Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (Mt 23,11)
Bài Tin
Mừng hôm nay là những lời lên án của Chúa Giêsu đối với các nhà thông luật
Do-thái về cách sống tự tôn, giả hình và ngôn hành bất nhất của họ. Đức Giêsu mời
gọi các môn đệ đi theo Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng
sống theo các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu, bởi vì:
Các
người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những
đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho
những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người
Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng
họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên
trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ
bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực,
ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để
rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức
quyền… Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che
giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm
của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng
ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho
tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi
sự.
Nhiều
tiến sĩ luật Do Thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi
đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che
đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính
họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho
họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ
chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. Thật
ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị
nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình
lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người
khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người”
– chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng
ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai
giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.
Như thế,
theo Đức Giê-su, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống
theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề
ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của
một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận
ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ,
là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân
chúng ta. Đức Giê-su rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã
nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục
cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con
người cụ thể là luật sĩ và Pha-ri-sêu. Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi
chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để
thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng
hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa
trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng
để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy
trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và
Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.
Hơn thế
nữa, trong vô số những biểu hiện của căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài, Đức Giê-su
đặc biệt chú ý đến cách xưng hô; và dường như Ngài đặt những cách xưng hô bình
thường của chúng ta thành vấn đề, vì chúng ta vẫn gọi người khác và người khác
cũng vẫn gọi chúng ta là “thầy”, là “bà thầy” là “cha”, là “đức cha”, là “bề
trên thứ cấp” hay “bề trên thượng cấp”… ; và những cách xưng hô tương đương đối
với phái nữ.
Bởi lẽ,
cách xưng hô diễn tả tương quan và những cách xưng hô như thế rất dễ làm cho
tương quan của chúng ta trở thành lệch lạc, nghĩa là chúng ta có thể tự biến
mình hay người khác thành thần linh, thành một thứ tuyệt đối hay không thể
không có, thành trung tâm, thành mẫu mực, thành điểm qui chiếu mà mọi người phải
hướng về. Bệnh vẻ bề ngoài ở dạng này có thể nó là nghiêm trọng nhất. Như thế,
rốt cuộc Đức Giêsu không muốn chúng ta thay đổi cách xưng hô, cho dù đã có những
thay đổi thực sự về cách xưng hô theo hướng tương quan huynh đệ của Tin Mừng,
nhất là sau Công Đồng Vaticanô II, và chắc chắn đã có ảnh hưởng trên cách chúng
ta tương quan với nhau. Bởi vì, xét cho cùng, cách xưng hô vẫn dừng lại ở bên
ngoài. Nhưng, sâu xa hơn nhiều vẻ bề ngoài, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi
cách chúng ta sống với nhau, ứng xử với nhau: dù chúng ta là ai, có chức vụ gì
hay ở độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều có một Cha, một vị Thầy, đồng thời là vị
Lãnh Đạo, và do đó, chúng ta là anh chị em của nhau trong Chúa. Đó mới là Sự Thật
và chúng ta được mời gọi sống theo Sự Thật này, theo khuôn mẫu của chính Đức
Giê-su. Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta
chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu
Kitô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để
“tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của
Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa
Giêsu đã đi.
TÓM LẠI: Mọi người chúng ta được Chúa mời
gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội Thánh, chúng ta hãy học lấy tinh
thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức
quyền và danh vọng để được hơn người…Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần
có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người
khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi
người.
*******
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm
Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được
vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét