Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải
vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc
15, 32)
Có lẽ
không mùa Chay năm nào chúng ta không được nghe câu chuyện dụ ngôn về Người Cha
Nhân Hậu. Song trước đây vì nhiều người đã quen gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người
Con Hoang Đàng, nên đã bị hiểu theo hướng chú trọng vào người con thứ mà quên rằng,
câu chuyện này Chúa Giêsu muốn nhắm đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với
cả hai người con, con thứ và người con cả. Câu chuyện muốn nhấn mạnh đến hình ảnh
của một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Ngài đau lòng vì người con thứ đã
bỏ nhà ra đi, đã phủ nhận tình yêu thương và sự quảng đại mà người cha dành cho
nó. Trong mắt nó, người cha như đã chết và không còn vị trí nào trong tâm hồn
nó. Nó phung phí tài sản mà cả đời người cha đã vất vả dành dụm, nó bỏ nhà ra
đi không hẹn ngày trở về, vậy mà người cha vẫn cứ kiên nhẫn, vẫn hy vọng và đợi
chờ nó. Khi nó trở về ông vui mừng chạy ra ôm chầm lấy nó và hôn lấy hôn để.
Người cha không hề giận dỗi, không hề bực bội khi thấy nó thân tàn ma dại trở về,
ông vẫn mở rộng vòng tay, mở rộng lòng để ôm lấy nó như thể chưa bao giờ được
ôm. Bao ngày ông mong đợi con ông trở về, nay khi gặp lại con, ông cũng chẳng
quan tâm đến lời xin lỗi của nó, mà ông đã làm hết sức có thể để trả lại vinh dự
cho nó. Dù đứa con thứ nghĩ mình không còn xứng đáng là con, không xứng đáng ở
trong nhà, nhưng người cha thì quảng đại và bao dung hơn sự tưởng tượng của nó,
ông sai đầy tớ lấy áo, lấy nhẫn, lấy giầy mới ra mặc vào cho nó. Ông không để
cho nó tự mặc, mà ông còn để cho đầy tớ phục vụ nó như thể nó là cậu chủ trước
đây. Ông sai mở tiệc ăn mừng vì một lý do hết sức đặc biệt : Vì con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại
tìm thấy. (Lc 15,24)
Trước sự
quảng đại của ông với người con thứ, thì với sự hẹp hòi nhỏ mọn của người con cả,
anh ta đã không chấp nhận người em của mình trở về. Cũng trong lúc giận dỗi này
anh đã bộc lộ cái nhìn và mối tương quan của anh với cậu em. Anh chưa bao giờ
nhìn nhận nó là em của mình, anh cũng chưa bao giờ đồng cảm và thông cảm với
em, mà anh coi nó không phải là em của mình, coi nó như một người chẳng có liên
hệ gì với anh. Chính vì thế anh đã gọi nó là : Thằng con của cha kia, sau khi nuốt hết của cải với bọn điếm, nay cha lại
cho giết bê béo ăn mừng. (Lc 15, 30). Đến đây câu chuyện cho thấy, người
cha lại một lần nữa hết sức kiên nhẫn và rộng lượng với người con cả, và ông
cho thấy, người cần bước vào nhà, cần trở về lúc này không còn phải là người
con thứ nữa mà chính là Cậu Cả. Ông ôn tồn để nhắc cho anh: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả của
cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại
sống, đã mất nay lại tìm thấy. (Lc
15, 31). Ông nhắc cho anh biết, dù anh không quan tâm đến cha, nhưng lúc nào
anh cũng được ở với cha, ông cũng nhắc cho anh biết tất cả tài sản trong nhà,
ông đã dành trọn cho anh là của anh, và ông còn mời gọi anh phải nối lại tình
anh em với đứa em của anh.
Đã bao
mùa Chay trôi qua trong cuộc đời, có lẽ vì thấy mình chưa đến nỗi như đứa con
thứ bỏ nhà đi hoang, nên chúng ta không thấy mình cần phải trở về. Vì không
nhìn thấy sai lầm thiếu sót của mình, nên chúng ta không thể thay đổi, không chịu
sám hối, và coi việc sám hối là của người khác. Chúng ta có thể đã tự hào coi
mình như người con cả vẫn đi nhà thờ, vẫn dâng lễ, chẳng bao giờ phạm tội gì nặng,
không giết người không trộm cắp nên ta không cần phải sám hối. Thế nhưng chúng
ta quên rằng, có thể chúng ta vẫn ở gần nhà thờ nhưng lại không ở gần bên Chúa,
không gặp Chúa. Thực tế có thể chúng ta không trộm cắp giết người, nhưng lòng
chúng ta lại xa Chúa, vì chúng ta đang cố tình đứng bên ngoài tình yêu thương của
Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng cho mình cái quyền lên án xét xử anh em,
sống hẹp hòi thiếu thông cảm, thiếu bao dung với anh em, và nhất là chúng ta đã
bỏ qua tình yêu thương của Chúa.
******
Lạy Chúa,
xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, luôn biết yêu thương, cảm
thông, tha thứ và giúp đỡ tội nhân trở về với Chúa. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét