“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc
phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”(Mt 18, 21).
Sự thường,
trong đời sống ai cũng muốn mình được yêu thương, khi mắc lỗi ai cũng muốn đón
nhận sự khoan hồng tha thứ, khi sa cơ lỡ vận thì luôn mong mình được người khác
cảm thương. Nhưng chính họ lại không thích sống chân giá trị mà Đức Kitô dạy: “Những gì con muốn người khác làm cho
mình, thì chính con phải làm cho người ta” (x. Mt 7,12). Trong Tin Mừng hôm
nay, thánh Phê-rô muốn đặt ngược lại vấn đề thông thường trên, bằng cách muốn
quảng diễn lòng quảng đại vị tha của mình đối với tha nhân. Thay vì mình đón nhận
lòng xót thương, thì mình trao ban lòng thương xót cho người xúc phạm đến mình.
Ông đến bên cạnh và hỏi Đức Giêsu: “Thưa
Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải
bảy lần không?”(Mt 18, 21). Theo các Ráp-bi thời xưa thì bảo có thể tha đến
ba lần, nhưng Phê-rô đưa ra con số 7 vốn được coi là hoàn hảo, như để thể hiện
đó là mức độ bao dung cực đại. Nhưng Chúa Giêsu lại vượt hẳn mọi mức độ trong
chuyện này, Ngài nói: “Thầy không bảo là
đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”(Mt 18, 22). Bảy mươi lần bảy ở
đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy
mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới
hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương
quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra
điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng
được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần
tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ. Hôm nay, lời
Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến
bảy mươi lần bảy", thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết
sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Liền sau
lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giêsu về điều kiện để được
Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Dụ ngôn phản ảnh
bản tính của con người vốn muốn được tha thứ nhưng đến lượt mình lại khó tha thứ
cho nhau. Quả thế, Chúa Giêsu đã kể cho
các môn đệ nghe dụ ngôn “người mắc nợ không biết thương xót” để nói lên ý nghĩa
của lòng xót thương, một tình yêu thương không bến bờ, luôn sẵn lòng tha thứ và
ban ơn chữa lành của Thiên Chúa. Quay lại với cuộc sống đời thường, soi vào cõi
lòng mình, chúng ta nhận ra mình là kẻ “nhân vô thập toàn” luôn cần đến lòng
thương xót của Chúa; đến lượt mình, hãy cố gắng dằn lòng để không xét đoán kẻ
khác và thể hiện lòng bao dung với họ như Chúa đã yêu thương mỗi chúng ta.
TÓM LẠI: Sự tha thứ trong tương quan giữa
người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho
con người được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh
em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên
án…” Lỗi lầm giữa chúng chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa
chúng chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng
chúng ta thì đến lượt chúng chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Thật vậy, tha
thứ thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá
giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù
nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả
những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm
cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những
thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
******
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới
hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con
luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được
Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét