Translate

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY


Đức Giêsu bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. (Ga 4, 50)

Sách Tin Mừng theo thánh Gioan được xem là Tin Mừng của mầu nhiệm tình yêu thương, vì nơi đây tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Tình thương của Thiên Chúa diễn tả bằng nhiều hình ảnh với nhiều cung bậc khác nhau qua những lời giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu. Tin Mừng hôm nay Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa làm phép lạ và lạ lùng hơn là Người chữa bệnh từ xa, chữa lành cho người con trai một vị sĩ quan cận vệ nhà Vua. Chắc hẳn ông sĩ quan này đã được nghe nhiều người nói về những điều Chúa Giêsu đã làm, và đức tin nơi vị sĩ quan đã bắt đầu hé nở nơi ông, nhân chuyện người con trai của ông đang bệnh liệt giường, ông đã trực tiếp đến gặp gỡ Chúa để xin Người chữa bệnh cho con trai của ông. Qua trình thuật, chúng ta thấy Chúa đã thử thách lòng tin nơi vị sĩ quan này qua lời khiển trách, nhưng ông không lí luận, không phân bua, không tự ái vì nơi ông đã tuyệt đối đặt tất cả trọn niềm tin nơi Chúa. Thấy được lòng tin mạnh mẽ của ông, nên Đức Giêsu nói: “Ông cứ về đi, con ông sống” (Ga4, 50). Ông đã tin ngay vào lời Đức Giêsu và ra về. Quả thật, con ông đã lành bệnh đúng vào giờ Chúa nói với ông: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin (x Ga 4, 53). Sau phép lạ, chúng ta thấy không những cá nhân ông nhưng cả gia quyến đều tin vào Chúa. Những điều ông từng nghe nhưng chưa thấy, hôm nay đã minh chứng cụ thể xảy ra từ chính trong gia đình ông, và còn hơn thế nữa còn thấy được quyền uy của Chúa qua việc chữa bệnh từ xa cho chính người con trai của ông. Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Ngài trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.

Phép lạ chữa con trai viên sĩ quan là một bằng chứng cao cả của tình thương Thiên Chúa, từ đây mọi nỗi khổ đau đều được hóa giải, sự tăm tối của cái chết không còn là nỗi ám ảnh nữa vì con người sẽ được giải thoát. Khi gặp Đức Giêsu viên sĩ quan không thách thức, không tra hỏi hay đặt vấn đề nguồn gốc thân thế của Đức Giêsu. Có lẽ ông đã nghe nói về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Cana nên ông hết sức tin tưởng và tiến đến xin Chúa Giêsu chữa cho con ông khỏi chết. Nhận thấy lòng tin của viên sĩ quan rất chân thành nên Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ khi ông chưa rời khỏi nơi ấy. Đức tin của viên sĩ quan một lần nữa cảnh tỉnh mỗi người chúng ta thái độ phải có khi cầu nguyện. Đôi lúc chúng ta cầu nguyện như là đang thách thức Thiên Chúa, nài ép Người ban cho ta những ơn lành có lợi cho chúng ta mà quên rằng Thiên Chúa thấu suốt hết mọi bí ẩn và ước muốn thâm sâu trong tâm hồn chúng ta. Khi cầu nguyện chúng ta phải đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, dám buông mình cho tình yêu dẫn dắt, dám liều lĩnh bước tiếp dù đường đời có gian nan trắc trở.

Phép lạ xảy ra trong một bối cảnh khá đặc biệt. Trong khi những người Do Thái tại Nagiarét không đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thì những người dân ngoại lại nhận được. Điều này cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không đến do mối liên hệ dân tộc huyết thống nhưng do lòng tin. Ơn cứu độ mang tính phổ quát không chỉ gói gọn trong một dân tộc Do Thái nhỏ bé nhưng mở rộng đến các dân ngoại. Những người Do thái thường hãnh diện là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, họ có thái độ ích kỷ hẹp hòi, kiêu căng tự mãn với những truyền thống của cha ông. Trái lại những người sống ở miền Galilê là nơi có nhiều dân ngoại nhưng họ lại có tấm lòng cởi mở dám đón nhận chân lý đức tin nên họ đã được Chúa Giêsu thực hiện 2 phép lạ. Ngày hôm nay, Chúa vẫn đang làm rất nhiều điềm thiêng dấu lạ cho giáo hội, cho thế giới, cho con người và cho chính bản thân mỗi người chúng ta. Những dấu lạ điềm thiêng ấy được diễn ra ngay trong Lời Chúa mà ta lắng nghe mỗi ngày. Những dấu lạ điềm thiêng ấy vẫn đang xảy ra qua những dấu chỉ thời đại hay trong mỗi biến cố vui buồn của đời ta. Nhưng liệu ta có dám tin vào quyền năng yêu thương của Chúa qua những dấu chỉ đó không? Ta có dám phó thác đời ta, sự sống của ta, tình yêu của ta và tất cả hạnh phúc của ta cho tình thương quan phòng của Chúa không? Chúa vẫn chờ đợi ta mỗi ngày, Ngài vẫn trở lại với ta trong mỗi biến cố đời thường, dù nhiều lúc ta còn nghi ngại, không dám vững tin vào Ngài. Chúa vẫn mãi mong ta có được một lòng tin đơn sơ đầy xác tín như người sĩ quan trong Tin Mừng, để Ngài có thể thi thố quyền năng yêu thương của Ngài trong đời ta và cho những người thân yêu của ta nữa. Vậy Mùa Chay năm nay có phải giờ của mỗi người chúng ta hay không? Nếu mỗi người chúng ta chỉ sống :Chay tịnh, Cầu nguyện chỉ như là những nghi thức nặng nề, phong trào, thì mùa chay sẽ ra vô ích. Trái lại với những ai nhận ra đây chính là giờ để tận hưởng ơn cứu độ, giờ để quay trở về giao hòa cùng Thiên Chúa, giờ để Thiên Chúa tái tạo con người mới, thì họ sẽ nhận được viễn cảnh Trời mới đất mới nơi tâm hồn mình.

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong cuộc sống luôn đặt niềm tin nơi Chúa, như vị sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay. Cho chúng con nhận ra được quyền năng nơi Thiên Chúa đã làm cho mỗi người chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY


Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (Mt 23,11)

Bài Tin Mừng hôm nay là những lời lên án của Chúa Giêsu đối với các nhà thông luật Do-thái về cách sống tự tôn, giả hình và ngôn hành bất nhất của họ. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu, bởi vì:

Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.

Nhiều tiến sĩ luật Do Thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.

Như thế, theo Đức Giê-su, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta. Đức Giê-su rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con người cụ thể là luật sĩ và Pha-ri-sêu. Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.

Hơn thế nữa, trong vô số những biểu hiện của căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài, Đức Giê-su đặc biệt chú ý đến cách xưng hô; và dường như Ngài đặt những cách xưng hô bình thường của chúng ta thành vấn đề, vì chúng ta vẫn gọi người khác và người khác cũng vẫn gọi chúng ta là “thầy”, là “bà thầy” là “cha”, là “đức cha”, là “bề trên thứ cấp” hay “bề trên thượng cấp”… ; và những cách xưng hô tương đương đối với phái nữ.

Bởi lẽ, cách xưng hô diễn tả tương quan và những cách xưng hô như thế rất dễ làm cho tương quan của chúng ta trở thành lệch lạc, nghĩa là chúng ta có thể tự biến mình hay người khác thành thần linh, thành một thứ tuyệt đối hay không thể không có, thành trung tâm, thành mẫu mực, thành điểm qui chiếu mà mọi người phải hướng về. Bệnh vẻ bề ngoài ở dạng này có thể nó là nghiêm trọng nhất. Như thế, rốt cuộc Đức Giêsu không muốn chúng ta thay đổi cách xưng hô, cho dù đã có những thay đổi thực sự về cách xưng hô theo hướng tương quan huynh đệ của Tin Mừng, nhất là sau Công Đồng Vaticanô II, và chắc chắn đã có ảnh hưởng trên cách chúng ta tương quan với nhau. Bởi vì, xét cho cùng, cách xưng hô vẫn dừng lại ở bên ngoài. Nhưng, sâu xa hơn nhiều vẻ bề ngoài, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cách chúng ta sống với nhau, ứng xử với nhau: dù chúng ta là ai, có chức vụ gì hay ở độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều có một Cha, một vị Thầy, đồng thời là vị Lãnh Đạo, và do đó, chúng ta là anh chị em của nhau trong Chúa. Đó mới là Sự Thật và chúng ta được mời gọi sống theo Sự Thật này, theo khuôn mẫu của chính Đức Giê-su. Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.

TÓM LẠI: Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội Thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người. 

*******
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY

Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy (Lc 6, 38b)

Mùa chay thánh, là hành trình thời gian, Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình làm cuộc biến đổi cuộc sống, sự biến đổi mang lại hiệu quả cao nhất, và mang lại niềm vui nhất cho bản thân và cho những người chung quanh, không gì hơn chính là “mùa tập sống nhân từ”, Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là lời dạy của Chúa Giêsu về việc xét đoán và sự tha thứ. Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại xoi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân. Chúng ta dễ nói lên ý kiến, nhận định chủ quan về người khác, mặc dù chúng ta chẳng có trách nhiệm để làm việc đó, hay sẵn sàng rêu rao cho mọi người biết về những sai lầm, khiếm khuyết của người khác nhằm ngầm ý đề cao mình hơn. Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Vì anh em xét đoán thế nào thì cũng sẽ bị xét đoán như vậy; anh em đong đấu nào thì sẽ được đong bằng đấu ấy”. Người khẳng định về cách đối xử của chúng ta với anh em đồng loại sẽ được trả lời trong ngày sau hết, tại có khi sẽ xảy ra ngay tại đời này. Chúa Giêsu không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình thì dễ dàng dùng mình làm tiêu chuẩn để lên án người khác, hay những khi “suy bụng ta ra bụng người”, mắt mình dính bụi thì thấy mọi thứ đều bẩn.

Mặt khác, mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ. Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai? Hơn thế nữa, lòng nhân từ còn mời gọi chúng ta tha thứ cho người khác vì chính chúng ta cũng cần được Thiên Chúa thứ tha. Không ai trong chúng ta là người trong sạch ngoại trừ Thiên Chúa. Tội nguyên tổ đã di căn trên chúng ta khiến chúng ta phải đau khổ và phải chết. Chỉ có ơn công chính của Thiên Chúa mới rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại. Vì thế muốn được Thiên Chúa tha thứ chính chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa nhưng nó chỉ được thực hiện khi chúng ta mở lòng đón nhận và tha thứ cho người khác. Quả thực, lòng quảng đại của Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn nếu chúng ta biết khiêm tốn cầu xin. Việc thi hành lòng nhân từ còn là thái độ chia sẻ với tha nhân. Chia sẻ không làm chúng ta hao mòn mất mát nhưng để được phong phú hóa, được lớn lên trong ân sủng và tình yêu. Ở một khía cạnh khác, lòng nhân từ còn được gọi là đức Mến, đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Như chiếc khăn được đan dệt bởi nhiều sợi chỉ ngang dọc làm nên tính bền chặt, đức mến thể hiện bằng mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nếu một trong hai tương quan đó gãy đổ thì chúng ta không thực thi được đức mến. Giáo hội dạy chúng ta một điều răn quan trọng nhất đó là mến Chúa yêu người. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng quyền năng đã tạo thành trời đất muôn vật. Người đã cho Con Một là Đức Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta phải yêu mến mọi người vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.

TÓM LẠI: Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha nhân từ; đồng thời Ngài cũng chỉ cho chúng ta phải sống thế nào để xứng đáng là con Cha trên trời: Đó là phải có lòng nhân từ, đừng xét đoán, đừng kết án nhưng biết tha thứ và biết cho đi. Đặc biệt, Chúa Giêsu cho biết tuỳ cách ta đối xử với người khác như thế nào mà chúng ta sẽ bị hay sẽ được Thiên Chúa đối xử như vậy. Nếu chúng ta xét đoán người khác, chúng ta cũng bị Thiên Chúa xét đoán; do đó, xét đoán hay kết án người khác là xét đoán hay kết án chính mình. Và đồng thời, cho người khác cách quảng đại, cũng là cách thức để nhận lãnh muôn hồng ân Chúa; vì Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta.

*********
Lạy Chúa! Qua lời Chúa dạy hôm nay, xin cho chúng con bỏ được tính xấu là thích lên án, xét đoán người khác. Xin cho chúng con -khi cảm nhận được tình Cha yêu thương, bao dung, tha thứ, ban tặng cho chúng con biết bao hồng ân; đặc biệt đã ban Người Con yêu dấu của Ngài- thì cũng hãy biết đối xử quảng đại với mọi người xung quanh chúng con. Chỉ như thế, chúng con mới xứng đáng là con Cha trên trời và là anh chị em với nhau. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - B

Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người(Mc 9, 7b)

Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giê-su biến hình trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Chính khi ở trên núi cao và trong lúc Đức Giê-su đang cầu nguyện sốt sắng, mà các môn đệ đã nhìn thấy khuôn mặt của Người biến đổi: Dung nhan Người trở nên sáng ngời như Mô-sê xưa kia, sau khi ông được gặp gỡ Đức Chúa (x. Xh 34,29-35); Y phục của Đức Giê-su trở thành trắng tinh như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho các người được Thiên Chúa tuyển chọn; Đồng thời có hai nhân vật đại diện Lề Luật và ngôn sứ thời Cựu Ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Như vậy tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Điều đáng lưu ý là giữa vinh quang ấy, hai vị này đã đàm đạo về cái chết của Đức Giê-su, như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và tiếng phán của Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Mô-sê Mới của thời Cánh Chung, như ông Mô-sê đã từng tuyên sấm (x. Đnl 18,15). Bài Tin Mừng còn cho thấy, đức tin cần thiết để giúp con người đối diện với đau khổ và khó khăn thử thách. Từ những ngày đầu, các tông đồ đi theo Chúa Giêsu với nhiều mục đích khác nhau. Các ông nuôi nhiều hy vọng mang tính vật chất, tìm kiếm địa vị, danh vọng theo kiểu trần gian. Chúa Giêsu đã phải nhiều lần thanh luyện ý hướng của các ông để các ông có thể đón nhận sự kiện tử nạn thập giá mà Chúa Giêsu sắp trải qua. Chúa Giêsu đã dùng nhiều cách để giúp các tông đồ tin Ngài là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa. Biến cố biến hình trên ngọn núi cao trước mặt các tông đồ hôm nay nhắm tới mục đích đó.

Trước khi nói với các tông đồ về việc: “Con người sẽ bị người ta bắt, bị hành hạ và đóng đinh trên thập giá”, Chúa Giêsu đã hé tỏ cho các ông thấy vinh quang Thiên Chúa ở nơi Ngài. Đưa các tông đồ lên núi cao, Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục trở nên trắng như ánh sáng, ông Mose và ông Elia hiện ra đàm đạo với Người. Chi tiết này, Tin Mừng cho thấy, ẩn khuất đằng sau con người của thầy Giêsu, chính là một vị Thiên Chúa quyền năng. Vì biết trước rằng, cuộc thương khó Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ là một thử thách kinh khủng đối với các tông đồ nên Chúa Giêsu đã muốn dùng biến cố biến hình để gia tăng lòng tin cho các ông. Một khi tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, các tông đồ có thể đón nhận biến cố thập giá và tử nạn của Chúa Giêsu với sự bình an, tin tưởng. Khi chứng kiến vinh quang của Thầy, các tông đồ ngây ngất trong hạnh phúc. Các ông ước ao kéo dài mãi giây phút hạnh phúc này, không muốn trở về với thực tế cuộc sống. Vì thế, Simon Phêrô thưa cùng Chúa: Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt quá! Nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho Elia. Thiên Chúa đã không muốn các tông đồ mải mê ngây ngất với hạnh phúc trên núi, nhưng muốn các ông trở về với hiện tại. Chúa Giêsu không cho các tông đồ kể lại với ai, để trong sự thinh lặng, các ông suy gẫm về những điều đã nghe và đã thấy.

Thiên Chúa Cha đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các tông đồ và xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài, đồng thời đòi buộc các môn đệ phải vâng nghe lời của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã có thể cứu con người bằng nhiều cách, nhưng Ngài lại muốn cho Con của Ngài đến ở với con người, yêu thương và cứu chuộc con người bằng cuộc đau khổ thập giá và cái chết của Ngài. Là Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha. Vì thế, những kẻ tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, cũng phải có thái độ hoàn toàn vâng phục Lời của Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã giải thích cho các tông đồ rõ hơn về cuộc tử nạn của Ngài và khẳng định với các ông về việc: Con Người từ cõi chết trỗi dậy. Nói điều này, Chúa Giêsu đã đưa các tông đồ đi một bước xa hơn trong niềm tin vào sự phục sinh Ngài sắp trải qua. Quả thật, chỉ sau cuộc phục sinh của Chúa, các tông đồ có dịp suy gẫm lại các sự kiện đã xảy ra mà chúa cho các ông được thấy, các ông càng thêm đức tin và trở thành người loan báo đức tin về Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã tử nạn và phục sinh.

TÓM LẠI: Theo Chúa Giêsu, chúng ta không tránh được mọi thử thách, nhưng chúng tin rằng, trong mọi thử thách, chúng ta không đơn độc, nhưng có Chúa ở bên nâng đỡ và gìn giữ chúng ta. Những lúc đau khổ, bệnh tật, thử thách liên tục như những cơn sóng vùi dập cuộc đời, chúng ta đừng hoảng loạn, đừng ngã lòng, vì tin rằng Chúa luôn cho chúng ta một giải pháp tốt nhất. Hãy vâng nghe lời Người, đó cũng chính là điều Chúa Cha muốn nói với từng người chúng ta. Chúa muốn chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu trong vâng phục và yêu mến. Chỉ khi tin, vâng nghe và đem ra thực hành, chúng ta mới nhận ra được sự an ủi đỡ nâng cũng như nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố khó khăn của cuộc đời. Thật vậy, Thiên Chúa Cha muốn các tông đồ và mỗi chúng ta vâng nghe lời Chúa Giêsu, tức là nghe trong sự vâng phục, tin tưởng và phó thác cho Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu vâng nghe và tin tưởng phó thác cho Chúa Cha. 

*******

Cuộc đời của mỗi chúng con luôn phải trải qua vui buồn, sướng khổ, sinh, lão, bệnh, tử, xin cho chúng con dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn lên Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, để xin Ngài thêm đức tin và sức mạnh cho chúng con vượt qua. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết để tâm lắng nghe và sẵn sàng vâng theo lời Chúa truyền dạy, dù lúc vui cũng như lúc buồn, để nhờ biết vâng nghe và thực hành, chúng ta trở nên những người con hiếu thảo của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5, 48)

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống Đức ái với tha nhân. Đặc biệt là với những người mình không ưa, không thích. Bình thường khi gặp một người mình thích, thì mình dễ dàng nói chuyện, chia sẻ cho nhau nhiều vấn đề vui buồn trong cuộc sống. Còn khi gặp người mình có thành kiến, hoặc đã có lần cãi vã, bất đồng vì một chuyện nào đó, tự nhiên mình thấy không thoải mái, muốn tránh đường khác để khỏi gặp mặt.”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã cho chúng ta phương cách trong Tin Mừng hôm nay : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Mỗi khi chúng ta cưu mang hận thù thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù. Mỗi khi chúng ta không thể tha thứ cho nhau và không cầu nguyện cho kẻ ghét mình, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự hủy hoại mình. Thật vậy, giáo luật yêu thương của Đức Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Luật yêu thương của Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan và tránh được vòng luẩn quẩn của bạo động và chiến tranh. Chọn lựa con đường bất bạo động không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay là chọn lựa của kẻ yếu thế, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý; chọn lựa con đường bất bạo động, và không trả thù là sự am hiểu thấu đáo và lòng tin tưởng rất lớn nơi khả năng yêu thương và được yêu thương tận đáy thâm sâu của mỗi con người; chọn lựa con đường yêu thương hòa bình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chấp nhận chịu thua thiệt, bị đàn ác…nhưng có thể mở ra một chuyển đổi mới cho một trật tự mới. Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đó là một chân lý! Quả vậy, học biết yêu thương, tha thứ và hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù là điều  chắc chắn không đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Đức Giê-su đã làm điều đó và cũng nhiều môn đệ của Đức Giê-su đã noi theo vì những lý do sau:

- Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giêsu trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. 

- Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

- Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ. 

- Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai? 

Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta tích chứa hận thù ghen ghét, gây thù oán với người khác để rồi lạc sâu vào vòng luẩn quẩn dối gian. Chúng ta dễ dàng đóng khung người khác trong những thành kiến cá nhân. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cái rác trong mắt người khác, dễ phân biệt kỳ thị và đẩy họ ra khỏi mối bận tâm của ta. Nếu hận thù chia rẽ làm trái tim chúng ta khép lại trước những nhu cầu của người khác thì tha thứ là lắng nghe và cảm thông, mở ra cho họ con đường sống hạnh phúc. Vì thế, tha thứ chính là tột đỉnh của yêu thương. Sống tâm tình của Mùa Chay, chúng ta còn được mời gọi dành ra những giây phút thinh lặng để cầu nguyện, nhìn nhận hành vi thái độ của mình đối với Chúa và tha nhân. Đồng thời chúng ta cũng ra đi chia sẻ cho tha nhân tình yêu thương và sự cảm thông nâng đỡ. Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu khẩn của chúng ta, lẽ nào chúng ta lại thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân. 

******

Lạy Chúa Giêsu là nguồn cội của tình yêu, xin cho chúng con biết đón nhận người khác với tất cả những giới hạn của họ, tìm thấy hình ảnh của Chúa nơi mọi người nhất là những ai bé nhỏ nghèo hèn. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa luôn bao trùm phủ kín thân phận con người, trái tim Chúa luôn rộng mở để ôm trọn những tâm hồn yếu đuối, quảng đại thứ tha cho những ai lầm lỗi, xin cho chúng con mỗi ngày cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu của Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại cho chúng con nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực. Amen.

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY


Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5, 23-24)

Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta sám hối ăn năn và canh tân đời sống. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần mà Chúa Giêsu giải thích về sự kiện toàn lề luật. Mở đầu là một lời mời gọi các môn đệ và “dân mới” phải công chính hơn các kinh sư, không phải xét theo tiêu chí luân lý đạo đức, nhưng đòi hỏi phải gắn bó với Chúa và đặt sự công chính trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê. Chúa Giêsu không dạy chúng ta bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô: giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.

- Về vấn đề giết người: Luật Môsê quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tuỳ nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai. Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, mà ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hoả ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiểm kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào…

- Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

- Tính tương quan chiều dọc với Thiên Chúa lại lệ thuộc nơi tương quan với đồng loại. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khi dâng lễ mà thấy mình còn bất hòa với ai thì để của lễ đó mà lo đi làm hoà trước đã… Việc dâng hiến lễ lên Thiên Chúa là việc thờ phượng làm đẹp lòng Chúa nhất, Chúa ưa thích nhất. Thế nhưng, nếu con người có điều gì bất hòa, thì cứ để của lễ trên bàn thờ mà đi làm hòa với nhau. Vì nếu đang bất hòa với nhau, mà không biết tha thứ cho nhau, thì việc dâng lễ vật nào có ích gì. Chúa muốn nhấn mạnh đến tinh thần hòa bình trong cộng đồng, và thái độ nhân từ, tha thứ cho nhau những lỗi lầm thiếu sót. Thật vậy, tha thứ là điều kiện để được thông hiệp với Thiên Chúa, và việc dâng Thánh lễ, kèm theo những lời cầu xin của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, mới đáng được Chúa thương chấp nhận và ban ơn.

-Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Cùng trong một ý tưởng trên, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày (đồng kẽm cuối cùng). Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng nhất. Bởi vì, không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Chúng ta không thể thực sự kính Chúa, nếu lòng thờ kính ấy không cắm rễ trong sự giao hòa với anh em. Mọi nghi lễ đạo đức sẽ trở nên vô nghĩa và lố bịch nếu hòa bình không ngự trị giữa những người cử hành. Nhiều người cảm thấy khô khan, nguội lạnh trong đời sống đạo đức, cảm thấy mình xa cách Thiên Chúa mà không ngờ rằng họ đang bị cản trở bởi bức tường bất hòa, ghen tương, chia rẽ do chính họ dựng lên. Cho nên, Ngài khuyên chúng ta hãy khiêm tốn và can đảm đi bước trước trong việc hòa giải. Trở nên khí cụ của bình an và yêu thương trong môi trường mình đang sống.

TÓM LẠI: Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại thái độ sống của mỗi người, xem chúng ta có biết chu toàn Luật Chúa dạy là sống yêu thương nhân từ, tôn trọng phẩm giá của nhau, tha thứ cho nhau, và xây dựng hòa bình trong đời sống gia đình và cộng đoàn. Quả vậy, mùa chay là thời gian chúng ta đến gần Chúa và cũng là dịp chúng ta đến gần anh chị em của mình hơn trong cảm thông, tha thứ và thành tâm kiến tạo tình huynh đệ. Ước gì mỗi người chúng ta biết nhìn nhận sự bất toàn của mình để khiêm tốn sống giữa anh chị em và cũng biết đón nhận anh em trong tinh thần cảm thông và tha thứ. Xin cho mỗi người chúng ta luôn xác tín: Loại bỏ người khác là loại bỏ chính Chúa, vì “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.  

*********

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

LỄ LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ-RÔ


“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19).

Gần đây có một số anh chị em Tin Lành (quá khích) lên án rằng, Giáo Hội Công Giáo lập ra một cái lễ để ăn mừng một cái ngai và để tôn thờ nó như ham thích quyền lực. Không phải thế, Giáo Hội Công Giáo mừng lễ này như là một sự kiện nhớ về nguồn gốc việc thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn làm người đứng đầu săn sóc Giáo Hội chiến đấu và là nơi nối kết sự hiệp nhất bằng mối dây liên kết đức tin. Giáo Hội cũng mừng lễ này nhằm nói lên lòng tôn kính với quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô, tính duy nhất và tông truyền của Giáo Hội, đồng thời mời gọi con cái Giáo Hội khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha đương nhiệm. Chung quy lại, ngai toà Phêrô nói lên sự kiên vững và quyền bính Chúa ban cho Giáo Hội của Người. Như vậy, hôm nay chúng ta mừng tông tòa thánh Phêrô, đối tượng không phải là chiếc ghế, mà là việc Chúa chọn gọi Phêrô cầm giữ chức vụ giáo huấn trên toàn Hội Thánh Đó cũng là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay.

Thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên - lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ - sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo Hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa đã tin tưởng thánh Phêrô, trao cho người quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.”(x. Mt 16, 19) . Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý. Việc Chúa Giêsu trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô cũng được hiểu như là biểu tượng Giáo Hội gìn giữ kho tàng ơn thánh và ơn cứu độ được đem đến qua Giáo Hội. Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17), và chỉ có Giáo Hội mới nhận biết đúng đắn nhất về Chúa Kitô: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Theo nghĩa rộng, chìa khóa Nước Trời còn là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người.

Hôm nay, Lời Chúa cho chúng ta biết 3 mức độ theo Chúa:

Mức độ 1 là mức độ của dân chúng: Thấy việc Chúa làm và nghe Chúa giảng mà không suy nghĩ gì thêm thì chỉ coi Chúa là một ngôn sứ nào đó mà thôi.

Mức độ 2 là mức độ của Phêrô: Được ơn Chúa soi sáng để tuyên xưng danh Chúa, nhưng nếu không có sự hợp tác của bản thân con người là “bước theo” Chúa thì vẫn có thể phản đối Chúa và cản bước Ngài.

Mức độ 3 là mức độ mà Chúa Giêsu đòi hỏi: Hiểu biết Chúa cộng thêm sự dấn thân từ bỏ và vác thập giá theo Ngài.

Như vậy, có một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: “Tôi đang ở mức độ nào?”. Tôi chỉ coi Chúa như là một ngôn sứ, cho nên tôi chỉ đến với Ngài để xin ơn mà thôi. Nếu tôi không được đáp ứng thì tôi sẽ bỏ Ngài? Hay miệng tôi cũng tuyên xưng danh Chúa, cũng cao rao Ngài là lẽ sống đời tôi nhưng tôi lại ngại  khó trốn khổ? Hay tôi sẵn sàng từ bỏ những vinh quang trần thế, từ bỏ những cám dỗ thấp hèn ngược lại với thập giá Đức Kitô, đón nhận thập giá của chính Đức Kitô để cùng được vinh quang với Ngài ? Chúng ta hãy trả lời cho Chúa câu hỏi này và dâng lên Ngài cùng với của lễ trên bàn thờ hôm nay là chính lòng khao khát và quyết tâm bước theo Đức Kitô cùng với thập giá và vinh quang của Ngài.

******

Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá là thánh Phêrô, Chúa cũng trao cho các đấng kế vị thánh Phêrô quyền bảo vệ đức tin, mối dây hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho mọi người chúng con luôn biết quy phục Đức Thánh Cha, nhiệt thành xây dựng và làm phát triển Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân theo phận vụ của mình, để Nước Chúa ngày một lan rộng khắp nơi. Amen.