Translate

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

LỄ THÁNH GIUSE THỢ


Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? (Mt 13,55)

Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ hôm nay được Giáo Hội chọn, đó là vì người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên : Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do thái cùng quê với Đức Giê-su, nhưng đàng khác lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, thực sự dưới mắt mọi người là “Con Bác Thợ” ! Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu bình thường nhất của dân làng. Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc. Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý. Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ. Chính vì thế mà người lao động đơn sơ nhưng biết hướng tâm hồn lên Chúa lại gần gũi với Chúa hơn một người trí thức cậy vào hiểu biết chính mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ. Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương. Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa. Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác, Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy. Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài. Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến, khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu. Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng, dân làng Nazareth đã không tin Chúa, vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công trong mắt họ. Các môn đệ đã không tin Chúa, khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự như một người bình thường không quyền phép để tự giải thoát chính mình. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa, chỉ vì Chúa sống như một con người, Cũng có lúc chúng ta không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn, nơi những người chúng con gặp hằng ngày, chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

********

Lạy Chúa, dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con, để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban, và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta hiệp nhất trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi. Amen!

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HÀNH TRÌNH EMMAUS


Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (Lc 24, 31)

Bài Tin Mừng kể về hành trình Em-mau đã được đọc vào ngày thứ tư trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, hôm nay chúng ta có dịp được nghe lại lần nữa trong Chúa Nhật III Phục Sinh này, cho thấy “hành trình Em-mau” có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống đức tin của Kitô hữu.
Cũng giống như hai môn đệ Em-mau, chính Đức Ki tô đến gặp chúng ta trên nẻo đường chúng ta đang đi. Ngài hiện diện và cùng với chúng ta đối đầu trước những tình huống đau thương trong cuộc sống. Có Chúa Giê su cùng đi, chúng ta không cô độc. Ngài luôn đồng hành với chúng ta, nhưng có quá nhiều lần chúng ta đã không thể nhận ra Ngài. Và khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, người môn đệ không đi theo lối mình thất vọng nữa, mà quay lại với cộng đoàn, tìm gặp gỡ đồng môn và cùng nói về Đấng Phục Sinh, để từ đó ra đi loan báo Tin Mừng. Cũng thế, khi cảm nhận được ánh sáng Phục Sinh, chúng ta cũng biết bỏ con đường cũ mà quay trở về với Chúa, với cộng đoàn và với anh em, cùng nhau kể lại cảm nghiệm gặp Chúa và những gì Chúa làm cho chúng ta. Đồng thời loan báo Chúa Phục Sinh cho mọi người trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta gặp gỡ.

Cuối cùng, điều đặc biệt hơn cả trong biến cố đường Em-mau này là “nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”: Hai môn đệ thất vọng trở về quê nhà ở Emmaus. Khi trời về chiều, người khách lạ cùng đi với họ dường như muốn mời họ tiếp tục cuộc hành trình. Họ cố gắng níu kéo người khách ấy lại qua đêm với họ. Trong bữa ăn theo truyền thống do thái, chính người khách lạ đọc lời chúc tụng thay cho chủ gia đình, nên Chúa Giê su cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và chia cho họ. Bấy giờ mắt họ mở ra và họ đã nhận ra Ngài. Đối với chúng ta cũng thế, chính Thánh Thể cho phép chúng ta nhận ra Đức Ki tô và trở nên chứng nhân Phục sinh cho Ngài. Đó là cao điểm và thời khắc vô cùng quan trọng trong tuần, nhưng không phải là duy nhất. Sau thánh lễ ở nhà thờ, chúng ta được mời gọi hãy sống tương thân tương ái với tất cả những người chung quanh, đặc biệt với những người nghèo nhất và bị thử thách nhất. Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải đi đầu khi chúng ta chia sẻ với người đói khát, khi chúng ta chiến đấu chống lại sự kì thị, khi chúng ta đồng hành với những người bị thương trong cuộc sống, đó là những dấu chỉ cần thiết giúp cho mọi người nhận ra Đức Ki tô đang sống trong các môn đệ và trong Giáo Hội. Sau hết, chúng ta được sai đi để làm chứng cách đơn giản nhưng bằng cả tâm hồn rằng: “ĐÚNG THẬT, CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI RỒI, VÀ NGÀI ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA”.

******
Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho chúng con khi đến bàn tiệc Thánh Thể qua cử chỉ bẻ bánh mà chúng con nhận ra Chúa hiện diện, đồng thời khi chúng con bẻ bánh trao cho nhau, mọi người nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cũng cho chúng con gặp được Chúa để chúng con từ bỏ lối sống cũ mà quay về với cộng đoàn. Và khi chúng con phải chán chường thất vọng, xin Ngài hãy đến đồng hành và nâng đỡ chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH


Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6, 20)

Câu chuyện “vượt biển” hôm nay được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giêsu thì lại lên núi cầu nguyện. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời.

Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… tất cả làm cho người Kitô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma. Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỷ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên. Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay, giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin. Khi Chúa chưa đến thì bóng tối, sóng dữ hoành hành, nhưng khi Chúa đến thì là bến bờ và đích đến của môn đệ. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa, thì sự dữ, ma quỷ sẽ bị đẩy xa.

******

Lạy Chúa, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời”, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH


Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. (Ga 6, 11)

Chắc chắn rằng, phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện không chỉ được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại, mà Tin Mừng thứ IV cũng đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và những nhân vật cụ thể trong phép lạ này. Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). Phép lạ chỉ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư 5 chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
VÌ THẾ: cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).

- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.

- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.

- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người      đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ      phải xin rồi mới cho.

TÓM LẠI: Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.

- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

*****

Lạy Chúa, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xóa dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH


Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy. (Ga 3, 36)

Tin được coi như là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng (Phúc cho những ai không thấy mà tin: Ga 20,29). Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng là phần cuối của cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh nội dung mạc khải về Ơn Cứu Độ của Chúa Giê-su, và điều kiện tiên quyết để được cứu độ là phải tin vào Con Thiên Chúa. Ông Ni-cô-đê-mô hay các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo. Cũng vì lẽ đó, Chúa đã dạy các môn đệ am hiểu Thánh Kinh viết về Người như thế nào rồi mới sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh như Thánh Kinh chép về Người, chứ không phải rao giảng một vị chúa nào đó theo những gì suy luận ra.

Do đó, niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân. Nếu chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận. Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo.

*********

Lạy Chúa, chúng con là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng sự cảm nghiệm đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng con có đức tin nhưng đức tin chúng con còn non kém lắm, nên xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

THỨ TƯ TUẦN 2 PHỤC SINH


Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3, 16-17)

Trong cách nhìn nhân loại, ai trong chúng ta nếu chỉ có một đứa con trai duy nhất, thì chúng ta sẽ coi nó như là tất cả của đời mình, của cả cuộc sống mình, của cả giống nòi mình, nên chúng ta sẽ hết sức cung phụng nâng niu, bằng mọi giá phải bảo vệ nó, và chỉ chấp nhận san sẻ khi cho đứa con xây dựng gia đình với một người con gái để duy trì dòng tộc. Trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con, và Chúa Con là đứa Con Duy Nhất của Chúa Cha từ đời đời. Tuy nhiên, vì yêu thương con người, Chúa Cha đã cho đứa Con Duy Nhất của mình đến với thế gian, để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong văn mạch nói về Đấng Mặc khải đối mặt với các Thủ lãnh Do Thái và kết quả của sự Mặc khải là lời chứng về Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô…Lời mặc khải này như một bằng chứng về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người, cho dù con người có ở trong tình trạng nào đi nữa, Tình Yêu Thiên Chúa vẫn mời gọi che phủ và bao bọc họ. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng lòng trí, tâm hồn của chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, để hiểu biết và cảm nghiệm sâu xa rằng: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta thật lạ lùng khôn tả, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ, được sống và được hạnh phúc đời đời. Vì thế, Ngài đã hy sinh ban Con Một của Ngài cho chúng ta.

Suy đến tình yêu lớn lao khôn tả của Thiên Chúa đối với chúng ta, chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa, yêu mến Chúa, đền đáp tình yêu của Chúa bằng cách sống tốt lành thánh thiện, sống trong sự thật, hết lòng tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô, tuân phục lời Ngài và thánh ý của Thiên Chúa mà thực thi trong cuộc sống. Đồng thời biết yêu thương người khác như Thiên Chúa đã yêu thương ta, sẵn sàng trao ban cho người khác những gì quý hóa nhất của ta vì hạnh phúc của họ; như tài năng sức khỏe, thì giờ, sở thích nhu cầu quyền lợi. Nhất là biết cầu nguyện cho mọi người tin Chúa Giêsu, sống theo lời Ngài để họ được ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban cho họ. Như thế chúng ta đã chứng thực niềm tin của mình vào Thiên Chúa, và Đức Kitô và ơn cứu độ mà Ngài đã ban cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn của Ngài. Sống như thế chúng ta làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và đang ở trong Thiên Chúa.

******

Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

THÁNH MÁC-CÔ THÁNH SỬ


Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  (Mc 16, 15)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Tin Mừng Thánh Mác-cô, vị thánh sử mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đoạn Tin Mừng mô tả lệnh truyền của Đấng Phục Sinh dành cho hết những ai theo Người: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.

• Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.

• Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.

• Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.

• Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.

• Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

Tiếp theo lệnh truyền là lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.

• Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).

• Cần phân biệt giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.

*******

Lạy Chúa! Từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con luôn biết hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

THỨ 2 TUẦN 2 PHỤC SINH


Đức Giê-su đáp: Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. (Ga 3,5)

Trong mùa Phục Sinh, phụng vụ Giáo hội tiếp tục cho chúng ta suy niệm về sự sống lại của Chúa Giêsu. Qua cuộc khổ nạn và chịu chết trên thánh giá, Chúa Giêsu thực sự chiến thắng tử thần và tiến vào cuộc sống mới đầy vinh quang. Mầu nhiệm này đã được Người tiên báo nhiều lần cho các môn đệ và cho cả ông Nicôđêmô.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh. Nhờ cuộc tái sinh này, con người được gia nhập vào Nước Thiên Chúa. Ông Nicôđêmô chưa hiểu lắm về ý nghĩa của hai chữ “tái sinh”. Ông chỉ hiểu như là hai từ đó như phải sinh lại một lần nữa theo con đường tự nhiên, giống như người mẹ sinh con cái. Sở dĩ ông Nicôđêmô không hiểu được vì ông còn đang dừng lại ở cái nhìn giới hạn của con người, ông chỉ nhìn thấy hiện tượng vật chất, những cái “có” và cái “không” ở trần gian. Đức Giêsu hướng ông nhìn lên tầm cao mới với sự soi rọi của ánh sáng mạc khải, Chúa muốn hướng ông đến một cuộc tái sinh thiêng liêng, thuộc tinh thần, hơn là một sự sinh hạ thể lý tự nhiên. Đó là sự sinh lại “bởi trời”, một sự tái sinh mới bởi “nước và Thánh Thần”, thì mới được vào Nước Thiên Chúa. Qua những lời dạy của Chúa Giêsu về ơn tái sinh, Chúa dạy chúng ta nhớ đến Bí tích Thánh tẩy mà chúng ta lãnh nhận từ khi còn thơ bé. Và vì bản tính yếu đuối, chúng ta dễ dàng buông theo dục vọng tự giam hãm đời mình trong bóng tối của tội lỗi. Muốn thắng vượt được sự kìm hãm của xác thị và những đam mê thấp hèn, chúng ta phải can đảm chiến đấu, dù có phải chấp nhận cả những thương tích và thất bại. Mặt khác chúng ta cần có đời sống cầu nguyện liên lỉ, lòng khát khao hướng về Thiên Chúa như cùng đích của cuộc đời mình. Hơn nữa, ơn tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy còn giúp chúng ta được sống một đời sống mới. Bởi thế, chúng ta phải triệt để sống xứng đáng với ơn làm con cái Chúa, phải xa lánh tội lỗi, từ bỏ nết xấu, chiều theo những đam mê bất chính; vì những điều đó dễ làm chúng ta đánh mất ơn làm con cái Chúa.

TÓM LẠI: Mang thân phận phàm nhân, chúng ta bị giam hãm trong một trí hiểu đầy giới hạn, một con tim nhỏ bé, vì thế chúng ta chỉ có thể hiểu được mặc khải nhờ ánh sáng của Thần Khí. Hay nói cách khác muốn được ơn tái sinh là chúng ta phải sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, phải khiêm tốn để Người biến đổi chúng ta nên những con người vẹn toàn, đây cũng là điều kiện cần phải có để được vào Nước Thiên Chúa.

*****

Lạy Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, nhờ cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người, xin cho chúng con được ơn tái sinh hầu trở nên con cái Thiên Chúa, được sống trong Vương Quốc tràn ngập ánh sáng và niềm vui Cứu Độ. Amen.

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

NIỀM TIN - HẠNH PHÚC THẬT SỰ


Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! (Ga 20, 29)

Bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật lên niềm tin của một vị Tông Đồ trước và sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ sự cứng lòng của Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân. Nếu chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Vì thế, trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Hay nói một cách khác liệu đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người chúng ta hay không? Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó.

Hình ảnh của thánh Tôma tông đồ phản ánh mọi thái độ tin của chúng ta ngày hôm nay: có người đòi thấy mới tin, có người tin vì không thể chối cãi, có người không thấy mà tin. “Phúc thay những người không thấy mà tin”: lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000 năm, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Thật vậy, phúc thay những người không thấy mà tin là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

******

Lạy Chúa, chúng con là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng sự cảm nghiệm đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng con có đức tin nhưng đức tin chúng con còn non kém lắm, nên xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Sau khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Đây là bản tường thuật duy nhất của thánh sử Máccô về biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Bài tường thuật ngắn gọn nhất nhưng lại tóm tắt tất cả các cuộc hiện ra. Thánh sử Máccô nói rõ rằng, các môn đệ không tin Chúa sống lại qua những người đã gặp Chúa kể lại, mà các ngài chỉ tin khi chính các ngài tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu hiện đến với mình. Từ đó, các ngài nhận lệnh truyền ra đi rao giảng minh chứng về những điều mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận về Đấng Phục Sinh.

Chính sự cứng lòng tin của các Tông Đồ và môn đệ mà đức tin của chúng ta được củng cố chắc chắn hơn. Đây cũng là điều giúp chúng ta phân định đâu là thật đâu là giả về những thứ mặc khải ngày hôm nay được tuyên truyền nhan nhản khắp nơi. Nếu mặc khải nào cho thấy Chúa Giêsu trong Thánh Kinh, trong các bí tích và theo hướng dẫn của Giáo Hội được Chúa Giêsu ủy thác thì tin, còn những tin đồn không qua huấn quyền Giáo Hội thì nên tránh xa. Tuy nhiên, không ít trong chúng ta lại dễ bị những thứ lạ lẫm kia mê hoặc.  Và điều quan trọng hơn hết là tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà là phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như trong bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều đó: Sau khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thật vậy, niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho muôn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục Sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.

*******

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (Ga 21, 8)

Theo trình thuật của tác giả Tin Mừng thứ IV, cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh hôm nay với các môn đệ là lần hiện ra thứ ba (số đông) sau khi từ cõi chết sống lại. Cuộc hiện ra với nhiều môn đệ lần thứ ba này không còn ở Giêrusalem nữa, mà là về miền Bắc nơi có biển hồ Galilê, theo như những gì Người đã báo trước.Galilê là nơi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng và chọn các môn đệ, thì nay, sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ bắt đầu từ đây mà làm chứng cho Người “bắt đầu từ Galilê cho đến tận cùng trái đất”.

Theo tường thuật của tác giả Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một số chi tiết mang tính biểu tượng sau đây:

- Tin mừng kể rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, cho tới sáng Chúa hiện ra và bảo hãy thả lưới vào bên phải mạn thuyền. “Thả lưới vào bên phải thuyền” thiết nghĩ không có gì mới, và những tay nghề như Phêrô hay Anrê có lẽ cả đêm cũng đã thả lưới đủ bên trái hay bên phải rồi. Thực ra, những chi tiết như “vất vả suốt đêm”, “trời sáng Chúa Giêsu đến” và “thả bên phải mạn thuyền” mang ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt hình ảnh “bên phải mạn thuyền” gợi nhớ sự kiện một tên lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn phải Chúa Giêsu làm máu và nước chảy ra. Với sức riêng ỷ lại vào khả năng mình và mò mẫm trong bóng tối, công việc truyền giáo (bắt cá) của các môn đệ hoàn toàn thất bại, cho tới khi có ánh sáng Đấng Phục Sinh đến, và khi bắt đầu truyền giáo bằng Tình Yêu từ cạnh sườn của Đấng Phục Sinh thì kết quả mới bội thu.

- Chi tiết khi các môn đệ bước lên bờ, thì đã có cá nướng sẵn, nhưng Chúa Giêsu bảo đem cá các ông vừa mới bắt được đến nữa cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đấng Phục Sinh không dọn sẵn cho các môn đệ tất cả, nhưng cần sự cộng tác của các ông. Thiên Chúa ghi nhận công lao vất vả của con người, để cùng kết hợp trong hy tế của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.

- Cuối cùng, hình ảnh tông đồ trưởng Phêrô khoác áo vào và nhảy xuống biển, cũng gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu mang lấy chiếc khăn để quỳ xuống rửa chân, nhiệm ý diễn tả các sứ giả Tin Mừng là phải mang lấy sự phục vụ của Chúa để đến với mọi người giữa biển đời bao la.

Tóm lại, rao giảng về Đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim (cạnh sườn) Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

********

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin dạy chúng con biết làm cho ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu toả trên mọi người bằng chính đời sống phục vụ của chúng con. Amen.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24, 36)

Hôm nay thánh Luca kể chuyện hai môn đệ trên đường Emmau quay về hỉ hứng kể cho đồng môn nghe đã gặp Thầy sống lại, thì các vị ở nhà cũng khoe là Simon Phêrô cũng đã gặp Thầy… Các vị chưa kịp ăn mừng (dù cá đã nướng, rượu đã sẵn) thì Thầy Giêsu hiện đến chia vui, làm cho các ông giật mình và hoảng hốt tưởng là ma. Các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo. Như vậy, không thể hiểu biết cách viên mãn về Đấng Phục Sinh, nếu không chịu lắng nghe Lời Chúa, cụ thể là qua những gì được chép trong Thánh Kinh.

Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo. Thật vậy, muốn rao giảng Lời Chúa mà không biết gì về Thánh Kinh thì làm sao rao giảng đúng được? Không có Chúa thì làm sao đem Chúa đến cho tha nhân được. Đành rằng cần đời sống chứng nhân, nhưng đời sống chứng nhân đó phải phát xuất từ một con người đầy Chúa, mà chỉ có Thánh Kinh mới nói về Thiên Chúa đúng nhất. Mãi mãi, câu nói của thánh Hiêronymô vẫn luôn giá trị: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.

*****

Lạy Chúa, ngày xưa trước khi Chúa sai các tông đồ đi rao giảng và làm chứng cho Chúa, Chúa đã mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh; thì giờ đây, xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con, để chúng con am hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, hầu có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay đã vỡ mộng tất cả sau cái chết của Thầy. Các ông trở về quê để tìm lại kế sinh nhai, mang theo một nỗi ê chề chán chường và xấu hổ với gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. Đấng Phục Sinh đã đến đồng hành với họ suốt quãng đường dài để giúp họ quay về với Người để lãnh lấy sứ vụ chứng nhân phục sinh.

QUA TRÌNH THUẬT, CHÚNG TA THẤY NỔI BẬT LÊN NHỮNG ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG SAU ĐÂY:

- Lời Chúa đóng vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh tâm hồn trong cơn thất vọng. Chúa Giêsu đã dùng Thánh Kinh để giải thích cho các ông hiểu con đường của Người phải đi qua là con đường thập giá.

 - Chúa Giêsu đã đồng hành và giải thích Lời Chúa, và nhờ đó mà lòng các môn đệ bừng cháy lên. Như thế, muốn giúp đỡ phải đồng hành, khi đồng hành thì nói lời Chúa chứ không phải lời mình. Giảng lời Chúa phải giúp tâm hồn tín hữu bừng cháy lên…

 - Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Thánh Thể là mối dây hiệp nhất, đưa người môn đệ trở về với cộng đoàn. Rước Thánh Thể là nhận ra và gặp được Đấng Phục Sinh và giao hoà với anh em.

 - Điều quan trọng hơn cả là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, người môn đệ không đi theo lối mình thất vọng nữa, mà quay lại với cộng đoàn, tìm gặp gỡ đồng môn và cùng nói về Đấng Phục Sinh, để từ đó ra đi loan báo Tin Mừng.

Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay sau khi cảm nhận được ánh sáng Phục Sinh cũng biết bỏ con đường cũ mà quay trở về với Chúa, với cộng đoàn và với anh em, cùng nhau kể lại cảm nghiệm gặp Chúa và những gì Chúa làm cho chúng ta. Đồng thời loan báo Chúa Phục Sinh cho mọi người trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta gặp gỡ.

 *******

Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho con được gặp Ngài. Đặc biệt khi chúng con phải chán chường thất vọng, xin Ngài hãy đến đồng hành và nâng đỡ chúng con. Amen.

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20, 18)

Tin Mừng hôm nay kể chuyện cô Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”

Thật vậy, nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; và hôm nay Maria Mácđala đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến. Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng - làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.

******

Lạy Chúa, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát, và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó. (Mt 28, 10)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện giả dối dùng tiền để mua chuộc, lấp liếm thông tin và xuyên tạc sự thật của giới chức Do-thái giáo về sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật.

Qua sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do-thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ảnh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn. Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt, những người Kitô hữu và những người dám sống thật thường luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.

Noi gương các môn đệ, chúng ta chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện. Ngược lại, nếu chúng ta cũng như những tên lính xưa, vì quyền lợi và tiền của mà chối bỏ sự thật hoặc che giấu nó, thì thật nguy hại cho đời sống đức tin biết chừng nào.

********

Lạy Chúa, xin cho chúng con một niềm xác tín rằng Chúa đã Phục Sinh, để chúng con dám đối diện với bất công, dối trá, và không ngại làm chứng cho Sự Thật. Amen

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

LỄ CHÚA PHỤC SINH


Chúng ta đang cùng với Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa Phục sinh, là một trong những mầu nhiệm cốt lõi của đức tin Kitô Giáo. Tuy nhiên đối với nhiều người, thì việc Chúa sống lại từ cõi chết vẫn là điều khó chấp nhận, dù trong cuộc sống họ cũng đã nghe có những người hồi sinh. Còn đối với người Kitô hữu để đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này cần phải có sự trợ giúp đặc biệt của ơn Chúa và thái độ khiêm nhường đón nhận của mỗi người. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng Gioan đã kinh nghiệm và đã kể lại cho chúng ta. Tác giả Tin Mừng cho thấy, sở dĩ hai ông và các tông đồ khác rơi vào hoảng loạn sợ hãi trước cái chết của Chúa là bởi vì các ông đã chưa tin vào lời Kinh Thánh, vì theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Như thế để đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh thì điều hết sức quan trọng đó là phải tin vào Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đã nói về Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa và nói về cái chết cùng sự phục sinh của Ngài. Tin vào Kinh Thánh là tin vào Đức Giêsu và những lời giảng dạy của ngài, cùng thực hành những huấn lệnh của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng đón nhận được tin vui phục sinh của ngài.

Nếu như ngày xưa Phêrô và Gioan đã tin vào Đức Giêsu và mầu nhiệm phục sinh, là vì các ông là những người yêu Chúa và là những người được Chúa yêu, thì ngày hôm nay, nhờ Chúa yêu và nhờ việc đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta cũng sẽ có thể đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này vào trong cuộc đời của mình, Chúa phục sinh sẽ củng cố đức tin cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết khiêm tốn đón nhận sự chỉ dạy của Ngài. Để đón nhận được mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta còn cần phải ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ dạy của Giáo Hội, hãy có thái độ khiêm nhường như Gioan, hãy bước theo sau những lời dạy và lời chứng của Giáo Hội. Đừng bao giờ đi ra ngoài sự chỉ dạy của Giáo Hội, và cũng đừng kiêu căng cho mình khôn ngoan hơn Giáo Hội và đừng muốn đi trước Giáo Hội, nhưng hãy khiêm tốn để đón nhận sự dạy bảo của giáo Hội, vì giáo Hội là Mẹ, là Thầy của chúng ta trong đức tin, và Giáo Hội đang từng ngày trình bày đức tin cho chúng ta, nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng Lời Chúa và bằng các Bí tích mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội.

Sau cùng để đi đến xác tín sâu xa trong đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh, thì cần phải thường xuyên đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh. Đừng bao giờ cho rằng Kinh Thánh là cuốn sách lỗi thời, và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ dành cho một số người nào đó, nhưng trái lại hãy siêng năng đọc và lắng nghe lời Kinh Thánh mỗi ngày trong thánh lễ, trong các giờ kinh gia đình, hãy để cho lời Kinh Thánh uốn nắn và sửa dạy đời sống chúng ta, hãy để cho lời Kinh Thánh trở thành người bạn đồng hành và dẫn đường trong hành trình đức tin và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Vì Kinh Thánh chính là Lời của Chúa, lời có sức cứu độ, thánh hóa và biến đổi chúng ta. Mừng lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, xin cho niềm tin này ngày càng trở nên vững mạnh trong cuộc đời mỗi tín hữu và biến đổi chúng ta nên những nhân chứng sống động cho mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa qua gương mặt, qua đời sống vui tươi và hy vọng của mỗi chúng ta, để mỗi người khi gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta, họ có thể cảm nhận được Đấng Phục sinh đang hiện diện và chi phối cuộc đời chúng ta.

*******
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

ĐÊM VỌNG PHỤC SINH


Chúng ta đang sống trong bầu khí linh thiêng của đêm Vọng Phục Sinh. Đêm nay, bóng tối của sự chết đã bị đẩy lui, ma quỷ đã đầu hàng, đây là đêm của sự chiến thắng, đêm khởi đầu cho sự sống mới. Hằng năm, Giáo Hội cử hành đêm Vọng Phục Sinh như đêm canh thức đợi chờ trong hy vọng và hân hoan. Khởi đầu cho đêm canh thức này là bản trường ca Exultes ca tụng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu trỗi dậy, vượt thắng sức mạnh của ma quỷ và thần chết, đem lại cho nhân loại niềm hy vọng và sức sống mới. Như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát để cho cây lúa mới nẩy mầm làm nên mùa gặt mới nặng trĩu hạt vàng, Chúa Giêsu đã được chôn vùi trong lòng đất, đến ngày thứ ba, Ngài đã đạp mồ bước ra, mở ra cho nhân loại một thời đại mới.

Các bài đọc trong đêm nay giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Khởi đầu từ việc Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và trao cho con người quyền trông coi vũ trụ. Tuy nhiên, con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, quay lưng chống lại Thiên Chúa, phản bội tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không đành bỏ con người, trong lời tuyên phạt con rắn, Thiên Chúa đã hé mở cho con người một con đường sống, con đường hy vọng: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, … Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Ngài qua việc tuyển chọn Apbram và mời gọi ông từ bỏ quê hương để bước theo tiếng gọi của Chúa. Thiên Chúa đã thử thách đức tin của ông, đã đề nghị ông hiến tế người con trai duy nhất là Isaac cho Chúa. Dù vô cùng đau đớn, Apbraham đã thực hiện như lời Chúa truyền, đem con là Isaac đi sát tế. Thiên Chúa chỉ thử thách ông, Ngài đã trả lại cho Apbraham đứa con mà ông yêu quý. Câu chuyện cho thấy, nếu như Thiên Chúa đã thấu hiểu nỗi đau của Apbraham, đã trả lại cho ông Isaac, thì đến lượt mình, Ngài lại chấp nhận nỗi đau đứt ruột nát gan để trao Người Con Một cho nhân loại. Đức Giêsu đã chịu hiến tế, cái chết của Ngài đã trở thành của lễ đem ơn cứu độ cho nhân loại. Bài sách Xuất Hành làm nổi bật sự chiến thắng vinh quang của quyền năng Thiên Chúa. Khi ấy, dân Do Thái phải chịu cảnh nô lệ khổ cực bên đất Aicập, sống trong tăm tối nhục nhã. Thiên Chúa đã dùng các phép lạ để trừng phạt người Aicập và ra tay hùng mạnh đè bẹp chiến xa và kỵ binh của người Aicập. Thiên Chúa đã dùng Mose để đưa dân vượt qua Biển Đỏ, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Biến cố Vượt Qua này trở thành niềm tự hào, là biến cố ăn sâu vào tâm trí, đời sống đức tin và tôn giáo của dân Israel. Biến cố này còn là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa dùng Đức Giêsu, con của Ngài để dẫn nhân loại vượt qua bóng tối của đau khổ, tội lỗi và sự chết để bước vào ánh sáng vinh quang phục sinh.  Các bài đọc tiếp theo trong đêm canh thức chỉ cho chúng ta những cách sống để có thể cùng tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Mỗi người, nhờ Bí tích Rửa Tội, được dìm vào sự chết của Chúa Giêsu và cùng trỗi dậy trong sự phục sinh của Ngài. Vì thế, chúng ta được mời gọi thay đổi cuộc đời, sống con người mới, với tinh thần mới và hành động như con cái sự sáng. Mỗi người được mời gọi để sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần canh tân biến đổi nên con người mới. Thánh Thần sẽ giúp chúng ta giũ bỏ lại đàng sau quá khứ tội lỗi và sự chết để mang trong mình mầm sống phục sinh của Chúa Kitô.

TÓM LẠI: Chỉ khi mỗi người dám trút bỏ nếp sống cũ, mặc lấy con người mới, mang cái nhìn và cách cư xử mới, chúng ta mới có thể gặp Chúa Phục Sinh và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

*****
Cuộc sống của nhiều người còn bị đè nặng bởi gian dối, tiền bạc, của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo tin vui phục sinh cho anh em. Cuộc sống của nhiều gia đình đang bị đè nặng bởi nóng nảy cãi vã, bị trói buộc bởi giận hờn tranh chấp, ích kỷ, khiến cho cuộc sống gia đình căng thẳng, u ám buồn bã. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi những nấm mồ chết chóc tối tăm ấy, để đón nhận ánh sáng phục sinh của Chúa. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi và hướng dẫn cuộc sống chúng con, xin làm cho cuộc đời con tràn ngập niềm vui của Chúa Phục Sinh và biến chúng con trở thành những người loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị em. Amen.

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

THỨ SÁU TUẦN THÁNH


Đức Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)

Thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta cùng nhìn lên thánh giá, chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đinh, một vị vua Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại. Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta. Điểm cốt yếu là:
- vị vua Giêsu chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là           người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.

- vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Ngài, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người. Một vị vua nhân từ và yêu thương.

- một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.

Thật vậy, Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi quỳ hôn chân thập giá, suy tôn Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.

******

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hy sinh, để chúng con cũng biết hiến thân phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen.