Đấng Ki-tô
mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? (Ga 7, 41b)
Đức Giê-su là ai? Ông ấy xuất thân từ đâu? Đó là những
câu hỏi làm cho dân chúng cũng như giới chức sắc tôn giáo có nhiều tranh luận
sôi nổi và trái chiều khi nghe những lời rao giảng của Đức Giê-su và thấy các dấu
lạ Người làm. Trong tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy có nhiều ý kiến trái
ngược nhau khi họ bàn về Đức Giê-su.
Trong dân
chúng : Sau nhiều ngày tháng nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su
và chứng kiến những dấu lạ điềm thiêng Người làm, dân chúng bàn luận với nhau về
Đấng Mê-si-a, về Đức Giê-su. Chính những ý kiến khác nhau về Mê-si-a đã tạo ra
sự chia rẽ và tranh cãi. Thậm chí, có một số kẻ định bắt Người, tống giam Người,
nhưng họ không dám ra tay.
Giới chức
tôn giáo: Trong khi dân chúng hoang mang về nguồn gốc của Đức
Giê-su, thì giới chức tôn giáo cũng không mấy tỏ tường. Họ đã sai các vệ binh
đi bắt Đức Giê-su (x. Ga 7,32), nhưng các vệ binh lại trở về tay không, bởi các
vệ binh đã hết sức thán phục khi nghe lời Đức Giê-su rao giảng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người
ấy!” (Ga 7, 46). Họ vẫn tin rằng, những nghiên cứu và tìm hiểu của họ về
Kinh Thánh (Ngũ Thư) là quá rõ ràng cặn kẻ và không thể sai lầm được khi đối
chiếu với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Nhưng cũng có một điều khác, làm họ không
dám chấp nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tức và sự sợ hãi khi dân chúng tin
vào Người.
Và chúng ta : Nếu
chúng ta đang sống và hiện diện trong những buổi rao giảng của Đức Giê-su, chắc
hẵn chúng ta cũng sẽ thiên về một trong những thái độ ấy của tiền nhân. Có thể
chúng ta sẽ tin chắc rằng, đó chính là Con Thiên Chúa làm người, bởi ta choáng
ngợp trước những lời giáo huấn đầy uy quyền kèm theo nhiều dấu lạ mà Đức Giê-su
đã làm. Nhưng cũng có thể, với lối suy nghĩ thực tế đầy “tính khoa học”, với những
am tường của trí tuệ, ta cũng dễ dàng tìm cho mình những điều phi lý nơi lời
rao giảng của Đức Giê-su, và rồi chúng ta sẽ cho rằng: Đức Giê-su là một ngôn sứ
giả mà ta không thể tin được. Hoặc có thể ta lại là những nhà hữu trách tôn
giáo, lòng nhiều ghen tỵ và nổi sợ hãi khi thấy “uy quyền” của ông Giê-su đã
làm cho dân chúng tin theo cách mạnh mẽ. Cùng với thái độ thiếu khiêm tốn, khi
nghĩ mình đã nắm chắc được mạc khải của Thiên Chúa và mọi người khác đang sai lầm
và bị mê hoặc, thì ta cũng chẳng thể đội trời chung với Đức Giê-su khi bảo vệ
quyền lợi và chính kiến của mình. Như vậy, dù ta ở góc nhìn nào thì cũng có thể
bị mê hoặc bởi tính con người ở góc nhìn đó.
Trở lại với niềm tin của chúng ta hiện nay vào Thiên
Chúa, nếu ta không sẵn sàng khiêm tốn để chân nhận rằng, ân sủng của Thiên Chúa
luôn tác động cách mạnh mẽ nơi mặc khải và qua Giáo hội, thì ta cũng sẽ dễ dàng
bị các học thuyết, những lời biện luận dựa trên sự hiểu biết mê hoặc và có thể
làm ta sai lạc đức tin. Nghe Lời Chúa với thái độ khiêm tốn và lòng kính sợ sẽ
là phương cách nhận ra sự tác động của Thánh Thần hữu hiệu nhất.
******
Lạy
Chúa, trước thế giới truyền thông đa chiều, đa thông tin hiện nay đã làm chúng
con lúng túng khi tìm kiếm chân lý mặc khải. Chúng con dễ dàng bị mê hoặc bởi
những điều mới lạ, những điều làm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân và có thể khó
đón nhận những lời chân lý. Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con khiêm tốn và
hoán cải nội tâm để dám tin tưởng vào Lời của Chúa, và can đảm sống chứng tá Lời
của Ngài trong thế giới hôm nay. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét