai không tin vào Chúa Giêsu như những người Biệt Phái kia thì tự loại mình ra, bởi: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga 5,23).

Mọi người chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi chúng ta có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật, và tìm cách diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày. Như vậy, mọi người chúng ta hôm nay muốn làm theo ý Chúa Cha là khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống luật yêu thương vượt trên tất cả mọi sự ràng buộc khác.

******

Lạy Chúa, xin chiếu Ánh Sáng Chúa vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, để thánh hóa mọi bí ẩn tâm can và làm cho tâm hồn chúng con được sáng, hầu chúng con sống trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT


Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!”. Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. (Ga 5, 8-9)

Hôm nay, tiếp tục hành trình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại đã 38 năm nằm ở bờ hồ Bết-da-tha. 38 năm bị giam hãm trong cơn bệnh, người bất toại cố dùng đến sức mình nhưng đã thất bại, và chính sự lãnh đạm của mọi người không giúp anh cũng làm cho tình trạng của anh vô phương cứu chữa, cho tới ngày anh gặp  Chúa Giêsu, anh nói lên tình trạng bất lực của mình, và Chúa đã cứu anh. Đó cũng là tình trạng của nhiều tâm hồn, ở lâu trong tội, để rồi tự mình không thể đứng lên trở về với Chúa, càng tồi tệ hơn là những người anh chị em trong cùng đức tin đã không làm gì để giúp nhau hoán cải. Chỉ đến khi mở lòng ra, nói hết tình trạng khốn khổ của mình, để cho Chúa đi qua cuộc đời mình, thì Chúa sẽ giúp chúng ta đứng lên.

Sự việc lại bị các biệt phái công kích khi thấy người được chữa lành vác chõng đi về trong ngày Sabát. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bất toại, vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu. Cũng vậy, chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức tình tương thân tương ái trong Chúa mà sẵn sàng giúp đỡ tha nhân bỏ đường tội lỗi trở về với Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

HÃY TIN VÀO CHÚA


Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4, 50)

Bài Tin Mừng hôm nay kể về một trường hợp chữa bệnh khá đặc biệt của Chúa Giêsu, khác hẳn với cách thông thường Người vẫn làm. Nghĩa là thay vì phải có một sự đụng chạm trực tiếp với bệnh nhân, thì hôm nay Chúa chữa bệnh từ xa, chữa bệnh không phải vì niềm tin của bệnh nhân mà vì niềm tin và trái tim yêu thương của người cha bệnh nhân. Chúa Giêsu không đụng chạm đến thân thể bệnh nhân, nhưng đụng chạm vào tấm lòng và yêu thương của người thân của họ.

Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 4, 46-54) có quyền lực về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo, ông sẽ tin tưởng vào quyền lợi vật chất và khoa học hơn là niềm tin. Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, ông đã hạ mình đến cầu xin Người. Lại nữa, vì tấm lòng của một người cha thương đứa con bệnh tật, ông không ngại vượt qua rào cản của ý thức hệ và chính trị, để chạy đến với Chúa Giêsu. Nhưng hơn hết, ông tin vì ông nghe Lời Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, con ông sống”, chứ ông không đòi dấu lạ rõ ràng, nên niềm tin đó đã chữa lành cho con ông.

Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Ngài trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.

******

Một niềm tin đích thực không cần một sự nhìn thấy tỏ tường, vì như thế không còn là tin nữa, mà là bất đắc dĩ chấp nhận một chuyện đã xảy ra rồi. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó sau lời cầu xin của viên sĩ quan đến xin Người chữa lành cho con trai mình. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin nhưng xin Ngài nâng đỡ niềm tin còn yếu kém của chúng con. Amen.

CHÚA LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN


Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !.”(Ga 9, 39) 

Bài Tin Mừng đọc trong Chúa Nhật hôm nay thật dài, xoay quanh câu chuyện một người mù bẩm sinh đã được Chúa Giêsu cho sáng mắt. Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh cho thấy: Đức Giê-su chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng ấy. Trong cuộc đối thoại, anh mù đã từng bước hiểu biết về Người: Từ "một người tên là Giê-su” (Ga 9,  11) đến “một vị Ngôn sứ !” (Ga 9,  17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,  33). Cuối cùng là “Con Người” (Ga 9, 35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin” và sấp mình trước mặt Người (Ga 9, 37). Quả đúng là kỳ diệu, chính Thiên Chúa là Ánh Sáng và xóa tan bóng tối bao phủ con người. Tuy nhiên, không phải mọi người đều nhận được ánh sáng từ Thiên Chúa, vì có người tự cho mình là “sáng” thì họ không chịu nhận ánh sáng từ Thiên Chúa, còn có người sống trong tối tăm lại được ánh sáng Chúa soi dẫn để họ nhận được ánh sáng đích thực: “Tôi đến thế gian này, chính là để xét xử: cho người không xem thấy, được thấy, và kẻ xem thấy trở nên đui mù” (Ga 9, 39).

Một cách ngầm ý ở đây là tác giả Tin Mừng cho chúng ta thấy sự nghịch lý: Anh mù cả đời sống kiếp mù loà thể xác (như lời mấy kinh sư nói về anh) và không được ăn học lại “thấy” được Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến (x. Ga 9,30-33); còn những kinh sư Do Thái sáng mắt và có bằng cấp Thánh Kinh kia lại không thấy được Đức Giêsu bởi đâu mà đến. Thật ra, chính sự ghanh tị và tham vọng, sợ lung lay cái ghế và cạn mất cái nồi. Đặc biệt, đường lối của Đức Giêsu không thoả mãn tham vọng của họ, nên họ đã không nhận ra và cố tình không nhận ra Đức Giêsu. Con mắt tâm hồn của họ ra mù tối, như lời Chúa Giêsu đã nói với họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9,41).

TÓM LẠI: Thánh sử Gioan đã dùng câu chuyện Chúa Giêsu mở mắt người mù từ lúc bẩm sinh để khẳng định rõ ràng hơn, chính Thiên Chúa là ánh sáng. Và chính nhờ ánh sáng đích thực nơi Thiên Chúa đã thúc bách con người đến với Người, tin tưởng vào Người và nhận ra tình yêu nơi Người trào tràn chan chứa tưới lên khắp cả nhân loại. Như thế đã rõ, chính Ánh sáng từ Thiên Chúa, không những chỉ mở con mắt thể xác cho người mù, nhưng còn mở rõ con mắt đức tin nữa. Anh mù được mở mắt, mở hồn để thấy Chúa và tin vào Chúa cách mạnh mẽ.

*****

Lạy Chúa Giê-su, hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang bịt tai nhắm mắt như người Pha-ri-sêu xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa, biết rõ con để không dám tự mãn và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày một nên hoàn thiện giống Chúa nhiều hơn. Amen!

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

THÁNH LỄ TRUYỀN TIN


Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1, 38)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về một cuộc đối thoại quan trọng nhất cho vận mạng loài người - cuộc đối thoại giữa Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel với cô thôn nữ làng Nazareth là Đức Maria.  Cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Do đó, tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa . Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người. Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.

 Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Mẹ đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.

*******

Lạy Mẹ Maria, xin mẹ cầu bầu cho chúng con luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn quy hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT


Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. (Mc 12, 33)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do Thái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người. Chúa Giêsu không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa. Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.

Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu, là vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không chiếm hữu hay có qua có lại theo như cách phân tích của người Hy Lạp

********

Lạy Chúa, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

HÃY SỐNG KẾT HIỆP VỚI CHÚA


Ai không đi với Tôi là chống lại Tôi và ai không cùng Tôi thu góp là phân tán.(Lc 11,23)

Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do Thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất. Thái độ không muốn trên đây thể hiện qua việc chối từ đến cùng sự thật mà con người đã thấy, đã biết. Trong khuôn khổ Tin Mừng hôm nay, sự thật ấy chính là Chúa Giêsu có quyền trên ma quỷ, có quyền tha và hằng sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi của con người, nếu con người thành tâm sám hối trở về. Một mặt, điều này không mới lạ, cũng chẳng khó khăn để các Kitô hữu tiếp nhận như một tín điều ; nhưng thực tế đời sống lại cho thấy, đây thật sự là một thách đố mà không phải bất cứ ai đã chịu phép rửa đều có thể vượt qua.

Quả vậy, giữa vô vàn khó khăn, rắc rối, hãi sợ, lo toan giữa dòng đời, nhiều người trong tôi, bạn và anh chị đã không thể vững tin khi Chúa vẫn im lặng, đã vội tìm giải quyết những rắc rối, vội tìm con đường giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của quỷ ma bằng những phương cách đi ngược lại niềm tin Kitô giáo, đi ngược lại mặc khải của Chúa và giáo huấn của giáo hội. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta còn rơi vào tình trạng ngoan cố đáng thương khi để mình vấp phạm bởi thiếu sự hiểu biết cần thiết về cơ chế trong giáo hội hoặc bởi thiếu khả năng phán đoán trưởng thành về gương sống chưa lành mạnh của một bộ phận linh mục, tu sĩ, hoặc tông đồ giáo dân. Thành ra, để thêm chút tro của lòng sám hối, để thêm chút tình của người con nhận ra mình đã làm phiền lòng cha mẹ quá nhiều, để chứng tỏ sự cương quyết trong việc dứt khoát với tội lỗi, bỏ đàng quanh co mà trở về với Chúa, với Lòng Trời, thiết nghĩ ta cần mở lòng để cho Lời Chúa soi dẫn, chất vấn và mời gọi. Biết đâu ta cũng đang ngoan cố không nhìn nhận những phép lạ lớn nhỏ Chúa hằng thực hiện trong đời ta, biết đâu ta cũng đang chai lì trong những toan tính xấu xa, ...? Chúa thấy rõ lòng ta, Chúa biết rõ những toan tính của ta. Chúa biết ta lỗi tội, Chúa biết ta yếu đuối, Chúa biết ta giả dối,… nhưng Người vẫn không ngừng lên tiếng gọi mời và đón đợi. Lòng Trời là thế, Tình Cha là thế.

Mùa chay đã đi qua nửa chặng đường, ước gì mỗi chúng ta thêm xác tín vào lòng xót thương và sự thông biết vô lường của Chúa, để ta thoát khỏi vết xe đổ của tiền nhân, sớm tìm được nẻo về, sớm xoa dịu Lòng Trời vốn thổn thức xót đau quá nhiều vì ta.

********

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, tạ ơn Chúa đã cho con hiểu thêm lòng từ ái bao dung của Chúa. Tạ ơn Chúa đã thôi thúc con trở về. Con nay trở về với Chúa, con muốn vứt lại sau lưng tội ngoan cố và tính biện hộ trơ trẽn của con. Lỗi tại con, lỗi tại con mọi đàng, xin thứ tha và tuôn đổ ân phúc của Chúa để tâm hồn rách nát hôi thối của con được chữa lành. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT


Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn Sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành (Mt 5,17-18)

Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc Chúa Giêsu khẳng định Người đến không phải để phá bỏ lề luật mà là để kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ. Việc kiện toàn ít nhất mang hai ý nghĩa:

- Đối với Do Thái, lề luật và ngôn sứ liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Chúa Giêsu có nghĩa là Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

- Từ nay trong Chúa Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ. Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.

TÓM LẠI, kiện toàn lề luật mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô: giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hóa bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

HÃY LUÔN BIẾT THA THỨ


“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”(Mt 18, 21).

Sự thường, trong đời sống ai cũng muốn mình được yêu thương, khi mắc lỗi ai cũng muốn đón nhận sự khoan hồng tha thứ, khi sa cơ lỡ vận thì luôn mong mình được người khác cảm thương. Nhưng chính họ lại không thích sống chân giá trị mà Đức Kitô dạy: “Những gì con muốn người khác làm cho mình, thì chính con phải làm cho người ta” (x. Mt 7,12). Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Phê-rô muốn đặt ngược lại vấn đề thông thường trên, bằng cách muốn quảng diễn lòng quảng đại vị tha của mình đối với tha nhân. Thay vì mình đón nhận lòng xót thương, thì mình trao ban lòng thương xót cho người xúc phạm đến mình. Ông đến bên cạnh và hỏi Đức Giêsu: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”(Mt 18, 21). Theo các Ráp-bi thời xưa thì bảo có thể tha đến ba lần, nhưng Phê-rô đưa ra con số 7 vốn được coi là hoàn hảo, như để thể hiện đó là mức độ bao dung cực đại. Nhưng Chúa Giêsu lại vượt hẳn mọi mức độ trong chuyện này, Ngài nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”(Mt 18, 22). Bảy mươi lần bảy ở đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ. Hôm nay, lời Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy", thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Liền sau lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giêsu về điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Dụ ngôn phản ảnh bản tính của con người vốn muốn được tha thứ nhưng đến lượt mình lại khó tha thứ cho nhau.  Quả thế, Chúa Giêsu đã kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn “người mắc nợ không biết thương xót” để nói lên ý nghĩa của lòng xót thương, một tình yêu thương không bến bờ, luôn sẵn lòng tha thứ và ban ơn chữa lành của Thiên Chúa. Quay lại với cuộc sống đời thường, soi vào cõi lòng mình, chúng ta nhận ra mình là kẻ “nhân vô thập toàn” luôn cần đến lòng thương xót của Chúa; đến lượt mình, hãy cố gắng dằn lòng để không xét đoán kẻ khác và thể hiện lòng bao dung với họ như Chúa đã yêu thương mỗi chúng ta.

TÓM LẠI: Sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho con người được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng chúng ta thì đến lượt chúng chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Thật vậy, tha thứ thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

THÁNH CẢ GIUSE – MẪU GƯƠNG CÔNG CHÍNH


Bài Tin Mừng trong Lễ thánh cả Giuse hôm nay, chúng ta được thánh sử Matthêu giới thiệu cho chúng ta về thánh cả Giu-se là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su. Bản văn Tin Mừng hôm nay được coi như là một trong ba bản văn Thánh Kinh Tân Ước tường thuật về các cuộc truyền tin, mà đây là cuộc truyền tin dành cho thánh Giuse. Thiên Chúa sai thiên thần đem đến cho thánh Giuse sứ điệp nhận lấy sứ mạng làm cha nuôi Chúa Cứu Thế và giữ gìn Đức Trinh Nữ Maria. Được thiên thần hiện ra tỏ tường giữa ban ngày mà Giacaria còn vặn hỏi, mẹ Maria còn đối đáp, còn thánh Giuse thì toàn bộ Thánh Kinh không tìm được lời nào của ngài. Điều này cho thấy, thánh Giuse là một con người của niềm tin và sự chiêm ngắm kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, thậm chí nhận ra cả ý Chúa trong giấc mơ. Ngài tin tưởng tuyệt đối vào ý định của Thiên Chúa, và từ đó tin tưởng người bạn đời là Đức Maria. Niềm tin còn được thể hiện bằng hành động, khi ngài vui vẻ đón nhận mẹ Maria và tận tụy lo cho gia đình Thánh Gia được êm ấm. Thật vậy, Thánh Giuse là con người vâng phục ý Thiên Chúa:  Phúc Âm đã kể lại 3 lần Thiên Thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho Thánh cả biết ý định của Thiên Chúa. Và lần nào Thánh cả cũng cuối đầu “Xin vâng” mà không hề có chút ý kiến phản dối. Lần thứ nhất, Thánh cả xin vâng để đón nhận Maria về nhà mình dù trong lòng đang phân vân nghi ngờ, lần thứ hai Thánh cả xin vâng khi đưa hài nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, lần thứ ba Thánh cả xin vâng để trở về Palestine ở Nazaret => Cả 3 lần Thánh Giuse đều vâng lời mau mắn không hỏi tại sao?

TÓM LẠI, bài Tin Mừng nhân ngày Đại Lễ kính thánh cả Giuse, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngưỡng tấm gương thánh cả Giuse, là một người công chính, một người gia trưởng mẫu mực và là một con người của niềm tin luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta thì khác: chúng ta thường tìm ý mình hơn ý Chúa và mỗi khi gặp phải tai ươn họan nạn chúng ta thường kêu trách, xúc phạm đến Chúa.Vì chúng ta cho rằng: Chúa bất công thiên vị, và luôn cho rằng :vâng lời chỉ là thái độ của kẻ hèn nhác, mất tự do, mất nhân phẩm. Vậy, noi gương Thánh Giuse, chúng ta hãy sống yên lặng, làm việc và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa để chúng ta trở nên những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa như Thánh Giuse ngày xưa cũng như ngày hôm nay trên Thiên Đàng.

******

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương thánh cả Giuse, sống công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, tận tụy phục vụ tha nhân, và đặc biệt, khi gặp khó khăn nguy khốn cũng biết chạy đến cùng thánh Giuse, để được ngài hướng dẫn bầu cử cho chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

HÃY BIẾT KHAO KHÁT THIÊN CHÚA


Bài Tin Mừng hôm nay kể lại một cuộc gặp gỡ quan trọng và lạ lùng giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Nó đã trở thành biến cố quyết định, làm đảo lộn mọi sự trong cuộc đời của người phự nữ này. Từ lâu người Do thái và người Samari đã không qua lại với nhau nữa. Người Do thái từ xưa tỏ ra nghi kị người Samari, bởi vì nhóm ngưởi này gốc gác từ Babylon. Khi trở về định cư ở Palestina, họ đã mang theo tôn giáo và thần thánh của họ. Sự nghi ngờ ấy càng tăng thêm với thời gian, và coi như không thể hóa giải vào thời Chúa Giê su. Điều đó cắt nghĩa sự ngạc nhiên của người đàn bà Samari: Một người Do thái mà lại hạ mình xuống xin bà giúp đỡ à ? Và chị còn ngạc nhiên hơn nữa vì thái độ niềm nở của Chúa Giêsu biểu lộ qua lời nói thân thiện của Ngài. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta khám phá hai cơn khát: cơn khát của Con Thiên Chúa đến tìm và “cứu chữa những gì đã hư mất”. Rồi đến cơn khát của người phụ nữ Samari đến đế lấy nước giếng. Nhưng trong lòng chị cũng còn âm ỉ tìm kiếm một tình yêu thực sự. Chị đã tìm và đã gặp khi nghe Đức Kitô nói đến một ơn ban đích thực của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu. Phải chỉ có chính Chúa Kitô là Thiên Chúa mới lấp đầy được cơn khát vô biên, bởi khi có được Thiên Chúa, con người không còn mải lo tìm kiếm những gì chóng qua nữa. Sau những giây phút ngạc nhiên xa cách ban đầu, người phụ nữ Samari đã đi dần vào cuộc đối thoại. Bà đã xin Chúa Giêsu cho biết cần phải làm gì để được đẹp lòng Thiên Chúa. và đã bắt đầu hiểu biết về Đấng Messia. Nhờ chính cuộc gặp gỡ và đối thoại, người phụ nữ Samari đã có sự biến chuyển rất nhanh. Lúc đầu, chị nhìn nhận Chúa Giêsu chỉ là một người Do thái bình thường Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari nước uống sao”(Ga 4,9), nhưng sau đó chị nhìn nhận Người là một vị ngôn sứ “ Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ” (Ga 4, 19). Và cuối cùng, chị đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô trước dân miền Samari và thôi thúc họ đến với Người: “đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” ( Ga 4, 29).

Với sự khéo léo trình bày của Tin Mừng, điều mà ta dễ dàng nhận thấy được nơi đây là Chúa Giêsu đã cùng lúc xóa đi được hai sự ngăn cách, đó là: Sự kỳ thị chủng tộc Do-thái – Samari và sự khác biệt giữa sống đạo “trong nhà thờ” với sống đạo “trong Thần Khí”. Thật vậy, Thiên Chúa không bao giờ là Chúa riêng của một người hay một dân tộc nào, bởi vì Người là Cha chung của mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không một người nào, không một dân tộc nào và không một tôn giáo nào được độc quyền chiếm giữ Người cho riêng mình, hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hiện diện trên đất nước của mình hay trong đền thờ của mình. Và Thiên Chúa là thần khí, mà thần khí thì vô hình nên ở đâu cũng có. Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa là Tình Yêu thì vượt trên thời gian và không gian nên không bị giới hạn ở đâu “trong nhà thờ” hay ngoài xã hội. Cũng vậy, không  phải người ta vào nhà thờ thì tỏ ra đạo hạnh, nhưng ra khỏi nhà thờ thì còn tệ hại hơn cả dân ngoại. Sống đạo là luôn ý thức Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi và luôn làm đẹp lòng Người mọi lúc. Cũng thế, Thiên Chúa trong sự thật, là khi con người biết tôn trọng chân lý mới là cách thờ phượng Người cách đúng đắn nhất. Con người thờ phượng Thiên Chúa không dừng lại ở nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra nơi cuộc sống. Tuy nhiên, cần phân biệt rằng, những ý nghĩa trên không phải cổ xúy cho việc “giữ đạo tại tâm” để rồi bỏ việc đến với nơi thờ phượng và né tránh những phận vụ kitô hữu, nhưng là luôn đặt mình trước mặt Chúa và tin Chúa hiện diện khắp mọi nơi, để không chỉ dừng lại việc tôn thờ Thiên Chúa ở nhà thờ hay các nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra bằng việc sống đạo trong mọi nơi mọi lúc bằng những hành động cụ thể. 

TÓM LẠI: bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta biết KHAO KHÁT THIÊN CHÚA là nguồn suối đích thực lấp đầy mọi ước vọng của chúng ta. Từ đó, chúng ta biết mở cửa lòng mình để xóa đi mọi ngăn cách mà đến với tha nhân mà loan báo về cách THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC, như người phụ nữ Samari xưa sau khi gặp Chúa đã bỏ lại tất cả để chạy vào làng loan báo cho mọi người và dẫn họ đến gặp Chúa và tất cả đều được biến đổi.

 ******

Lạy Chúa, chính chúng con đang tự dựng lên những hàng rào ngăn cách chúng con với Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết vượt lên trên những rào cản của kỳ thị, ghét ghen, để xây dựng sự hiệp nhất, luôn biết mở lòng ra để đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu thỏa vọng cơn khát tâm linh, là được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

THIÊN CHÚA LUÔN LÀ NGƯỜI CHA NHÂN TỪ


Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc 15, 32)

Có lẽ không mùa Chay năm nào chúng ta không được nghe câu chuyện dụ ngôn về Người Cha Nhân Hậu. Song trước đây vì nhiều người đã quen gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, nên đã bị hiểu theo hướng chú trọng vào người con thứ mà quên rằng, câu chuyện này Chúa Giêsu muốn nhắm đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cả hai người con, con thứ và người con cả. Câu chuyện muốn nhấn mạnh đến hình ảnh của một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Ngài đau lòng vì người con thứ đã bỏ nhà ra đi, đã phủ nhận tình yêu thương và sự quảng đại mà người cha dành cho nó. Trong mắt nó, người cha như đã chết và không còn vị trí nào trong tâm hồn nó. Nó phung phí tài sản mà cả đời người cha đã vất vả dành dụm, nó bỏ nhà ra đi không hẹn ngày trở về, vậy mà người cha vẫn cứ kiên nhẫn, vẫn hy vọng và đợi chờ nó. Khi nó trở về ông vui mừng chạy ra ôm chầm lấy nó và hôn lấy hôn để. Người cha không hề giận dỗi, không hề bực bội khi thấy nó thân tàn ma dại trở về, ông vẫn mở rộng vòng tay, mở rộng lòng để ôm lấy nó như thể chưa bao giờ được ôm. Bao ngày ông mong đợi con ông trở về, nay khi gặp lại con, ông cũng chẳng quan tâm đến lời xin lỗi của nó, mà ông đã làm hết sức có thể để trả lại vinh dự cho nó. Dù đứa con thứ nghĩ mình không còn xứng đáng là con, không xứng đáng ở trong nhà, nhưng người cha thì quảng đại và bao dung hơn sự tưởng tượng của nó, ông sai đầy tớ lấy áo, lấy nhẫn, lấy giầy mới ra mặc vào cho nó. Ông không để cho nó tự mặc, mà ông còn để cho đầy tớ phục vụ nó như thể nó là cậu chủ trước đây. Ông sai mở tiệc ăn mừng vì một lý do hết sức đặc biệt : Vì con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. (Lc 15,24)
Trước sự quảng đại của ông với người con thứ, thì với sự hẹp hòi nhỏ mọn của người con cả, anh ta đã không chấp nhận người em của mình trở về. Cũng trong lúc giận dỗi này anh đã bộc lộ cái nhìn và mối tương quan của anh với cậu em. Anh chưa bao giờ nhìn nhận nó là em của mình, anh cũng chưa bao giờ đồng cảm và thông cảm với em, mà anh coi nó không phải là em của mình, coi nó như một người chẳng có liên hệ gì với anh. Chính vì thế anh đã gọi nó là : Thằng con của cha kia, sau khi nuốt hết của cải với bọn điếm, nay cha lại cho giết bê béo ăn mừng. (Lc 15, 30). Đến đây câu chuyện cho thấy, người cha lại một lần nữa hết sức kiên nhẫn và rộng lượng với người con cả, và ông cho thấy, người cần bước vào nhà, cần trở về lúc này không còn phải là người con thứ nữa mà chính là Cậu Cả. Ông ôn tồn để nhắc cho anh: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy.  (Lc 15, 31). Ông nhắc cho anh biết, dù anh không quan tâm đến cha, nhưng lúc nào anh cũng được ở với cha, ông cũng nhắc cho anh biết tất cả tài sản trong nhà, ông đã dành trọn cho anh là của anh, và ông còn mời gọi anh phải nối lại tình anh em với đứa em của anh.

Đã bao mùa Chay trôi qua trong cuộc đời, có lẽ vì thấy mình chưa đến nỗi như đứa con thứ bỏ nhà đi hoang, nên chúng ta không thấy mình cần phải trở về. Vì không nhìn thấy sai lầm thiếu sót của mình, nên chúng ta không thể thay đổi, không chịu sám hối, và coi việc sám hối là của người khác. Chúng ta có thể đã tự hào coi mình như người con cả vẫn đi nhà thờ, vẫn dâng lễ, chẳng bao giờ phạm tội gì nặng, không giết người không trộm cắp nên ta không cần phải sám hối. Thế nhưng chúng ta quên rằng, có thể chúng ta vẫn ở gần nhà thờ nhưng lại không ở gần bên Chúa, không gặp Chúa. Thực tế có thể chúng ta không trộm cắp giết người, nhưng lòng chúng ta lại xa Chúa, vì chúng ta đang cố tình đứng bên ngoài tình yêu thương của Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng cho mình cái quyền lên án xét xử anh em, sống hẹp hòi thiếu thông cảm, thiếu bao dung với anh em, và nhất là chúng ta đã bỏ qua tình yêu thương của Chúa.

******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, luôn biết yêu thương, cảm thông, tha thứ và giúp đỡ tội nhân trở về với Chúa. Amen.

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

HÃY SINH HOA LỢI CHO CHÚA


Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. (Mt 21, 43)

Dụ ngôn “các tá điền gian ác” mỗi lần được đọc lên thì có lẽ ai cũng hiểu ngay là Chúa Giê-su ám chỉ đến những nhà lãnh đạo Do-thái đã muốn tiếm quyền của Chúa trên dân Israel và đã ra tay giết các ngôn sứ mà Chúa đã gửi đến cảnh tỉnh họ, nhất là đã đóng đinh giết chết chính Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa. Để rồi, Nước Thiên Chúa đã được dành cho ai biết sinh lợi cho Chúa. Vì thế mà bài chia sẻ này sẽ không tập chú phân tích về điều mà ai cũng đã hiểu đó nữa, nhưng tìm đi tìm ý nghĩa thời sự mà dụ ngôn vẫn tiếp tục cảnh tỉnh chúng ta ngày hôm nay:

- Vườn nho Giáo hội: Cũng như dân Israel xưa được ví như là vườn nho do Đức Chúa trồng và canh giữ, Giáo hội Công giáo là “dân mới” của Thiên Chúa (có thể nói như là sự thay thế dân Do-thái xưa sau khi họ bất tuân phản bội giao ước). Giáo hội - trên danh nghĩa hoàn vũ hay địa phương – thì cũng đều là của Chúa Giê-su. Thế nhưng, không thiếu những đấng bậc lạm dụng chiếm làm của mình, rồi thao túng Giáo hội (cộng đoàn, giáo xứ) theo sự vụ lợi hoặc tham danh cho mình; bảo thủ và phớt lờ những tiếng nói ngôn sứ, thậm chí bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ ra những lạm dụng và sai trái, và cuối cùng “giết chết một Chúa Giê-su đích thực” trong Giáo hội, và chỉ còn lại là sự xuống cấp về niềm tin và luân lý. Chính vì thế, Lời Chúa trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” vẫn luôn thức thời và mời gọi cách riêng những đấng bậc trong Giáo hội từ cấp giáo hội địa phương đến các cộng đoàn giáo xứ hay tu trì luôn phải ý thức vai trò và cách thức mình đang phục vụ, có hợp với đường lối Chúa muốn hay không.

- Vườn nho tâm hồn: Mỗi người cũng được ví như một vườn nho mà Chúa đã trồng và giao cho việc tự quản lý và sinh hoa lợi cho Người. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã coi thường tiếng nói của lương tâm, phớt lờ những lời dạy dỗ và sửa đổi của những người có trách nhiệm, bỏ qua lề luật Chúa và Hội Thánh, hững hờ với việc nghe Lời Chúa, và cuối cùng là “giết chết” Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn – bỏ đạo và hư đi đời đời… Lời Chúa mời gọi mỗi người luôn ý thức về mình để biết trông giữ tâm hồn và làm sinh lợi cho sự nghiệp nước Chúa.

- Lại nữa, như vườn nho vẫn hút nhựa sống từ “đất”, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

- Có vườn nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ “đất”, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.

*******

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

HÃY SỐNG BÁC ÁI


Ông Ápraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (Lc 16, 25)

Khi kể dụ ngôn về người giàu và Lazarô, trước hết Chúa Giêsu ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cái nhìn tôn giáo của họ xác tín rằng ở trần gian này người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh. Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn không ở tại ở chuyện giàu nghèo mà là sự tương quan giữa người với người.

Chúng ta không thấy ông phú hộ có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính; dụ ngôn không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự vô cảm và dửng dưng với người nghèo. Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Điều này nhắm tới mọi người chúng ta là: Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống. Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa. Cái tội Chúa cảnh tỉnh chúng ta hôm nay chính là tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, bàng quang trước những người bất hạnh xung quang chúng ta. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Thật vậy, tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng để bảo đảm cho cuộc sống và phẩm giá bản thân, đồng thời còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song tạo cho chúng ta một kho tàng ở đời sau. Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. Hãy hoán cải ngay từ bây giờ bởi vì giây phút hiện tại mới thực là quan trọng, nó chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể sống như chúng ta muốn và xây dựng cho tương lai vĩnh cửu một cách hữu hiện nhất, vì ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.

*******

Lạy Chúa, xin mở lòng con để đừng vô cảm trước những mảnh đời khổ đau, xin mở rộng bàn tay chúng con, để chúng con luôn biết san sẻ giúp đỡ những người bất hạnh… Amen.

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG


Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mt 20, 28)

Theo thứ tự tường thuật các Tin Mừng, thì đây là lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”. Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

Tin Mừng tiếp tục kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an. Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hy sinh phục vụ. Và Người đã đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27). Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị. Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này. Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

******

Lạy Chúa, là những môn đệ được Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin giúp chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hy sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.