Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy,
ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. (Mc 1, 35)
Thiên
Chúa ban cho mỗi người một ngày hai mươi bốn tiếng. Có người biết sử dụng để
sinh lợi cho mình và cho người khác, nhưng cũng có những người đã để thời gian
trôi qua một cách uổng phí. Có người cảm thấy vui và hạnh phúc về từng giây
phút trong cuộc đời, thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, nhưng cũng có những người cảm
thấy cuộc đời mình buồn tẻ, nhàm chán. Bài tin mừng hôm nay nối tiếp bài tin mừng
chủ nhật tuần rồi. Sự kiện xảy ra ở Ca-phác-na-um, thành phố nổi tiếng có nhiều
tệ nạn xã hội, và là nơi qua đường của những người không mấy lương thiện. Nhưng
chính đó là nơi mà Chúa Giê su đã chọn để bắt đầu sứ vụ, để loan báo Tin mừng
Nước Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc vất vả của Đức
Giê-su từ sáng sớm đến tối đêm. Qua đó, Đức Giê-su đã nêu ra những chỉ dẫn để
thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng:
Điểm thứ
nhất, ngày Sa-bát, Đức Giê-su đến Hội đường thành Ca-phác-na-um và được mời đọc
Sách Thánh và giải nghĩa Kinh Thánh. Sứ vụ loan báo Tin Mừng là một phần quan trọng
của đời sống người môn đệ Đức Giê-su. Những ai muốn làm môn đệ của Đức Giê-su
phải hăng say rao giảng Lời Chúa cho mọi người, để nhờ lắng nghe và thực hành Lời
Chúa, người ta mới biết sự thật về Thiên Chúa, biết được con đường mình phải
đi. Bấy giờ Lời Chúa sẽ trở thành ánh sáng soi đường hướng dẫn tư tưởng, lời
nói, hành động của người tín hữu giúp họ có Sự Sống đời đời. Mỗi người tín hữu
cần ý thức sứ vụ của mình là loan báo Tin Mừng như thánh Phaolo đã nói trong
bài đọc II hôm nay: “Khốn thân tôi nếu
tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Quả thật, Chúa Giê su là con người
của Lời. Như Ngài, chúng ta được kêu gọi trở thành nhân chứng cho Tin mừng bằng
chính lời của chúng ta, cũng như bằng tất cả mọi phương tiện mà chúng ta đang
có. Sứ điệp của Đức Ki tô dành cho tất cả mọi người, vì Ngài đã đến trong thế
giới là để ban sự sống của Ngài cho nhân loại.
Điểm thứ
hai trong ngày hoạt động của Chúa Giê su là cuộc chiến chống lại ma quỷ. Khi rời
khỏi hội đường nơi Ngài vừa giảng dạy, Chúa Giê su hướng về nhà ông Si mon Phê
rô. Ngài chữa bệnh cho mẹ vợ ông Phêrô đang cơn sốt nặng. Rồi chiều đến, người
ta dẫn đến Chúa Giê su tất cả mọi bệnh nhân. Và không chỉ dùng lời nói, Chúa
Giêsu còn dùng cả hành động để tấn công sự dữ thể lí và luân lí, nguyên do khiến
người ta phải đau khổ. Sứ mạng của Ngài là giải thoát con người khỏi tất cả những
gì cản trở không cho họ sống phong phú. Các sách Tin mừng thường nói với chúng
ta về cuộc chiến của Chúa Giê su chống lại địch thù của Thiên Chúa và con người.
Đó là một cuộc chiến hàng ngày chống lại thần khí sự dữ đã ngăn cản con người sống
hòa hợp với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình. Thật vậy, ma quỷ luôn muốn
giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỷ trói buộc con người sẽ bị mất hết
ý chí, không thể tự làm điều lành, mà luôn phải làm theo lệnh truyền của ma quỷ.
Tin Mừng của Đức Giê-su có sức mạnh giải thoát con người khỏi sự trói buộc của
ma quỷ, khỏi những phong tục mê tín lạc hậu. Nhờ đó con người có thể vươn lên,
sống xứng đáng với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Như Chúa Giê su, chúng ta cũng
được mời gọi quan tâm đến các đau khổ của con người hôm nay. Và cũng như Chúa
Giê su, chúng ta hãy tìm thời giờ lắng nghe, tiếp nhận và thăm viếng những người
đang bị đau khổ. Không gì có thể thay thế sự tiếp xúc cũng như sự gặp gỡ thân
tình.
Sau hết, khi
đã là người của Lời và cuộc chiến chống lại sự dữ, Chúa Giê su rút lui một mình
vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Ngài dành thời giờ để ở với Chúa Cha. Ngài
cho chúng ta hiểu rằng không thể có sự rao giảng tin mừng mà không có sự tiếp
xúc thường xuyên với Chúa Cha trong sự cầu nguyện và nhất là trong Bí tích
Thánh Thể. Chính đó là nơi mà chúng ta kín múc sức mạnh cần thiết cho sứ mang
mà Đức Ki tô giao phó cho chúng ta. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của cầu nguyện.
Đức Giê-su cầu nguyện vì muốn được kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, để tìm
thánh ý Chúa Cha và để có nguồn sức mạnh giúp cho các hoạt động loan báo Tin Mừng.
Các tín hữu hôm nay muốn dấn thân thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, mở mang Nước
Trời cũng phải biết noi gương Đức Giê-su cầu nguyện để đón nhận được sức mạnh từ
nơi Chúa Cha. Việc chăm chỉ học sống Lời Chúa rất cần để hiểu biết thánh ý
Thiên Chúa và chia sẻ tình thương của Chúa cho tha nhân.
Đó là ba
khía cạnh trong ngày sống của Chúa Giêsu: lời giảng dạy, cuộc chiến chống lại
sự dữ và lời cầu nguyện. Chính trên con đường đó mà chúng ta được mời gọi đồng
hành với Ngài. Cả chúng ta cũng phải dấn thân từng bước giống như Ngài: làm chứng
bằng lời, làm chứng bằng dấn thân phục vụ người đau khổ và cuối cùng giao phó tất
cả những sự ấy cho Chúa trong lời cầu nguyện. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể,
chúng ta hướng về đấng đã dấn thân cho đến cùng, bằng cách tận hiến chính mình
cho sứ mạng giải thoát ấy. Cùng với Ngài, chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng.
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su sau khi ra khỏi hội đường
Ca-phác-na-um, đã chữa khỏi bệnh sốt cho bà mẹ vợ của ông Phê-rô, đã chữa lành
mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Chúng ta dù có đang bị đau khổ, thì cũng sẽ
được vơi bớt nếu biết mở rộng lòng để cho đi, biết ra khỏi mình để đến với tha
nhân. Sức nặng của thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng nếu chúng ta biết đến cầu nguyện
với Chúa Giê-su và biết quên mình xoa dịu nỗi đau của tha nhân. Không ai quá
nghèo đến độ không thể cho đi một điều gì đó: Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt
khích lệ động viên, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm manh áo cho người nghèo
khó kèm theo tấm lòng yêu thương... Chính trong lúc cho đi là lúc chúng ta sẽ
được nhận lại như lời Chúa Giê-su: “Cho
thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) và như lời cầu trong kinh hoà bình của
thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân
là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính
khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
*********
Lạy
Chúa! Xin hãy dừng bước chân con, xin hãy dừng bước chân con! Xin cho
thần kinh con đang suy nhược được mạnh mẽ, cho gân cốt con đang rệu rã
được hồi phục, cho trái tim con đang lo buồn được an ủi, cho tâm hồn
con đang xáo trộn được bình an... Xin dạy con biết dừng lại công việc
đang làm trong vài ba phút ngắn ngủi để con trở về đối diện với
lòng mình, lắng nghe lời Chúa và từ đó rút ra sự can đảm mới, sức
mạnh mới và nguồn sống mới để đạt được kết quả tốt hơn. Lạy Chúa,
xin hãy dừng bước chân con! Amen!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét