Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5, 48)
Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta sống Đức ái với tha nhân. Đặc biệt là với những người
mình không ưa, không thích. Bình thường khi gặp một người mình thích, thì mình
dễ dàng nói chuyện, chia sẻ cho nhau nhiều vấn đề vui buồn trong cuộc sống. Còn
khi gặp người mình có thành kiến, hoặc đã có lần cãi vã, bất đồng vì một chuyện
nào đó, tự nhiên mình thấy không thoải mái, muốn tránh đường khác để khỏi gặp mặt.”. Tuy
nhiên, Chúa Giêsu đã cho chúng ta phương cách trong Tin Mừng hôm nay : “hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Mỗi
khi chúng ta cưu mang hận thù thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù. Mỗi khi
chúng ta không thể tha thứ cho nhau và không cầu nguyện cho kẻ ghét mình, đó là
lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự hủy hoại mình. Thật vậy, giáo luật
yêu thương của Đức Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Luật yêu
thương của Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng
ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu
tan và tránh được vòng luẩn quẩn của bạo động và chiến tranh. Chọn lựa con đường
bất bạo động không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay là chọn lựa của kẻ
yếu thế, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh
của chân lý; chọn lựa con đường bất bạo động, và không trả thù là sự am hiểu thấu
đáo và lòng tin tưởng rất lớn nơi khả năng yêu thương và được yêu thương tận
đáy thâm sâu của mỗi con người; chọn lựa con đường yêu thương hòa bình đòi hỏi
sự kiên nhẫn, chấp nhận chịu thua thiệt, bị đàn ác…nhưng có thể mở ra một chuyển
đổi mới cho một trật tự mới. Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu
nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “ai dùng gươm
sẽ chết vì gươm”. Đó là một chân lý! Quả vậy, học biết yêu thương, tha thứ và
hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù là điều chắc chắn không đơn giản,
nhưng không có nghĩa là không làm được. Đức Giê-su đã làm điều đó và cũng nhiều
môn đệ của Đức Giê-su đã noi theo vì những lý do sau:
- Nếu
chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người
tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giêsu trên thập
giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị
ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những
Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương
kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
-
Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả
thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một
bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật
ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những
mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận
càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả
thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và
cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải
mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
- Bởi
khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ
trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả
đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất
là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một
cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối
phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối
cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
-
Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại
chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước
Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị
Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm
giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta
thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người
lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét
ai?
Biết bao
lần trong cuộc sống chúng ta tích chứa hận thù ghen ghét, gây thù oán với người
khác để rồi lạc sâu vào vòng luẩn quẩn dối gian. Chúng ta dễ dàng đóng khung
người khác trong những thành kiến cá nhân. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cái rác
trong mắt người khác, dễ phân biệt kỳ thị và đẩy họ ra khỏi mối bận tâm của ta.
Nếu hận thù chia rẽ làm trái tim chúng ta khép lại trước những nhu cầu của người
khác thì tha thứ là lắng nghe và cảm thông, mở ra cho họ con đường sống hạnh
phúc. Vì thế, tha thứ chính là tột đỉnh của yêu thương. Sống tâm tình của Mùa
Chay, chúng ta còn được mời gọi dành ra những giây phút thinh lặng để cầu nguyện,
nhìn nhận hành vi thái độ của mình đối với Chúa và tha nhân. Đồng thời chúng ta
cũng ra đi chia sẻ cho tha nhân tình yêu thương và sự cảm thông nâng đỡ. Thiên
Chúa luôn lắng nghe lời cầu khẩn của chúng ta, lẽ nào chúng ta lại thờ ơ với những
nhu cầu của tha nhân.
******
Lạy Chúa
Giêsu là nguồn cội của tình yêu, xin cho chúng con biết đón nhận người
khác với tất cả những giới hạn của họ, tìm thấy hình ảnh của Chúa nơi mọi người
nhất là những ai bé nhỏ nghèo hèn. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa luôn bao trùm
phủ kín thân phận con người, trái tim Chúa luôn rộng mở để ôm trọn những tâm hồn
yếu đuối, quảng đại thứ tha cho những ai lầm lỗi, xin cho chúng con mỗi ngày cảm
nghiệm sâu xa hơn tình yêu của Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại cho chúng con
nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét